Chuyên gia: Việc EU từ chối áp đặt các biện pháp kiềm chế COVID là một ‘canh bạc lớn’
Chuyên gia cảnh báo không nên tin Đảng Cộng sản Trung Quốc
Khi Milan bắt đầu thực hiện xét nghiệm COVID cho những du khách đến từ Trung Quốc trong bối cảnh virus bùng phát ở nước này, thì họ đã phát hiện ra rằng khoảng một nửa số hành khách trên hai chuyến bay đều nhiễm virus COVID-19.
Điều đó đã khiến Ý, quốc gia Âu Châu đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch trong năm 2020, đã quyết định áp dụng xét nghiệm COVID bắt buộc đối với tất cả hành khách đến từ Trung Quốc và kết hợp làm các xét nghiệm ở Milan để sàng lọc các biến thể mới có thể xảy ra.
Nhưng Ý đã gặp phải trở ngại khi cố gắng gây áp lực buộc Liên minh Âu Châu (EU) phải làm theo cách tiếp cận của mình.
Khối 27 thành viên này không thể đưa ra một hướng hành động chung sau các cuộc đàm phán được tổ chức vào sáng thứ Năm (29/12), nhưng họ cam kết sẽ tiếp tục thương thuyết để đi đến một hành động chung.
Bà Brigitte Autran, Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Đánh giá Rủi ro Y tế COVARS của Pháp cho biết: “Từ một góc độ khoa học mà xét thì, ở giai đoạn này không có lý do gì để áp dụng lại các biện pháp kiểm soát ở biên giới.”
Các quốc gia khác như Đức, Bồ Đào Nha, và Vương quốc Anh cũng cùng chung quan điểm, trong đó Áo nhấn mạnh lợi ích kinh tế từ việc trở lại sắp tới của khách du lịch Trung Quốc. Từ ngày 08/01, những du khách này sẽ chính thức được phép đi du lịch quốc tế sau gần ba năm bị kiềm chế trong biên giới của đất nước.
“Hiện tại, chúng ta có thể có vài trăm ngàn người nhiễm COVID ở Na Uy mỗi tuần,” Giáo sư Preben Aavitsland của Viện Y tế Công cộng Na Uy đã viết trên Twitter. “Thêm vài trăm trường hợp trong số những du khách đến từ Trung Quốc cũng chỉ là một giọt nước trong đại dương mà thôi.”
Trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã kêu gọi các thành viên EU khác hành động.
Bà Meloni cho biết, lệnh xét nghiệm COVID bắt buộc này “chỉ có hiệu quả nếu được thực hiện ở cấp độ Âu Châu,” đồng thời lưu ý rằng nhiều du khách gốc Trung Quốc đến Ý trên các chuyến bay nối chuyến qua các quốc gia Âu Châu khác.
Thiếu minh bạch
Những nghi ngờ về dữ liệu chính thức từ Trung Quốc và quy mô của đợt bùng phát này đã khiến các quốc gia lân bang, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, và Đài Loan áp dụng các quy định xét nghiệm COVID đối với du khách đến từ đại lục, một hành động mà Hoa Kỳ đã làm theo từ thứ Tư (28/12).
“Cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về đợt bùng phát dịch COVID-19 đang diễn ra ở Trung Quốc cũng như việc thiếu dữ liệu minh bạch, bao gồm cả dữ liệu về trình tự bộ gene của virus, được báo cáo từ CHND Trung Hoa,” một quan chức Hoa Kỳ ẩn danh cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản gửi đến giới truyền thông hồi đầu tuần, sử dụng tên viết tắt chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Vị quan chức này nói thêm rằng nếu không có dữ liệu như vậy, “các quan chức y tế công cộng sẽ ngày càng khó bảo đảm rằng họ có thể xác định bất kỳ biến thể mới tiềm năng nào và thực hiện các biện pháp kịp thời để giảm thiểu sự lây lan.”
Đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế, hôm thứ Năm các quan chức y tế của Trung Quốc tiếp tục khẳng định rằng chế độ này đã minh bạch và tuân theo tiêu chuẩn quốc tế về báo cáo các trường hợp tử vong do COVID, mặc dù con số tử vong chính thức rất nhỏ chỉ có 11 người trái ngược hẳn với câu chuyện ngày càng tăng của nhân viên nhà tang lễ và nhân viên y tế về số người tử vong cao trên toàn quốc.
Theo một bản ghi nhớ bị rò rỉ trên mạng, cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc ước tính rằng gần 250 triệu cư dân đã nhiễm virus trong 20 ngày đầu tiên của tháng Mười Hai.
‘Một canh bạc lớn’
Ông Lâm Hiểu Húc (Sean Lin), nhà virus học và là cựu giám đốc phòng thí nghiệm tại khoa bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed cho biết, hệ thống của EU gặp phải một vấn đề đó là cơ quan xuyên quốc gia này không thể đưa ra quyết định nhanh chóng ngay cả khi cần phải hành động khẩn cấp.
Cuối tuần qua, Trung Quốc tuyên bố sẽ mở cửa biên giới từ ngày 08/01 và đang khuyến khích mở cửa du lịch sau khi tạm dừng ngành lữ hành trong gần ba năm qua. Ông nói, sau ngần ấy thời gian sống dưới chính sách zero COVID nghiêm ngặt, nhiều người Trung Quốc sẽ “tranh thủ cơ hội hữu hạn này để chạy ngay ra ngoài” vì chính sách này có thể thay đổi bất cứ lúc nào với tình hình dịch bệnh biến hóa khôn lường này.
Ông Lâm nói với The Epoch Times: “Chúng ta sẽ phải đối mặt với một lượng lớn dân số Trung Quốc đổ xô tới trong một thời gian ngắn.”
Theo ông Lâm, việc xét nghiệm những du khách đến từ Trung Quốc để tầm soát các ca nhiễm COVID nên là chính sách tối thiểu được các quốc gia trên thế giới áp dụng.
Phát ngôn viên Bộ Y tế Đức Sebastian Guelde cho biết họ đang theo dõi tình hình nhưng “không thấy dấu hiệu nào cho thấy một biến thể nguy hiểm hơn đã phát triển trong đợt bùng phát dịch bệnh lần này ở Trung Quốc.” Ông Lâm mô tả tuyên bố này là “hoàn toàn thiếu khôn ngoan.”
“Đó là một canh bạc lớn,” ông nói. “Các vị vẫn đang tin tưởng Đảng Cộng sản trong tình huống như thế này.”
“Chính quyền Trung Quốc đang chơi trò đố chữ với cả thế giới, và chính sách zero COVID trong hai hoặc ba năm qua rõ ràng là đang đi ngược lại với chính bản thân khoa học.”
Ông chỉ ra các triệu chứng viêm phổi nặng xuất hiện trong đợt bùng phát COVID này của Trung Quốc mà không xuất hiện ở nơi nào khác, điều mà ông nói cho thấy loại virus đang lưu hành có thể không phải là biến thể Omicron thông thường mà các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố.
Hôm thứ Năm, Thủ tướng Ý Meloni cho biết các quan chức đã giải trình tự gene của một nửa số mẫu bệnh phẩm thu thập được từ các du khách đến từ Trung Quốc đã làm xét nghiệm, và tất cả đều cho thấy họ nhiễm chủng Omicron.
“Điều này khá yên tâm,” bà nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm. “Tình hình ở Ý đang được kiểm soát, và trước mắt chưa có gì phải lo lắng.”
Nhưng ông Lâm không mấy lạc quan.
Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới, thì tình hình bây giờ tương tự như đầu năm 2020, thời điểm mà Bắc Kinh phong tỏa tâm chấn của đại dịch là Vũ Hán nhưng lại cho phép người dân tự do đi sang các nước khác, mang theo virus này cùng với họ.
Hành động mở cửa biên giới này đồng nghĩa với việc để cho chủng virus vốn có thể đã bị đột biến này lây lan tự do trên toàn thế giới, điều mà ông Lâm mô tả là sẽ gây ra “một thảm họa cho toàn thế giới.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times