Chuyên gia: Trung Quốc ‘đang bảo vệ nền kinh tế trước lệnh trừng phạt’ của Hoa Kỳ
Theo ông Anders Corr, nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, Trung Quốc đang ‘bảo vệ nền kinh tế trước lệnh trừng phạt’ của Hoa Kỳ để chuẩn bị cho khả năng xâm lược Đài Loan.
Sau khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 14, cơ quan lập pháp cao nhất của nước này, bế mạc phiên họp đầu tiên hôm 13/03, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế tiêu chuẩn cao và mở rộng cửa hơn nữa trong năm nay, phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, China Daily đưa tin.
“Trung Quốc, đất nước mở cửa và đang trong quá trình phát triển không ngừng, hoan nghênh mọi người đầu tư và phát triển,” ông Cường được dẫn lời.
Tuy nhiên, ông Corr cho biết, “Những gì Trung Quốc thực sự sẽ làm về cái gọi là mở cửa là họ đang tái tập trung vào nền kinh tế trong nước của họ, đây thực sự là một hình thức bảo vệ nền kinh tế trước lệnh trừng phạt.”
“Chúng ta nên coi đó là một dấu hiệu rủi ro về việc họ đang cố gắng không chỉ bảo vệ nền kinh tế của họ trước lệnh trừng phạt, mà họ còn đang cố gắng thúc đẩy phát triển công nghệ của họ để có được sự độc lập, để khi họ xâm lược Đài Loan, vốn là kế hoạch đã nêu của họ, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, nếu như Đài Loan không ‘thống nhất’ một cách hòa bình, thì quốc gia này sẽ bảo vệ được nền kinh tế trước lệnh trừng phạt, quốc gia này sẽ độc lập về công nghệ, và do đó có thể tiếp tục tồn tại,” ông Corr nói trong chương trình “Trung Quốc Tiêu điểm” trên NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, hôm Thứ Hai, 13/03.
Theo ông Corr, tuyên bố của ông Cường không có nghĩa là Trung Quốc đang mở cửa, mà đây là nhằm mục đích “cố gắng thuyết phục các nước đầu tư, giao dịch, bởi vì họ biết tiền của họ đến từ đâu”.
Ông nói: “Nhưng về căn bản, họ muốn tiếp tục phát triển kinh tế và đưa số tiền đó vào quân đội của họ, sau đó họ sẽ sử dụng số tiền này vào ý tưởng chiếm Đài Loan.”
Để chứng minh cho quan điểm của mình, ông Corr đã chỉ ra tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là hiện đại hóa quân đội Trung Quốc để biến nó thành một “Vạn lý Trường thành Thép” tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hôm thứ Hai.
Đóng băng tài sản của Hoa Kỳ ở Trung Quốc
Vị chuyên gia này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về khoản đầu tư trị giá 2 ngàn tỷ USD mà các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đổ vào Trung Quốc kể từ năm 1992.
Với thực tế là các mô hình sở hữu đặc biệt (VIE), một “mạng nhện các cam kết theo hợp đồng” về căn bản không trao quyền sở hữu trong công ty Trung Quốc, và sự giám sát ngày càng nghiêm ngặt của cơ quan quản lý là tiêu chuẩn đối với người ngoại quốc đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc, ông Corr gọi đó là “một sự đầu tư rất nguy hiểm.”
“Đó là một sự đầu tư rất nguy hiểm; Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ dễ dàng nắm lấy chúng [những khoản đầu tư] vào một thời điểm nào đó. Ý tôi là, nếu làm như vậy thì họ sẽ gây ra hỗn loạn thị trường về đầu tư ở Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ Đảng Cộng sản Trung Quốc rất sẵn sàng làm điều đó. Họ đang bảo vệ nền kinh tế của họ trước các lệnh trừng phạt, họ đã sẵn sàng chiếm lấy Đài Loan, vì vậy họ chắc chắn là sẵn sàng lấy đi cổ phần của quý vị nếu có thể,” ông nói.
Ông chỉ ra bài báo mà trong đó nhà đầu tư tỷ phú Mark Mobius gần đây cho biết chính quyền Trung Quốc đã thực hiện hành động “rất quan trọng” để ngăn ông rút vốn khỏi chứng khoán Trung Quốc vì tài khoản HSBC của ông ở Thượng Hải.
Ông Corr nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ chứng kiến các tài sản bị đóng băng trong thời chiến.
“Vì vậy, quý vị sẽ chứng kiến tài sản của các nhà đầu tư Hoa Kỳ bị đóng băng ở Trung Quốc,” ông cảnh báo.
Suy tính lại về mặt kinh tế khi đương đầu với Trung Quốc
Ông nêu lên những lo ngại về Temu, một thị trường trực tuyến được thành lập ở Boston hồi năm 2022 bởi PDD Holdings Inc., công ty này cũng vận hành Pinduoduo ở Trung Quốc.
Ông Corr đã so sánh Temu với ứng dụng chia sẻ video TikTok của Trung Quốc đang bị giám sát chặt chẽ vì những lo ngại về an ninh quốc gia.
Ông gọi Temu là “một phần của cách tiếp cận Tick Tock, tức là giả vờ rằng một ứng dụng bằng cách nào đó là một ứng dụng của Mỹ, rằng bằng cách nào đó nó là một ứng dụng an toàn.”
“Nhưng những gì chúng ta đang hiểu về Tiktok là nó không an toàn chút nào, chúng ta có những người tố cáo tiết lộ về độ an toàn của bộ máy an ninh do Tiktok sở hữu nói rằng nó không an toàn, có các mối liên hệ với Trung Quốc,” ông nói.
“Chúng ta có thể mong đợi điều tương tự sẽ bị đưa ra ánh sáng đối với Temu theo thời gian,” ông nói thêm.
“Tôi chỉ không nghĩ rằng chúng ta nên để những công ty đến từ Trung Quốc này, quốc gia hiện là đối thủ của Hoa Kỳ, [và] đang nghĩ đến việc cung cấp vũ khí cho Nga, chiếm một lượng lớn thị phần tại Hoa Kỳ,” ông cho biết.
“Và đó chính xác là những gì Tiktok đã làm, và tôi nghĩ đó là điều mà Temu mạo hiểm làm với một công ty như Amazon,” ông nói.
Ông Corr kêu gọi [mọi người] “suy tính thấu đáo về mặt kinh tế khi chúng ta đương đầu với Trung Quốc liên quan đến việc không cho phép các công ty lớn của Trung Quốc vào thị trường Hoa Kỳ.”
Ông đề nghị Hoa Kỳ và các đồng minh, trong đó có châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, và Nam Hàn, áp đặt các biện pháp trừng phạt và thuế quan chặt chẽ hơn đối với Trung Quốc và Nga, vì ông nói, “đây là hai quốc gia chính đang gây ra sự bất ổn toàn cầu hiện nay”.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times