Chuyên gia kinh tế: Người Mỹ phải chịu gánh nặng về sự suy giảm dần của hệ thống tiền tệ
Theo một tác giả kiêm nhà kinh tế có tầm ảnh hưởng, những người Mỹ bình thường có thể nhận thấy sự giàu có của họ liên tục bị sứt mẻ khi hệ thống tiền tệ xuống cấp và ngày càng cần có sự can thiệp nhiều hơn của các nhà chức trách để duy trì chính hệ thống này. Tuy nhiên, ông nói với The Epoch Times, có thể mất “một thời gian rất dài” để hệ thống tiền tệ này thực sự đổ vỡ.
Sự sụp đổ vừa qua của hai ngân hàng lớn của Mỹ, Silicon Valley Bank (SVB) and First Republic Bank, đã làm náo loạn các thị trường tài chính. Các nhà đầu tư hiện đang mong đợi Cục Dự trữ Liên bang cung cấp cứu trợ và trong vòng vài tháng sẽ đảo ngược chính sách tăng lãi suất của họ. Đó là sau khi ngân hàng trung ương này, cùng với Bộ Ngân khố và Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), đã trợ giúp lĩnh vực ngân hàng, cung cấp các khoản cho vay đặc biệt và bảo lãnh các khoản tiền gửi không được bảo hiểm cho các ngân hàng đã sụp đổ này.
Tuy nhiên, theo ông Daniel Lacalle, nhà quản lý quỹ, nhà kinh tế học, và là tác giả của nhiều cuốn sách, những sự sụp đổ này là một dấu hiệu của một vấn đề rộng lớn hơn — một vấn đề mà ngân hàng trung ương này không thể khắc phục được.
“Vấn đề ở đây là khái niệm ‘có thể làm được gì?’” ông nói, lập luận rằng các biện pháp can thiệp thị trường của ngân hàng trung ương này nhằm xoa dịu những nhiễu loạn của thị trường có xu hướng đơn giản là tái phân bố rủi ro và các tổn thất mà thôi — và với chi phí gia tăng là làm cho hệ thống tiền tệ trở nên mong manh hơn về lâu dài.
“Mỗi khi họ cố gắng giải quyết một bong bóng bằng cách bơm thêm thanh khoản, họ lại tạo ra một bong bóng khác,” ông nói. “Điều quý vị cần phải làm trước tiên là không thực thi các chính sách tiền tệ điên rồ.”
Ông đang đề cập đến chính sách lãi suất thấp cực độ mà Fed đã duy trì trong hầu hết thập niên qua.
Tiền miễn phí
Ông Lacalle nhắc đến lý thuyết kinh tế của Áo, cho rằng các ngân hàng trung ương không thể thiết lập lãi suất một cách chính xác. Khi nền kinh tế không hoạt động tốt, các ngân hàng trung ương thiết lập lãi suất thấp một cách giả tạo để “kích thích” nền kinh tế. Điều đó cho phép các công ty nới lỏng kỷ luật tài khóa và sẵn sàng cung cấp tín dụng cho các dự án không quá rủi ro để thu hút vốn. Khi nền kinh tế đó “quá nóng” — sự sẵn có của tín dụng vượt quá khả năng sản xuất của nền kinh tế, dẫn đến lạm phát — ngân hàng trung ương tăng lãi suất, thắt chặt tín dụng, và các dự án rủi ro kém hiệu quả sụp đổ. Bởi vì việc tăng lãi suất phải mất hơn một năm để khởi tác dụng hoàn toàn trong nền kinh tế, nên các ngân hàng trung ương có xu hướng tiếp tục tăng lãi suất thật lâu. Sau đó, lãi suất quá cao dẫn đến sự sụp đổ của ngay cả các doanh nghiệp khả thi. Suy thoái xảy ra từ đó. Tiếp đến, ngân hàng trung ương cố gắng giảm bớt tác động của suy thoái bằng cách cắt giảm đáng kể lãi suất, theo cách đó mà lặp lại chu kỳ này.
Ông Lacalle nói: “Tất nhiên, sau một thập niên dư thừa tiền tệ, sẽ có những giai đoạn như SVB và các ngân hàng khu vực khác như thế này.”
SVB là ngân hàng được lựa chọn cho nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ ở Thung lũng Silicon và các nhà tài trợ vốn mạo hiểm của họ vốn đã được hưởng lợi từ thời kỳ tín dụng nới lỏng kéo dài. Chỉ trong vài năm, SVB đã phát triển thành một trong 20 ngân hàng lớn nhất trong nước, với tài sản trị giá khoảng 200 tỷ USD. Khi các khoản đầu tư của ngân hàng này bắt đầu hoạt động kém hiệu quả và cổ phiếu của họ giảm giá, các khách hàng lo sợ rủi ro và nhiều người đã chuyển tiền của họ đi nơi khác, dẫn đến một tình trạng rút tiền hàng loạt.
Quy định
Một số nhà kinh tế đã lập luận rằng sự sụp đổ của SVB là lỗi của các cơ quan quản lý. Trong một bài bình luận mới đây, ông Aaron Klein thuộc Viện Brookings lập luận rằng, Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh San Francisco nên can thiệp khi họ nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo về sự bất ổn của SVB.
Ông Lacalle thấy không thuyết phục. Ông nói rằng về lý thuyết, SVB đã tuân theo các quy định.
Ông nói: “Quý vị đang phòng ngừa rủi ro cho các vị thế dễ biến động của mình trong lĩnh vực công nghệ và các dự án mạo hiểm, mà hiển nhiên đây là hoạt động kinh doanh chính của quý vị — đó là điều chúng tôi không thể làm được — và quý vị đang phòng ngừa rủi ro cho các tình huống đó bằng công khố phiếu dài hạn và chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp.”
Nhưng đó chính là bởi danh mục đầu tư công khố phiếu nhiều, vốn đã giảm giá trị do Fed tăng lãi suất hồi năm ngoái, đã đẩy SVB đến bờ vực sụp đổ.
Ông Klein cũng nêu ra vị thế trị giá 100 tỷ USD không được phòng hộ (phòng ngừa rủi ro) của SVB đối với các chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp. Nhưng ông Lacalle đã lưu ý rằng chính Fed đã chỉ định những loại chứng khoán đó là rủi ro thấp, và đã giữ 2.6 ngàn tỷ USD trong số đó. [Vậy thì] nếu như Fed, với tư cách là cơ quan quản lý, đã từng tuyên bố các chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp là rủi ro, thì làm sao Fed, với tư cách là cơ quan thiết lập chính sách tiền tệ, lại có thể tuyên bố các chứng khoán đó là [chỉ có] rủi ro thấp?
Sự can thiệp
Ông Klein gợi ý, phản ứng của Fed đối với cuộc khủng hoảng SVB là một ví dụ điển hình về lỗ hổng căn bản của hệ thống tiền tệ — một giải pháp trong ngắn hạn với những tác động tiêu cực trong dài hạn.
Ngay sau khi các cơ quan quản lý tiếp quản SVB, Fed, Bộ Ngân khố, và FDIC đã thông báo rằng không có người gửi tiền nào tại các ngân hàng đã sụp đổ sẽ bị mất tiền, mặc dù hầu hết các khoản tiền gửi đều vượt quá giới hạn bảo hiểm của FDIC là 250,000 USD cho mỗi tài khoản. Hơn nữa, để bảo đảm không có ngân hàng nào khác rơi vào tình trạng khủng hoảng thanh khoản do giá trị công khố phiếu mà họ nắm giữ sụt giảm, Fed sẽ cho phép họ vay một năm đối với những công khố phiếu nắm giữ đó theo “mệnh giá” — mặc nhiên Fed sẽ vờ như công khố phiếu đó là có giá trị hơn so với hiện tại.
Động lực rõ ràng của Fed là ngăn chặn các hoạt động rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng nhỏ hơn khác. Tuy nhiên, ông Lacalle nói, hành động của Fed đã tạo ra một “động cơ để ngân hàng tiếp theo chấp nhận rủi ro nhiều hơn.”
“Trường hợp của SVB đang nói với mọi người rằng những gì họ nên làm chính là những gì SVB đã làm vì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Nếu mọi việc suôn sẻ, quý vị sẽ kiếm được nhiều tiền và nếu mọi việc xấu đi, thì là không may, nhưng sẽ không có chuyện gì xảy ra cả. Vậy đâu là động cơ để thận trọng và có một mức độ quản lý rủi ro thận trọng? Không có động cơ nào cả.”
Vẫn còn một số rủi ro khi trở thành quân cờ domino đầu tiên sụp đổ, hay đúng hơn là “người kích hoạt gói cứu trợ,” ông cho biết. Rốt cuộc, SVB đã nhận được rất nhiều tai tiếng qua sự thoát hiểm của họ.
Tuy nhiên, nhờ có sự can thiệp của Fed, các ngân hàng khác có các danh mục đầu tư rủi ro có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường.
Ông nói: “Những ngân hàng khác đều ổn. Vậy bài học ở đây là gì? Tôi chẳng thấy bài học nào cả.”
Mặc dù những người ủng hộ hành động của Fed vẫn cho rằng hành động ấy không tương đương với một gói cứu trợ, nhưng đó có thể là một sự biệt đãi không khác biệt gì. Nếu SVB không thể hoàn lại tiền cho những người gửi tiền, thì FDIC hiện đang gặp khó khăn trong việc bù đắp phần chênh lệch. Cơ quan này có thể rút tiền từ hai nguồn: Phí áp đặt cho các ngân hàng, thường được chuyển cho các khách hàng; và các khoản cho vay của chính phủ, nghĩa là của những người nộp thuế.
Hơn nữa, sự can thiệp này ăn sâu vào quan niệm cho rằng các ngân hàng lớn, một lần nữa, đang được đối xử đặc biệt.
Ông Lacalle nói, “Rủi ro đạo đức là rất lớn,” và lưu ý rằng trong khi các ngân hàng được phép vay thêm dựa trên công khố phiếu của họ, thì các trái chủ bình thường lại không có lựa chọn đó.
Ngân hàng miễn phí
Một hệ thống ngân hàng không có ngân hàng trung ương sẽ không có lãi suất được kiểm soát tập trung.
Ông Lacalle nói, “Nếu quý vị có một hệ thống ngân hàng tự do, mà theo đó lãi suất thả nổi tự do, thì SVB sẽ không bao giờ có thể có được bảng cân đối kế toán như hiện tại.” Nếu ngân hàng này muốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ có triển vọng không chắc chắn, thì họ sẽ phải trả một khoản phí bảo hiểm rủi ro cho số vốn cần thiết, làm nản lòng các canh bạc đầu tư quá mức.
Trong khi bày tỏ sự ưa thích đối với một hệ thống như vậy, ông đã không ủng hộ cho hoạt động ngân hàng hoàn toàn không có quy định.
Ngay cả khi không có Fed giám sát, thì các ngân hàng vẫn phải đối mặt với rủi ro trách nhiệm pháp lý.
Con đường trượt dốc
Ông Lacalle không thấy điều đó xảy ra sớm chút nào, bất chấp niềm tin của mình rằng hệ thống ngân hàng trung ương chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính họ.
Ông nói: “Chúng ta đang ở rất xa giới hạn chịu đựng.”
Fed đã chứng tỏ sự sáng tạo trong việc đưa ra nhiều giải pháp khắc phục ngắn hạn khác nhau để tránh các sự kiện nối tiếp nhau có thể làm rối loạn hệ thống.
Ông Lacalle nói: “Họ có thể làm điều đó mãi mãi. … Chỉ có quý vị và tôi là những người sẽ phải trả giá bằng lạm phát cao hơn, nợ cao hơn, lương thực tế thấp hơn, việc làm thấp hơn,” đồng thời lưu ý rằng “có rất nhiều động cơ sai lầm để tiếp tục làm điều này.”
Ông nói: “Việc phá hủy dần dần sự thịnh vượng của một quốc gia bằng chính sách tiền tệ là điều có thể mất một thời gian rất dài và rõ ràng là có kẻ thắng người thua.”
Tuy nhiên, những gì chúng ta có thể thấy trong tương lai gần là một thời điểm khủng hoảng khác.
Mặc dù ông nói rằng ông sẽ không đi xa đến mức tuyên bố phá sản toàn bộ ngành ngân hàng, nhưng ông cũng không tin rằng sự sụp đổ của SVB là “một sự kiện cá biệt.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times