Chính xác thì ‘Nước Mỹ Trước tiên’ nghĩa là gì?
Câu khẩu hiệu chính trong phong trào của ông Trump là một lời kêu gọi đơn giản, giờ đây đã trở thành biểu tượng: “Làm cho nước Mỹ Vĩ đại Trở lại” (Make America Great Again — MAGA). Thật vậy, “MAGA” phổ biến đến mức khẩu hiệu này hiện đã trở thành một phép ẩn dụ cho chính phong trào này. Tuy nhiên, nếu phong trào của ông Trump có câu khẩu hiệu thứ hai sau “MAGA,” thì đó sẽ là “Nước Mỹ Trước tiên.” Bản thân cựu Tổng thống (TT) Donald Trump thường xuyên tuyên bố rằng ông là một chính trị gia vì “Nước Mỹ Trước tiên.” Vô số ứng cử viên Quốc hội bên Đảng Cộng Hòa hiện đang quảng bá bản thân là người vì “Nước Mỹ Trước tiên,” thường là để có được sự bảo chứng đáng ao ước từ ông Trump. Ngoài ra, nhiều nhà bình luận nổi tiếng theo phái bảo tồn truyền thống, thường có mối liên hệ mật thiết trong tầm hoạt động của ông Trump, cũng thường xuyên cổ vũ mạnh mẽ cho “Nước Mỹ Trước tiên.”
Nhưng chính xác thì “Nước Mỹ Trước tiên” nghĩa là gì?
Theo nghĩa đen, “Nước Mỹ Trước tiên” là một trong những khẩu hiệu chính trị ít gây bất đồng và tranh cãi nhất trong nhiều thập niên. Khẩu hiệu này hiển nhiên là, hoặc ít ra nên hiển nhiên là, Hoa Kỳ phải đặt lợi ích của chính mình lên hàng đầu trong mọi việc: từ các thỏa thuận thương mại đến chính sách nhập cư, chính sách ngoại giao và chính sách đối ngoại, cho đến việc tham gia vào các tổ chức quốc tế, v.v. . Do đó, theo đuổi một chính sách đối ngoại “Nước Mỹ Trước tiên” tức là đưa ra các quyết định thông qua lăng kính duy nhất về điều gì là tốt nhất cho lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Một cách tiếp cận chính sách đối ngoại như vậy thường được gọi là “thực tế,” nhưng cũng chỉ là lẽ thường tình.
Thực vậy, vì đây chỉ là một lăng kính phân tích cơ bản như vậy nên “Nước Mỹ Trước tiên” không nhất thiết giúp chúng ta tiến thật xa khi nói đến việc đưa ra các quyết định về chính sách đối ngoại trên thực tế. Bất kỳ chính sách đối ngoại đúng mực, tập trung vào lợi ích quốc gia nào cũng nên có cái nhìn hoài nghi về chủ nghĩa can thiệp về ý thức hệ, cho dù là dưới hình thức chủ nghĩa tân bảo tồn truyền thống bền bỉ hay chủ nghĩa nhân đạo tự do hão huyền. Tuy nhiên, quan trọng là “Nước Mỹ Trước tiên” nên có cái nhìn thật sự hoài nghi về chính sách đối ngoại được thúc đẩy về mặt ý thức hệ từ phía ngược lại hoàn toàn — nghĩa là, chủ nghĩa biệt lập mang tính giáo điều.
Chính phủ cựu TT Trump đã có linh cảm về điều này, và vị tổng thống thứ 45 này đã vận dụng sự hiểu biết này khá tốt trong thực tế. “Học thuyết Trump” không phải là chủ nghĩa tân bảo tồn truyền thống hay chủ nghĩa biệt lập; học thuyết này bác bỏ một lựa chọn sai lầm ngớ ngẩn đó, thay vào đó là lựa chọn một chính sách đối ngoại có phạm vi hẹp hơn, vừa lấy lợi ích quốc gia làm trung tâm, vừa có thể tránh sự thái quá về ý thức hệ từ mọi hướng. Đôi khi, sự tính toán thực dụng đó lại có lợi cho sự kiềm chế của Mỹ trên trường thế giới. Nhưng đôi khi, việc này lại có lợi cho hành động quyết đoán của Mỹ — hãy hỏi [lãnh đạo lực lượng Quds của Iran] Qassem Soleimani thì biết.
Thật không may, nhiều tiếng nói từ Cánh hữu hiện đang ầm ĩ đòi hỏi “Nước Mỹ Trước tiên” một cách mạnh mẽ nhất, chẳng hạn như ông Tucker Carlson, hoặc hoàn toàn phớt lờ hoặc không hiểu được cũng như đánh giá cao những nét khác biệt tinh tế như vậy. Tiện thể, họ cũng bỏ qua luôn những thành tích thực sự của ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống, thay vào đó họ thích viết lại lịch sử và kết hợp “Nước Mỹ Trước tiên” theo phong cách Trump với chủ nghĩa biệt lập ý thức hệ theo phong cách của Dân biểu Ron Paul (Cộng Hòa-Texas). Nói một cách tế nhị nhất thì điều này có hại cho cuộc đàm luận công cộng, còn nghiêm trọng nhất thì đó là lừa dối.
Làm sao mà “Nước Mỹ Trước tiên,” như một số người nói, lại hạ thấp tầm quan trọng của cuộc thảm sát ngày 07/10/2023 ở Israel do Hamas gây ra được chứ — một cuộc tàn sát hàng loạt, trong đó hàng chục công dân Hoa Kỳ đã bị sát hại và nhiều người bị bắt giữ và bắt làm con tin? Hơn nữa, làm sao “Nước Mỹ Trước tiên” lại đặt nghi vấn về lòng yêu nước của những người Mỹ quan tâm đến cái được gọi là cuộc khủng hoảng con tin Mỹ tồi tệ nhất kể từ thời chính quyền Tehran năm 1979 được chứ? Làm sao “Nước Mỹ Trước tiên” lại bác bỏ những người cảm thấy phẫn nộ một cách chính đáng về vụ việc ba binh sĩ Mỹ bị thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương tại Tháp 22 ở Jordan bởi một phi cơ không người lái do Iran cung cấp hồi Chủ Nhật tuần trước được chứ? Làm sao mà “Nước Mỹ Trước tiên” lại ngăn Hoa Kỳ đáp trả dưới bất kỳ hình thức nào đối với một chế độ khủng bố mà lực lượng ủy nhiệm của họ hiện đã tấn công các căn cứ quân sự của chúng ta hơn 170 lần kể từ ngày 07/10/2023 được chứ?
Việc lật đổ các chế độ ngoại quốc chuyên quyền một cách thiếu suy xét và tìm cách biến các vùng đất như địa ngục của người Hồi Giáo thành các nền dân chủ tỏa sáng như [lý tưởng] của ông Madison chẳng có gì gọi là “Nước Mỹ Trước tiên” cả. Nhưng việc trốn tránh nghĩa vụ trang trọng của chúng ta là bảo vệ cũng như chở che cho công dân và binh lính của chúng ta ở hải ngoại cũng không phải là “Nước Mỹ Trước tiên” nốt. Hiện tại, nhiều người đang ca ngợi ý tưởng “Nước Mỹ Trước tiên” của họ theo cách nghe có vẻ không giống ông Donald Trump, trong khi ông Trump từng khoe đã “đánh bại ISIS” trong chiến dịch tranh cử năm 2020 và lắp đặt các hệ thống phòng thủ phi đạn mới ở Trung và Đông Âu để ngăn chặn ông Vladimir Putin tới gần hơn, còn họ thì lại giống như ông Charles Lindbergh và “Ủy ban Nước Mỹ Trước tiên” thời xưa cũ.
Đây là một nhận thức khá lạ lùng [khác] về “Nước Mỹ Trước tiên”: phủ nhận mọi lợi ích của người Mỹ trong vụ việc chính công dân và binh lính của mình bị tàn sát tại hải ngoại. Những việc làm vô ích trong việc kiến thiết quốc gia lúc trước đã dẫn đến thất bại — toàn bộ công việc này đã thực sự bị làm cho mất uy tín. Tuy nhiên về cơ bản, răn đe theo kiểu “hòa bình thông qua sức mạnh” vẫn luôn là một điều cần thiết. Hơn nữa, việc quan tâm đến số phận của các công dân của chúng ta bị bắt làm con tin ở hải ngoại cũng như tìm cách trả thù cho binh lính của chúng ta bị sát hại dưới tay một chế độ địch thủ độc ác ở hải ngoại là điều dễ thực hiện nhất mà bất kỳ người Mỹ nào tự gọi mình là một người yêu nước có thể hình dung ra.
Còn gì được xem là “Nước Mỹ Trước tiên” hơn thế?
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times