Cô Lương Ngọc, nghệ sĩ tỳ bà Shen Yun: Lựa chọn đứng về chính nghĩa thông qua nghệ thuật
Câu chuyện xúc động lấy bối cảnh tại Trung Quốc đại lục được thể hiện qua một vở múa trên sân khấu. Một cặp vợ chồng trẻ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vừa chào đón đứa con đầu lòng. Đáng lẽ, đây là một câu chuyện có hậu nhưng cặp vợ chồng sỡm đã bị chính quyền bắt cóc và tra tấn, còn đứa con mới sinh của họ trở thành một cô nhi.
Cô Lương Ngọc (Liang Yu), một nghệ sĩ đàn tỳ bà (hay còn gọi là đàn luýt Trung Hoa) đang sẵn sàng trong dàn nhạc, cô cảm thấy xúc động khi vở diễn bắt đầu.
“Bởi vì bản thân tôi cũng từng trải qua hoàn cảnh tương tự.” Cô Lương Ngọc chia sẻ trong một video được đăng tải trên Shen Yun Creations, một website mới của Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun.
“Tôi đã phải chứng kiến cảnh mẹ tôi bị bắt đi.”
Bị bức hại vì đức tin
“Tôi nhớ rất rõ.” Cô Lương Ngọc nói. Đó là mùa thu năm 1999. Cô và mẹ cô cùng một vài phụ nữ hàng xóm đi đến một công viên trong vùng để tập thiền định cùng với nhau.
Họ cùng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, một môn thiền định tinh thần theo nguyên lý chân, thiện, nhẫn cùng với 5 bài công pháp khoan thai. Đầu thập niên 1990, Pháp Luân Đại Pháp nhanh chóng lan rộng qua khẩu truyền, thu hút khoảng 70 đến 100 triệu người theo tập tại Trung Quốc Đại Lục trong vòng không tới 10 năm.
Cô Lương Ngọc kể, “Lúc đó, mọi người đang tập bài số 2.” Sau đó, cô thấy có gì đó bên ngoài công viên. “Tôi thấy một loạt xe ô tô và xe tải nhỏ chạy đến gần hơn và các nhân viên an ninh địa phương tràn tới chỗ chúng tôi. Tôi vô cùng sợ hãi. Tôi nhớ mình đã kéo khuỷu tay mẹ tôi. Tôi nói, ‘Mẹ ơi, họ sắp bắt mẹ!’”
Mọi chuyện diễn ra ngay trước mắt tôi. Những người đó càng lúc càng tiến đến gần hơn và sau đó họ lôi tất cả chúng tôi đi.”
Vào năm 1999, Giang Trạch Dân, lãnh đạo Trung Cộng lúc bấy giờ, đã ra lệnh tiêu diệt Pháp Luân Đại Pháp, hay còn được gọi là Pháp Luân Công. Hầu như chỉ trong một đêm, các học viên Pháp Luân Công bắt đầu bị vây bắt và bị giam giữ, bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức và trung tâm cải tạo, bị tra tấn; nhiều người bị tra tấn đến chết.
Bởi vì lúc đó Lương Ngọc còn nhỏ nên cảnh sát không hạ thủ bắt cô.
Cuối cùng, mẹ của Lương Ngọc cũng được trả tự do. Tuy nhiên, hơn hai năm sau, bà bị cầm tù 4 lần vì đức tin của mình.
Là một người có đức tin sống dưới chế độ của Đảng, mẹ của Lương Ngọc muốn con gái mình có một tương lai tốt đẹp hơn. Qua nhiều năm, bà đã khích lệ cô vốn là một nghệ sĩ đàn tỳ bà đầy tài năng ghi danh vào các chương trình hòa nhạc.
Như là định mệnh, một đoàn biểu diễn nghệ thuật lớn được thành lập tại Hoa Kỳ đặc biệt cần những nhạc công tài năng chuyên nhạc cụ truyền thống Trung Hoa, ví dụ như đàn tỳ bà.
“Khi tôi đang học tại Bắc Kinh, mẹ bảo tôi, ‘Mẹ có tin vui đây! Shen Yun đã nhận đơn ghi danh của con rồi. Bây giờ con có thể đi rồi.” Lương Ngọc chia sẻ.
Khi ba mẹ đến phi trường tiễn cô, Lương Ngọc biết rằng cô sẽ không được gặp lại ba mẹ trong một thời gian dài. Họ không nói gì, chỉ trao nhau nhiều điều qua ánh mắt lần cuối cùng và khoảnh khắc đẫm lệ.
Cô Lương Ngọc nói, “Tôi cảm thấy như mỗi bước đi giống như bước vào một thế giới khác – một thế giới cách biệt. Bước đi này thật khó bởi vì một số tiết mục của Shen Yun trực tiếp phơi bày cuộc đàn áp Pháp Luân Công.”
Đối với cô, đây là lý do cô tham gia đoàn nghệ thuật này – chính là dùng tài năng của mình để nói cho thế giới biết sự thật về cuộc đàn áp của Trung Cộng đối với những người có đức tin.
Song, điều này cũng khiến gia đình cô lại gặp rủi ro một lần nữa.
Cô nói, “Trung Cộng có vô số cách thức để khủng bố người dân và khiến cho cuộc sống của họ gặp khó khăn. Vì thế, tôi rất lo lắng cho sự an toàn của ba mẹ tôi. Tôi cảm thấy mình không bao giờ có thể gặp lại họ nữa, trừ khi cuộc đàn áp kết thúc thì tôi mới có thể quay về.”
Thời điểm đó, cô Lương Ngọc đã học được những bài học từ nền văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Cô nói, “Nhiều nhân vật lịch sử khi bắt đầu làm gì đó, họ không bao giờ suy xét xem việc đó sẽ thành công hay thất bại. Họ sẽ nhìn sự việc từ phương diện đạo đức.”
“Nếu điều đó phù hợp với đạo lý, thì họ sẽ làm. Nếu điều đó trái với lương tâm hay đạo đức của họ, ngay cả mang đến nhiều lợi ích, thì họ sẽ không làm. Tôi luôn nghĩ về điều này khi liên tưởng về cuộc đàn áp.”
Và, những trải nghiệm đau thương tại Trung Quốc đã khiến cô hiểu sâu sắc hơn về môn nghệ thuật mà cô theo đuổi và khả năng biểu diễn âm nhạc của mình.
Bổn phận của một nghệ sĩ
Chính mẹ của Lương Ngọc là người đã mở đường cho cô trở thành một nhạc công. Một ngày nọ, khi cô còn nhỏ, mẹ cô đưa cô đến một cửa hàng nhạc cụ và bảo cô chọn.
Lương Ngọc nhắm mắt lại, quay tròn và dừng lại, rồi chỉ tay vào loại nhạc cụ ở trước mặt cô. Nó có hình trái lê và cô quyết định chọn nó.
“Tôi nói với mẹ, ‘Chính là cái này. Nếu mẹ không cho con học cái này thì con sẽ không bao giờ học nữa.’” Cô kể lại.
Khi lên cấp hai, cô tham gia các cuộc thi cấp quốc gia và liên tục đoạt giải từ trung học đến đại học.
Vào thời điểm đó, cũng giống như nhiều nghệ sĩ trẻ chuyên nghiệp ngày nay, âm nhạc đối với cô là để tham dự các cuộc thi quốc tế, giống như một môn thể thao vậy.
Cô nói, “Chúng tôi sẽ cạnh tranh về tốc độ, sức mạnh và độ khó.”
Kể từ khi gia nhập Shen Yun, quan niệm của cô đã thay đổi.
Cô chia sẻ, “Nghệ thuật cao cả, âm nhạc cao cả không nên được đánh giá chỉ theo những tiêu chuẩn này. Có câu nói rằng ‘Núi không cần phải cao mà nổi tiếng bởi có những vị thần bất tử sống ở đó. Sông không cần phải sâu mà hào khí bởi có những con rồng sống ở đó.’ Thứ gì đó truyền cảm hứng không phải do kỹ thuật bề mặt mà bởi vì ý nghĩa nội tại chân thành.
“Tôi dần dần nhận thức được điều này chỉ sau khi tôi tham gia Shen Yun.” Cô nói. Hồi cô còn chơi nhạc với tư duy cạnh tranh, cô cảm thấy nhạc của mình rất kích động.
“Khi tôi bị kích động thì bất cứ bản nhạc nào tôi chơi cũng sẽ kích động theo. Nhưng nếu tôi có thể trầm tĩnh và thư thái, cho dù bản nhạc đó được chơi như thế nào thì vẫn sẽ nghe rất dễ chịu.”
Kể từ khi tham gia vào công ty vũ đạo cổ điển Trung Hoa này, cô Lương Ngọc đã thay đổi và trưởng thành vừa ở phương diện một nghệ sĩ và là một con người. Cô cho rằng đây chính là bầu không khí của văn hóa truyền thống và các giá trị phổ phát của Shen Yun.
Một sứ mệnh cao cả
Tôn chỉ năm nay của Shen Yun được nhiều người cho là đầy dũng khí, “Trung Hoa trước thời cộng sản.” Kể từ khi thành lập, Shen Yun mang sứ mệnh hồi sinh nền văn minh Trung Hoa 5,000 năm. Mỗi năm Shen Yun cho khán giả thấy được qua âm nhạc và vũ đạo vẻ đẹp của những gì được gọi là Thiên Triều. Trung Hoa cổ đại có thành tín sâu sắc, và trải qua 5 thiên niên kỷ, vùng đất này xoay quanh tư tưởng ‘thiên địa nhân hợp nhất’. Có lẽ sứ mệnh đó luôn luôn mang đầy dũng khí.
Cô chia sẻ: “Tôi thật sự tin rằng Shen Yun là nhóm nghệ sĩ rất đặc biệt.”
“Tất cả những gì Shen Yun làm, sự bền bỉ, sức ảnh hưởng và di sản của Shen Yun cùng với những câu chuyện mà Shen Yun truyền tải, đều là tinh hoa của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Đây là phần tốt đẹp nhất của nền văn hóa này.”
Đây cũng là môi trường học tập dành cho cô; Cô khám phá được nhiều điều về di sản của chính mình.
Cô cho biết, “Trong các vở diễn của Shen Yun, tôi khám phá được nhiều giá trị về văn hóa truyền thống như tôn kính thần phật, nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung kiên, hiếu đạo, danh dự, và dũng khí.”
“Đây là những giá trị cốt lõi nhất mà con người nên có. Thông thường, tôi cảm thấy rằng những gì mà Shen Yun truyền tải là giống như khi chúng ta đối diện với khó khăn trong hoàn cảnh bất khả thi, trong những tình huống gian nan dường như không thể vượt qua, vậy chúng ta có thể tiếp tục không?”
“Chúng ta có thể lựa chọn đứng về phía công lý không? Chúng ta có thể giữ vững chuẩn tắc của mình không? Người xưa có câu, ‘Ta muốn sống và ta muốn làm người chính nghĩa.’ Khi một người không thể có được cả hai điều này thì người đó phải từ bỏ cuộc sống để chọn chính nghĩa.”
“Những trải nghiệm của tôi và của các học viên Pháp Luân Công cho tôi thấy nhiều tấm gương chiến đấu cho chính nghĩa. Giống như sứ mệnh của Shen Yun, giống như hành động của mẹ tôi trước kia, tất cả những điều này đã thôi thúc tôi phải kiên định với đức tin của mình và kiên trì làm những việc chính nghĩa.” Cô nói.
Năm 2018, mặc dù Lương Ngọc và gia đình có thể đoàn tụ tại Bắc Mỹ nhưng cuộc đàn áp của Trung Cộng vẫn còn đang tiếp diễn.
Sau mỗi buổi biểu diễn, khi bức màn sân khấu kéo lên, Lương Ngọc nhìn xuống khán giả, cô nhớ lại vì sao cô đang làm những gì cô cần làm.
“Dù gian khổ như thế nào, dù chịu đựng nhiều đến đâu, tôi cũng sẽ sẵn lòng. Tôi cảm thấy mọi việc đều có ý nghĩa.
The Epoch Times là nhà tài trợ danh dự của công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Chúng tôi đã đưa tin về những phản hồi của khán giả từ những ngày đầu thành lập Shen Yun vào năm 2006.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: