Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức cảnh báo lạm phát có thể lên tới 10%
Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức Joachim Nagel đã cảnh báo rằng tỷ lệ lạm phát của nước này có thể tăng lên hơn 10% vào mùa thu trong bối cảnh thắt chặt năng lượng do Nga thắt chặt nguồn cung cấp khí đốt.
Ông Nagel đưa ra những bình luận trên trong một cuộc phỏng vấn với Rheinische Post hôm 20/08, khi lạm phát trên toàn nước Đức tăng lên mức cao nhất trong 40 năm là 7.5% vào tháng Bảy so với một năm trước đây, chủ yếu là do giá năng lượng tăng.
“Vấn đề lạm phát sẽ không chấm dứt vào năm 2023,” ông Nagel nói với Rheinische Post. “Tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và những căng thẳng địa chính trị có thể sẽ tiếp diễn,” ông nói thêm, đồng thời lưu ý rằng Nga đã “giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt” cho Đức, và “giá điện và giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn dự kiến”.
“Nhiều khả năng lạm phát sẽ cao hơn dự báo trước đây và chúng ta sẽ có mức trung bình là 6 trước dấu thập phân vào năm tới,” ông lưu ý, đồng thời chỉ ra rằng các quan chức của ngân hàng Bundesbank đã kỳ vọng lạm phát ở mức 4.5% cho năm 2023 theo dự báo của họ hồi tháng Sáu.
Ông Nagel nói: “Nhìn chung, tỷ lệ lạm phát 10% thậm chí có thể xảy ra trong những tháng mùa thu.”
Bình luận của ông Nagel được đưa ra sau khi đại công ty khí đốt nhà nước Gazprom của Nga thông báo hôm 19/08 rằng đường ống Nord Stream 1 sẽ ngừng hoạt động trong ba ngày để bảo trì vào cuối tháng Tám.
Theo công ty này, đường ống dẫn khí lớn nhất chở khí đốt của Nga đến Đức, Nord Stream 1, sẽ đóng cửa từ ngày 31/08 đến ngày 02/09.
Hồi tháng Bảy, Gazprom đã khôi phục nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên thông qua đường ống này xuống chỉ còn 1/5 công suất sau khi ngừng hoạt động 10 ngày trước đó để “bảo trì hàng năm”.
Trong những tháng gần đây, Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho một số nước Âu Châu do không tuân thủ yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin về việc thanh toán bằng đồng rúp.
Nga ‘vũ khí hóa khí đốt’
Tuy nhiên, Đức, nước phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, đã cáo buộc Điện Kremlin vũ khí hóa khí đốt nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Các quan chức Nga đã phủ nhận điều này và nói rằng Nga là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy, đồng thời “thực hiện nghiêm túc mọi nghĩa vụ của mình” đối với Âu Châu.
Tuy nhiên, việc siết chặt năng lượng đã dẫn đến việc giá cả tăng cao, trong đó chi phí năng lượng cao là nguyên nhân lớn dẫn đến lạm phát của Đức trong tháng Bảy.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, năng lượng gia dụng tăng 42.9% hàng năm, trong khi dầu sưởi tăng 102.6%, và nhiên liệu động cơ tăng 23%.
Trong một nỗ lực bảo tồn năng lượng, Đức, nước đã tuyên bố giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đã bắt đầu phân phối nước nóng, giảm đèn đường, và đóng cửa các bể bơi.
Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay ở Đức đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn do một đợt nắng nóng mùa hè đang diễn ra khiến sông Rhine khô cạn, và việc vận chuyển hàng hóa và năng lượng trở nên khó khăn hơn.
“Nếu phát sinh thêm các vấn đề về giao hàng, chẳng hạn như do mực nước thấp kéo dài, thì những triển vọng kinh tế trong nửa cuối năm nay sẽ sụt giảm hơn nữa,” ông Nagel nói với Rheinische Post. “Khi cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc, thì một cuộc suy thoái có khả năng sẽ xuất hiện vào mùa đông tới.”
Cô Katabella Roberts là một cây viết tin tức cho The Epoch Times, chủ yếu tập trung vào Hoa Kỳ, thế giới, và tin tức kinh doanh.