Có một truyền thống được gọi là tự do: Con người, Thời đại, Niềm tin
Một hành trình đạo đức từ luật mặc khải, Hiến pháp, đến chủ nghĩa tư bản
Có một vài từ mang nhiều ý nghĩa khác nhau mà các nghĩa đó lại mâu thuẫn lẫn nhau, ví dụ như từ “tự do.”
Ban đầu, tự do được hiểu là vô luật lệ. Đây là một quan niệm ngụy biện, bởi sự tự do thực sự phải tuân theo những quy tắc – nhất thiết phải công bằng, hợp luân lý, và thậm chí là tính siêu hình – và, giống như tất cả truyền thống lâu đời, những quy tắc ấy đã trải qua rất nhiều niên đại cho con người suy xét, để tạo ra trật tự văn minh giúp thoát khỏi thời kỳ hỗn loạn sơ khai.
Bối cảnh “Vô luật lệ” được mô tả một cách tiêu cực (mặc dù khá chính xác) trong phim “Max điên” – một thế giới không có luật pháp, trái luân lý, nơi mà người ta có thể chạy theo sự ích kỷ để chiếm đoạt mà không có sự ước thúc bản thân, ví dụ như: cướp và trộm tài sản của người khác, ngoại tình, hoặc tùy tiện làm hại những người xung quanh. Thông thường, những người theo thuyết bảo tồn truyền thống trên toàn cầu đã nhận thấy những hành vi như vậy là đáng ghê tởm; một số thậm chí còn đánh giá sai hoặc bêu xấu nền tự do của Tây phương dựa trên những cơ sở như vậy.
Tuy nhiên, những người am tường truyền thống Tây phương đều biết rằng những hành động như trộm cắp, ngoại tình và giết người không bao giờ có thể tạo ra tự do thực sự, mà chỉ đem đến điều ngược lại. Vì sự thật là, tuy có vẻ mâu thuẫn, nhưng tự do luôn phải đi kèm các quy tắc.
Nếu ý tưởng “tự do đi kèm với quy tắc” nghe có vẻ không hợp lý, cũng bởi vì nó vốn là như thế! Nhà triết học người Scotland David Hume đã viết: “Các quy tắc đạo đức vốn không dựa trên lý lẽ của chúng ta”. Một người có thể cho rằng nó “hoàn toàn hợp lý” để ăn cắp nhằm nuôi sống bản thân hoặc gia đình, ví dụ là vậy, nhưng trộm cắp vẫn là một hành vi phạm tội. Những tập tục và tục lệ này, có vẻ như không hợp lý, đều đã chứng tỏ tầm quan trọng không thể thiếu đối với một xã hội tự do. Do đó, chúng ta vô tình đạt được những phước lành của tự do bằng cách tuân theo những tập tục và quy tắc này.
Nhưng những tập tục này là gì? Chúng ta có thể tìm chúng ở đâu trong văn hóa phương Tây? Và chúng có liên hệ gì với “tự do”? Khám phá những câu hỏi trên chính là mục đích chính của bài viết này.
Nền tảng của Tự do trong Kinh Thánh
Sự truyền bá của truyền thống này được ghi lại sớm nhất ở một trong những cuốn sách cổ xưa nhất của loài người: Kinh Thánh. Sách Sáng Thế Ký viết rằng Đức Chúa Trời đã tạo nên loài người như hình dáng của Ngài, biểu thị rằng sự sống của con người là thần thánh và thiêng liêng. Chính vì thế, mục đích chân chính của cuộc sống cũng vô cùng thiêng liêng như vậy: yêu thương người khác như Thượng Đế yêu thương chúng ta, cứu rỗi người đồng loại và quay trở về Thiên đàng. Tính thần thánh và thiêng liêng này giải thích vì sao giết người là một tội ác (và bảo vệ sự sống là một quyền hiển nhiên), như chúng ta sẽ thấy dưới đây.
Một ví dụ khác trong Kinh Thánh: trong sách “Xuất Ê-díp-tô Ký”, nơi dân Y-sơ-ra-ên bị nô lệ dưới thời Pharaoh, đã được định sẵn họ sẽ được tự do bởi sự can thiệp của Đức Chúa Trời. Moses dẫn đầu đoàn người đi theo ông vào sa mạc, bị Pharaoh truy đuổi, băng qua Biển Đỏ, nơi dường như họ bị mắc kẹt, và đức tin của họ đã đặt đúng chỗ: Đức Chúa Trời đã tách nước ở Biển Đỏ để đoàn dân có thể băng qua bờ bên kia, sau đó hành lang nước đóng lại và nhấn chìm quân lính của Pharaoh.
Xuất Ê-díp-tô Ký nhắc đến sự tự do khỏi chế độ chuyên chế, nhưng cũng là một hình thức tự do khác – một hình thức giải quyết sự chênh lệch “có quy tắc và không có quy tắc”. Bởi vì, ở phía bờ bên kia của núi Sinai, Đức Chúa Trời đã ban cho Moses những tấm bảng đá có khắc Mười Điều Răn, trong đó có những lời mặc khải như “Ngươi chớ giết người” và “Ngươi chớ trộm cướp” – giải thích các quy tắc đạo đức từ thiên thượng. Nói cách khác, tự do không phải là quyền tuyệt đối, mà luôn phải đi kèm với các quy tắc đạo đức. Luật và những quy tắc đạo đức được Đức Chúa Trời tỏ ra cho con người biết như vậy được gọi là “luật mặc khải.”
Do đó, tự do được hiểu là: tự do khỏi chế độ độc tài nô lệ, và tự do tuân theo các quy tắc đạo đức.
Một ví dụ thứ ba nằm trong “câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể”: cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su. Bị buộc tội bởi tòa án La Mã, Ngài đã bị tra tấn và đóng đinh trên thập tự giá, mà theo lý giải trong Kinh Thánh, là để chuộc lại tội lỗi của toàn nhân loại (Chúa Giê-su đã được ví như “con chiên hiến tế” trong Lễ Vượt Qua, đã trừng phạt dân Y-sơ-ra-ên khỏi bệnh tật và cái chết ở Ai Cập), để con người có thể đạt được sự sống vĩnh hằng, quay trở về Nước Thiên đàng.
Mặc dù thắp lên ánh sáng khác về chủ đề tự do, việc đóng đinh phản ánh Xuất Ê-díp-tô Ký: khi ách nô lệ của tội lỗi con người – xiềng xích đối với sự sống vĩnh hằng, được Chúa Giê-su tháo gỡ, những nô lệ dưới thời Pha-ra-ôn được giải thoát trong Xuất Ê-díp-tô Ký. Trong cả hai trường hợp, các tín hữu đã được giải thoát để họ có thể tuân theo các luật đạo đức do Chúa của họ ban cho.
Tại đây, một lần nữa nhắc lại định nghĩa tự do: tự do khỏi điều xấu ác và tự do làm điều đúng.
Nói về Cơ Đốc giáo, chúng ta hãy nhìn sang những tín hữu Cơ Đốc ban đầu, những người đã theo bước chân của Chúa Giê-su và bị người La Mã bức hại trong 300 năm. Một vài người đã chịu chung số phận với Thầy của họ – bị đóng đinh trên thập tự giá. Cuộc đàn áp này ngày càng có hệ thống hơn khi nhiều thế kỷ trôi qua: tôn giáo bị coi là bất hợp pháp, với nhiều tín hữu Cơ đốc bị người La Mã phong làm những kẻ tử vì đạo. Tuy thế, những lời dạy từ Chúa Giê-su như “Yêu thương kẻ thù” và “Nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia ra nữa” đã được các môn đồ tuân theo và dẫn họ đến sự cứu rỗi.
Năm 313, Hoàng đế Constantine ra sắc lệnh Milan chấm dứt cuộc đàn áp Cơ Đốc giáo và tự mình cải đạo sang Cơ Đốc và năm 317. Không khó để thấy những điểm tương đồng ở đây: Như dân Y-sơ-ra-ên, với đức tin vào Chúa, đã được giải cứu, và như Chúa Giê-su đã cứu chuộc nhân loại, cũng như các Cơ Đốc nhân đầu tiên, họ cũng được cứu chuộc.
Một xu hướng khoan dung
Sắc lệnh của Hoàng đế Constantine dẫn đến sự hình thành các Nhà thờ Công giáo, mở rộng cửa cho tầng lớp chủ lưu, bao gồm cả những người có quyền lực và giới tinh hoa. Quyền lực của giáo hội cũng gia tăng trên khắp Âu châu. Tuy thế, các phong trào xã hội kêu gọi tự do lại khởi nguồn chính từ trong các giáo hội đó. Nhiều nhà lãnh đạo, quý tộc, nhà tư tưởng tôn giáo, và các nhóm ở Âu châu đã chống lại sự thống trị của giáo hoàng, ủng hộ một nền tự do tôn giáo đa nguyên hơn.
Vào khoảng thời gian ký kết Đại Hiến Chương (Magna Carta) năm 1215 – một khế ước lịch sử giữa Vua John và các lãnh chúa nước này, quy định giới hạn quyền lực của nhà Vua – Giáo hội Anh tuyên bố rằng các quyền tôn giáo đang bị xâm phạm bởi giáo hoàng, và yêu cầu rằng các biện pháp bảo vệ phải được viết vào thỏa thuận đó.
Ba thế kỷ sau, linh mục người Đức Martin Luther đã tiến hành phản đối nạn tham nhũng trong các nhà thờ Công giáo, phản đối việc bán các phép giải tội (trao đổi sự giải tội như các hàng hóa thông thường). Vào năm 1517, ông nổi tiếng vì đã treo Danh sách 95 Luận đề lên cửa Nhà thờ Các Thánh ở Wittenberg, bày tỏ sự bất bình của ông. Luther sau đó sẽ dẫn đầu một phong mãi mãi phá vỡ quyền thống trị độc quyền của Giáo hội đối với châu Âu, ủng hộ cách tiếp cận tự do hơn đối với tôn giáo – mang tính thuộc linh cá nhân hơn. Bất chấp sự phản đối từ Giáo hội, ông vẫn được nhiều người ủng hộ, và với sự ra đời của báo in giúp lan rộng hơn nữa quyền tự do ngôn luận, ý tưởng của ông được phổ biến rộng rãi và đón nhận trên khắp châu Âu, truyền cảm hứng cho cuộc cải cách Giáo hội và sự ra đời của đạo Tin lành.
Điều mà Luther và những người ủng hộ ông mong muốn không phải là tình trạng “không có luật lệ” mà là quyền tự do thực hành các giá trị đạo đức không thể bị xâm phạm.
Lần cải cách này đã thổi bùng một cuộc chiến tranh tôn giáo trên toàn cầu. Chiến tranh Ba Mươi Năm (từ năm 1618 đến năm 1648) và kết thúc bằng Hòa ước Westphalia vào năm 1648, đưa đến thời kỳ mới của sự khoan dung tôn giáo và giảm dần vị thế thống trị của giáo hoàng. Xuất phát từ phong trào do Luther khởi xướng, những người Thanh giáo Tin lành và những người theo Thần học Calvin tìm kiếm tự do tôn giáo, theo tiếng vang của Xuất Ê-díp-tô Ký, vượt Đại Tây Dương để trở thành trụ cột tại các vùng thuộc địa. Những quy phạm văn hóa và đạo đức họ mang theo trở thành nền tảng cho thử nghiệm vĩ đại nhất về tự do mà chúng ta từng chứng kiến: sự thành lập nước Mỹ.
Hệ thống Thông luật Anh: Nền tảng của Tự do
Hàng thế kỷ sau khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá, các nền văn minh Âu châu đều gọi Kinh Thánh Cựu ước lẫn Tân ước là “luật mặc khải” – hoặc là luật do Đức Chúa Trời ban cho. Dựa trên nền tảng này, hàng loạt tập tục pháp lý xuất hiện trên khắp châu Âu và phát triển qua nhiều thế kỷ. Dần dần, chúng được biên soạn một cách mơ hồ trong hệ thống pháp luật phong kiến để hình thành “thông luật” – thống nhất với luật mặc khải. Các tập tục này cùng với luật mặc khải đã thiết lập một tiền lệ mạnh mẽ cho tự do.
Trong hệ thống thông luật, các quy định pháp luật không được quốc hội biên soạn thành các bộ luật (như trong hệ thống dân luật hoặc luật quốc gia), mà được ghi nhận trong các tập quán địa phương của Âu châu thời kỳ đầu. Tại Anh, Vua Anglo-Saxon Alfred Đại đế (871 đến 899) là một trong những người đầu tiên tập hợp những tập quán này để tạo thành một hệ thống tư pháp chung. Ông đã ban hành một bộ luật có tên là “Sách Doom” có nội dung bao gồm Mười Điều Răn và các quy tắc đạo đức cho Cơ Đốc nhân. Vài thế kỷ sau, Đại Hiến Chương (Magna Carta) được ký kết vào năm 1215 đã củng cố hệ thống này; 500 năm sau đó, chúng được hệ thống hóa và giảng dạy bởi Ngài William Blackstone (từ năm 1723 đến năm 1780), người có tác phẩm “Bình luận về luật pháp nước Anh” (1765) đã trở thành nền tảng cho hệ thống pháp luật Hoa Kỳ.
Blackstone giải thích rằng hệ thống thông luật Anh vốn có gốc rễ “tự nhiên” và luật mặc khải, nhưng ông nhấn mạnh rằng luật mặc khải mới là hoàn hảo và tối cao. Ông đã viết rằng:
Nếu các lý lẽ của con người chúng ta đã luôn luôn, như thuở thủy tổ của loài người trước khi phạm tội, rõ ràng và hoàn hảo, không bị lay chuyển bởi ái tình, không bị che mờ bởi định kiến, không bị ảnh hưởng bởi bệnh tật và sự thiếu tiết độ, thì cuộc thảo luận đã trở nên thật dễ dàng và chúng ta cũng không cần thêm các chỉ dẫn khác. Nhưng mọi người giờ đây tìm thấy điều ngược lại trong kinh nghiệm của chính mình; lý trí đã trở nên bại hoại, quan niệm đầy dốt nát và sai lầm.
Điều này đã tạo cơ hội đa dạng cho sự can thiệp cần thiết theo an bài của Đức Chúa Trời, trong đó, với lòng trắc ẩn đối với sự yếu đuối, bất toàn và sự đắc chí mù quáng của lý trí con người, trong nhiều lần và bằng nhiều cách khác nhau, để khám phá và thực thi luật pháp của nó bằng sự mặc khải ngay lập tức và trực tiếp. …
Hiển nhiên rằng, luật mặc khải có độ đáng tin cậy vô hạn so với hệ thống quy tắc đạo đức kia, vốn được xác lập bởi luân lý từ con người, và hạ thấp luật tự nhiên. Bởi vì một cái là luật của tự nhiên, được Đức Chúa Trời tuyên phán một cách minh thị; cái còn lại chỉ là con người chúng ta, dựa vào lý trí và lý luận của mình, tưởng rằng nó là luật mà thôi.
Blackstone tiếp tục làm rõ rằng quyền hạn pháp lý của luật mặc khải và luật tự nhiên là cao hơn hẳn so với dân luật, vốn được viết bởi cơ quan lập pháp. Ông đã viết:
Phần quy định của luật của Hạt… không phụ thuộc quá nhiều vào luật mặc khải hay quy luật tạo hóa, mà phụ thuộc vào sự khôn ngoan và ý chí của nhà lập pháp. … Những quyền đó, quyền mà Đấng Sáng Thế và tạo hóa đã thiết lập, sau đó được gọi là quyền tự nhiên, ví dụ như quyền được sống và quyền tự do, không cần thêm sự trợ giúp của pháp luật về quyền con người để được áp dụng hiệu quả hơn, cũng như không cần nhận thêm sức mạnh nào khi được luật của Hạt thừa nhận để trở nên bất khả xâm phạm. Ngược lại, không có cơ quan lập pháp nào được quyền hạn chế hoặc hủy bỏ những quyền tự nhiên này, trừ khi chủ thể có quyền đã thực hiện một số hành vi dẫn đến việc bị tước bỏ các quyền này. Không một bổn phận thiêng liêng hoặc nhiệm vụ tự nhiên nào (ví dụ như thờ phụng Chúa, nuôi dạy con cái, và những điều tương tự) phải nhận bất kỳ hình phạt nào nặng hơn do luật của địa phương sở tại cũng tuyên bố là nghĩa vụ…..Đối với cơ quan lập pháp đó trong tất cả các trường hợp này chỉ hành động như trước đây đã được quan sát, phụ thuộc vào nhà lập pháp vĩ đại, ghi chép và công bố các nguyên tắc của Ngài. Vì vậy, về tổng thể, phần quy định của luật của Hạt không có hiệu lực trong việc xác định các hành vi là đúng hay sai, dưới góc độ tự nhiên và bản chất.
Ngoài việc vượt trội hơn so với luật pháp do con người ban hành, luật pháp của Đức Chúa Trời còn có tính toàn năng hơn các phán quyết của tòa án “… nơi mà phán quyết trước đây rõ ràng phần lớn là trái với luân lý; nghiêm trọng hơn nữa nếu nó trái với luật của Đức Chúa Trời,” Blackstone viết. “Vì nếu xét thấy quyết định trước đây hiển nhiên là vô lý hoặc không công bằng, thì tuyên bố rằng phán quyết đó không phải là một luật thiếu hoàn thiện, mà nó không phải là luật; nghĩa là, đó không phải là tập quán được thiết lập của một lĩnh vực, như đã được xác định một cách sai lầm.”
Do đó, trong sự kế thừa truyền thống thông luật, các bậc tiền nhân truyền cho chúng ta một cái khí áp kế để đo lường tính công bằng hoặc bất công của một hành động hoặc quy tắc, và sự sáng suốt để nhận định xem điều gì là mới đúng, với sự kêu gọi của lương tâm nhằm chống lại điều sai trái.
Tuy thế, luật dân sự phải được tuân theo, theo thông lệ, như việc chấp nhận từ bỏ một số quyền để đổi lấy lợi ích của việc sống trong một cộng đồng (như một bản khế ước xã hội) – nhưng chỉ khi chúng không vi phạm các quyền tự nhiên. Mặc dù chúng có thể được các chính phủ thực thi một cách mạnh mẽ, nhưng các sắc lệnh, luật dân sự và phán quyết, chúng ta nên nhớ, là luật thấp hơn, vô hiệu hoặc hoàn toàn không phải là luật khi trái với các luật cao hơn.
Ngày nay chẳng phải chúng ta đã chứng kiến những vi phạm trắng trợn như: các lệnh cấm y tế của chính phủ trong dịch bệnh tước quyền tự do tụ tập và thờ phượng sao? Các sắc lệnh ngăn cản sự phản đối các đạo luật hà khắc? Lạm dụng quyền của người dân để tự do lựa chọn chính phủ của họ? Cấm tự do ngôn luận mà không đưa ra biện pháp khắc phục? Giết người mà không bị trừng phạt? Khi những vi phạm này không được kiểm soát, thì giải pháp – kiến thức về tập quán – cũng biến mất. Với mỗi thế hệ, truyền thống của chúng ta dần bị biến mất khỏi trường học và nền báo chí bởi những người mà vì bất kỳ lý do gì, sẽ khiến chúng ta quên đi.
Đây là bài đầu tiên trong chuỗi ba bài “Một truyền thống được gọi là tự do: Con người, Thời đại, Niềm tin.” Phần 2 sẽ đi vào phân tích mối liên hệ giữa các cuộc cách mạng và tự do, bao gồm cả Cách mạng Hoa Kỳ.
Trường An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times