Cụ ông 80 tuổi leo núi Phú Sĩ lần thứ 2,230. Vì sao ngọn núi này lại hấp dẫn đến vậy?
Một cụ ông 80 tuổi đến từ thành phố Numazu, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản, mới đây đã hoàn thành kỳ tích leo núi Phú Sĩ lần thứ 2,230. Ngoài cụ ông này, còn có rất nhiều người cũng thích leo núi Phú Sĩ. Ngọn núi này rốt cuộc có gì độc đáo mà thu hút nhiều người leo núi đến vậy?
Theo hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản, cụ ông Mikawa Shinnobu đã kiên trì leo lên đỉnh núi Phú Sĩ trong nhiều năm, nên cụ được đặt biệt danh là “ông Phú Sĩ.” Cụ đã chinh phục mục tiêu leo núi Phú Sĩ lần thứ 2,230 vào ngày 10/09 vừa qua.
Khoảng 4 giờ sáng ngày hôm đó, cụ Mikawa khởi hành từ đầu đường mòn ở thành phố Susono, tỉnh Shizuoka, và bắt đầu leo từ Đường mòn Fujinomiya. Đến khoảng 2 giờ chiều, cụ đã hoàn thành mục tiêu leo lên đến đỉnh ngọn núi. Những người leo núi khác đã giăng biểu ngữ để chúc mừng cụ.
Cụ Mikawa leo núi Phú Sĩ lần đầu tiên năm 42 tuổi, và sau đó bắt đầu thường xuyên leo núi ở tuổi 47. Từ giai đoạn nửa sau của tuổi lục tuần trở về sau, cụ chăm chỉ leo lên đỉnh ngọn núi hơn 200 lần một năm. Đến năm 75 tuổi, cụ đã leo lên đỉnh núi 2,000 lần.
Về việc leo núi Phú Sĩ lần thứ 2,230, trong một cuộc phỏng vấn, cụ Mikawa nói rằng: “Tôi tràn ngập cảm xúc. Niềm vui khi có thể thực hiện được ước mơ của mình là không gì sánh nổi.”
Mục tiêu tiếp theo của cụ là leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới, đỉnh Everest (còn được gọi là núi Chomolungma), vào tháng Năm năm sau.
Núi Phú Sĩ có gì độc đáo?
Theo Cục Du lịch Nhật Bản, núi Phú Sĩ không chỉ là một ngọn núi mà còn là biểu tượng văn hóa và kỳ quan địa lý của đất nước Nhật Bản.
Núi Phú Sĩ là đỉnh núi cao nhất Nhật Bản với độ cao 3,776m. Ngọn núi này được hình thành trong quá trình hoạt động phun trào của núi lửa khoảng 10 vạn năm trước. Hiện nay, khu vực núi Phú Sĩ đã trở thành thắng cảnh du lịch hấp dẫn du khách đến leo núi, cắm trại và thư giãn.
Khách du lịch và những người leo núi trong nước Nhất Bản và từ ngoại quốc đã không ngại đường sá xa xôi, đổ xô đến các tỉnh Shizuoka và Yamanashi để được thưởng lãm núi Phú Sĩ. Đối với người Nhật, ngọn núi này không chỉ là thắng cảnh du lịch, mà còn là biểu tượng tâm linh quan trọng và cũng là nguồn cảm hứng nghệ thuật.
Qua nhiều thế kỷ, người dân Nhật Bản đã thiết lập mối liên hệ tâm linh không thể tách rời với núi Phú Sĩ. Trước thời cận đại, núi Phú Sĩ được một số người tu hành chọn làm nơi tu tập khổ hạnh, và dân chúng khắp nơi đến đây hành hương. Nhiều ngôi đền dưới chân núi Phú Sĩ đã chứng minh tính quan trọng về tín ngưỡng và lịch sử của ngọn núi này.
Hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của núi Phú Sĩ có từ thời kỳ Edo (1603-1867). Các nghệ thuật gia như Katsushika Hokusai, bậc thầy về vẽ tranh ukiyo-e đương thời, đã sáng tác một loạt tác phẩm liên quan đến Núi Phú Sĩ. Những tác phẩm này mô tả diện mạo của Núi Phú Sĩ từ những góc nhìn và khung cảnh khác nhau. Qua đó, mọi người trên khắp thế giới có thể lĩnh hội được phong cách và diện mạo của núi Phú Sĩ, cũng như cuộc sống của người dân bản địa.
Trong “Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ,” một trong những tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Katsushika Hokusai, có một số bức tranh nổi tiếng được biết đến rộng rãi. Trong đó, phải kể đến bức tranh “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa.” Đây là bức tranh nổi tiếng nhất của ông, và cũng là một trong những tác phẩm nghệ thuật Nhật Bản nổi tiếng nhất thế giới. Bức tranh mô tả những chiếc thuyền đánh cá vượt qua những con sóng dữ, và nhìn ra phía xa xa chính là ngọn núi Phú Sĩ.
Ngoài ra, núi Phú Sĩ còn là một kỳ quan địa lý, vì nó là sản phẩm của núi lửa phun trào. Lần phun trào gần đây nhất của ngọn núi lửa này là vào năm 1707, kéo dài trong 16 ngày. Chính hoạt động núi lửa lần này đã hình thành nên núi Hoei (núi lửa phụ lớn nhất của núi Phú Sĩ), Ngũ Hồ Phú Sĩ dưới chân núi Phú Sĩ và nhiều hang động gần Aokigahara. Khu vực núi Phú Sĩ còn có nhiều suối nước nóng giàu khoáng chất, thu hút rất nhiều người tới tham quan.
Núi Phú Sĩ nằm trong ranh giới của Vườn quốc gia Fuji-Hakone-Izu. Nó được UNESCO chính thức đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới vào năm 2013.
Làm thế nào để leo lên núi Phú Sĩ?
Cục Du lịch Nhật Bản cho biết, mùa leo núi vào mùa hè hàng năm có khoảng 200,000 đến 300,000 người tham gia leo núi Phú Sĩ. Nhiều nhà leo núi lựa chọn leo lên đỉnh núi vào lúc mặt trời mọc, nghĩa là họ bắt đầu leo từ ngày hôm trước, nghỉ đêm trong túp lều trên núi, rồi bắt đầu leo lên đỉnh núi vào sáng sớm ngày hôm sau để có thể ngắm cảnh mặt trời mọc từ đường chân trời.
Theo tư liệu của trang web chính thức Leo núi Phú Sĩ (https://www.fujisan-climb.jp/en/index.html), núi Phú Sĩ tuy rất hấp dẫn, nhưng không phải là ngọn núi dễ leo. Vì vậy, những ai muốn leo lên ngọn núi này nên thu thập trước thông tin liên quan và chuẩn bị sẵn sàng.
Có tổng cộng bốn tuyến leo núi trên núi Phú Sĩ, đầu đường mòn chính nằm gần trạm thứ năm. Bốn tuyến đường leo núi này là Tuyến đường Yoshida ở phía tỉnh Yamanashi và các tuyến đường Subashiri, Gotemba và Fujinomiya ở phía tỉnh Shizuoka.
Những túp lều trên núi được xây dựng dọc theo những tuyến đường này và mở cửa cho công chúng trong mùa leo núi. Nếu leo núi ngoài thời gian mùa leo núi thì có thể sẽ gặp các vấn đề như tuyết tích tụ, điều này khá nguy hiểm.
Khi leo núi Phú Sĩ, người leo núi có thể lựa chọn leo nhanh hoặc leo chậm. Leo núi nhanh có nghĩa là leo suốt đêm không nghỉ, tuy nhiên leo quá nhanh có thể gây say độ cao và xác suất bị thương gia tăng, tỷ lệ rủi ro thường cao gấp ba lần. Vì vậy, trang web khuyến cáo mọi người nên leo chậm và ở lại qua đêm.
Muốn nghỉ lại ở lều trên núi, bạn phải gọi điện để đặt chỗ. Túp lều trên núi là nơi ở đơn sơ, chỉ có những trang thiết bị thiết yếu tối thiểu, không gian chật hẹp (chỉ đủ chỗ cho một người nằm), không có chỗ để rửa tay, tắm rửa vì nguồn nước rất quý giá.
Để leo núi Phú Sĩ thì cần được trang bị đầy đủ. Những đồ trang bị thiết yếu cần có quần áo ấm (ngay cả trong mùa hè, vì nhiệt độ trên đỉnh núi có thể giảm xuống âm vài độ C), áo mưa hai mảnh, đèn pha và nước uống v.v..
Về thời gian cần thiết để leo núi, trang web cho biết ngay cả tuyến đường ngắn nhất cũng phải mất 5 giờ để leo lên và 3 giờ để leo xuống. Khi xuống núi rất dễ bị té ngã dẫn đến bị thương, nên mọi người hãy chú ý đừng dùng hết sức lực khi leo lên.