SCOTUS xét xử vụ kiện có thể trao quyền cho các cơ quan lập pháp tiểu bang về luật bầu cử
Các thành viên Đảng Cộng Hòa thuộc tiểu bang North Carolina đã lập luận với Tối cao Pháp viện (SCOTUS) hôm 07/12 rằng Hiến Pháp Hoa Kỳ trao cho các cơ quan lập pháp tiểu bang quyền hạn cao hơn để ban hành các quy tắc cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội mà không có sự can thiệp của tòa án.
Vụ án này rất quan trọng bởi vì, nếu tòa án cao cấp tán thành với North Carolina, thì các quy tắc chi phối cách các tiểu bang quy định các cuộc bầu cử liên bang có thể thay đổi đáng kể. Phiên điều trần này diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ về các thủ tục bỏ phiếu đang gia tăng sau khi cựu Tổng thống Donald Trump liên tục tuyên bố rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã bị hủy hoại bởi gian lận bầu cử quy mô lớn.
Vấn đề đang được đề cập đến là học thuyết cơ quan lập pháp tiểu bang độc lập từng có tính chất mơ hồ, mà theo đó Đảng Cộng Hòa lập luận rằng Hiến Pháp luôn ủy quyền trực tiếp cho các cơ quan lập pháp tiểu bang để tự ban hành các quy tắc cho việc tiến hành các cuộc bầu cử liên bang ở các tiểu bang tương ứng của họ.
Đảng Dân Chủ cho rằng học thuyết này là một lý thuyết pháp lý theo tư tưởng bảo tồn truyền thống không quan trọng có thể gây nguy hiểm cho các quyền bầu cử, tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi trục lợi mang tính đảng phái cực đoan trong quá trình tái phân chia địa hạt và gây ra biến động trong quản lý bầu cử.
Giáo sư luật thiên tả Richard Hasen đã gọi học thuyết này là “con khỉ đột 800 pound” của luật bầu cử vì tác động gây rối tiềm tàng của học thuyết này đối với các quy tắc quản lý bầu cử.
Mặt khác, những người thuộc phái bảo tồn truyền thống cho rằng học thuyết này bắt nguồn từ văn bản thuần túy của Hiến Pháp và sẽ khôi phục các quy tắc hợp lý trên sân chơi bầu cử đồng thời cho phép các quan chức tiểu bang được bầu, thay vì thẩm phán, đưa ra các quy tắc bầu cử.
Tối cao Pháp viện đã không phán quyết trực tiếp về học thuyết này, nhưng một số thẩm phán đã nói rằng học thuyết đó có thể đã được tranh luận trong án lệ Bush kiện Gore, vụ đã giải quyết cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi năm 2000.
Học thuyết này, nếu được Pháp viện tán thành, về lý thuyết có thể cho phép các cơ quan lập pháp của tiểu bang lựa chọn các đại cử tri bầu tổng thống trong các cuộc bầu cử đang tranh chấp, điều mà các nhà phê bình chỉ trích là một mối đe dọa đối với nền dân chủ.
Khi đưa ra kháng cáo hồi tháng Ba, ông Tim Moore, một thành viên Đảng Cộng Hòa, phát ngôn viên của Hạ viện North Carolina, cho biết Hiến Pháp “hoàn toàn nêu rõ ràng: Các cơ quan lập pháp tiểu bang là bên chịu trách nhiệm vẽ các bản đồ bầu cử quốc hội, chứ không phải thẩm phán tòa án tiểu bang và chắc chắn không cần sự hỗ trợ của các quan chức có quan điểm chính trị đảng phái.”
Ông Moore đang kháng cáo lệnh của Tòa án Tối cao North Carolina yêu cầu vẽ lại bản đồ bầu cử của tiểu bang trái với mong muốn của cơ quan lập pháp tiểu bang mà Đảng Cộng Hòa chiếm đa số.
Có hai điều khoản quan trọng trong Hiến Pháp Hoa Kỳ đưa ra các quy tắc kiểm soát các cuộc bầu cử liên bang ở các tiểu bang.
Điều khoản về bầu cử trong Điều 1 nêu rõ, “Thời gian, Địa điểm và Cách thức tổ chức Bầu cử Thượng nghị sĩ và Dân biểu, sẽ do Cơ quan lập pháp quy định ở mỗi Tiểu bang.”
Điều khoản về đại cử tri bầu tổng thống tại Điều 2 trao cho mỗi tiểu bang quyền bổ nhiệm đại cử tri tổng thống “theo Cách thức mà Cơ quan lập pháp từ đó có thể chỉ thị.”
Vụ án này là vụ Moore kiện Harper, hồ sơ tòa án 21-1271.
Trong gần ba giờ tranh luận trực tiếp hôm 07/12, các thẩm phán thiên tả đã bác bỏ học thuyết này, trong khi các Thẩm phán thuộc phái bảo tồn truyền thống Clarence Thomas, Samuel Alito, và Neil Gorsuch dường như chấp nhận học thuyết này ở các mức độ khác nhau.
Luật sư của ông Moore, David H. Thompson, nói với những thẩm phán này rằng hai điều khoản hiến pháp trên đã bị hiểu sai trong nhiều năm.
Ông Thompson cho biết: “Điều khoản bầu cử này yêu cầu các cơ quan lập pháp của tiểu bang thực hiện một cách riêng biệt chức năng liên bang trong việc ban hành các quy định cho các cuộc bầu cử liên bang.”
“Các tiểu bang không có thẩm quyền hạn chế quyền quyết định thực chất của các cơ quan lập pháp khi thực hiện chức năng liên bang này… và chỉ có luật liên bang là được đặt ra những hạn chế đáng kể đối với các cơ quan lập pháp của tiểu bang thực hiện nhiệm vụ được Hiến Pháp liên bang giao cho họ.”
“Trong 140 năm đầu tiên của nền cộng hòa, không có một tòa án tiểu bang nào vô hiệu hóa bất kỳ kế hoạch tái phân chia địa hạt nào trên các cơ sở đánh giá tư pháp thực chất.”
Tiền lệ cho rằng “Những Tổ Phụ lập quốc đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan lập pháp của tiểu bang với các chức năng liên bang vượt qua mọi giới hạn thực chất mà người dân trong tiểu bang tìm cách áp đặt.”
Ông Thomas thắc mắc liệu tòa án này có thẩm quyền xem xét trường hợp này hay không.
Ông Thomas đã hỏi ông Thompson “cơ sở tài phán của chúng ta” là gì, dựa trên việc “chúng ta thường không xem xét cách mà các tòa án tối cao giải thích về Hiến Pháp của tiểu bang.”
Ông Thompson cho biết quyết định của Tòa án Tối cao North Carolina phản ánh luật của tiểu bang này nhưng vẫn “vi phạm điều khoản bầu cử và đó là lý do tại sao chúng tôi ở đây.”
Thẩm phán Sonia Sotomayor nói với ông Thompson rằng lập luận của ông không thuyết phục bà.
“Nếu việc đánh giá tư pháp có bản chất là bảo đảm rằng ai đó đang hành động trong giới hạn hiến pháp của họ, thì tôi không thấy bất cứ điều gì trong ngôn từ của Hiến Pháp tước bỏ quyền lực đó khỏi tiểu bang.”
Thẩm phán Ketanji Brown Jackson đã hỏi ông Thompson liệu có phải lập luận của ông là “rằng Hiến Pháp tiểu bang không có vai trò gì — hoàn toàn không có vai trò gì — trong việc áp đặt các giới hạn thực chất đối với việc thực thi chức năng liên bang đó.”
Ông Thompson xác nhận đó là quan điểm của ông, nói rằng Hiến Pháp tiểu bang có thể yêu cầu một dự luật bầu cử phải được trình lên thống đốc để phê chuẩn hoặc phủ quyết.
Thẩm phán Elena Kagan có vẻ e ngại trước hậu quả của học thuyết này trong lập luận của ông Thompson.
Bà nói, học thuyết đang được thảo luận này “loại bỏ các biện pháp kiểm tra và cân bằng thông thường trong cách thức đưa ra các quyết định lớn của chính phủ ở đất nước này, và sau đó quý vị có thể nghĩ rằng nó loại bỏ tất cả các biện pháp kiểm tra và cân bằng đó vào đúng thời điểm khi chúng là cần thiết nhất.”
Bà cho biết: “Hãy nghĩ về những hậu quả vì đây là một lý thuyết có những hậu quả lớn.”
Bà cho biết thêm rằng học thuyết này sẽ trao quyền cho các cơ quan lập pháp của tiểu bang thực hiện “hình thức trục lợi cực đoan nhất từ việc tái phân chia địa hạt bầu cử”, đồng thời áp đặt “mọi hình thức hạn chế đối với việc bỏ phiếu” và cắt giảm “mọi hình thức bảo vệ cử tri”.
Ông Thompson nói với bà Kagan rằng quan điểm của ông là “việc kiểm tra và cân bằng được áp dụng, nhưng chúng xuất phát từ Hiến Pháp liên bang và toàn cảnh các luật liên bang như Đạo luật về Quyền Bầu cử và các đạo luật khác có tính bảo vệ cao đối với cử tri.”
Ông Neal Katyal, cố vấn pháp lý của nhóm cánh tả Common Cause, cho biết lập luận của ông Thompson rằng “các cơ quan lập pháp tiểu bang được tạo ra bởi Hiến Pháp tiểu bang thì tách biệt với Hiến Pháp là sai” và đã bị các Hiến Pháp tiểu bang ở thời kỳ đầu và tòa án bác bỏ.
“Trong 233 năm, các tiểu bang đã không diễn giải điều khoản bầu cử theo cách mà quý vị vừa nghe,” ông nói, ám chỉ năm 1789, năm Hiến Pháp bắt đầu có hiệu lực.
Ông Katyal ví học thuyết này như một trái bom, nói rằng “bán kính nổ” của nó sẽ dẫn đến “sự hỗn loạn trong bầu cử buộc một hệ thống hai-đường với một bộ quy tắc cho các cuộc bầu cử liên bang và một bộ quy tắc khác cho các cuộc bầu cử cấp tiểu bang.”
Tổng Biện lý Sự vụ Hoa Kỳ Elizabeth Prelogar đã kêu gọi Pháp viện bác bỏ kháng cáo của North Carolina, đồng thời nói rằng điều đó có thể “gieo rắc hỗn loạn.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times