‘Trung Quốc trước thời cộng sản’: Cụm từ này gây tranh cãi đến vậy sao?
“Trung Quốc trước thời cộng sản” hầu như không phải là một tư tưởng cấp tiến hay gây tranh cãi.
Người ta sẽ ngờ rằng ngay cả những người cộng sản chai lỳ nhất cũng sẽ khẳng định rằng cam kết của họ đối với hệ tư tưởng này dựa trên một mong ước nội tại là mang đến điều vinh diệu nhất cho Trung Quốc và cho dân tộc Trung Hoa. Chắc chắn là lời cam kết vì sự thịnh vượng của quốc gia là nền móng căn bản nhất mà từ đó tất cả các đảng phái chính trị tìm cách hoạt động ở bất cứ đâu trên thế giới.
Vậy mà, khái niệm ít gây tranh cãi này lại khiến Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun nổi tiếng thế giới phải chịu đựng việc bị từ chối cơ hội mua quảng cáo trả phí tại các trung tâm mua sắm của Tập đoàn Westfield để quảng bá cho chuyến lưu diễn Úc sắp tới của họ từ ngày 27/04 đến ngày 07/05 tại nhà hát Lyric Theatre của Sydney.
Loại hình nghệ thuật cốt lõi của Shen Yun là múa cổ điển Trung Hoa, đã phát triển qua hàng ngàn năm để trở thành một trong những hệ thống vũ đạo toàn diện nhất trên thế giới, theo những người quảng bá cho đoàn nghệ thuật này. Múa cổ điển Trung Hoa đã tồn tại từ trước khi có hệ tư tưởng cộng sản và tiếp tục cho đến ngày nay.
Nhưng dường như tập đoàn Westfield có chính sách không quảng cáo bất cứ điều gì gây tranh cãi, cho dù tính gây tranh cãi đó có là hiển nhiên hay không — vâng, theo quan điểm cụ thể của công ty này về thế giới thì là vậy.
Bằng cách này, tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy thoải mái và là người hưởng lợi từ tính hòa nhập của Westfield khi thăm thú và mua sắm tại 37 trung tâm của họ ở Úc và năm trung tâm ở New Zealand cũng như các nơi khác trên thế giới, trong đó có cả Hoa Kỳ.
Vì vậy, những tư thế khêu gợi của những người mẫu ăn mặc hớ hênh với thân hình hoàn hảo quảng bá đủ mọi thứ trên đời mà người ta giả định sẽ không vô tình khiến những người trong chúng ta, những người có thể tình cờ có hình dạng khác, cảm thấy hổ thẹn về thân thể mình. Ngoài ra, chính sách hòa nhập và bình đẳng giới của Westfield sẽ không đối đầu với các tôn giáo cụ thể theo bất kỳ cách nào, cho dù là “hiển nhiên hay không”, phải vậy không?
Ở một quốc gia tự do, chủ sở hữu tài sản và cơ sở, trong một số giới hạn căn bản nhất định, có quyền quyết định người mà họ muốn cho thuê mặt bằng hoặc không gian quảng cáo. Việc họ có các chính sách giúp xác định cách tiếp cận của họ với khách hàng tiềm năng cũng là một thông lệ tốt.
Điều không phải là thông lệ tốt, hay công bằng hoặc hợp lý là khi các quan điểm chính sách này bị bóp méo để phù hợp với một quan điểm nhất định và được vũ khí hóa để không cho phép quan điểm khác.
Can đảm lên nào Westfield
Khi Westfield nói với thế giới rằng họ có một nền văn hóa công ty dựa trên các giá trị của “sự dũng cảm” và “đạo đức” trong số nhiều giá trị khác, người ta không thể không suy nghĩ về các tiêu chuẩn kép và sự rụt rè được thể hiện qua việc từ chối quảng cáo cho chuyến lưu diễn của một công ty vũ đạo.
Có cội nguồn văn hóa từ hàng thiên niên kỷ trước, quyết tâm của Shen Yun trong việc bảo tồn hệ thống vũ đạo đẳng cấp thế giới này trước sự đàn áp văn hóa nên được đón nhận và tôn vinh vì “sự dũng cảm” của họ, cũng chính là giá trị đầu tiên trong số sáu giá trị được tuyên bố công khai của Westfield.
“Sự dũng cảm” của Westfield không bao gồm việc thể hiện sự ủng hộ với một đoàn vũ đạo đang tìm cách bảo tồn tính toàn vẹn văn hóa của hệ thống vũ đạo của họ.
Sự dũng cảm không phải là chạy trốn khỏi mọi tranh cãi, cho dù sự việc gây tranh cãi đó có được nhận thức hay không. Không phải cứ không có chiến tranh thì mới là hòa bình.
Từ chối cơ hội quảng cáo cho một đoàn nghệ thuật vũ đạo được thế giới công nhận vì một quan điểm được cho là chính trị có thể được xem như một sự phân biệt đối xử, nhưng trên hết, trong trường hợp này của Shen Yun, điều đó rõ ràng thể hiện sự hèn nhát của Westfield.
Trong một môi trường mà các tổ chức của Úc, kể cả các trường đại học và các doanh nghiệp tư nhân của chúng ta, bị trở thành mục tiêu của các đặc vụ làm việc cho chính quyền độc tài cộng sản ở Bắc Kinh, thật vô cùng thất vọng khi chứng kiến một doanh nghiệp lớn đã phát triển để trở thành một nhân tố chính đóng góp cho hòa bình và tự do mà Úc có thể cống hiến, không đứng về phía một vũ đoàn đang tìm cách bảo tồn văn hóa truyền thống trước sự đàn áp.
Hy vọng rằng quyết định từ chối quảng bá cho Shen Yun không thể giải thích được này không bị những cân nhắc mang tính phi thương mại gây ảnh hưởng.
Các xã hội tự do cung cấp quyền tự do lựa chọn. Nhưng những quyền tự do đó không phải là trạng thái tự nhiên khi những cá nhân thèm khát quyền lực và những triết lý độc tài liên tục tìm cách dập tắt và làm suy yếu những quyền tự do đó.
Mỗi thế hệ phải chiến đấu để bảo vệ các quyền tự do mà tổ tiên của chúng ta đã phải tốn biết bao công sức mới giành được.
Lời đề nghị của một vũ đoàn để quảng bá buổi biểu diễn của họ không phải là một yêu cầu gì quá to tát đối với một chuỗi bán lẻ lớn.
Vẫn chưa quá muộn đâu Westfield. Hãy thể hiện sự dũng cảm mà quý công ty tuyên bố và cho phép Shen Yun quảng bá các buổi biểu diễn của mình.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times