Công ty con của New York Community Bancorp mua lại một phần tài sản trị giá 2.7 tỷ USD của Signature Bank
Hôm 19/03, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) thông báo, một công ty con của ngân hàng New York Community Bancorp (NYCB) sẽ mua lại một phần lớn của ngân hàng đã sụp đổ Signature Bank theo thỏa thuận trị giá 2.7 tỷ USD với các cơ quan quản lý Hoa Kỳ.
Theo FDIC, một cơ quan độc lập do Quốc hội thành lập để duy trì một hệ thống tài chính ổn định, bắt đầu từ ngày 20/03, 40 chi nhánh trước đây của Signature Bank có trụ sở tại New York sẽ hoạt động dưới tên Flagstar Bank, công ty con của NYCB.
Những người gửi tiền của ngân hàng Signature Bridge Bank — không bao gồm những người liên quan đến hoạt động kinh doanh ngân hàng kỹ thuật số — sẽ tự động trở thành những người gửi tiền của ngân hàng Flagstar Bank.
Signature Bridge Bank được FDIC thành lập hồi đầu tháng này để tiếp quản các hoạt động của Signature Bank sau khi ngân hàng này bị các cơ quan quản lý tiểu bang New York đóng cửa sau sự sụp đổ của họ.
Việc đóng cửa này diễn ra chỉ 48 giờ sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank.
FDIC cho biết trong một tuyên bố rằng, “FDIC đã ký kết một thỏa thuận mua và nắm giữ gần như tất cả các khoản tiền gửi và một phần danh mục cho vay nhất định của ngân hàng quốc gia Signature Bridge Bank, thông qua ngân hàng quốc gia Flagstar Bank, Hicksville, New York, một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của New York Community Bancorp, Inc., Westbury, New York.”
FDIC lưu ý rằng các chi nhánh mới do Flagstar điều hành sẽ mở cửa trong giờ làm việc bình thường nhưng các khách hàng của Signature Bridge Bank nên tiếp tục sử dụng chi nhánh hiện tại của họ cho đến khi họ được Flagstar thông báo rằng toàn bộ dịch vụ ngân hàng đã có sẵn cho họ tại các chi nhánh của họ.
FDIC cứu trợ mảng kinh doanh ngân hàng số của Signature
FDIC cho biết, “Tất cả các khoản tiền gửi do ngân hàng quốc gia Flagstar Bank đảm nhận sẽ tiếp tục được FDIC bảo hiểm tới mức giới hạn bảo hiểm. Giá thầu của Flagstar Bank không bao gồm khoảng 4 tỷ USD tiền gửi liên quan đến hoạt động kinh doanh ngân hàng kỹ thuật số của ngân hàng Signature Bank trước đây.”
“FDIC sẽ cung cấp các khoản tiền gửi này trực tiếp cho những khách hàng có tài khoản có liên kết với hoạt động kinh doanh ngân hàng số.”
Signature Bank đã báo cáo tài sản trị giá 110.36 tỷ USD và một tổng số tiền gửi là 88.6 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2022.
FDIC cho biết, thỏa thuận của New York Community Bancorp với các cơ quan quản lý bao gồm việc mua khoảng 38.4 tỷ USD tài sản của Signature Bridge Bank, bao gồm các khoản vay 12.9 tỷ USD, được mua với mức giá chiết khấu 2.7 tỷ USD.
Khoảng 60 tỷ USD các khoản cho vay của Signature Bank và 4 tỷ USD tiền gửi của ngân hàng này — những khoản liên quan đến hoạt động kinh doanh ngân hàng kỹ thuật số của Signature — sẽ vẫn thuộc quyền quản lý của FDIC.
Ngoài ra, FDIC đã nhận được thu nhập từ sự tăng giá cổ phiếu phổ thông của New York Bank với giá trị tiềm năng lên tới 300 triệu USD.
Nhìn chung, cơ quan này ước tính thỏa thuận mới nhất sẽ tiêu tốn khoảng 2.5 tỷ USD từ Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi của họ, được thanh toán bằng các khoản phí thu từ các ngân hàng và tiền lãi thu được từ các quỹ đầu tư vào các nghĩa vụ của chính phủ Hoa Kỳ, mặc dù chi phí chính xác sẽ được xác định vào một ngày sau đó.
Trước đây, cơ quan này đã báo cáo rằng quỹ đó đã nắm giữ 128.2 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Những vụ sụp đổ liên tiếp
Signature Bank đã trở thành vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ sau khi ngân hàng này bị cơ quan quản lý đóng cửa sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank, vốn là vụ sụp đổ lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ sau vụ sụp đổ của ngân hàng Washington Mutual trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Những vụ sụp đổ liên tiếp mới nhất đã làm dấy lên lo ngại về một tình trạng sụp đổ ngân hàng trên diện rộng hơn và khiến các khách hàng có tiền gửi tại các ngân hàng đang chịu áp lực đi rút tiền của mình.
Tại Thụy Sĩ, Credit Suisse đã ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng thanh khoản sau khi được UBS tiếp quản. Quay trở lại Hoa Kỳ, First Republic Bank đã cần đến một khoản tiền mặt từ những nhà cho vay như JPMorgan Chase, Bank of America, và Citigroup để duy trì hoạt động nhằm đáp ứng việc rút tiền của những người gửi tiền.
Trong một nỗ lực ngăn chặn các đợt rút tiền tiếp theo, vốn có khả năng tạo ra nhiều biến động hơn và có nguy cơ làm chệch hướng nền kinh tế, chính phủ Tổng thống Biden đã tìm cách dập tắt nỗi lo sợ của người Mỹ và trấn an họ rằng hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ vẫn ổn định.
Thông báo hôm 19/03 được đưa ra sau khi Thống đốc New York Kathy Hochul cũng tìm cách xoa dịu những lo ngại về hệ thống ngân hàng của tiểu bang đồng thời giải thích các bước mà chính phủ của bà đã thực hiện để bảo vệ những người gửi tiền trong tiểu bang New York.
Bà Hochul nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Manhattan hôm 13/03 rằng, “Quan điểm của chúng tôi là bảo đảm rằng toàn bộ cộng đồng ngân hàng tại New York này vẫn ổn định, rằng chúng ta có thể bình tĩnh, rằng đây là thời điểm mà chúng ta có thể quản lý được một tình huống khó khăn nhất định và bảo đảm rằng tình huống này không trở nên tồi tệ hơn và đó là mục tiêu của chúng tôi.”