PHÂN TÍCH CHUYÊN SÂU: Những rủi ro chính mà các ngân hàng phải đối mặt và những gì người Mỹ có thể làm
Trong khi mối đe dọa về sự lây lan tài chính đã giảm bớt sau cuộc khủng hoảng ngân hàng do sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), các chuyên gia cảnh báo rằng vẫn còn đó những rủi ro mà các ngân hàng Hoa Kỳ phải đối mặt mà người Mỹ nên lưu tâm.
Sự sụp đổ của SVB đã gây ra những làn sóng chấn động trong lĩnh vực ngân hàng Hoa Kỳ, một cuộc khủng hoảng niềm tin, và một sự tăng tốc của dòng tiền gửi bị rút ra.
Dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy trong những tuần kể từ khi SVB sụp đổ hôm 10/03, các ngân hàng thương mại ở Hoa Kỳ đã chứng kiến một lượng tiền gửi hơn 350 tỷ USD được rút đi.
Mặc dù đó chỉ là một phần nhỏ trong cơ sở tiền gửi 17.3 ngàn tỷ USD tại các ngân hàng Hoa Kỳ, nhưng áp lực rút tiền ra rất lớn, đặc biệt là từ các ngân hàng nhỏ hơn.
Trong tuần đầu tiên sau sụp đổ của SVB, những khoản tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ hơn 25 ngân hàng lớn nhất đã giảm 119 tỷ USD, một mức giảm kỷ lục.
‘Điểm yếu căn bản’
Tình trạng hỗn loạn này xảy ra sau sự sụp đổ của SVB đã khiến các giới chức tài chính gấp rút thông qua các biện pháp như một khả năng [dễ dàng] cho vay ngân hàng khẩn cấp từ Cục Dự trữ Liên bang để các ngân hàng có thể đáp ứng nhu cầu rút tiền của người gửi tiền và ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng.
Mặc dù dòng tiền gửi bị rút ra đã ổn định trong vài tuần qua, nhưng khu vực ngân hàng Hoa Kỳ vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.
Ông Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ phòng hộ Tressis, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử: “Khu vực ngân hàng Hoa Kỳ tiếp tục có những điểm yếu căn bản đã được kiềm chế do việc cấp thanh khoản và các khoản cho vay ngắn hạn.”
Ông Lacalle nói thêm: “Tuy vậy, vấn đề cốt lõi vẫn là: cơ sở tài sản sinh lời đã bị phá hủy sau nhiều năm lãi suất thực âm.”
Lãi suất thực âm xảy ra khi lãi suất danh nghĩa — lãi suất thường được các ngân hàng niêm yết đối với các khoản cho vay và các sản phẩm tài chính khác — thấp hơn tỷ lệ lạm phát. Các ngân hàng gặp khó khăn hơn trong việc thu được lợi nhuận khi lãi suất thấp.
Trước khi giá cả tăng vọt buộc Fed bắt đầu tăng lãi suất hồi tháng 03/2022, đã có một khoảng thời gian hơn một thập niên khi ngân hàng trung ương mở rộng bảng cân đối kế toán bằng cách mua chứng khoán chính phủ, đẩy lãi suất xuống gần bằng 0, và tràn ngập nền kinh tế bằng tiền rẻ.
Các nhà phân tích cho rằng nhiều ngân hàng đã chấp nhận thêm rủi ro để tăng lợi nhuận đầu tư trong những năm lãi suất rất thấp và một số ngân hàng có thể đã không phòng ngừa được rủi ro lãi suất tăng.
Ông Ben Johnston, giám đốc điều hành của Kapitus, một nhà cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử: “Dòng tiền gửi được rút ra cũng đã buộc các ngân hàng phải bán lỗ các tài sản mà họ dự định giữ đến ngày đáo hạn để tạo ra lượng tiền mặt cần thiết để trang trải cho việc rút tiền gửi.”
Ông nói thêm: “Những khoản lỗ này đã làm giảm giá trị vốn chủ sở hữu của các ngân hàng, làm suy yếu khả năng chịu đựng những tổn thất trong tương lai của họ, và khiến các cơ sở khách hàng của họ lo lắng. Mặc dù nỗi sợ hãi trong hệ thống ngân hàng đã lắng xuống, nhưng những rủi ro này vẫn chưa biến mất.”
Mới đây, nhà đầu tư Warren Buffett đã dự đoán rằng “chúng ta chưa vượt qua được các vụ sụp đổ ngân hàng,” trong khi ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan, đã viết trong một bức thư gửi các cổ đông rằng ngay cả khi cuộc khủng hoảng hiện tại đã qua đi, thì “vẫn sẽ có những hậu quả từ đó trong nhiều năm tới.”
Ông Dimon viết, “Cuộc khủng hoảng hiện nay đã bộc lộ một số điểm yếu trong hệ thống này,” đồng thời cho biết thêm rằng nước Mỹ đang phải đối mặt với một loạt “vấn đề khác thường và phức tạp.”
Trao đổi với The Epoch Times, một số chuyên gia đã trình bày chi tiết một số lỗ hổng vẫn còn tồn tại trong khu vực ngân hàng Hoa Kỳ và khuyến nghị những gì mà người Mỹ có thể làm để giảm thiểu một số rủi ro này.
Rủi ro lãi suất
Một khoản lỗ trị giá 1.8 tỷ USD mà SVB đã phải gánh chịu khi thanh lý danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21 tỷ USD vốn đã giảm giá trị do Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất đã dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng này.
Ông Michael Collins, một giáo sư tại Đại học Endicott và là Giám đốc điều hành của Wincap Financial, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử rằng khu vực ngân hàng của Mỹ tiếp tục đối mặt với những rủi ro từ việc tăng lãi suất cao hơn nữa, điều mà các quan chức Fed cho rằng có khả năng xảy ra.
“Khu vực ngân hàng Hoa Kỳ cần tăng cường hệ thống quản lý rủi ro nội bộ của mình, tăng cường an ninh mạng, và tập trung vào việc cải thiện các chiến lược quản lý vốn,” ông nói. “Họ cũng cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý để bảo đảm rằng họ có thể tuân thủ các quy định một cách hiệu quả và thiết thực.”
Ông Collins nói thêm rằng, ở một cấp độ cá nhân, “Người Mỹ có thể giảm thiểu khả năng gặp phải những rủi ro này bằng cách bảo đảm rằng họ chọn một ngân hàng có lịch sử tốt về bảo mật và tuân thủ, cũng như một ngân hàng được quản lý tốt và có tài chính lành mạnh.”
Một trong những ngân hàng không bảo đảm an toàn trước rủi ro lãi suất là SVB. Một cơ quan quản lý hàng đầu của Hoa Kỳ đã nói với một ủy ban của Thượng viện hồi cuối tháng Ba rằng SVB đã làm một công việc “tệ hại” trong việc quản lý rủi ro trước khi sụp đổ.
Ông Michael Barr, phó chủ tịch phụ trách giám sát của Fed, đã chỉ trích SVB về cách họ lập mô hình rủi ro lãi suất, điều mà ông cho rằng “hoàn toàn không phù hợp với thực tế.”
Ông Barr nói thêm rằng các giám sát viên của Fed đã cảnh báo các vấn đề này với ban giám đốc ngân hàng, nhưng những vấn đề đó đã không được giải quyết.
Ông nói: “Những rủi ro ở đó, các cơ quan quản lý đã nêu ra cho họ, nhưng ngân hàng này đã không hành động.”
Khi lãi suất tăng, việc này ảnh hưởng đến giá trị thị trường của các tài sản, đặc biệt là chứng khoán có thu nhập cố định như công khố phiếu chính phủ. Nếu lãi suất tăng nhanh, các ngân hàng có thể bị thua lỗ đối với tài sản định giá theo giá thị trường của họ, dù cho các khoản lỗ đối với tài sản giữ đến ngày đáo hạn của họ có thể không được phản ánh trong các báo cáo tài chính của họ cho đến khi những tài sản đó đến kỳ đáo hạn.
Ông Chris Ainsworth, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Pave Finance, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tủ: “Vì Fed đã tăng lãi suất quá nhanh trong năm qua, nên sẽ có không có sự tương thích giữa tài sản được đánh giá theo thị trường và tài sản không được đánh giá theo thị trường, bởi vì những tài sản này được giữ đến ngày đáo hạn. Nhiều ngân hàng đang ở trong tình huống này.”
Khả năng dễ dàng cho vay khẩn cấp của Fed được khai triển sau sự sụp đổ của SVB sẽ cho các ngân hàng vay dựa trên tài sản bảo đảm với mệnh giá thay vì với giá trị được đánh giá theo thị trường của các khoản nắm giữ. Theo ông Ainsworth, điều này sẽ bảo đảm cho các ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn mà họ có thể không sẵn sàng nhận lấy trước khi khai triển chương trình này.
Tuy nhiên, ông Ainsworth cho biết, lãi suất tăng “sẽ tiếp tục gây ra căng thẳng cho các công ty và những người đi vay khác, những người phải điều chỉnh lãi suất vào nửa cuối năm.”
Ông nói thêm: “Có một lượng lớn địa ốc thương mại và trái phiếu doanh nghiệp sẽ được thiết lập lại ở mức lãi suất cao hơn nhiều, khiến người đi vay khó thực hiện các nghĩa vụ của mình.”
Ông nói: “Điều dễ dàng nhất mà mọi người có thể làm để tự bảo vệ mình là giữ tiền mặt mà họ cần tiếp cận trong một quỹ thị trường tiền tệ của chính phủ.”
Mặc dù các quỹ thị trường tiền tệ của chính phủ thường trả lãi suất thấp hơn một chút so với các quỹ thị trường tiền tệ khác, nhưng lại mang đến sự bảo đảm bổ sung vì các quỹ này được bảo đảm để không phá vỡ giá trị tài sản ròng (NAV) là 1 USD trên mỗi cổ phiếu.
Một số quỹ thị trường tiền tệ có một “NAV thả nổi,” nghĩa là giá cổ phiếu của họ có thể dao động dựa trên những thay đổi về giá trị thị trường của tài sản cơ sở.
Các thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất một lần nữa trong chu kỳ lãi suất này. Nếu lạm phát tỏ ra dai dẳng hơn, Fed có thể đưa lãi suất lên cao hơn nữa.
Ông Johnston nói với The Epoch Times: “Việc tăng lãi suất tiếp nữa sẽ tiếp tục làm suy yếu cơ sở tiền gửi, khả năng sinh lời, và vị thế vốn của nhiều ngân hàng Hoa Kỳ.”
Ông cũng cho biết các khách hàng doanh nghiệp khó có thể tiên lượng được một mức độ rủi ro lãi suất của một ngân hàng nhất định.
Ông nói thêm, “Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên có nhiều mối quan hệ với ngân hàng và giữ đủ tiền tại mỗi định chế này. Điều này sẽ bảo đảm được khả năng tiếp cận tiền trong ngắn hạn nếu một ngân hàng phá sản.”
Ông Faron Daugs, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Tài chính Harrison Wallace, đã nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử rằng ông hy vọng các ngân hàng lớn hơn của Hoa Kỳ hầu như không bị ảnh hưởng bởi việc lãi suất tăng mạnh trong năm qua.
Ông Daugs cho biết các ngân hàng nhỏ hơn phải đối mặt với rủi ro đáng kể vì họ có ít sự đa dạng hóa trong cơ sở tiền gửi và cho vay hơn so với các đối tác lớn hơn.
Ông Daugs tin rằng một mối lo lớn hơn rủi ro lãi suất đối với các ngân hàng là sự liên quan của các ngân hàng này đến địa ốc thương mại.
Địa ốc thương mại
Một số nhà phân tích đã cho rằng một trong những mối quan tâm lớn nhất mà các ngân hàng thương mại Hoa Kỳ phải đối mặt hiện nay là sự liên quan tới thị trường địa ốc thương mại.
Nhà đầu tư tỷ phú Howard Marks cho biết trong một bản ghi nhớ rằng một làn sóng vỡ nợ thế chấp sắp xảy ra có thể gây thêm căng thẳng cho khu vực ngân hàng Hoa Kỳ.
Ông Marks cho biết: “Chúng tôi rất có thể sẽ chứng kiến các vụ vỡ nợ thế chấp xuất hiện trên các bản tin hàng đầu, và ở một mức tối thiểu, điều này có thể khiến những nhà cho vay sợ hãi, trì hoãn quá trình cấp vốn và tái cấp vốn, đồng thời góp phần làm tăng cảm giác rủi ro.”
Ông nói thêm: “Những diễn biến theo các đường hướng này chắc chắn có tiềm ẩn làm tăng thêm bất kỳ sự căng thẳng nào có thể xảy ra trong những tháng tới.”
Trao đổi với The Epoch Times, ông Daugs nói rằng các chủ sở hữu địa ốc lớn phải đối mặt với những rào cản khi họ tìm cách tái cấp vốn cho một loạt khoản vay rất lớn từng được thực hiện khi lãi suất thấp hơn.
Ông nói: “Vấn đề lớn hơn trong năm nay là khoản tái cấp vốn và địa ốc thương mại trị giá 1 ngàn tỷ USD sẽ đến hạn trong năm nay.”
Lãi suất cực thấp đã dẫn đến các khoản vay địa ốc thương mại được cấp vốn với lãi suất rất thấp.
Ông nói: “Hiện nay các khoản vay này sẽ phải tái cấp vốn lại với mức lãi suất có thể cao hơn từ 3 đến 4 đến 5% so với trước đây, và nhiều người trong số đó sẽ không kham nổi mức lãi suất đó.”
Ông nói: “Mối lo ngại của chúng tôi là tiềm ẩn vỡ nợ và tịch thu tài sản để thế nợ, và đó là điều đang rình rập trong hệ thống ngân hàng lớn hơn mà chúng ta phải nhận thức được.”
Ông Daugs khuyên người Mỹ nên hiểu biết về các lĩnh vực mà họ đang đầu tư để giảm thiểu tác động của rủi ro đối với danh mục đầu tư của họ.
Ông nói, “Nếu quý vị lo ngại về sự biến động của một lĩnh vực nhất định, thì hãy tránh xa lĩnh vực đó và đợi cho đến khi một số vấn đề lắng xuống.”
Ông Jack Prenter, Giám đốc điều hành của Dollarwise, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử rằng ông cũng nhận thấy tiềm ẩn vỡ nợ đối với các khoản vay địa ốc thương mại. Tuy nhiên, đối với người Mỹ bình thường, thì rủi ro lớn hơn là có quá nhiều khoản nợ lãi suất cao.
Theo ông Prenter, khi lãi suất tăng và chi phí đi vay tăng, mọi người nên tập trung vào việc giảm nợ thẻ tín dụng và nói chung là thận trọng hơn trong việc vay thêm tiền.
Ông Prenter nói, “Hãy ngừng vay dài hạn để mua những chiếc xe mà quý vị không đủ khả năng chi trả. Giờ là lúc bắt đầu và cắt giảm chi tiêu của quý vị càng nhiều càng tốt.”
Ông Ari Rastegar, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Công ty địa ốc Rastegar, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử rằng một “rủi ro lớn” mà khu vực ngân hàng Hoa Kỳ vẫn phải đối mặt là tất cả các khoản cho vay trong lĩnh vực cho thuê văn phòng sắp đáo hạn.
Ông Rastegar nói rằng bây giờ là lúc “những người Mỹ bình thường cần phải thực sự theo dõi ngân sách của họ và thực sự bảo đảm rằng họ không chi tiêu quá mức với việc chi tiêu tùy ý.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times