Công ty Trung Quốc trúng thầu nâng cấp cảng biển quốc tế ở Quần đảo Solomon
Chính phủ Quần đảo Solomon đã trao một hợp đồng nâng cấp cảng biển quốc tế trị giá hàng triệu dollar cho công ty xây dựng lớn nhất của Trung Quốc.
Theo các nguồn tin chính phủ, Công ty Xây dựng Kỹ thuật Dân dụng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước là công ty duy nhất đấu thầu dự án này.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Mike Qaqara thuộc Bộ Phát triển Cơ sở Hạ tầng cho biết, “Hợp đồng này sẽ bao gồm việc nâng cấp cảng quốc tế cũ ở Honiara và hai cầu cảng nội địa ở các tỉnh.”
Hai dự án nâng cấp cảng này sẽ diễn ra ở các tỉnh Makira và Renbel. Thỏa thuận này là một phần trong dự án trị giá 170 triệu USD do Ngân hàng Phát triển Á Châu tài trợ.
Thông báo này được đưa ra gần một năm sau khi Bắc Kinh và giới lãnh đạo Quần đảo Solomon (dưới thời Thủ tướng Manasseh Sogavare) ký một hiệp ước an ninh cho phép binh sĩ, vũ khí, và quân hạm của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đồn trú trong khu vực.
Ảnh hưởng của Bắc Kinh trở nên sâu sắc
Mối bang giao giữa hai nước đã trở nên sâu sắc hơn với việc Bắc Kinh giành được các thỏa thuận thương mại ở quốc gia Thái Bình Dương này, trong khi đồng thời, tiếp tục xuất hiện những tiết lộ về ý định quân sự hóa khu vực này của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tháng 04/2021, một bức thư bị rò rỉ từ Công ty Kỹ thuật Dự án Quốc tế Avic tiết lộ rằng công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này đang tích cực tìm kiếm các địa điểm để phát triển cơ sở hạ tầng hải quân ở nước này.
Trong khi tháng Bảy năm đó, các tài liệu do Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Úc (Australian Broadcasting Corporation, ABC) phát hiện tiết lộ Tập đoàn Lâm nghiệp Trung Quốc — nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Bắc Kinh — cũng đang tìm kiếm các địa điểm để mua lại, bao gồm cả một đồn điền lâm nghiệp trên hòn đảo tròn trịa Kolombangara — địa điểm giao tranh ác liệt giữa quân Đồng minh và Đế quốc Nhật Bản trong Đệ Nhị Thế chiến.
Đồn điền này bao phủ hai phần ba hòn đảo và bao gồm 14,000 hecta (gần 34,600 mẫu Anh) rừng gỗ cứng, 24,000 hecta rừng được bảo vệ, những vùng đất bằng phẳng rộng lớn, một cảng nước sâu, và một đường băng thời Đệ Nhị Thế chiến.
Cuối tháng Tám, chính phủ Solomon đã đồng ý với khoản vay 448.9 triệu nhân dân tệ (66.15 triệu USD) từ Ngân hàng Xuất Nhập cảng Trung Quốc thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc để cấp vốn cho việc xây dựng 161 tòa tháp của đại công ty viễn thông gây tranh cãi Huawei.
Huawei đã bị ngăn không cho phát triển mạng 5G ở một số quốc gia phát triển vì những lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư.
Những lo ngại này một phần xuất phát từ học thuyết hợp nhất dân sự và quân sự của Bắc Kinh.
Theo học thuyết này, các phát triển lành tính hoặc phục vụ mục đích dân sự có thể được đổi mục đích sang dùng cho quân sự bao gồm nghiên cứu học thuật, công nghệ mới, và cơ sở hạ tầng như hệ thống cầu cảng hoặc viễn thông.
Quốc gia Thái Bình Dương Kiribati cũng đối mặt với sự dò xét sau khi đề nghị Bắc Kinh tiến hành một nghiên cứu khả thi để nâng cấp một đường băng cũ trên đảo Kanton.
Quần đảo Solomon và Kiribati được đánh giá cao nhờ vị trí chiến lược có khả năng mở rộng phạm vi hoạt động của Bắc Kinh vượt ra khỏi Biển Đông.
Đáp lại, các quốc gia dân chủ đã đẩy lùi [Trung Quốc] bằng những nỗ lực ngoại giao lớn trong khu vực này, cũng như thỏa thuận AUKUS.
AUKUS sẽ làm sâu sắc thêm mối bang giao giữa Úc, Hoa Kỳ, và Vương quốc Anh bằng cách hệ thống hóa một số liên kết đối tác quân sự hiện có và tạo ra những liên kết mới.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times