Liệu ngân hàng của quý vị có an toàn?
Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 của Hoa Kỳ với khối tài sản trị giá 209 tỷ USD, đã sụp đổ hôm thứ Sáu (10/03) trong một trong những diễn biến gây sửng sốt nhất đối với lĩnh vực ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mười lăm năm trước. SVB nổi tiếng vì mối liên hệ sâu sắc của ngân hàng này với cộng đồng đầu tư mạo hiểm và công nghệ của Thung lũng Silicon, tự hào rằng “44% các đợt IPO về công nghệ và chăm sóc sức khỏe do vốn đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ tài trợ … có hoạt động ngân hàng tại SVB.” Vâng, giờ thì chẳng còn là như vậy nữa.
Liệu lĩnh vực ngân hàng rộng lớn hơn có nguy cơ chịu phản ứng lây lan không? Đây là vấn đề chúng ta cần cân nhắc càng sớm càng tốt.
Sự sụp đổ của SVB đã xảy ra đột ngột. Hôm thứ Tư (08/03), ngân hàng này đã thông báo khoản lỗ 1.8 tỷ USD từ việc bán những chứng khoán đầu tư “sẵn có để bán.” Công ty mẹ của ngân hàng này tuyên bố sẽ huy động 2.25 tỷ USD để tăng vốn cho họ. Thay vì an ủi các nhà đầu tư và người gửi tiền, thông báo đáng ngạc nhiên này đã khiến khách hàng hoảng sợ, “gây ra việc rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng.” Trong vòng vài giờ, người gửi tiền đã rút khoảng 42 tỷ USD tiền mặt, khoảng 25% tổng số tiền gửi, khiến ngân hàng này có số dư tiền mặt âm gần 1 tỷ USD vào cuối hôm thứ Năm (09/03). Không thể khắc phục sự thiếu hụt này chỉ trong một đêm, ngân hàng ban đầu kém thanh khoản rồi sau đó bị vỡ nợ này đã sụp đổ. Sở Đổi mới và Bảo vệ Tài chính California (DFPI) đã tiếp quản ngân hàng và chỉ định FDIC làm bên tiếp nhận.
Trong khi FDIC cung cấp bảo hiểm tiền gửi lên tới 250,000 USD, thì phần lớn trong số 173 tỷ USD tiền gửi của SVB không được bảo hiểm. Số tiền gửi có bảo hiểm chiếm chưa đến 10% tổng tiền gửi của SVB. Theo FDIC, “những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ nhận được một chứng chỉ nhận tiền cho phần còn lại của số tiền không được bảo hiểm của họ.” Các chứng chỉ này sẽ nhận được khoản thanh toán cổ tức từ việc bán tài sản trong tương lai, vốn có thể không đủ để người gửi tiền được hoàn trả toàn bộ.
Vấn đề đối với SVB là tài sản của ngân hàng này có tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư. Cụ thể, khoảng 57% tài sản của SBV là chứng khoán có thể bán được, chủ yếu là công khố phiếu Hoa Kỳ và chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp (MBS). Với sự gia tăng nhanh chóng của lãi suất trong năm qua, giá trị thị trường của các trái phiếu này đã giảm đáng kể. Thực tế đó sẽ không thành vấn đề nếu một ngân hàng có thể giữ các trái phiếu này cho tới lúc đáo hạn, khi trái phiếu được hoàn trả lại tiền theo mệnh giá. Nhưng nếu một ngân hàng đột nhiên buộc phải bán trái phiếu để tạo thanh khoản, tức là, để đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt của người gửi tiền, thì ngân hàng buộc phải bán trái phiếu với giá lỗ. Sau đó thì một vòng luẩn quẩn xảy ra: bán tài sản ngoài kế hoạch gây ra các khoản thua lỗ; thua lỗ làm suy yếu tình hình tài chính của ngân hàng, và người gửi tiền trở nên lo lắng và đòi tiền của họ, đòi hỏi phải bán nhiều tài sản hơn, do đó kích thích thêm thua lỗ lớn hơn nữa. Như trong trường hợp của SVB, thì chuỗi phản ứng này có thể xảy ra trong vài ngày hoặc vài giờ.
Thông thường thì tính thanh khoản kém, chứ không phải là tình trạng mất khả năng thanh toán, mới là điều khiến các ngân hàng phá sản. Điều này chắc chắn đúng với SVB. Câu hỏi đặt ra bây giờ là, có bao nhiêu ngân hàng nữa của Hoa Kỳ hiện cũng đang phải đối mặt với loại rủi ro thanh khoản này? Các nhà phân tích đang làm thêm giờ để xem xét dữ liệu nhằm tìm ra còn những ngân hàng nào khác có thể đang lâm vào tình thế tương tự như SVB. Trong khi SVB có tỷ lệ chứng khoán trên tài sản cao nhất, thì một số ngân hàng khác trong khu vực để hơn ⅓ danh mục của họ trong các nhóm tài sản tương tự như của SVB. Nếu những người gửi tiền của các ngân hàng này cảm thấy lo lắng, thì tình trạng rút tiền hàng loạt tại ngân hàng có thể xảy ra ở những nơi khác trong những ngày tới.
Sự sụp đổ của SVB đã gây ra làn sóng chấn động khắp thị trường tài chính và ngân hàng. Chỉ số Ngân hàng NASDAQ đã giảm gần 5% hôm thứ Sáu (10/03). Đặc biệt bị ảnh hưởng là mã kim, vì SVB là ngân hàng được ưa chuộng của ngành mã kim. Hai trong số các sàn giao dịch mã kim lớn nhất, Coinbase và Binance, đã đình chỉ việc bán hoặc chuyển đổi USDC, loại mã kim neo giá được chốt theo tỷ lệ 1:1 với đồng USD. Kết quả là, USDC đã mất neo và giảm xuống còn 0.90 USD vào sớm hôm thứ Bảy (11/03). Với lượng USDC ban đầu trị giá 41 tỷ USD hiện đang lưu hành, mức giá mới này thể hiện khoản lỗ chưa thực hiện hơn 4 tỷ USD. Hôm thứ Bảy (11/03) công ty mẹ của Coinbase đã xác nhận rằng họ có 3.3 tỷ USD dự trữ tại SVB và không thể rút khoản tiền này khỏi ngân hàng đó hôm thứ Năm (09/03). Tình huống này đặt ra một thách thức mới đối với khả năng tồn tại của mô hình mã kim neo giá (stablecoin).
Ở mức tối thiểu, độc giả nên tận dụng cơ hội này để xem liệu ngân hàng mà họ đang sử dụng có an toàn và lành mạnh hay không và họ có thể đang phải đối mặt với những rủi ro chưa biết ở những điểm nào. Nhưng chừng đó thôi là chưa đủ. Các cuộc khủng hoảng ngân hàng thường là do bản chất và tâm lý của con người cũng như tình trạng bất cân xứng giữa tài sản và nợ phải trả dẫn tới. Nếu như các nhà đầu tư và người gửi tiền tin tưởng rằng các vấn đề tại SVB là của riêng ngân hàng này trong những ngày tới, thì có lẽ cơn bão này sẽ qua đi. Tuy nhiên, sợ hãi là một mầm bệnh rất dễ lây lan. Trong phạm vi mà một cơn hoảng loạn lớn hơn xảy ra, chúng ta có thể sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng thị trường tài chính và ngân hàng đáng sợ. Hãy theo dõi chặt chẽ việc này trong những ngày tới.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times