Chuyên gia: Nắng nóng cực đoan, hạn hán, và thao túng thời tiết đang trở thành bình thường ở Trung Quốc
Thời tiết khắc nghiệt đã tấn công nhiều khu vực khác nhau ở Trung Quốc. Những đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng tàn phá nền nông nghiệp ở miền Bắc, trong khi mưa lớn làm ngập miền Nam. Theo phân tích của nông dân và chuyên gia, các biện pháp của chính quyền, gồm mưa nhân tạo và thoát nước đập sớm, đã làm trầm trọng thêm tác động của thời tiết khắc nghiệt.
Hôm 12/06, Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc đã ban hành một ứng phó khẩn cấp cấp IV đối với tình trạng hạn hán kéo dài ở 8 tỉnh phía Bắc. Nông dân các tỉnh ven biển Đông Bắc thì cho biết mùa xuân năm nay ít thấy mưa.
“Chúng tôi chỉ có thể tưới bằng nước giếng,” ông Trần, người chỉ muốn tiết lộ họ của mình, đến từ Lâm Nghi, Sơn Đông, cho biết. Ông Trần nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times: “Nông dân địa phương đã phải dùng đến cách đào giếng và lấy nước từ sông, nhưng điều này chẳng giúp ích gì nhiều trong thời tiết khô hạn một cách khác thường này.”
“Năng suất lúa mì chưa đến một nửa vì quá khô cạn. Các loại cây trồng khác, chẳng hạn như bắp, đào, đậu phộng, khoai lang, đều bị ảnh hưởng, còn thuốc lá bị hạn hán làm hư hại hoàn toàn,” ông nói thêm.
Một người dân địa phương họ Xu ở Tây Hiền, Hà Nam, nói với The Epoch Times rằng hiện đang là mùa trồng lúa nhưng ao tưới tiêu chính của làng họ đã cạn kiệt. Trung Quốc là nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới và nhiều nơi ở vùng đông bắc Trung Quốc là cơ sở sản xuất ngũ cốc quan trọng của nước này.
Việc can thiệp vào thời tiết là không hiệu quả
Ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), một kỹ sư và nhà địa lý từng giảng dạy tại Đại học Nam Kinh và Đại học Công nghệ Dortmund, nhận xét rằng nắng nóng cực đoan ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong vài thập niên qua. Tuy nhiên, theo ông, những nỗ lực chiến đấu với thiên nhiên của chế độ cộng sản này đều vô ích.
Ông Vương giải thích rằng Trung Quốc, nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, có lượng mưa phân bố không đồng đều. Do đó, không phải vùng nào cũng có điều kiện thời tiết thuận lợi hàng năm. Trong những thập niên gần đây, chế độ này chủ yếu dựa vào các hồ chứa để cung cấp nước. Tuy nhiên, những cân nhắc về mặt chính trị thường dẫn đến những quyết định có kết quả tồi tệ.
“Để tránh phải chịu trách nhiệm về nguy cơ vỡ đập trong mùa lũ, các nhà quản lý hồ chứa thường xả nước trước khi mùa lũ bắt đầu vào tháng Sáu,” ông Vương cho biết. “Kết quả là khi cần thì không còn nước trong các hồ chứa.”
Ông nói thêm rằng đây là thông lệ hàng năm. Một số năm thì có tác dụng, nhưng thiên nhiên không phải lúc nào cũng hợp tác. “Có năm mưa nhiều hơn, trong khi có năm mưa ít hơn. Khoa học hiện tại không thể dự đoán chính xác các kiểu thời tiết dài hạn,” ông nói, và nói thêm rằng, “Nhân loại phải tôn trọng thiên nhiên, nếu không nắng nóng cực đoan sẽ trở thành hiện tượng bình thường.”
Các biện pháp cục bộ và sự cạn kiệt nước ngầm
Là một phần của phản ứng khẩn cấp cấp IV để ngăn ngừa hạn hán, các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện các biện pháp cục bộ, gồm chuyển nước khẩn cấp và khoan giếng, để bảo đảm nguồn cung cấp nước tưới tiêu và bảo đảm nước uống an toàn cho những người dân bị ảnh hưởng.
Một nông dân họ Lý ở tỉnh miền đông Sơn Đông, cho biết nông dân địa phương hầu hết đã chuyển từ trồng ngũ cốc sang canh tác trong nhà kính do không thu được lợi nhuận từ việc trồng ngũ cốc. Hàng chục nông dân góp vốn để khoan giếng nước sâu tới 180 mét (khoảng 590 ft). “Cái giếng này từng sâu 150 mét [khoảng 492 ft], và bây giờ ngay cả cái giếng nhỏ trong sân nhà tôi cũng sâu gần 40 mét [khoảng 131 ft],” ông cho biết.
Theo ông Vương, nguồn nước ngầm dồi dào trong lịch sử của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng do các chính sách sản xuất ngũ cốc quy mô lớn. Khai thác mạnh mẽ ở lưu vực sông Hải Hà (ở miền bắc Trung Quốc) và sông Hoài Hà (ở miền đông và miền trung Trung Quốc) trong những năm 1980 và 1990 đã làm cạn kiệt trữ lượng nước ở tầng nông, buộc phải khoan sâu hơn, làm mực nước ngầm hạ thấp nhanh chóng và gây ra hiện tượng sụt lún đất. Những nỗ lực gần đây nhằm bổ sung nước ngầm đã cứu trợ được đôi chút nhưng cũng vô tình góp phần gây ô nhiễm nước ngầm.
“Trước đây, các khu vực như Đồng bằng Hoa Bắc và Đồng bằng Dương Tử-Hoài Hà, đặc biệt là Đồng bằng sông Hoài Hà, có mực nước ngầm cao,” ông Vương cho biết. “Những nơi như Tế Nam nổi tiếng với nguồn suối nước dồi dào, nhà nào cũng có giếng. Ngày nay, cảnh quan này đã thay đổi đáng kể.”
Ông nói thêm: “Tại các khu vực như Thọ Quang ở Sơn Đông, nơi nổi tiếng về trồng rau trong nhà kính, mực nước ngầm đã giảm mạnh xuống dưới 100 mét [328 ft] do hoạt động bơm nước nông nghiệp rộng rãi.” Ông cho biết mực nước ngầm suy giảm là vấn đề phổ biến ở Trung Quốc.
Ông Vương cũng đổ lỗi cho việc thiếu sự đổi mới. Trung Quốc phải đối mặt với nhu cầu đáng kể về nước nông nghiệp, trung bình từ 400 đến 600 mét khối (105,668 đến 158,503 gal) mỗi mẫu (khoảng 0.16 mẫu Anh) đất nông nghiệp. Ông nói: “Tuy nhiên, kỹ thuật tưới lũ vẫn lỗi thời, giống như ở thế kỷ 19 vậy.”
Theo một báo cáo năm 2022 của các nhà khoa học ở Bắc Kinh, hàng năm, Trung Quốc khai thác hơn 100 tỷ m3 (khoảng 26.4 ngàn tỷ gal) nước ngầm, hơn 10% tổng lượng toàn cầu, khiến nước này trở thành một trong những quốc gia lớn đang cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ngầm.
Mưa nhân tạo
Để đối phó với tình trạng nắng nóng và hạn hán dai dẳng, các hoạt động tạo mưa nhân tạo đã được khai triển ở Sơn Đông, Hà Nam, và các khu vực khác trên khắp Trung Quốc.
Hôm 12/06, những trận mưa đá bất ngờ có kích thước bằng quả trứng cút đã tàn phá các vườn đào địa phương vốn đã đang quay cuồng vì hạn hán nghiêm trọng ở huyện Mạnh Âm, Sơn Đông. Theo báo chí Trung Quốc, một số nông dân trồng trái cây đã thiệt hại hơn 200,000 Nhân dân tệ (27,560 USD) chỉ trong vòng vài phút.
Ông Trần nói với The Epoch Times rằng việc trồng đào rất phổ biến ở Mạnh Âm, và hôm 12/06, đã có lượng mưa khoảng 3 cm (1.18 inch), theo sau là mưa đá. Ông nói: “Chính quyền đã bắt đầu các nỗ lực tạo mưa bằng cách sử dụng súng thần công, nhưng kết quả khác xa tưởng tượng, thay vào đó dẫn đến việc mưa đá rơi trúng những [vườn] đào.”
Người đứng đầu Đài quan sát Khí tượng Lâm Nghi đã gạt bỏ các suy đoán, khẳng định rằng hai đợt chiến dịch ngăn chặn mưa đá nhân tạo và tăng lượng mưa đã được tiến hành để ứng phó với thời tiết đối lưu khắc nghiệt. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra các bài viết nói rằng những nỗ lực này đã làm giảm nhẹ tình trạng hạn hán và giảm thiệt hại do mưa đá một cách hiệu quả.
Thao túng thời tiết theo cách nhân tạo
Ông Vương mô tả đây là một mánh khóe điển hình của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nói: “ĐCSTQ thường tự cho mình là vị cứu tinh khỏi các thảm họa thiên nhiên. Việc sử dụng các biện pháp can thiệp bằng mưa nhân tạo của họ đôi khi có thể phản tác dụng, dẫn đến mưa lớn như trút nước hoặc, trong trường hợp này, là bão mưa đá, hoặc chúng có thể hoàn toàn không tạo ra được hiệu quả như mong muốn.”
Ông cảnh báo rằng việc thao túng thời tiết nhân tạo có hiệu lực khác nhau. Những thất bại, như trường hợp ở Thẩm Dương vài năm trước, nơi mưa nhân tạo gây ra lụt lội nghiêm trọng, đã nhấn mạnh những rủi ro của phương pháp này. Ông Vương cho biết: “Độ chính xác khi thực hiện là rất quan trọng, vì các biện pháp không phù hợp có thể làm trầm trọng thêm hơn là giảm bớt những thách thức liên quan đến thời tiết.”
Hôm 06/08/2018, Thẩm Dương đã trải qua những trận mưa xối xả dẫn đến lụt lội trên diện rộng. Trong vòng 12 giờ, truyền thông địa phương đưa tin hơn 2,000 phương tiện di chuyển trong thành phố đã bị nhấn chìm. Nhiều người dân tỉnh dậy thì phát hiện xe cộ của mình bị chìm dưới nước. Thất vọng ngày càng gia tăng ở những người dân tin rằng việc khai triển 100 quả đạn gây mưa đã gây ra trận mưa như trút nước đó. Trước sự phản đối kịch liệt của công chúng, chính quyền phủ nhận mọi mối liên hệ giữa việc bắn đạn pháo và mưa lớn.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, các nhà khoa học của ĐCSTQ thường xuyên nghiên cứu các công nghệ thay đổi khí hậu để tạo mưa nhân tạo ở những vùng bị ảnh hưởng của hạn hán. Một kỹ thuật liên quan đến việc bắn đạn pháo chứa các hóa chất gây mưa chẳng hạn như các hạt iodide bạc vào những đám mây đang tụ lại để kết tủa dưới dạng mưa hoặc tuyết trên bầu trời thành phố.
Ông Vương nói rằng ĐCSTQ tin là họ có thể chế ngự thiên nhiên bằng cách tạo ra mưa nhân tạo hoặc ngăn chặn mưa. Tuy nhiên, với việc thao túng thời tiết, Trung Quốc tiếp tục chứng kiến hạn hán nghiêm trọng ở miền Bắc và lũ lụt thảm khốc ở miền Nam.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times