Chuyên gia: Tình trạng thiếu khí đốt mùa đông ở Âu Châu có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm
Theo ông Ed Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Citigroup, Âu Châu, hiện đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng năng lượng, có thể chứng kiến tình trạng thiếu khí đốt mùa đông kéo dài ít nhất ba năm nữa.
Trong khi nhấn mạnh rằng công suất khí hóa lỏng (LNG) xuất cảng không “tăng trưởng trong một sớm một chiều”, ông Morse cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng “trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2027, chúng ta sẽ thấy giá ở Âu Châu quay trở lại mức cũ vào đầu năm 2021.” Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay của Âu Châu đã được kích hoạt bởi việc Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho khu vực này như một cách trả đũa các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow vì xâm lược Ukraine.
Vì hoạt động nhập cảng khí đốt của Nga bị cắt giảm, nguồn dự trữ có thể sẽ được sử dụng nhanh hơn trong mùa đông tới. Điều này sẽ khiến việc chuẩn bị dự trữ khí đốt cho một vài mùa đông tới là một nhiệm vụ khó khăn hơn.
Theo ông Niek den Hollander, giám đốc thương mại của đại tập đoàn năng lượng Uniper SE của Đức, nhiều quốc gia ở Âu Châu có khả năng không thể làm đầy các địa điểm lưu trữ khí đốt của họ vào mùa hè tới bằng mức mà họ đã làm trong năm nay, do đó mùa đông tới sẽ xuất hiện vấn đề.
Các bộ trưởng năng lượng của Âu Châu sẽ nhóm họp hôm 09/09 để thảo luận về cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực, bao gồm các biện pháp kiểm soát chi phí, giới hạn giá khí đốt tự nhiên, và thậm chí đình chỉ giao dịch phái sinh trong lĩnh vực điện năng.
Cơ quan xếp hạng Fitch đang kỳ vọng kế hoạch của Liên minh Âu Châu (EU) về việc tăng cường nguồn cung cấp khí đốt thay thế và giảm mức sử dụng khí đốt xuống 15% vào năm 2023 để giúp tránh tình trạng thiếu hụt trầm trọng trên châu lục này.
Tuy nhiên, Fitch nêu rõ, tình hình cung và cầu khí đốt mùa đông của EU tiếp tục bị cản trở bởi một số bất ổn, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine, nguồn cung cấp LNG, và nhiệt độ.
Khó khăn tài chính
Cuộc khủng hoảng nguồn cung cấp khí đốt và kết quả là giá tăng đang gây áp lực tài chính lên nền kinh tế Âu Châu. Hôm 05/09, hợp đồng khí đốt tháng Mười của TTF Hà Lan đã tăng lên 272 euro mỗi megawatt giờ sau khi Nga thông báo rằng một trong những đường ống cung cấp khí đốt phục vụ Âu Châu của họ sẽ ngừng hoạt động vô thời hạn. Con số này tăng khoảng 400% so với một năm trước.
Các công ty Âu Châu hiện đang yêu cầu ít nhất 1.5 ngàn tỷ euro thanh khoản của chính phủ để chi trả cho lệnh gọi ký quỹ của họ.
Các công ty năng lượng thường yêu cầu các công ty phải trả một khoản đặt cọc ký quỹ trước khi cung cấp điện. Với việc nguồn cung khí bị cắt giảm, giá đặt cọc tối thiểu đã tăng cao, khiến nhiều công ty rơi vào tình thế khó khăn về tài chính.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phần Lan Mika Lintila cho biết khi đề cập đến kế hoạch 1.5 ngàn tỷ euro tài trợ cho các công ty điện lực: “Điều này đã tạo nên những yếu tố cấu thành nên một loại hình Lehman Brothers trong ngành năng lượng.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times