Chuyên gia cảnh báo: Người nộp thuế Hoa Kỳ có thể phải trả số tiền cứu trợ Fed cho Credit Suisse vay
Sau một thông báo khẩn cấp vào tối hôm Chủ Nhật (19/03), Cục Dự trữ Liên bang đã cho Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) vay 101 triệu USD thông qua cơ sở hoán đổi USD của họ. Một nhà phân tích nói với The Epoch Times rằng nếu khoản vay không được hoàn trả vào tuần 20-26/03, thì những người nộp thuế ở Hoa Kỳ sẽ phải trả cho số tiền này.
Với thông báo hồi cuối tuần của mình, Fed — phối hợp với các ngân hàng trung ương đồng minh quan trọng như SNB, Ngân hàng Nhật Bản, và Ngân hàng Trung ương Âu Châu — đã thông báo rằng họ sẽ tăng mức sẵn sàng của chương trình hoán đổi của mình, cho phép việc truy cập hàng ngày thay vì hàng tuần. “Những giao dịch hoán đổi” liên quan đến các thỏa thuận ngắn hạn trong đó các ngân hàng trung ương ngoại quốc đổi tiền của họ lấy USD để tài trợ cho các nghĩa vụ thanh toán bằng USD.
Hôm thứ Hai (20/03), Thụy Sĩ đã đề nghị Fed cho vay một trăm triệu USD và đã đồng ý hoàn trả trong đúng một tuần.
Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên SNB sử dụng cơ sở hoán đổi của Fed kể từ tháng Mười năm ngoái (2022) khi họ vay hơn 11 tỷ USD trong một tuần. Trong khi một số nhà phân tích kinh tế vĩ mô đã chỉ ra rằng khoản vay tương đối nhỏ trong tuần này là một dấu hiệu cho thấy hệ thống tài chính nhìn chung vẫn mạnh mẽ, thì thực sự có thể còn có nhiều nguy cơ đằng sau hơn nữa.
SNB đã chỉ ra 17 “tổ chức tham gia” cho khoản vay tháng Mười, cho thấy số USD đã được phân bổ giữa các tổ chức tài chính Thụy Sĩ khác nhau. Đối với khoản vay hôm thứ Hai (20/03), ngân hàng trung ương này chỉ nêu hai tổ chức. Vì vậy, trong khi có ít USD vào SNB trong tuần này hơn so với năm ngoái, thì số tiền này không được phân bổ cho các ngân hàng khác nhau.
Theo ông Kevin Paffrath, một nhà đầu tư và là người sáng lập công ty khởi nghiệp địa ốc HouseHack, thì danh tính đương nhiên của những tổ chức được đề cập là các ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse và UBS.
UBS gần đây đã đồng ý mua Credit Suisse sau áp lực từ chính phủ Thụy Sĩ, với việc SNB hứa hẹn cả hai tổ chức này sẽ được “tiếp cận không hạn chế” với các nguồn lực của ngân hàng trung ương.
Ông Paffrath nói với The Epoch Times rằng việc hoán đổi đồng USD của SNB cho thấy các nguồn tài trợ của Hoa Kỳ đang giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua lại này. Bằng cách đó, Fed đang đặt tiền thuế của Mỹ vào rủi ro.
“Đó là khoản vay từ Fed và nếu khoản vay này không được hoàn trả, thì người nộp thuế sẽ phải trả,” ông nói. “[Fed] được hỗ trợ bởi Quỹ Bình ổn Trao đổi Ngân khố, là quỹ do những khoản phân bổ của người nộp thuế tài trợ.”
Một số thành viên của Quốc hội, bao gồm Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky), đã chỉ trích các giao dịch hoán đổi ngoại tệ của Fed vì sự thiếu minh bạch của những giao dịch đó. Vì lý do này, ông Massie đã ủng hộ việc kiểm toán toàn diện Fed để đánh giá xem tiền được chi tiêu ở ngoại quốc như thế nào.
Khi một số ngân hàng tư nhân tiếp tục gặp khó khăn, thì số tiền bổ sung của Fed có thể sớm chảy vào hệ thống ngân hàng, ở trong nước và ngoại quốc.
Nhiều vụ sụp đổ ngân hàng hơn sẽ xảy ra
Theo ông Paffrath, cũng là người tạo ra kênh YouTube “Gặp gỡ ông Kevin” chuyên về đầu tư, thì các điều kiện tài chính sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi cải thiện.
Ông dự đoán lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục có những sự hợp nhất, kết thúc bởi “hàng chục vụ phá sản ngân hàng khu vực khác trong sáu tuần tới,” với nhiều vụ phá sản trong số này dẫn đến việc mua lại bởi những tên tuổi nổi bật hơn. Nhà đầu tư này cảnh báo, quyền bá chủ của các ngân hàng lớn sẽ khiến những người gửi tiền có ít lựa chọn hơn.
Ông nói: “Điều đó có nghĩa là các lựa chọn cho vay tồi tệ hơn đối với người tiêu dùng.”
Như ông Paffrath nhìn nhận, ánh sáng cuối đường hầm sẽ là sự đảo ngược chính sách của Fed. Ông không dự đoán một sự xoay trục [chính sách lãi suất] như vậy tại phiên điều trần của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang tuần này — nơi Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ công bố quyết định gần đây nhất của ủy ban này về lãi suất — mà thay vào đó ông cho rằng Powell sẽ tăng lãi suất 0.25% trong khi bày tỏ lo ngại về rủi ro suy thoái.
Tin tốt về lạm phát có thể mang lại sự xoay trục chính sách của Fed mà nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng.
“Miễn là lạm phát tiếp tục có xu hướng giảm, thì Fed có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất để đối phó với sự sụp đổ của các ngân hàng khác,” ông Paffrath cho biết. “Lợi suất công khố phiếu giảm càng sớm thì càng tốt, vì khi đó giá trị tài sản tại các ngân hàng sẽ tăng lên, giảm thiểu rất nhiều nguyên nhân ban đầu gây ra sự hoảng loạn này.”
Giải pháp khẩn cấp hay chỉ là sự làm bộ của Fed?
Các nhà phân tích kinh tế vĩ mô khác lập luận rằng sự thay đổi gần đây về cơ sở hoán đổi tiền tệ là một sự kiện không đáng kể. Cựu giao dịch viên của Ngân hàng Hoàng gia Canada Kevin Muir cho rằng hành động này chỉ đơn giản là một biện pháp phòng ngừa.
“Tôi nghĩ rằng thỏa thuận hoán đổi chỉ là một cách ‘tung ra mọi thứ cho SNB phòng khi tình hình ở đó trở nên tồi tệ hơn,” ông nói với The Epoch Times. “Việc này thực ra cũng không thực sự khiến họ phải tốn kém gì, vậy thì cớ gì không hành động như thế để thúc đẩy niềm tin?”
Ông Muir, tác giả của bản tin The Macro Tourist, cho biết Fed hy vọng sẽ tránh được việc sử dụng đến cơ sở hoán đổi hàng ngày nhưng việc gửi tín hiệu về sự sẵn sàng thay đổi ấy của họ có thể khôi phục được niềm tin của thị trường.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times