Chuyên gia: Hoa Kỳ có nguy cơ mất quỹ hưu trí ở Trung Quốc
Ông Gregory Copley, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (ISSA), đã cảnh báo rằng, Hoa Kỳ có nguy cơ mất quỹ hưu trí ở Trung Quốc khi chính quyền này tìm cách làm suy yếu nền tảng kinh tế của Hoa Kỳ.
Nhà đầu tư tỷ phú Mark Mobius gần đây đã nói rằng chính quyền Trung Quốc đã thực hiện hành động “rất lớn” để ngăn ông rút vốn khỏi chứng khoán Trung Quốc vì tài khoản tại HSBC của ông được đặt ở Thượng Hải.
Ông Mobius nói với Fox Business Network hôm 02/03: “Tôi không thể có được một lời giải thích tại sao họ lại làm điều này. Cách họ làm thế thật là kỳ lạ. Họ đang dựng lên đủ loại rào cản. Họ không nói, ‘Không, ông không thể rút tiền của mình,’ mà họ nói, ‘Hãy đưa cho chúng tôi tất cả các ghi chép trong 20 năm về cách ông kiếm được số tiền này,’ v.v. Thật là điên rồ.”
Ông Copley nói với “Trung Quốc Tiêu Điểm” của NTD: “Có một ảo tưởng trên toàn cầu ở ngoại quốc vào lúc này, đó là nền kinh tế ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang chuẩn bị hạ cánh mềm. Cuộc hạ cánh đó sẽ không phải là mềm đến thế đâu. Đó sẽ là một vấn đề mang lại hệ quả trên toàn thế giới vì nó sẽ gây tổn thất cho các quỹ hưu trí, đặc biệt là các quỹ hưu trí của người dân trên khắp thế giới nhưng nhất là quỹ hưu trí của những người về hưu ở Hoa Kỳ.”
Forbes đưa tin cho biết, nhà quản lý đầu tư lớn nhất thế giới BlackRock là công ty ngoại quốc đầu tiên nhận được giấy phép hoạt động trong ngành công nghiệp quỹ tương hỗ trị giá 3.5 ngàn tỷ USD của Trung Quốc.
Trong khi đó, chính phủ nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ đã đầu tư quỹ hưu trí của họ vào BlackRock. Theo một báo cáo năm 2021 (pdf) từ Consumers’ Research, thì các tiểu bang Washington, Florida, và New York là ba nhà đầu tư hàng đầu, lần lượt đầu tư 13.8 tỷ USD, 10.7 tỷ USD, và 9.8 tỷ USD.
Làm suy yếu phương Tây trong bối cảnh khó khăn kinh tế
Theo ông Copley, “Trung Quốc về căn bản đang ở trong một vị thế kinh tế rất, rất yếu.”
Vị chuyên gia này nói, “Không có bằng chứng nào cho thấy bản thân khu vực tư nhân đang kích thích tăng trưởng hoặc nhu cầu của người tiêu dùng có sự gia tăng. Hoàn toàn ngược lại, mọi người rất, rất e sợ sau những sự kiện trong vài năm qua, và không chi tiêu theo cách mà Đảng Cộng sản [Trung Quốc] đã dự kiến.”
Ông nói thêm: “Các lĩnh vực chính của nền kinh tế, và đặc biệt là lĩnh vực địa ốc, trong trường hợp tốt nhất là dường như khó có thể hồi sinh.”
Ông Copley lưu ý rằng Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhập cảng thực phẩm. Vào năm 2022, Trung Quốc đã nhập cảng hơn 85% lượng đậu tương (95 triệu tấn), chủ yếu từ Hoa Kỳ, Brazil, và Argentina.
Và do đó, ông nói, Trung Quốc khó có thể xây dựng một thị trường nội địa “đủ để kích thích tăng trưởng và các hoạt động kinh tế.”
Ông Copley tin rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận ra rằng khả năng vượt xa phương Tây, và đặc biệt là Hoa Kỳ, về kinh tế và chiến lược, hiện là rất khó khăn.
“Vì vậy, ông ấy phải tìm cách phá hoại cơ sở kinh tế và chiến lược của các đối thủ của mình, đặc biệt là Hoa Kỳ,” ông nói, đề cập đến cuộc đàn áp tư bản.
Ông cho biết, “Vì vậy, quan điểm là, nếu Trung Quốc không thể phát triển đủ về mặt chiến lược để đánh bại phương Tây, thì phương Tây phải bị suy giảm bằng các biện pháp gián tiếp về kinh tế, chính trị, v.v., để phương Tây trở nên thiếu thốn về kinh tế và bất ổn về chính trị.”
Ông nói thêm, “Và đó thực sự là cơ sở lựa chọn rất, rất nghèo nàn mà ông Tập Cận Bình có thể có.”
Răn đe xâm lược Đài Loan
Ông Copley lưu ý rằng ông Tập Cận Bình có thể tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan để đổ lỗi về tình trạng hỗn loạn kinh tế của Trung Quốc và khiến Hoa Kỳ cùng các đồng minh thực hiện các bước để ngăn chặn điều đó.
Ông nói: “Hoa Kỳ cần thể hiện cam kết thực tế lớn hơn trong việc hỗ trợ các lực lượng của Đài Loan.”
Ông nói thêm, “Các quốc gia khác, chẳng hạn như Úc, phải thể hiện sự hỗ trợ quân sự cởi mở hơn cho Đài Loan.”
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Moran và Frank Fang
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times