Cổ phần Deutsche Bank giảm, thúc đẩy nỗi sợ khủng hoảng ngân hàng
Cổ phiếu của Deutsche Bank đã giảm tới 16% hôm thứ Sáu (24/03) sau khi mức phí bảo hiểm về rủi ro vỡ nợ đối với nợ của tổ chức tài chính này đã tăng lên mức cao nhất trong khoảng 4 năm.
Các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) 5 năm của Deutsche Bank, một loại bảo hiểm vỡ nợ cho các trái chủ, đã tăng lên mức trên 220 điểm căn bản, tăng từ 142 điểm căn bản vào đầu tuần này. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ cuối năm 2018. Bất chấp những lo ngại gần đây, Deutsche CDS vẫn ở dưới mức kỷ lục 300 điểm căn bản xảy ra vào năm 2011 trong cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro.
Giá trị CDS càng cao, thì thị trường càng thấy được xác suất nhà phát hành vỡ nợ lớn hơn.
Tuần này, ngân hàng lớn nhất của Đức này đã mất 3 tỷ USD khỏi giá trị thị trường khi cổ phiếu niêm yết tại Frankfurt của họ đã trượt giá trong ba phiên liên tiếp.
Sự hoảng loạn ở Deutsche Bank đã lan sang lĩnh vực ngân hàng rộng lớn hơn. Quỹ iShares MSCI Europe Financials ETF (EUFN) và Quỹ SPDR ngành Tài chính Chọn lọc (SXLF) mỗi quỹ đều giảm hơn 1% hôm thứ Sáu (24/03).
Deutche Bank cũng đã chứng kiến trái phiếu Bổ sung Cấp 1 (AT1) sụt giảm trong những phiên gần đây. Những công cụ này, được tạo ra sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, chuyển đổi trái phiếu thành vốn chủ sở hữu khi một người cho vay gặp khó khăn, với ý tưởng bù đắp lại những tổn thất nếu các tỷ lệ về vốn trượt xuống dưới ngưỡng niêm yết.
Sau sự kiện Credit Suisse, vốn chứng kiến các nhà quản lý Thụy Sĩ loại bỏ các chủ nợ AT1 của ngân hàng này, thị trường tài chính toàn cầu đã chú ý nhiều hơn đến cái gọi là những [trái phiếu] chuyển đổi dự phòng (CoCos) này.
Các nhà phân tích của ING tin rằng việc các ngân hàng khác bắt đầu phát hành AT1 mới sẽ là một thách thức.
Một số nhà kinh tế và nhà phân tích của ING, trong đó có ông James Knightley, nhà kinh tế quốc tế trưởng, đã viết trong một ghi chú nghiên cứu: “Có nghi ngờ rằng các ngân hàng sẽ sớm phát hành AT1 mới, làm tăng khả năng các phiếu AT1 đang lưu hành bị gia hạn.”
“Chúng tôi cho rằng những sự kiện gần đây trong lĩnh vực ngân hàng đã dẫn đến sự bất ổn gia tăng đáng kể, điều này có khả năng tiếp tục được phản ánh là sự biến động đáng kể trong ngắn hạn trên các thị trường tín dụng. Chúng tôi dự đoán rằng các mức chênh lệch tín dụng (giữa lợi suất của công khố phiếu với những chứng khoán nợ khác có cùng thời gian đáo hạn nhưng khác nhau về chất lượng tín dụng) của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nói chung và cả trong dài hạn, cho dù là [để tài trợ cho] vốn của ngân hàng hay nợ cao cấp của ngân hàng, do các nhà đầu tư ngân hàng tính đến sự bất ổn hơn về những hành động giải quyết.”
Trái phiếu bằng dollar AT1 lãi suất 7.5% của Deutsche đã giảm khoảng 2 xu hôm thứ Năm (23/03). Trái phiếu Vốn Invesco AT1 UCITS ETF AT1, vốn đầu tư vào các CoCos này, đã giảm tới 4% trên Sở Giao dịch Chứng khoán Luân Đôn (LSE) vào cuối tuần giao dịch.
Cùng lúc, một trái phiếu không được bảo đảm cấp 2 đã tăng lên tới mức mệnh giá sau khi Deutsche bất ngờ sớm mua lại trái phiếu này.
Thị trường trái phiếu toàn cầu cũng đang trượt dốc hôm thứ Sáu (24/03).
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm gần 4 điểm căn bản xuống dưới 3.39%. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Anh giảm gần 9 điểm căn bản xuống gần 3.27%. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức giảm 8 điểm căn bản xuống dưới 2.11%.
Một khoảnh khắc khác của Credit Suisse?
Ở giai đoạn này, các nhà đầu tư đang lo ngại về sức khỏe của Deutsche Bank.
Nhưng những nỗi sợ hãi này có hợp lý không?
Một báo cáo từ công ty nghiên cứu Autonomous cho biết: “Chúng tôi không lo ngại về khả năng tồn tại hoặc mức tài sản của Deutsche. Nói một cách rõ ràng – Deutsche KHÔNG phải là Credit Suisse tiếp theo. Đánh giá từ những biến động trong CDS, AT1 của Deutsche và giá cổ phiếu, các nhà đầu tư đang lo lắng về sức khỏe của ngân hàng này. Chúng tôi tương đối yên tâm khi xem xét các vị trí thanh khoản và vốn mạnh mẽ của Deutsche.”
Deutsche Bank đã báo cáo lợi nhuận trong mười quý liên tiếp, bao gồm lợi nhuận ròng 1.98 tỷ USD trong quý 4, nhờ thu nhập ròng hàng năm tăng 159% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Deutsche Bank hiện có 1.4 ngàn tỷ USD tài sản, với 880 tỷ USD tài sản được quản lý.
Ngân hàng này đã trải qua một kế hoạch tái cấu trúc toàn diện bắt đầu vào năm 2019, với Giám đốc điều hành Christian Sewing nói rằng ngân hàng đã “chuyển đổi thành công” trong ba năm qua.
Ông Sewing cho biết trong một tuyên bố hồi tháng Hai: “Bằng cách tái tập trung hoạt động kinh doanh xung quanh các thế mạnh cốt lõi, chúng tôi đã thu được lợi nhuận cao hơn đáng kể, cân bằng tốt hơn và có hiệu quả về chi phí tốt hơn. Vào năm 2022, chúng tôi đã chứng tỏ được điều này bằng cách mang lại kết quả tốt nhất trong 15 năm.”
Khi cơn hoảng loạn lan rộng, một số nhà đầu tư đang tự hỏi liệu chính phủ Đức có ra tay giải cứu như chính phủ Thụy Sĩ đã làm với Credit Suisse tuần trước hay không.
Hiện tại, theo một tuyên bố gần đây của Thủ tướng Đức Olaf Scholz thì có vẻ như không phải như vậy.
Ông nói sau hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu: “Deutsche Bank đã hiện đại hóa và tổ chức cách thức hoạt động. Đó là một ngân hàng có lợi nhuận cao. Không có lý do gì phải lo lắng cả.”
Ngân hàng này đã chứng kiến một loạt vụ bê bối trong thập niên qua, mà một số chuyên gia cho rằng có thể góp phần vào việc bán tháo.
Từ năm 2013 đến 2015, các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ, Anh, và Âu Châu đã phạt ngân hàng này hơn 3 tỷ USD sau khi phát hiện ra rằng các nhà giao dịch đã thao túng lãi suất.
Năm 2015, Deutsche đã trả 260 triệu USD tiền phạt sau khi chính phủ Hoa Kỳ phát hiện ra rằng ngân hàng này đã vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran.
Vào năm 2015, Deutsche Bank bị tiết lộ ra là sử dụng các giao dịch chứng khoán để rửa khoảng 10 tỷ USD tiền bẩn bằng đồng rúp của Nga. Kết quả là tổ chức tài chính này đã phải nộp phạt 600 triệu USD cho chính phủ Hoa Kỳ.
Kể từ khi lên sàn vào tháng 11/1996, cổ phiếu của Deutsche Bank đã giảm mạnh 70%.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times