Chuyên gia: Việc kiểm duyệt ChatGPT của Trung Quốc hạn chế thị trường và công nghệ
Bắc Kinh đã công bố bản dự thảo lấy ý kiến có tên là “Các Quy định Quản lý Công nghệ AI Tạo sinh,” vốn sẽ được áp dụng cho nội dung cũng như hoạt động phát triển AI của Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận thấy ưu tiên của các quy định quản lý này là nhấn mạnh sự kiểm duyệt, vốn không làm được gì khác hơn ngoài hạn chế sự phát triển của ChatGPT Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về công nghệ AI.
Trong dự thảo luật này, các quy định nhấn mạnh rằng “nội dung phải thể hiện các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội” và không được phép chứa những nội dung “lật đổ quyền lực nhà nước, [hoặc] lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.” Những người vi phạm có thể bị phạt tiền và điều tra hình sự.
Một số cư dân mạng Trung Quốc đã đưa ra phản ứng đối với các quy định của dự thảo và nói một cách chế giễu rằng ChatBot của Trung Quốc nên được đặt tên là ChatXJP, trong đó XJP là tên viết tắt của ông Tập Cận Bình.
Thông tin sai lệch
Cô Vương Tú Văn (Hsiu-Wen Wang), một trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh của Đài Loan, cho biết: “Việc chính quyền này áp dụng quy tắc thể chế để thiết lập ranh giới cho sự phát triển AI là điều không thể tránh khỏi.”
Thế nhưng, trong khi ưu tiên hàng đầu của các nước phương Tây là bảo đảm an ninh và các quyền căn bản của cuộc sống con người, quốc gia, và xã hội, thì các nhà nước độc tài lại tập trung vào việc ngăn không để chế độ bị lật đổ, cô Vương nói.
Cô cho rằng để ngăn chặn Chatbot đưa ra những câu trả lời có khả năng gây tổn hại đến chính quyền, vậy nên, “lấy danh nghĩa của thông tin sai lệch, chế độ này đã hợp pháp hóa việc giám sát và ngăn chặn này.”
Dự thảo quy định này nhấn mạnh rằng nội dung mà AI tạo sinh đưa ra “không được chứa thông tin lừa đảo.”
Ông Thẩm Vinh Khâm (Jung-Chin Shen), một giáo sư tại Trường Nghiên cứu Hành chính thuộc Khoa Atkinson tại Đại học York ở Toronto, Canada, cho biết cái gọi là “thông tin sai lệch” này đặc biệt đề cập đến thông tin không phù hợp với hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông nhấn mạnh: “Mục đích kiểm duyệt của chế độ này là kiểm soát hệ tư tưởng của người dân.”
Sàng lọc thông tin
Quy định này cũng yêu cầu các nhà phát triển áp dụng các cách để sàng lọc bất kỳ nội dung không phù hợp nào do AI tạo sinh tạo ra và tối ưu hóa các thuật toán để ngăn không cho công cụ này tạo ra nội dung đó trong vòng ba tháng.
Cô Vương cho biết ĐCSTQ đang tăng cường giám sát và sàng lọc các câu trả lời mà AI tạo ra bằng một mô hình ngôn ngữ lớn. Cô nói, do đó, “Hoa Kỳ đang đào tạo AI để đưa ra câu trả lời thông minh hơn, khéo léo hơn, và hoàn thiện hơn, còn ĐCSTQ lại đào tạo AI để trả lời ít [toàn diện] hơn, tránh các chủ đề nhạy cảm — hoàn toàn đi ngược lại xu hướng của học máy (Machine Learning).”
Cô tin rằng AI của Trung Quốc có thể trở nên kém thông minh hơn hoặc trì trệ hơn khi liên tục cắt giảm và sàng lọc các câu trả lời của AI.
Một ChatBot, hai hệ thống
Ông Thẩm cũng tin rằng ChatBot của Trung Quốc có thể phát triển thành một phiên bản nội địa và quốc tế, giống như nền tảng chia sẻ video Douyin của Trung Quốc, có phiên bản quốc tế được gọi là TikTok.
Hãng thông tấn Tảo Báo có trụ sở tại Singapore dẫn lời ông Chu Phi Đạt (Zhu Feida), một giáo sư của Đại học Quản trị Singapore, cho rằng, trước đây, đã có người nói rằng có khả năng tồn tại “một ChatBot mang đặc trưng Trung Quốc ở Trung Quốc.”
Cô Vương tin rằng ChatBox của Trung Quốc có nhiều thiếu sót do bị kiểm duyệt và thị trường bị hạn chế. Cô nói, lấy điện thoại thông minh của Huawei làm ví dụ, nếu không có sự hỗ trợ của các ứng dụng tên tuổi, thì thị trường của họ chỉ giới hạn ở nội địa Trung Quốc hoặc các nước đồng minh của Trung Quốc.
Thị trường quốc tế sẽ dần loại bỏ các chatbot của Trung Quốc do khả năng trả lời và chức năng kém hơn. Cô nói, “Có thể phải dựa vào mức giá thấp hơn để thu hút [khách hàng ở] các nước kém phát triển.”
Năm 2017, Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát triển AI thế hệ mới của họ. Họ đặt năm 2030 là thời điểm mà các lý thuyết, công nghệ, và ứng dụng AI của Trung Quốc sẽ đạt được trình độ hàng đầu thế giới, đưa Trung Quốc trở thành trung tâm đổi mới AI chính của thế giới.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã ngừng xuất cảng các loại vi mạch bán dẫn điện toán hàng đầu phục vụ ngành trí tuệ nhân tạo sang Trung Quốc, bao gồm cả vi mạch A100 và H100 của Nvidia được thiết kế để đẩy nhanh các tác vụ Machine Learning.
Theo Reuters, quy định mới này của chính phủ Tổng thống Biden “sẽ giải quyết rủi ro rằng các sản phẩm được bảo hiểm có thể được sử dụng, hoặc chuyển hướng sang ‘mục đích sử dụng đầu cuối cho quân đội’ hoặc ‘người dùng đầu cuối là quân đội’ ở Trung Quốc.”
Ông Thẩm cho biết Nvidia đã thiết kế một vi mạch bán dẫn thay thế là A800 để thay thế cho A100, nhưng tốc độ tính toán chậm hơn nhiều so với A100. Ông nói, “ChaBot của ĐCSTQ đang tụt hậu so với ChatGPT hai hoặc ba năm.”
Cô Vương cũng đồng ý rằng để người Trung Quốc phát triển vi mạch bán dẫn cao cấp sẽ mất từ 3 đến 5 năm nữa. Rất có thể xảy ra tình trạng đình trệ hoặc chậm trễ trong việc phát triển công nghệ AI tân tiến nhất hoặc trở thành một trung tâm đổi mới. Cô Vương nói, “Lệnh cấm của Hoa Kỳ có hiệu quả [liên quan đến phương diện này].”
Cô nói, do đó, công nghệ và ứng dụng AI có thể sẽ phát triển thành “Một trái đất, Hai chế độ” dưới sự kiểm duyệt và hạn chế về công nghệ của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, ông Thẩm không đồng ý với quan điểm trên, ông nói, “Công nghệ là giống nhau. Chính sự kiểm duyệt của ĐCSTQ đã buộc ChatBot phải phân làm hai. Đó là điều mà các công ty công nghệ Trung Quốc áp dụng để tuân thủ chế độ kiểm duyệt này.”
Cả hai đều đồng ý rằng sự kiểm duyệt của chế độ này và lệnh cấm vi mạch bán dẫn đã hạn chế việc phát triển AI ở Trung Quốc.
ChatGPT của Trung Quốc gây thất vọng
Tháng trước, ChatGPT của Trung Quốc đã có một màn trình diễn đáng thất vọng khi ra mắt tại một sự kiện báo chí. Nhà phát triển giải thích nhu cầu thị trường to lớn đã thúc đẩy việc ra mắt sớm và thừa nhận vẫn còn nhiều sai sót trong ứng dụng AI do Trung Quốc sản xuất này.
Sau khi Baidu ra mắt chatbot có sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc, Ernie Bot, bằng cách hiển thị một video được quay trước vào ngày 16/03, giới truyền thông đã tiến hành các thử nghiệm trên ChatBot do Trung Quốc sản xuất này.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Dịch Như
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times