Chính phủ TT Biden nói ủng hộ quyền riêng tư kỹ thuật số, nhưng các chính sách thì ngược lại
Hôm thứ Hai (06/03), các đại diện của Tòa Bạch Ốc và Bộ Thương mại đã kêu gọi cần phải có luật liên bang để bảo vệ dữ liệu người dùng trực tuyến, đồng thời cho biết chính phủ Tổng thống (TT) Biden cam kết bảo vệ quyền riêng tư kỹ thuật số. Thế nhưng, kể từ khi lên nắm quyền, chính phủ này đã ban hành các chính sách cho phép chính phủ truy cập nhiều hơn vào dữ liệu cá nhân.
Tại hội nghị “State of the Net” ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Giám đốc Công nghệ Tòa Bạch Ốc Alexander Macgillivray cho biết, “một loạt các câu chuyện kinh hoàng về quyền riêng tư” chứng tỏ sự cần thiết của luật liên bang về quyền riêng tư.
Các ví dụ về vi phạm quyền riêng tư mà ông Macgillivray đưa ra gồm cả việc các nền tảng quảng cáo nhắm mục tiêu đến những người mắc chứng trầm cảm lâm sàng, cũng như việc các nhà môi giới dữ liệu đã tạo ra một nhóm dành cho phụ nữ mang thai. Ông cho biết đây là điều “đặc biệt đáng lo ngại trước các cuộc tấn công vào quyền sinh sản mà chúng ta đang chứng kiến.”
Ông nói: “Tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta cần giới hạn dữ liệu mà các công ty thu thập.”
Giám đốc Công nghệ của Tòa Bạch Ốc ủng hộ các hạn chế đối với việc “thu thập và sử dụng dữ liệu” trong các danh mục như lịch sử truy cập internet, các cuộc trò chuyện liên lạc cá nhân, vị trí, và dữ liệu sinh trắc học.
Tuy nhiên, một số hành động của chính phủ hoàn toàn trái ngược với mục tiêu bảo vệ quyền riêng tư cá nhân mà họ đã nêu.
Hồi tháng Hai, ông George Hill, người tố cáo FBI, nói với Just The News rằng văn phòng tại Hoa Thịnh Đốn của cục này đã sử dụng dữ liệu tài chính cá nhân do Bank of America cung cấp, để mở các cuộc điều tra hình sự đối với 140 cá nhân đã đến thủ đô vào khoảng thời gian xung quanh ngày 06/01/2021, hoặc “những ai sở hữu súng.”
Ông Hill — một nhà phân tích tình báo giám sát hiện đã về hưu — cho biết, mặc dù bị Hoa Thịnh Đốn gây áp lực buộc phải làm điều tương tự, nhưng ban lãnh đạo tại văn phòng hiện trường ở Boston của ông đã từ chối tuân thủ, viện dẫn lý do rằng không có đủ căn cứ cho yêu cầu chia sẻ dữ liệu riêng tư của công dân.
“Không có bằng chứng nào cho thấy việc phạm tội diễn ra tại đây,” ông Hill nói với nhà sáng lập Just The News John Solomon. “Chúng tôi không thể mở các cuộc điều tra sơ bộ về việc ai đó sử dụng công cụ tài chính trong Đặc khu.”
Ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, TT Biden đã ban hành một sắc lệnh có nhan đề “Sắc lệnh về việc Cải thiện An ninh mạng Quốc gia,” gồm 46 quy định khác nhau và kêu gọi xóa bỏ các rào cản chia sẻ thông tin giữa cộng đồng tình báo và các công ty công nghệ.
Lệnh này yêu cầu các công ty “thu thập và lưu trữ dữ liệu, thông tin, và báo cáo” liên quan đến an ninh mạng và chủ động chia sẻ dữ liệu này với các cơ quan liên bang có liên quan. Những loại dữ liệu thuộc phạm vi an ninh mạng này không được xác định rõ, tuy nhiên sắc lệnh này yêu cầu phải chia sẻ những thông tin liên quan đến “các vụ biến cố an ninh mạng hoặc các biến cố tiềm ẩn.”
Khi được hỏi về sắc lệnh trên, ông Macgillivray nói với The Epoch Times rằng an ninh mạng không nhất thiết đồng nghĩa với dữ liệu cá nhân.
“Có rất nhiều cách để cân bằng sự việc,” ông nói. “Đặc biệt, cần bảo đảm rằng quý vị đang thực thi đúng đắn về mặt chia sẻ có trách nhiệm và tiếp đó là bảo đảm rằng quý vị đang thực sự bảo vệ người dân.”
“An ninh mạng không phải là tất cả thông tin cá nhân của người dân.”
Ông Alan Davision, Cục trưởng Cục Quản lý Thông tin và Viễn thông Quốc gia (NTIA), cũng đã diễn thuyết trong hội nghị. Trong bài nói của mình ông lặp lại lời kêu gọi của ông Macgillivray về việc cần phải có quy định liên bang chặt chẽ hơn. Ông Davidson giải thích rằng “các cộng đồng thiểu số” bị ảnh hưởng nặng nề bởi những người thu thập dữ liệu riêng tư và cho biết NTIA hiện đang tiến hành “một cuộc điều tra về quyền công dân và các khía cạnh công bằng của quyền riêng tư.”
“Các cộng đồng yếu thế nhất của chúng ta cảm nhận rõ rệt nhất tác hại của các lỗ hổng về bảo mật và quyền riêng tư,” ông cho hay, đồng thời nhấn mạnh rằng người cao tuổi thuộc một nhóm mục tiêu khác.
Công ty TikTok thuộc sở hữu của Trung Quốc đã được liệt kê là “nhà tài trợ bạch kim” cho sự kiện State of the Net.
Trong bài diễn văn Thông điệp Liên bang hồi tháng trước, ông Biden đã đề cập đến tầm quan trọng của quyền riêng tư về dữ liệu, kêu gọi “giới hạn rõ ràng và nghiêm ngặt” đối với việc thu thập dữ liệu và đối với các đại công ty công nghệ để “giảm thiểu lượng thông tin họ thu thập.”
Những bình luận này trong thời gian gần đây mâu thuẫn với một số hành động mà chính phủ TT Biden đã thực hiện trong hai năm qua, bao gồm cả một sắc lệnh hồi tháng Mười, trong đó rõ ràng cho phép việc “thu thập hàng loạt” tình báo tín hiệu— được định nghĩa là dữ liệu nghe trộm được từ tín hiệu điện tử và liên quan đến người ngoại quốc.
Các nhà phê bình cho rằng lệnh này có phạm vi quá rộng và cho phép nguồn dữ liệu của Mỹ bị truy quét tùy tiện, bao gồm cả dữ liệu của công dân Hoa Kỳ ở trong nước.
“Thu thập hàng loạt — việc thu thập các thông tin liên lạc hoặc dữ liệu khác không gắn với bất kỳ mục tiêu giám sát cụ thể nào — vốn dĩ là có vấn đề, bởi vì điều này chắc chắn dẫn đến việc thu thập thông tin cá nhân mà chính phủ không có nhu cầu chính đáng để thu thập,” bà Elizabeth Goitein, đồng giám đốc của Trung tâm Tư pháp Brennan viết vào tháng hồi tháng Mười. Bà tiếp tục đưa ra cáo buộc đối với sắc lệnh “hủy hoại quyền riêng tư của người dân Mỹ và người ngoại quốc trên toàn cầu” này.
Cả hai đảng phái đều có những hành động đáng thất vọng về quyền riêng tư.
Một dự luật năm 2020 do Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) giới thiệu đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin mã hóa — như WhatsApp và Telegram — cung cấp cửa hậu để các cơ quan chính phủ truy cập các tin nhắn riêng tư. Cựu Tổng Chưởng lý William Barr cũng ủng hộ dự luật này.
Ông Andrew Milich — người sáng lập nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử Skiff — đã chỉ trích dự luật này, cho rằng dự luật cản trở việc bảo mật dữ liệu.
“Bất kỳ cửa hậu nào dành cho lực lượng chấp pháp cũng sẽ bị những kẻ xấu lợi dụng,” ông Milich viết trên tạp chí Wall Street Journal hồi tháng trước. “Việc ngăn cấm hoặc phá hoại các giao thức mã hóa sẽ khiến lưu lượng truy cập mạng, tin nhắn riêng tư, thư điện tử được mã hóa, và các cuộc gọi thoại hoặc cuộc gọi video kỹ thuật số dễ bị giám sát, nghe trộm, và sử dụng sai mục đích.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times