ĐCSTQ thành lập Cục Dữ liệu Quốc gia mới nhằm củng cố quyền kiểm soát trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung
Chính quyền cộng sản Trung Quốc sẽ thành lập một cục dữ liệu quốc gia nhằm giám sát và quản lý các nguồn dữ liệu, theo một kế hoạch do Quốc vụ viện của chế độ này đệ trình lên Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc bù nhìn trong cuộc họp Lưỡng Hội hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang diễn ra hôm 07/03.
Các nhà quan sát tin rằng sự giám sát của ĐCSTQ đối với người dân Trung Quốc có thể sẽ tăng cường trong tương lai, đồng thời biến chuyển này sẽ nhằm tập trung các nguồn lực trong cuộc chiến công nghệ của chế độ này với Hoa Kỳ.
Theo một thông báo chính thức do ĐCSTQ công bố, cục dữ liệu mới này sẽ điều phối việc tích hợp, chia sẻ, phát triển, và sử dụng các tài nguyên dữ liệu, đồng thời thúc đẩy việc dự trù và xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số và xã hội kỹ thuật số.
Cục dữ liệu quốc gia mới này sẽ do Ủy ban Cải tổ và Phát triển Quốc gia của chế độ này quản lý, đồng thời kết hợp các chức năng riêng biệt của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc và các bộ phận của Ủy ban Cải tổ và Phát triển Quốc gia.
Hiện tại, các tài nguyên dữ liệu của Trung Quốc đang được một số cơ quan riêng biệt quản lý, trong đó có Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin cũng như Ủy ban Cải tổ và Phát triển. Trong tương lai, tất cả các vấn đề và tài nguyên liên quan đến dữ liệu sẽ do một cơ quan duy nhất quản lý — cục dữ liệu quốc gia mới nói trên.
Tất cả dữ liệu do một cơ quan duy nhất quản lý
Chính quyền Trung Quốc cho biết văn phòng mới này sẽ xây dựng các chính sách chiến lược và điều phối các sáng kiến toàn quốc về phát triển kinh tế và kiểm soát xã hội, đồng thời phối hợp tốt hơn các nỗ lực trong cuộc cạnh tranh của nước này với phương Tây về công nghệ tân tiến, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn — qua đó giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.
Cục dữ liệu được dự trù này sẽ có quyền quyết định liệu các công ty đa quốc gia có thể xuất dữ liệu được tạo ra từ hoạt động của họ ở Trung Quốc hay không. Cơ quan này cũng sẽ đặt ra các quy định cho việc thu thập và chia sẻ dữ liệu của công ty, chẳng hạn như hạn chế các công ty thu thập một số loại dữ liệu người tiêu dùng, hoặc sàng lọc dữ liệu mà các công ty Trung Quốc dự định chia sẻ với các đối tác kinh doanh ngoại quốc của họ nhằm phát hiện các hành vi có khả năng xâm phạm an ninh quốc gia.
Liên quan đến việc thành lập một văn phòng dữ liệu của Trung Quốc vốn sẽ tập trung quyền quản lý và tài nguyên kỹ thuật số, ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), một nhà bình luận các vấn đề thời sự ở New York, nói với The Epoch Times rằng ông lo ngại sự giám sát của ĐCSTQ đối với người dân Trung Quốc có thể sẽ tăng cường trong thời gian tới.
“Trước đây, việc giám sát dữ liệu của ĐCSTQ bị phân tán và chỉ các chính quyền địa phương mới có thể kiểm soát được,” ông Lý nói. “Giờ đây việc giám sát như vậy do cơ quan trung ương điều phối, có nghĩa là do chính quyền trung ương kiểm soát.”
Ông Lý cho biết nhiều hành động của ĐCSTQ là bất hợp pháp, bao gồm cả cách đảng này giải quyết và sử dụng dữ liệu mà công chúng đã bị tước quyền được biết. Hơn nữa, ông nói rằng ĐCSTQ không bao giờ tuân thủ các quy định và luật pháp của chính họ.
Ông Tôn Thiên Chú (Sun Tianshu), một giáo sư tại Đại học Southern California, từng có những trao đổi và hợp tác chuyên sâu với các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc và các cơ quan chính quyền Trung Quốc. Trong một bài báo gần đây, ông Tôn đã tiết lộ rằng những đại công ty công nghệ Trung Quốc là Alibaba và Tencent đã trực tiếp chuyển giao dữ liệu người dùng — ví dụ như dữ liệu của các cá nhân — cho ĐCSTQ.
Ông cho biết ĐCSTQ xem số hóa như “một thanh gươm sắc bén mà tiến bộ công nghệ trao cho ĐCSTQ … Họ sẵn sàng mài sắc thanh gươm này và đâm nó vào người dân bất cứ lúc nào.”
Bản tin có sự đóng góp của Lin Yan
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times