Lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao khi tình trạng chuỗi cung ứng bị rạn nứt tiếp diễn
Các cuộc thăm dò của Reuters cho thấy tình trạng lạm phát cao trên toàn cầu sẽ còn kéo dài và việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ sẽ không thể kìm áp lực giá cả xuống mức bắt buộc vì chuỗi cung ứng bị phá vỡ khó có thể sớm được phục hồi.
Lạm phát ở hầu hết các quốc gia đã tăng lên các mức cao trong nhiều năm, được thúc đẩy bởi hoạt động kinh tế phục hồi và sự gia tăng căng thẳng của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tràn lan.
Trong khi các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát sẽ giảm trong năm nay với các dấu hiệu giảm bớt cú sốc về nguồn cung, thì cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và các đợt phong tỏa gần đây do các ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại ở một số khu vực của Trung Quốc, một nhà sản xuất lớn, đã làm tan vỡ phần lớn sự lạc quan đó.
Phân tích dữ liệu lạm phát toàn cầu và Chỉ số Áp lực Chuỗi cung ứng Toàn cầu (GSCPI) của Cục Dự trữ Liên bang New York, đo lường sự biến dạng nguồn cung, cho thấy hiện có mối tương quan chặt chẽ hơn giữa gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát so với trước đại dịch, đặc biệt là ở Vương Quốc Anh, khu vực đồng tiền chung Âu Châu và Hoa Kỳ.
Nhưng có một độ trễ đáng kể: trong khi GSCPI tăng lên mức cao nhất vào quý 4 năm 2021, thì lạm phát vẫn còn vài tháng nữa mới đạt được mức đỉnh.
Điều đó đã làm cho việc dự đoán lạm phát trở thành một thách thức lớn hơn đối với các nhà kinh tế học có các dự đoán của họ liên tục tăng.
Ông Brendan McKenna, nhà kinh tế quốc tế tại Wells Fargo, cho biết: “Tôi không nghĩ rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng được phản ánh đầy đủ trong một số dự báo lạm phát và đó có lẽ là lý do tại sao chúng ta có thể thấy dự báo cao hơn trong những tháng tới.”
“Tôi vẫn nghĩ rằng cần phải làm một số việc để bắt kịp về mặt đó. Các ngân hàng và thậm chí cả các ngân hàng trung ương đã không thực sự đánh giá đầy đủ về sự gián đoạn chuỗi cung ứng mà chúng ta đã chứng kiến vào năm ngoái và có thể tiếp tục sẽ chứng kiến trong năm nay, một phần là do yếu tố của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.”
Dự báo lạm phát của 46 nền kinh tế được thăm dò ý kiến trong năm nay hiện cao hơn mức trung bình 3.9 điểm phần trăm so với cuối năm 2020, lần đầu tiên dự báo lạm phát cho năm 2022 được thực hiện.
Ngoài các con số trung bình, các phạm vi cũng đã tăng lên.
Đối với năm 2023, các dự báo đã tăng trung bình 1.1 điểm phần trăm kể từ đầu năm 2021 cho đến nay. Với các dự báo tăng liên tục trong năm qua, có khả năng những dự báo này sẽ còn tăng thêm.
Ông Willy Shih, giáo sư thực hành quản lý tại Trường Kinh doanh Harvard đồng thời là một chuyên gia về chuỗi cung ứng cho biết: “Mọi người chậm nhận ra những điều này bởi vị họ không nhất thiết là có cái nhìn đủ xa về thượng nguồn tới các nguồn của hoạt động sản xuất, hay họ cũng không nhất thiết tính toán tới thời gian trì hoãn trong việc quá cảnh.”
“Có một khoảng thời gian trễ trong tất cả các chuỗi cung ứng này tùy thuộc vào việc quý vị đi ngược dòng bao xa, nhưng quý vị sẽ không cảm nhận được điều đó cho đến nhiều tuần hoặc đôi khi vài tháng sau đó.”
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tác động của chúng đối với lạm phát phần lớn vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương, tuy nhiên nhiều ngân hàng đã bắt đầu rút lại chính sách tiền tệ nới lỏng cực độ để kiểm soát lạm phát tăng cao.
Các dự báo cho đến nay cho thấy lạm phát ở 29 trong số 39 nền kinh tế được khảo sát với các mục tiêu ngân hàng trung ương đã nêu sẽ vẫn ở trên mức bắt buộc trong năm nay và 16 trong năm tới.
Vấn đề còn phức tạp hơn vì các nhà hoạch định chính sách phải giải quyết tình trạng lạm phát dai dẳng với một nguy cơ cao khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm đáng kể – trong một số trường hợp là suy thoái – đang lẩn khuất đâu đó.
Ông Elwin de Groot, người đứng đầu chiến lược vĩ mô tại Rabobank, cho biết: “Lạm phát có xu hướng là một kẻ sát nhân chậm chạp… Có thể mất thêm một chút thời gian trước khi nó thực sự dẫn đến sự phá hủy nhu cầu và sau đó nền kinh tế bắt đầu chậm lạ. Tôi khó chấp nhận việc tăng trưởng không chậm lại vì lạm phát. Không thể nào.”
“Lạm phát sẽ không còn ở mức thấp về cơ cấu như chúng ta đã thấy sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và lạm phát chậm hơn trong 10–15 năm qua so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương; những khoảng thời gian đó có thể đã ở phía sau chúng ta rồi.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: