Hoa Kỳ đặt mục tiêu phân bổ hơn 7 tỷ USD viện trợ cho các đảo Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc
Hôm 23/03, một quan chức Hoa Kỳ cho biết, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đặt mục tiêu phân bổ 7.1 tỷ USD viện trợ cho ba quốc đảo Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ có quan hệ kinh tế và quốc phòng, trong một hành động nhằm chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực này.
Quan chức Bộ Ngoại giao Jane Bocklage đã trình bày tại một phiên điều trần trước quốc hội rằng yêu cầu ngân sách tài khóa 2024 của Tổng thống Joe Biden bao gồm 7.1 tỷ USD tài trợ cho các Quần đảo Marshall, Palau, và Liên bang Micronesia (FSM).
Khoản tiền này sẽ được thanh toán trong vòng 20 năm để gia hạn các thỏa thuận của Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA), cho phép Hoa Kỳ cung cấp viện trợ kinh tế cho ba quốc gia này để đổi lấy sự vận hành các căn cứ quốc phòng ở đó.
Bà Bocklage cho biết Hoa Thịnh Đốn đang nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán với ba quốc đảo này để gia hạn các điều khoản COFA dự kiến sẽ hết hiệu lực vào năm 2024 đối với Palau và cuối năm nay đối với Liên bang Micronesia và Quần đảo Marshall.
“Chúng tôi đang đặt mục tiêu là vài tuần, chứ không phải vài tháng,” bà nói. “Nếu không có các điều khoản trợ giúp kinh tế mới kể trên, thì chúng ta thực sự sẽ để cho ba quốc gia này mở đường cho hành vi cướp bóc và cưỡng chế.”
Bà Bocklage cho biết khoản tài trợ 7.1 tỷ USD này bao gồm 6.5 tỷ USD trợ giúp kinh tế trực tiếp và 634 triệu USD cho các chi phí chưa được tài trợ để mở rộng Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ ở Quần đảo Marshall, Palau, và Liên bang Micronesia.
Tháng trước, Hoa Thịnh Đốn cho biết họ đã ký một biên bản ghi nhớ với Liên bang Micronesia, trong đó đưa ra “sự hiểu biết chung đã đạt được về các cấp độ và loại hình trợ giúp của Hoa Kỳ trong tương lai” mà Liên bang Micronesia yêu cầu.
Đối đầu Mỹ-Trung ở Thái Bình Dương
Ba quốc gia này — được gọi là Các Quốc gia Liên kết Tự do (FAS) — đã phàn nàn rằng việc viện trợ không theo kịp các nghĩa vụ của Hoa Kỳ. Mặc dù họ vẫn hưởng lợi từ mối quan hệ thân mật với Hoa Thịnh Đốn, nhưng các nhà phê bình cảnh báo rằng việc không đạt được các điều khoản mới có thể sẽ thúc đẩy họ tìm đến chính quyền cộng sản Trung Quốc để được tài trợ hoặc tăng cường thương mại và du lịch.
Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP), một tổ chức tư vấn do liên bang tài trợ, cho biết trong một báo cáo vào tháng 09/2022 rằng Bắc Kinh nhận định sự can dự “có giới hạn” của Hoa Kỳ là một lỗ hổng chiến lược ở khu vực Đảo Thái Bình Dương và đã công khai về ý định lấp đầy lỗ hổng đó.
“Ngay cả một sự gia tăng khiêm tốn về nguồn lực ngoại giao cũng có thể nhận được một sự tiếp nhận nhiệt tình từ các quan chức khu vực,” báo cáo này nêu rõ, đây là kết quả của một dự án triệu tập một nhóm gồm 16 chuyên gia phỏng vấn các quan chức và chuyên gia các nước trong khu vực này.
Báo cáo này nêu rõ, khi cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng ở khu vực Thái Bình Dương, FAS mang đến một cơ hội duy nhất cho Hoa Kỳ, quốc gia có quân đội đang mở rộng thế trận lực lượng.
Báo cáo này còn cho biết, “Các quyền phòng thủ của Hoa Kỳ trong FAS mang đến những cơ hội duy nhất cho các cơ sở mới và việc phát triển cảng và phi trường lưỡng dụng. Mối quan hệ bền vững giữa Hoa Kỳ và FAS ngụ ý rằng nếu tình hình kinh tế hoặc an ninh của FAS ngày càng xấu đi thì sẽ có tác động lan tỏa đến các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ.”
Trong một cuộc giằng co ngoại giao, Bắc Kinh đã thuyết phục thành công một số quốc đảo ở Thái Bình Dương về phía mình. Sau khi Quần đảo Solomon và Kiribati chuyển liên kết ngoại giao của họ từ Đài Bắc sang Bắc Kinh, Đài Loan chỉ còn sự công nhận ngoại giao từ bốn quốc đảo Thái Bình Dương.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã ký nhiều thỏa thuận với một số quốc đảo Thái Bình Dương, chẳng hạn như Samoa và Quần đảo Solomon. Tuy nhiên, họ đã không thể khiến các quốc gia trong khu vực này ký một thỏa thuận kinh tế và an ninh sâu rộng hồi tháng 05/2022 do thiếu sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương.
‘Chiến tranh chính trị’ của ĐCSTQ
Nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm của Liên bang Micronesia, ông David Panuelo, đã đề nghị rằng quốc gia của ông nên chuyển từ Trung Quốc sang Đài Loan khi ông cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành “chiến tranh chính trị.”
Trong một bức thư dài 13 trang bị rò rỉ gửi tới Quốc hội Liên bang Micronesia hôm 09/03, ông Panuelo đã cáo buộc rằng Bắc Kinh đang cố gắng làm suy yếu chủ quyền của Liên bang Micronesia nhằm bảo đảm rằng nước này sẽ đứng về phía ĐCSTQ hoặc giữ thái độ trung lập trong một cuộc xung đột tiềm ẩn với Đài Loan.
Ông Panuelo, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ sau hai tháng nữa, cho biết: “Chúng tôi biết thêm rằng Liên bang Micronesia có một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn một cuộc xung đột như vậy, hoặc tham gia vào việc cho phép cuộc xung đột đó xảy ra.”
Ông nói thêm, “Chính trên cơ sở này mà hoạt động Chiến tranh Chính trị và Vùng Xám diễn ra trong biên giới của chúng ta; Trung Quốc đang tìm cách bảo đảm rằng, trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở Lục địa Thái Bình Dương Xanh giữa họ và Đài Loan, thì Liên bang Micronesia, tốt nhất là sẽ liên kết với CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] thay vì Hoa Kỳ, không thì ít nhất FSM phải lựa chọn không đứng về bên nào cả.”
Ông Panuelo cho biết cuộc chiến chính trị của ĐCSTQ trong Liên bang Micronesia bao gồm hoạt động công khai — chẳng hạn như liên minh chính trị và các biện pháp kinh tế — và hoạt động bí mật, như “hối lộ, chiến tranh tâm lý, và tống tiền.”
Bản tin có sự đóng góp của Venus Upadhayaya và Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times