Chính phủ TT Biden kêu gọi Tối cao Pháp viện không tước quyền can thiệp vào bầu cử liên bang của thẩm phán
Ngày 07/12, Tối cao Pháp viện sẽ xét xử vụ kiện về ‘học thuyết lập pháp tiểu bang độc lập’ mà ông Trump ủng hộ
Chính phủ Tổng thống Biden đã kêu gọi Tối cao Pháp viện từ chối một nỗ lực của Đảng Cộng Hòa nhằm trao quyền lại cho các cơ quan lập pháp tiểu bang để điều chỉnh các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống khi họ nói rằng Hiến pháp Hoa Kỳ quy định như vậy, bao gồm cả việc loại bỏ thẩm quyền tư pháp trong việc cân nhắc phân chia lại địa hạt bầu cử và các tranh chấp khác.
Hồ sơ pháp lý này được đưa ra trong một vụ kiện nhiều rủi ro, Moore kiện Harper, hồ sơ tòa án số 21-1271, mà Tối cao Pháp viện dự kiến sẽ xét xử vào ngày 07/12.
Điều quan trọng nhất cần thảo luận là học thuyết lập pháp tiểu bang độc lập, một ý tưởng được cựu Tổng thống Donald Trump ủng hộ có xu hướng làm dấy lên các quan điểm mạnh mẽ trong số những người tuân theo luật bầu cử. Mặt dù ba thẩm phán Tối cao Pháp viện nói rằng học thuyết này đã được áp dụng trong vụ Bush kiện Gore nhằm giải quyết cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 đầy tranh cãi, nhưng pháp viện này chưa từng đưa ra phán quyết về học thuyết này một cách trực tiếp.
Đảng Cộng Hòa cho biết Hiến Pháp luôn ủy quyền trực tiếp cho các cơ quan lập pháp tiểu bang để họ đưa ra các quy tắc cho việc tiến hành bầu cử liên bang. Giới quyền uy chính trị, bao gồm Đảng Dân Chủ và cả một số thành viên Đảng Cộng Hòa, cho rằng ý tưởng này là một lý thuyết pháp lý ngoài lề theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống có thể gây nguy hiểm cho quyền bầu cử. Nếu được tối cao pháp viện này xác nhận, thì học thuyết này có thể cho phép các cơ quan lập pháp tiểu bang lựa chọn đại cử tri tổng thống trong các cuộc bầu cử có tranh chấp, điều mà các nhà phê bình chỉ trích là một mối đe dọa cho nền dân chủ.
Tổng Biện lý Sự vụ Hoa Kỳ Elizabeth Prelogar cho biết trong một đơn thân hữu của tòa án (friend-of-the-court brief) (pdf) trình lên sau giờ làm việc hôm 26/10, học thuyết này đã có thể thúc đẩy trở lại thông lệ hơn 200 năm vốn “xác nhận rằng các nhà lập pháp tiểu bang chịu sự ràng buộc của hiến pháp tiểu bang khi họ thi hành thẩm quyền của họ theo” điều khoản về bầu cử của Hiến Pháp.
Điều khoản về bầu cử trong Điều 1 nêu rõ: “Thời gian, Địa điểm và Cách thức tổ chức Bầu cử cho Thượng nghị sĩ và Dân biểu, sẽ do Cơ quan lập pháp quy định ở mỗi Tiểu bang.” Điều khoản về đại cử tri bầu tổng thống tại Điều 2 trao cho mỗi tiểu bang quyền bổ nhiệm đại cử tri tổng thống “theo Cách thức mà Cơ quan lập pháp từ đó có thể chỉ thị.”
Đảng Cộng Hòa tại North Carolina, dẫn đầu bởi nguyên đơn là ông Tim Moore, Chủ tịch Hạ viện North Carolina, đang kháng cáo một phán quyết của Tòa án Tối cao tiểu bang của họ, vốn đã bác bỏ bản đồ bầu cử của Cơ quan lập pháp tiểu bang này. Bị đơn Rebecca Harper là một thành viên của nhóm gồm 25 cử tri North Carolina.
Đơn của bà Prelogar nêu rõ, “Tòa án này đã nhiều lần bác bỏ các lập luận cho rằng các cuộc kiểm tra theo Hiến Pháp tiểu bang đối với chức năng lập pháp của cơ quan lập pháp tiểu bang vi phạm Điều khoản Bầu cử.”
“Và Tòa án này đã nhấn mạnh rằng ‘các hiến pháp của tiểu bang có thể đưa ra các tiêu chuẩn và hướng dẫn để các tòa án tiểu bang áp dụng’ trong việc giải quyết nạn gerrymander (phân chia địa giới các đơn vị bầu cử một cách gian lận để giành lợi thế cho đảng của mình), trích dẫn một phán quyết của Tòa án Tối cao Florida đã ‘loại bỏ kế hoạch phân chia địa hạt bầu cử của quốc hội tiểu bang đó như là một hành vi vi phạm’ hiến pháp tiểu bang.”
Trong vụ kiện này, hơn 70 đơn thân hữu của tòa án đã được đệ trình lên pháp viện.
Một đơn kiện (pdf) mà các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thuộc Đảng Dân Chủ do Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (Dân Chủ-Minnesota) dẫn đầu đệ trình hôm 26/10 đã lập luận rằng học thuyết này sẽ làm suy yếu sự bảo đảm của Hiến Pháp về “thể thức cộng hòa của chính phủ” và điều khoản bầu cử bằng cách cho phép “các cơ quan lập pháp tiểu bang hành động động lập trong … hệ thống tam quyền phân lập.”
Đơn kiện này cho biết tiếp, bởi vì các cơ quan lập pháp tiểu bang được trao thẩm quyền của mình từ các hiến pháp tiểu bang, nên họ phải bị ràng buộc bởi các văn bản thành lập của tiểu bang đó. Cơ quan lập pháp “không thể thay thế” hiến pháp tiểu bang.
“Cơ quan lập pháp này không thể phá vỡ thẩm quyền được hiến pháp tiểu bang (và người dân) giao cho các tòa án tiểu bang nhằm xem xét các sắc lệnh của mình để ‘bào chữa cho các quyền mà Hiến Pháp [tiểu bang] bảo đảm.’”
Tổng cộng, 18 thành viên Đảng Dân Chủ và hai thành viên độc lập họp kín với Đảng Dân Chủ, là ông Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) và ông Angus King (Độc Lập-Maine), đã ký vào đơn kiện trên.
Các tổng chưởng lý của Arkansas, Arizona, Texas, và 10 tiểu bang khác đã đệ trình một đơn thân hữu của tòa án (pdf) ủng hộ cho North Carolina.
Đơn nói trên, do cả hai thành viên Đảng Cộng Hòa là Tổng Chưởng lý Arkansas Leslie Rutledge và Tổng Chưởng lý Arizona Mark Brnovich, viết rằng, “Trong vụ kiện này, các mối đe dọa đối với lợi ích tiểu bang là rõ ràng. Nếu các tòa án tiểu bang được phép bãi bỏ các quyết định lập pháp dựa trên các điều khoản hiến pháp mơ hồ của tiểu bang,” thì pháp quyền sẽ bị suy yếu.
Hồi tháng Ba, ông Moore đã giải thích lý do tại sao ông ủng hộ học thuyết này.
Ông Moore nói, “Hiến pháp Hoa Kỳ rất rõ ràng: Các cơ quan lập pháp tiểu bang là bên chịu trách nhiệm vẽ bản đồ quốc hội, chứ không phải thẩm phán tòa án tiểu bang, và chắc chắn không cần sự hỗ trợ của các mật thám có quan điểm chính trị đảng phái.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times