Chuyên gia: Chuyến đi Moscow của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc là để đánh lạc hướng dư luận
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) sẽ đến thăm Nga và Belarus trong tuần này. Các nhà phân tích cho rằng lý do khiến vị bộ trưởng mới được bổ nhiệm này công du đến Moscow, lần thứ hai trong bốn tháng, dường như với mục đích là đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận khỏi những khó khăn về kinh tế ở trong nước.
Hôm thứ Ba (15/08), Tướng Lý đã nhắc lại lập trường của chính quyền Trung Quốc đối với Đài Loan, tuyên bố sẽ ngăn chặn những gì mà ông mô tả là các nỗ lực sử dụng vấn đề Đài Loan để “kiềm chế” nhà cầm quyền nước này.
Các bình luận này là một phần trong bài diễn văn của ông tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow ở Nga, trong đó ông đã đưa ra một vài lời chỉ trích úp mở nhắm vào Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh của họ.
“Đùa với lửa và cố gắng lợi dụng các vấn đề Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại,” Tướng Lý nói trước hội nghị có sự tham dự của các quan chức quân sự cao cấp từ các quốc gia bao gồm Belarus, Việt Nam, và Saudi Arabia.
Các nhà phân tích bên ngoài cho rằng những bình luận như vậy dường như là một mưu đồ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm chuyển hướng sự chú ý của dư luận khỏi những rắc rối thực sự của họ.
“Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề ngày càng gia tăng ở trong nước, giống như những gì Tổng thống Biden mô tả, là ‘một quả bom đang nổ chậm,’” ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng được chính phủ Đài Loan tài trợ, nói với The Epoch Times. “Bắc Kinh đang sốt sắng muốn chuyển trách nhiệm cho các nước khác.”
‘Dám chiến đấu’: Ông Tập Cận Bình yêu cầu quân đội tăng cường kế hoạch chiến tranh
Những thách thức trong nước của Trung Quốc
Mexico đã thế chỗ Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ, với tỷ trọng hàng nhập cảng của Hoa Kỳ tăng hơn 15% trong tháng Sáu.
“Điều đó có nghĩa là vị thế công xưởng thế giới của Bắc Kinh đang dần dần bị thay thế,” ông Tô nói.
Nhưng thời gian không thể nào gấp rút hơn. Ông Tô dẫn chứng về tình trạng thất nghiệp tăng vọt trong giới trẻ. Dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục 21.3% trong tháng Sáu. Hôm thứ Ba, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp đối với những người từ 16 đến 24 tuổi.
Hơn nữa, nhiều cuộc khủng hoảng hơn từ lĩnh vực địa ốc đang chuẩn bị kéo đến, ông Tô nói thêm. Sau sự sụp đổ của đại công ty địa ốc Evergrande, một công ty phát triển địa ốc lớn khác là Bích Quế Viên (Country Garden) hiện có nguy cơ vỡ nợ.
Trong hoàn cảnh đó, diễn đàn của Moscow đã cấp cho chính quyền Trung Quốc một cơ hội để tuyên truyền, và thông điệp của Tướng Lý đã được gửi đến khán giả “phần lớn là ở Trung Quốc đại lục,” theo ông Tô.
Đây không phải là lần đầu tiên chế độ ĐCSTQ tìm cách quy trách nhiệm cho phương Tây về những thách thức mà đảng này đang phải đối mặt ở quê nhà. Lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã đưa ra một lời chỉ trích sắc sảo đầy bất thường nhắm thẳng vào Hoa Kỳ trong một hội nghị hồi tháng Ba, nói rằng “sự kìm hãm, bao vây, và đàn áp” mà Hoa Kỳ dẫn dắt đe dọa sự phát triển của đất nước ông.
Tuy nhiên, những bình luận của tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Tổng thống Biden đang tìm cách phá vỡ thế bế tắc trong bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc, đó là cử ba quan chức nội các tới Bắc Kinh trong khoảng thời gian một tháng và mời tân bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc tới Hoa Thịnh Đốn. Ông Tô cho rằng nhận xét của Tướng Lý sẽ khó có thể giúp xoa dịu tình hình căng thẳng hiện tại.
Ông nói thêm: “Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về mối bang giao căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.”
Thắt chặt mối bang giao Trung Quốc-Nga
Đồng tình với nhận định của Tướng Lý, hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã cáo buộc phương Tây gây căng thẳng xung quanh vấn đề Đài Loan.
Đài Loan tự trị, giống như Ukraine, phải đối mặt với sự gây hấn ngày càng tăng từ quốc gia lân bang lớn hơn đang muốn đưa lãnh thổ này vào tầm kiểm soát của mình, bằng vũ lực nếu cần thiết.
“Mối bang giao song phương giữa Nga và Trung Quốc đã vượt qua mức độ liên kết chiến lược về mọi mặt, vượt trên mối quan hệ đồng minh,” Tướng Shoigu nói, theo một tuyên bố được Bộ Quốc phòng Nga phát hành.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, bộ trưởng quốc phòng hai nước cũng đã có một cuộc gặp bên lề diễn đàn thường niên ở Moscow, trong đó bộ trưởng Nga ca ngợi mối bang giao ngày càng sâu sắc với Bắc Kinh.
Tướng Shoigu nói: “Nga và Trung Quốc là đối tác chiến lược, láng giềng tốt, và là những người bằng hữu trung thành.”
Nhưng đằng sau những ngôn từ thân thiết đó, giới quan sát cho rằng liên kết đối tác giữa Bắc Kinh và Moscow không mấy bền vững.
Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), một nhà hoạt động và học giả chính trị nổi tiếng của Trung Quốc, cho biết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thận trọng giữ khoảng cách với Nga vì Bộ [Quốc phòng] Nga đã phải chịu những thất bại trong cuộc chiến ở Ukraine trong thời gian gần đây. Ông lưu ý rằng trong bài diễn văn của mình, Tướng Lý chỉ mô tả bang giao Trung Quốc-Nga là “một ví dụ về việc không nhắm mục tiêu vào các nước thứ ba.”
Ông Tô đồng tình với nhận định của ông Vương.
Ông nói: “Bắc Kinh muốn Nga trở thành lực lượng ủng hộ chính của họ, bao gồm cả việc tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung để chứng tỏ sức mạnh quân sự của họ với Hoa Kỳ và Nhật Bản.”
Đầu tháng này, 11 tàu Trung Quốc và Nga đã di chuyển gần bờ biển Alaska trong một hoạt động hải quân chung mà giới chức Hoa Kỳ mô tả là “chưa từng có tiền lệ.” Hoa Kỳ đã điều động bốn khu trục hạm để đáp trả.
Nhưng khi tăng trưởng kinh tế bị đình trệ, ĐCSTQ cần thị trường Âu Châu và Mỹ Châu, ông Tô lưu ý. Chế độ này không muốn chuốc lấy các lệnh trừng phạt kinh tế bằng cách liên kết quá mật thiết với quốc gia lân bang bị cô lập của mình.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times