Sự tê liệt và suy tàn của Mỹ quốc
“Chúng ta không thể chịu đựng được bệnh tật cũng như các phương thuốc chữa trị chúng.”
Vì vậy, nhà sử học cổ đại Livy (59 TCN –17 SCN) đã ngao ngán về sự suy tàn kéo dài của đặc tính dân tộc La Mã mà ở thời đại của ông, cuối cùng đã dẫn đến sự kết thúc của Cộng hòa La Mã.
Cũng như một bệnh nhân mà thuốc điều trị cho họ còn tệ hơn cả căn bệnh họ đang mắc phải, ông Livy than thở rằng người La Mã biết rằng họ đã trở nên tham nhũng và vô pháp luật.
Tuy nhiên chính việc suy nghĩ về một loại thuốc mạnh cần thiết để phục hồi — và phản ứng dữ dội đối với phương thuốc chữa trị — đã khiến bệnh nhân vô phương cứu chữa.
Mỹ quốc đang tiến gần tới tình trạng bế tắc tương tự.
Chúng ta biết rằng không có quốc gia nào có thể tồn tại lâu dài sau khi mở cửa biên giới cho hơn 7 triệu người nhập cư bất hợp pháp mà không yêu cầu kiểm tra lý lịch cũng như tính hợp pháp.
Vụ một người nhập cư bất hợp pháp sát hại một người phụ nữ đang chạy bộ ở Georgia gần đây và việc những người nhập cư bất hợp pháp khác đánh đập dã man các nhân viên cảnh sát ở New York đã hầu như không thu hút được sự chú ý nào từ giới truyền thông.
Mọi người đều biết rằng không cần những khoản phân bổ ngân sách mới cũng như các đạo luật mới để bảo đảm cho biên giới được an toàn như năm 2020.
Thay vào đó, chúng ta có thể chấm dứt vòng lặp bắt giam rồi lại phóng thích, trục xuất những người vi phạm pháp luật, ưu tiên những người nhập cư hợp pháp hơn là những người nhập cư bất hợp pháp, yêu cầu những người tị nạn nộp đơn xin tị nạn trước ngay tại quê nhà của họ, hoàn thành việc xây dựng bức tường biên giới, và gây áp lực buộc Mexico ngừng phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của nước láng giềng phương bắc của họ.
Nhưng rồi chúng ta lại nhún vai, “Chúng ta không thể làm như thế được” — tê liệt vì sợ bị bôi nhọ là “bài ngoại,” “theo chủ nghĩa bản địa,” hoặc “phân biệt chủng tộc.”
Vì vậy, thế hệ này rõ ràng cảm thấy rằng họ có thể chịu đựng những thiệt hại không mong muốn của các cuộc tấn công hàng ngày nhắm vào công dân Mỹ, của việc các thành phố của chúng ta gần như phá sản, và 100,000 ca tử vong do fentanyl mỗi năm — nhưng chắc chắn không thể dung thứ một quan điểm rằng, theo cách nào đó, điều này không đúng đắn về mặt chính trị hoặc không nhân ái.
Điều này cũng đúng với khoản nợ 35 ngàn tỷ USD, hiện tiêu tốn hơn 1 ngàn tỷ USD tiền lãi mỗi năm và đang ngày càng tăng thêm. Tất cả chúng ta đều biết nợ như vậy là không bền vững. Người Mỹ hiểu rằng cuối cùng thì khoản nợ đó sẽ dẫn đến tình trạng siêu lạm phát gây ra hậu quả hủy diệt, sự chối bỏ nợ liên bang mang tính tự sát, hoặc việc tịch thu tiền tiết kiệm của tư nhân.
Tuy nhiên, chúng ta đã bỏ quá cho sự chi tiêu liều lĩnh này và tiếp tục vay hơn 1 ngàn tỷ USD mỗi năm. Rõ ràng, thế hệ của chúng ta thích được khen ngợi là “có đạo đức” và “biết quan tâm.” Vì vậy, hãy để thế hệ tiếp theo bị lên án là “tàn nhẫn” và “bất công” khi buộc phải cắt giảm các phúc lợi liên bang và chính phủ cồng kềnh hoặc đối diện với sự sụp đổ của nền văn minh.
Đại dịch tội phạm cũng tương tự. Mọi người đều chấp nhận rằng không xã hội nào có thể chịu đựng được lâu dài những vụ trộm cắp trong các cửa hàng gần như được hợp pháp hóa hoặc những kẻ đập phá và cướp bóc xe hơi được bật đèn xanh để được tha bổng mà không cần bảo lãnh tại ngoại.
Nhưng chúng ta cho rằng sự sụp đổ của nền văn minh như vậy sẽ không bao giờ chạm tới những nơi ở tôn nghiêm hoặc những khu làm việc an toàn của chúng ta – ít nhất thì chưa.
Chúng ta cũng biết rằng việc khôi phục khả năng răn đe bằng cách bắt giữ, kết án, và bỏ tù những kẻ tái phạm trọng tội sẽ mang lại sự an toàn cho đường phố của chúng ta.
Nhưng một lần nữa, chúng ta thậm chí còn lo sợ hơn rằng việc ủng hộ “luật pháp và trật tự” sẽ dẫn đến những lời vu khống như “phân biệt chủng tộc” hoặc “phản động.”
Vấn đề người vô gia cư cũng như vậy. Trong thời đại tự khen ngợi bản thân và chủ nghĩa môi trường cực đoan này (hyper-environmentalism), chúng ta biết rằng việc hàng triệu người vô gia cư tiếp tục phóng uế, tiểu tiện, tiêm chích, và hành hung trên vỉa hè và mặt tiền các cửa hàng ở trung tâm thành phố của chúng ta, là chẳng khác gì thời trung cổ.
Chúng ta biết rằng việc cắm lều trại trên đường phố và công khai quấy rối người dân hoặc bài tiết ở nơi công cộng là bất hợp pháp.
Và chúng ta biết rằng cách sửa chữa nằm ở việc xây dựng và sắp xếp thêm nhiều viện tâm thần cũng như cung cấp các khu vực cách xa không gian công cộng, nơi mà người vô gia cư có thể tìm được nơi nương náu, hệ thống vệ sinh, và chăm sóc y tế.
Nhưng chính ý tưởng đưa một người nào đó ra khỏi chỗ vỉa hè quen thuộc của họ, hay ý tưởng sử dụng vũ lực để thuyên chuyển người bệnh tâm thần đến những cơ sở thích hợp và nhân đạo, đã khiến chúng ta khiếp sợ.
Vì vậy, chúng ta đi bộ xung quanh, bước qua, và phớt lờ những người sống trên đường phố.
Giả định ở đây đang là khả năng bị hành hung hoặc bị bệnh tật là có thể chấp nhận được phải không? Hay chúng ta chỉ đơn giản là không muốn biết những thứ tạp nham, rác thải, và những thứ ô uế do con người thải ra trên đường phố sẽ đi về đâu?
Hầu hết mọi người đều chấp nhận rằng nếu cựu Tổng thống Donald Trump không tranh cử tổng thống vào năm 2024 hoặc người đang tranh cử là một người thuộc cánh tả, thì giờ đây ông ấy sẽ không phải đối mặt với bốn vụ án trọng tội khác nhau.
Hầu hết mọi người đều chấp nhận rằng ba trong số bốn công tố viên đã hứa hẹn trước là sẽ truy đuổi ông Trump hoặc đã tỏ ra hết sức vô đạo đức.
Hầu hết mọi người đều biết rằng việc cố gắng loại bỏ một ứng cử viên tổng thống hàng đầu khỏi các cuộc bỏ phiếu cấp tiểu bang là sai lầm.
Tuy vậy, nhiều người thản nhiên cho rằng hành động mới này — việc vũ khí hóa hệ thống pháp luật của Mỹ — là vấn đề của tự thân ông Trump, người có tính tình khoa trương, chứ không phải của riêng họ. Vì vậy, họ phớt lờ quá trình biến hệ thống chính trị của chúng ta thành một hệ thống chính trị ở thế giới thứ ba, điều mà họ lặng lẽ thừa nhận là đang đẩy chúng ta đến tình trạng hỗn loạn như Venezuela.
Sự tê liệt của xã hội Mỹ còn trải dài sang cả chính sách đối ngoại của chúng ta. Chúng ta lấy làm tiếc về chủ nghĩa khủng bố của Iran và những kẻ đại diện côn đồ của họ. Nhưng chúng ta lo sợ nhiều hơn về quá trình nặng nhọc, tốn kém cần thiết để ngăn chặn sự xâm lược của chủ nghĩa này.
Không phải lúc nào xã hội cũng sụp đổ do thiếu của cải, bị xâm lược, hoặc do thiên tai.
Thông thường, họ biết điều gì đang hủy hoại họ. Nhưng họ đang trong trạng thái quá tê liệt vì sợ hãi đến mức con đường dẫn tới sự cứu rỗi trở nên quá đau đớn để có thể suy ngẫm.
Vì vậy, họ suy thoái dần dần và sau đó bộc phát hủy diệt một cách đột ngột.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times