Chương trình giám sát của Tòa Bạch Ốc thu thập ‘hàng tỷ hồ sơ điện thoại trong nước’
Thông tin bao gồm dữ liệu vị trí của một mục tiêu, các số điện thoại thay thế của họ, và điều thú vị là số điện thoại của tất cả những người đã liên lạc với họ.
Một chương trình do Tòa Bạch Ốc hậu thuẫn hợp tác với đại công ty viễn thông AT&T thu thập hồ sơ cuộc gọi điện thoại của người Mỹ và cung cấp cho các cơ quan chấp pháp quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu này.
Thượng nghị sĩ Ron Wyden (Dân Chủ-Oregon) đã nêu lên “những lo ngại nghiêm trọng về tính hợp pháp của chương trình giám sát này.”
Hôm 20/11, ông Wyden đã viết một lá thư cho Tổng Chưởng lý Merrick B. Garland để yêu cầu thêm thông tin về Dự án Bán cầu (Hemisphere Project). Đây là một “chương trình giám sát vây bắt dài hạn, trong đó Tòa Bạch Ốc trả tiền cho AT&T để cung cấp cho các cơ quan chấp pháp liên bang, tiểu bang, địa phương, và Bộ lạc khả năng yêu cầu tra cứu thường xuyên mà hầu như không cần trát lệnh đối với hàng ngàn tỷ hồ sơ điện thoại trong nước.”
Dự án Bán cầu có thể được sử dụng để xác định các số điện thoại thay thế, vị trí của một mục tiêu, cũng như hồ sơ của tất cả những người đã liên lạc với họ.
4 tỷ hồ sơ mới mỗi ngày
Sự tồn tại của chương trình này đã được New York Times tiết lộ trong một bài báo năm 2013. Bài báo cho biết AT&T đã lưu giữ hồ sơ cuộc gọi từ năm 1987, thêm 4 tỷ hồ sơ mới mỗi ngày.
Bức thư của Thượng nghị sĩ Wyden nêu ra rằng Dự án Bán cầu nhận được tiền liên bang thông qua một “chương trình tài trợ khó hiểu” mà không yêu cầu một cuộc đánh giá bắt buộc cấp liên bang về quyền riêng tư.
Nếu số tiền được chuyển trực tiếp thông qua một cơ quan liên bang, thì Dự án Bán cầu sẽ phải tuân theo Đánh giá Tác động đến Quyền riêng tư do Văn phòng Quyền riêng tư và Quyền tự do Dân sự của Bộ Tư pháp (DOJ) thực hiện. Những phát hiện này sẽ được công khai.
Thay vào đó, Văn phòng Chính sách Kiểm soát Ma túy Quốc gia (ONDCP) của Tòa Bạch Ốc trao ngân quỹ cho Dự án Bán cầu thông qua Khu vực Buôn bán Ma túy Cường độ Cao Houston (HIDTA), một tổ chức tài trợ do ONDCP quản lý.
Các chương trình được Tòa Bạch Ốc hậu thuẫn được miễn các quy tắc phải thực hiện các cuộc đánh giá tác động đến quyền riêng tư. Tòa Bạch Ốc cũng không phải tuân theo Đạo luật Tự do Thông tin.
Một nhà phân tích xem xét tất cả các yêu cầu
Theo bức thư, những nhà quản lý tại Houston HIDTA đã nói với nhân viên của Thượng nghị sĩ Wyden rằng tất cả các yêu cầu của Dự án Bán cầu đều được gửi đến một nhà phân tích AT&T duy nhất ở Atlanta, Georgia.
Bất kỳ nhân viên chấp pháp nào làm việc cho các cơ quan chấp pháp liên bang, tiểu bang, địa phương, hoặc bộ lạc đều có thể yêu cầu nhà phân tích này thực hiện một cuộc truy vấn. Các yêu cầu tra cứu không nhất thiết phải liên quan đến các cuộc điều tra liên quan đến ma túy.
Ông Wyden viết: “Tôi thực sự lo ngại về tính hợp pháp của chương trình giám sát này và các tài liệu do DOJ cung cấp có chứa những thông tin đáng lo ngại có thể khiến nhiều người Mỹ và các nghị sĩ Quốc hội khác phẫn nộ một cách chính đáng.”
“Mặc dù từ lâu tôi đã bảo vệ nhu cầu của chính phủ trong việc bảo vệ các nguồn tin và phương pháp bí mật, nhưng chương trình giám sát này không phải là cơ mật và sự tồn tại của chương trình này đã được DOJ thừa nhận tại tòa án liên bang. Sự quan tâm của công chúng đối với một cuộc tranh luận có căn cứ về sự giám sát của chính phủ thì quan trọng hơn nhu cầu giữ bí mật thông tin này.”
Bắt đầu từ năm 2009, chương trình đã được Tòa Bạch Ốc tài trợ. Sau khi báo chí đưa tin hồi năm 2013, chính phủ cựu TT Obama đã đình chỉ tài trợ cho chương trình. Tuy nhiên, nó đã được thay bằng một cái tên mới — Dịch vụ Phân tích Dữ liệu (DAS) — và nhận được một nguồn tài trợ liên bang khác.
Vào năm 2017 dưới thời chính phủ cựu TT Trump, ONDCP tiếp tục tài trợ cho DAS. Vào năm 2021, khoản tài trợ này lại bị tạm dừng một lần nữa dưới thời chính phủ TT Biden và lại được tiếp tục lại một năm sau đó vào năm 2022.
Theo hãng truyền thông Wired, các hồ sơ cuộc gọi được AT&T lưu trữ theo chương trình DAS không bao gồm các bản ghi âm cuộc hội thoại. Việc nghe lén trên đất Hoa Kỳ cần phải có trát lệnh. Thay vào đó, hồ sơ bao gồm thông tin nhận dạng như tên người gọi và người nghe, ngày giờ của cuộc gọi và số điện thoại.
Chương trình Bán cầu cho phép cơ quan chấp pháp tra cứu dữ liệu này thông qua nhà phân tích của AT&T. Năm 2018, tổ chức tự do dân sự Electronic Frontier Foundation (EFF) đã có thể có được các tài liệu và thông tin liên lạc liên quan đến Dự án Bán cầu sau khi đệ đơn kiện Cơ quan Quản lý Thực thi Ma túy (DEA).
Các tài liệu tiết lộ rằng chương trình Bán cầu cung cấp ba tính năng độc đáo cho việc tra cứu của cơ quan chấp pháp:
- Xác định số điện thoại bị mất và bổ sung: Các nhà phân tích của AT&T sử dụng các thuật toán phức tạp để tìm kiếm một số bị bỏ lại thông qua một cơ sở dữ liệu nhằm xác định số điện thoại mới có thể có của nghi phạm.
- Xác định vị trí: Các nhà phân tích có thể cung cấp cho các nhà điều tra quyền truy cập vào dữ liệu vị trí chuyển vùng tạm thời của các cá nhân khi họ thực hiện hoặc nhận cuộc gọi.
- Xác định số điện thoại quốc tế: Chương trình này cung cấp thông tin về hồ sơ cuộc gọi được thực hiện bởi các số điện thoại quốc tế nào hiện cuộc gọi qua mạng AT&T hoặc chuyển vùng trên mạng điện thoại này. Vì vậy, các nhà điều tra không cần phải liên lạc với cơ quan chấp pháp ngoại quốc để có được những thông tin chi tiết đó.
Chương trình Bán cầu có thể đưa ra hồ sơ cho các truy vấn trong vòng ít nhất một giờ nếu một quan chức đưa ra yêu cầu khẩn cấp. Đối với những yêu cầu không khẩn cấp, sẽ chỉ mất từ một đến năm ngày.
EFF cho biết, “Điều đó nhanh hơn rất nhiều so với các yêu cầu được gửi trực tiếp đến nhà cung cấp dịch vụ điện thoại.”
Không chịu sự giám sát
Theo dữ liệu do ONDCP cung cấp cho ông Wyden, từ năm 2009 đến năm 2022, cơ quan này đã tài trợ cho Dự án Bán cầu 6.19 triệu USD .
Dự án Bán cầu không phải là chương trình giám sát vây bắt đầu tiên của liên bang. Trở lại năm 1992, DEA đã tiến hành một chương trình buộc các công ty điện thoại phải cung cấp hồ sơ cuộc gọi từ hơn 100 quốc gia. Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã có một chương trình thu thập siêu dữ liệu số lượng lớn nhưng cuối cùng đã bị tòa án phán quyết là bất hợp pháp vào năm 2014.
Sự khác biệt là mặc dù các chương trình này chịu sự giám sát của Quốc hội nhưng DAS thì không chịu sự giám sát như vậy.
Trước đó trong tháng này (11/2023), ông Wyden và các nhà lập pháp khác đã giới thiệu dự luật lưỡng đảng — “Đạo luật Cải tổ Giám sát của Chính phủ” — nhằm tìm cách bảo vệ người Mỹ khỏi “các cuộc tra cứu bí mật không cần trát lệnh,” theo một thông cáo báo chí hôm 07/11.
Dự luật cũng có mục đích bảo đảm rằng “người ngoại quốc không trở thành một cái cớ để do thám người Mỹ mà người ngoại quốc đó đang liên lạc.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times