Chụp cộng hưởng từ phát hiện: Thiện tâm và thiền định mang đến cảm giác hạnh phúc
Mọi người đều khao khát hạnh phúc, nhưng nó dường như là một kho báu ẩn. Dù cố ý hay vô ý, trực tiếp hay gián tiếp, mọi thứ chúng ta làm, mọi hy vọng chúng ta có, đều liên quan đến khát vọng về hạnh phúc.
Tiến sĩ di truyền học phân tử người Pháp Matthieu Ricard là một nhà sư Phật giáo, ông là tác giả của cuốn sách “Happiness: A Guide to Developing Life’s Most Important Skill” (Tạm dịch: “Hạnh phúc: Hướng dẫn phát triển kỹ năng quan trọng nhất trong cuộc sống”). Dù đi đến nơi nào, ông đều nở một nụ cười rạng rỡ. Ông đã tiến hành thí nghiệm kết nối chiếc đầu trọc của mình với 256 điện cực và phát hiện ra rằng, có sự hoạt động siêu thường ở vỏ não trước bên trái của mình. Vỏ não trước bên trái là vùng não hoạt động đặc biệt tích cực ở những người luôn suy nghĩ lạc quan.
Là một nhà sinh học phân tử, Tiến sĩ Ricard kết luận từ dữ liệu của chụp cộng hưởng từ (MRI) rằng: theo nguyên lý khoa học, trạng thái tinh thần của ông cho thấy ông là người hạnh phúc nhất trên Trái đất.
Bộ não hạnh phúc
Nhiều năm nghiên cứu đã khiến các khoa học gia xác định được một cách chắc chắn rằng, hoạt động của vỏ não trước bên trái có liên quan mật thiết đến cảm giác hạnh phúc, trong khi vỏ não trước bên phải có liên quan đến trạng thái cảm xúc tiêu cực.
Điều khiến họ ngạc nhiên là, các nghiên cứu đã tiết lộ một mô hình rõ ràng ở những người có “bộ não hạnh phúc”. Theo thống kê nhân khẩu học, họ không phải là những người giàu có nhất về tài chính hay vật chất, mà là một nhóm người hoàn toàn khác – các nhà sư Tây Tạng và những người thiền định chuyên nghiệp.
Các thí nghiệm quét não chi tiết đã phát hiện ra rằng, những người thiền định trường kỳ và tập trung vào lòng bao dung có thể thay đổi cấu trúc giải phẫu của não một cách đáng ngạc nhiên. Dữ liệu quan sát ở vỏ não trước bên trái cho thấy mức độ cảm xúc tích cực lạc quan của họ đã tăng lên. Ngoài ra, hoạt động của vỏ não trước bên phải (liên quan đến bệnh trầm cảm) và hạch hạnh nhân (khu vực liên quan đến sợ hãi và tức giận) của họ đã giảm đi, đồng thời tăng cường thời gian duy trì và chiều sâu của lực chú ý.
Các khoa học gia kết luận rằng, lòng bao dung được tạo ra bởi một số môn thiền định sẽ có thể làm dịu bộ não và đạt được trạng thái hạnh phúc. Biểu hiện hạnh phúc của một người thiền định là một trạng thái không còn sợ hãi và hoàn toàn kiểm soát được cảm xúc.
Tương tự như vậy, trong giai đoạn nào đó của các bài tập trí tuệ hoặc thể chất, người ta sẽ trải qua một loại cảm giác gọi là trạng thái dòng chảy (Flow), là một cảm giác hạnh phúc khi tâm trí hoàn toàn hòa hợp với những gì đang làm.
Theo nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới, Tiến sĩ Daniel Goleman, trạng thái dòng chảy là một cảm giác vui sướng và ngạc nhiên tự phát. Giống như giả thuyết của Goleman, mọi người ở trạng thái dòng chảy đều trở nên phi thường tập trung, đến mức sự chú ý và ý thức của họ đã hòa làm một với hành động.
Trái ngược với những gì các nhà khoa học thần kinh đã nghĩ trong một đoạn thời gian trước đây, khi tâm trí tập trung tham gia vào một nhiệm vụ, ví dụ như ở trạng thái dòng chảy, não sẽ có ít hoạt động hơn. Nó dường như có ít “tiếng ồn thần kinh” hơn, loại tiếng ồn mà thường xuất hiện khi suy nghĩ lung tung. Mặc dù khó nắm bắt hơn, nhưng trạng thái dòng chảy cũng tương tự với trạng thái sinh ra ở những người thường xuyên thiền định.
Do đó, theo các phát hiện khoa học, hạnh phúc là trạng thái không thể đạt được bằng vật chất. Ngược lại, nó là sản phẩm của việc cảm xúc không bị vật chất khống chế, có lẽ được kết hợp bởi sự chiêm nghiệm lòng từ bi về vũ trụ.
Tác giả: Leonardo Vintini
Hàn Ngọc biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ