Chính phủ Thụy Sĩ: UBS tiếp quản Credit Suisse
Công ty ngân hàng đầu tư UBS đã đồng ý mua đối thủ Credit Suisse trong một thỏa thuận trị giá hơn 3 tỷ USD sau khi chính phủ Thụy Sĩ làm trung gian cho việc sáp nhập giữa hai ngân hàng lớn nhất của nước này nhằm tránh sự hỗn loạn trên thị trường tài chính trước giờ mở cửa hôm thứ Hai (20/03).
Thông báo trên được đưa ra sau khi các quan chức chính phủ loay hoay trong nhiều ngày để tìm cách giải cứu ngân hàng chuyên cho vay đang gặp khó khăn Credit Suisse này – đại ngân hàng 167 tuổi.
UBS sẽ trả khoảng 0.76 franc Thụy Sĩ cho mỗi cổ phiếu trong một giao dịch trị giá 3.25 tỷ USD, theo Financial Times, tờ báo đầu tiên công bố thỏa thuận này. Giá chào bán thấp hơn gần 60% so với giá đóng cửa hôm thứ Sáu của Credit Suisse là 1.86 franc Thụy Sĩ
Suisse National Bank (SNB) cho biết trong một tuyên bố: “Với việc UBS tiếp quản Credit Suisse, một giải pháp đã được tìm ra để bảo đảm ổn định tài chính và bảo vệ nền kinh tế Thụy Sĩ trong tình huống đặc biệt này.”
Cả hai ngân hàng này sẽ có “quyền tiếp cận không hạn chế” vào các cơ sở hiện có của ngân hàng trung ương.
Theo tuyên bố nêu trên, như một phần của thỏa thuận, ngân hàng trung ương cam kết cung cấp cho hai tổ chức này khoản thanh khoản lên tới 100 tỷ franc Thụy sỹ “với tư cách chủ nợ đặc quyền trong trường hợp phá sản”.
Quyết định này được đưa ra sau một năm đầy biến động đối với ngân hàng này, vốn đã phải đối mặt với một số vụ bê bối, bao gồm các cáo buộc về các hoạt động kinh doanh hoặc sự thiếu cẩn trọng sau khi các tài liệu bị rò rỉ được cho là đã nêu đích danh hơn 18,000 tài khoản của khách hàng ngoại quốc, trong đó có tội phạm, các nhà độc tài, và các tác nhân chính trị bị trừng phạt đã cất giấu tiền của họ tại ngân hàng có trụ sở tại Thụy Sĩ này.
Trong một cuộc họp báo hôm tối Chủ Nhật (19/03), Chủ tịch SNB Thomas Jordan nói rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay ở Hoa Kỳ đã làm trầm trọng thêm các vấn đề của Credit Suisse.
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) có trụ sở tại California hôm 10/03 đã gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin trong ngành ngân hàng toàn cầu.
Ngoài ra, Credit Suisse đã gây chấn động hôm 14/03 khi thông báo rằng họ đã phát hiện ra “những điểm yếu then chốt” trong báo cáo tài chính dẫn đến một sai sót đáng kể trong các báo cáo tài chính thường niên của họ.
Ngày hôm sau, cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, Saudi National Bank, đã loại trừ việc tăng cổ phần của mình tại ngân hàng Thụy Sĩ này vì những hạn chế về quy định. Giá cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm gần 20% trong một tuần.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter đã bác bỏ các câu hỏi về việc liệu đây có phải là gói cứu trợ của chính phủ đối với một ngân hàng quá lớn để phá sản hay không.
Bà nói trong cuộc họp báo rằng: “Sự phá sản của Credit Suisse sẽ gây thiệt hại liên đới rất lớn trên thị trường tài chính Thụy Sĩ và cũng có nguy cơ lây lan cho UBS và các ngân hàng khác cũng như quốc tế.”
Ông Colm Kelleher, chủ tịch của UBS tuyên bố tại cuộc họp báo: “UBS dự định thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh ngân hàng đầu tư của Credit Suisse, và điều chỉnh chúng phù hợp với văn hóa rủi ro thận trọng của chúng tôi.”
“Chúng tôi nhận thức rõ rằng những tuần và tháng tới sẽ khó khăn đối với nhiều người, đặc biệt là đối với các nhân viên. Hãy để tôi bảo đảm với quý vị rằng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giữ cho khoảng thời gian bất ổn này càng ngắn càng tốt.”
“Thỏa thuận này không cần sự chấp thuận của cổ đông,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng thỏa thuận đang chờ sự chấp thuận theo quy định cuối cùng trên toàn thế giới.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times