Úc và Ấn Độ tái khẳng định sự phản đối thay đổi đơn phương ở Biển Đông
Úc và Ấn Độ đã cùng nhau kêu gọi một giải pháp hòa bình đối với vụ các tranh chấp lãnh thổ và bác bỏ việc sử dụng vũ lực ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã quyết theo đuổi các yêu sách của mình.
Hôm thứ Bảy (11/03), Thủ tướng Úc Anthony Albanese và người đồng cấp Ấn Độ, ông Narendra Modi, đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi các nước kiềm chế tham gia vào các hành động vốn có thể làm leo thang các tranh chấp trong khu vực này.
Hai nhà lãnh đạo trên nhấn mạnh rằng bất kỳ bộ quy tắc ứng xử nào ở Biển Đông đều phải “hiệu quả” và hoàn toàn phù hợp với các quyền hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào, kể cả những quốc gia không phải là các bên tranh chấp lãnh thổ.
Tuyên bố trên cho biết, “Các thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có thể thực hiện các quyền và tự do ở tất cả các vùng biển và đại dương phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không.”
Tuyên bố chung này được đưa ra sau một cuộc gặp gỡ giữa ông Modi và ông Albanese ở Ấn Độ hôm thứ Năm (09/03) và sau một cuộc họp giữa Bắc Kinh và các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Indonesia hôm thứ Tư (08/03).
Hôm Chủ nhật (12/03), Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Sidharto Suryodipuro cho biết quốc gia của ông và các thành viên ASEAN khác yêu cầu một bộ quy tắc ứng xử “hiệu quả, thực chất, và khả thi” đối với Biển Đông.
Theo hãng thông tấn Benar News, ông Suryodipuro nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi không muốn bộ quy tắc này chỉ là một tài liệu mà chúng tôi đồng thuần chỉ vì để đồng thuận mà thôi.”
Bộ quy tắc ứng xử này nhằm duy trì sự ổn định ở Biển Đông. Các quốc gia như Brunei, Malaysia, Việt Nam, và Philippines có các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh với Bắc Kinh, vốn tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ lãnh thổ dựa trên “đường chín đoạn” của họ.
Indonesia không xem mình là một bên đối với sự tranh chấp này, nhưng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển chồng chéo với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Bắc Kinh đã quyết thực thi các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông bằng cách khai triển các tàu tuần duyên và áp đặt các lệnh cấm đánh bắt cá, vốn đã dẫn đến nhiều sự phản đối từ các quốc gia khác.
Trong những ngày trước cuộc đàm phán này, hôm 04/03, Philippines cho biết nước này đã phát hiện tàu hải quân, tàu tuần duyên của Trung Quốc, và 42 tàu dân quân hàng hải bị nghi là của Trung Quốc gần đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng.
Lực lượng Tuần duyên Philippines cho biết, “Sự hiện diện trái phép liên tục của họ rõ ràng là không phù hợp với quyền đi lại tự do và là một sự vi phạm trắng trợn đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Philippines.”
Mối bang giao Úc–Ấn Độ
Úc và Ấn Độ đã cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh để giải quyết các thách thức chung, đồng thời cùng nhau hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở và thịnh vượng.
Tuyên bố trên cho biết, “Các thủ tướng đã đồng ý rằng, như một biện pháp thiết thực, Ấn Độ và Úc có thể tiếp tục khám phá việc tiến hành khai triển phi cơ từ các vùng lãnh thổ của nhau để xây dựng sự quen thuộc trong hoạt động và nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải.”
Ông Albanese cũng xác nhận rằng Úc sẽ đăng cai tổ chức cuộc tập trận quân sự chung của Ấn Độ năm nay, còn được gọi là Cuộc tập trận Malabar, ngoài khơi bờ biển Tây Úc.
Ông nói với các phóng viên: “Tôi vui mừng chính thức thông báo … rằng vào cuối năm nay, lần đầu tiên Úc sẽ tổ chức Cuộc tập trận Malabar, và Ấn Độ sẽ – cũng là lần đầu tiên – tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre của Úc.”
Theo ông Manoj Joshi, một thành viên xuất sắc thuộc Tổ chức Nghiên cứu Quan sát viên của New Delhi, mối bang giao ngày càng phát triển giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ là một phần không thể thiếu trong việc tái định hình mối bang giao Úc-Ấn Độ.
Điều này trái ngược với mối bang giao vài năm trước đây khi Ấn Độ từ chối vai trò của Hải quân Úc trong cuộc tập trận quân sự Malabar, mà Úc được phép tham dự chỉ với tư cách là một quan sát viên.
Theo Đài VOA, ông Joshi cho biết, “Giờ đây, cả Ấn Độ và Úc đều liên kết với Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đó thực sự là sự gắn bó liên kết các mối bang giao này.”
Úc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, và Nhật Bản là một phần của Đối thoại An ninh Tứ giác (Bộ tứ), vốn tìm cách chống lại những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thống trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong một hội nghị thượng đỉnh địa chính trị của Bộ tứ hôm 03/03, các nhà ngoại giao của Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, và Hoa Kỳ cho biết Bắc Kinh không có lý do gì để e sợ Bộ tứ này cả — miễn là chế độ cộng sản này “tuân thủ” các quy tắc quốc tế.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times