PHÂN TÍCH: Các tiểu bang Xanh và Đỏ ở Hoa Kỳ bất đồng với hàng ngàn dự luật bầu cử tại cơ quan lập pháp tiểu bang
Nhà phân tích nhận định về ý kiến cho rằng các dự luật về tính liêm chính của bầu cử khiến việc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn là ‘không đúng’
Cho đến nay, trong năm 2023, các nhà lập pháp tiểu bang trên cả nước đã soạn thảo gần 2,000 dự luật liên quan đến việc bỏ phiếu. Một chuyên gia bầu cử cho biết có hai lý do khiến người dân Mỹ chứng kiến quá nhiều nỗ lực nhằm thay đổi các luật bầu cử.
Theo dữ liệu từ Voting Rights Lab, các nhà lập pháp tiểu bang ở tất cả 50 tiểu bang cùng với các nhà lập pháp địa phương ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã soạn thảo 1,884 dự luật liên quan đến quyền bỏ phiếu trước chu kỳ bầu cử tổng thống năm 2024. Để so sánh, năm 2022 có 2,218 dự luật ở 45 tiểu bang và thủ đô; năm 2021 có 2,286 dự luật ở 50 tiểu bang và thủ đô.
Các dự luật ở các tiểu bang đỏ chủ yếu thắt chặt an ninh bầu cử.
Hôm 24/05, ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa kiêm Thống đốc Florida Ron DeSantis đã ký Dự luật Thượng viện 7050 (pdf) thành luật. Bên cạnh những quy định khác, dự luật này siết chặt các hạn chế đối với việc ghi danh cử tri của bên thứ ba ở Florida, yêu cầu các giám sát viên của khu vực bầu cử loại bỏ những cử tri không đủ điều kiện khỏi cơ sở dữ liệu toàn tiểu bang, và yêu cầu các giám sát viên hủy các yêu cầu bỏ phiếu qua đường bưu điện khi các lá phiếu bị trả lại vì không gửi đi được.
Tại Arkansas, Dự luật Thượng viện 258 (pdf), được ban hành hôm 24/03, nghiêm cấm sử dụng các thùng bỏ phiếu.
Tại North Carolina, Dự luật Thượng viện 747 (pdf) đã được Thượng viện tiểu bang thông qua. Nếu Hạ viện thông qua dự luật này, thì những người ghi danh cử tri trong cùng ngày không đáp ứng các yêu cầu thẻ căn cước cụ thể sẽ phải bỏ phiếu tạm thời. Dự luật này cũng mở rộng khả năng các cử tri có thể phản đối việc ghi danh của các cử tri khác, và yêu cầu các nhân chứng bỏ phiếu qua đường bưu điện phải in tên của họ trên phong bì lá phiếu.
Các dự luật ở các tiểu bang xanh nới lỏng chính sách bầu cử.
Tại Michigan, Dự luật Thượng viện 367 cho phép bỏ phiếu sớm tới gần một tháng.
Ở Maine, Dự luật Thượng viện 677 hạn chế các cơ quan chức năng được quyền gạch tên cử tri khỏi danh sách bỏ phiếu qua đường bưu điện cố định trong trường hợp cử tri không bỏ phiếu qua đường bưu điện trong cuộc tổng tuyển cử.
Tại Oregon, Nghị quyết Chung Hạ viện 4 được giới thiệu, sẽ cho phép cử tri ghi danh và bỏ phiếu trong cùng một ngày.
Cuộc bầu cử năm 2020 ảnh hưởng đến các luật mới
Với năm tháng còn lại của năm 2023, số lượng các dự luật về luật bầu cử có thể sẽ vượt qua số dự luật của các năm trước.
Ông Hans von Spakovsky là một thành viên pháp lý cao cấp và là người quản lý Sáng kiến Cải tổ Luật Bầu cử tại Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý và Tư pháp Edwin Meese III tại Quỹ Di sản.
Ông nói: “Có hai lý do tại sao quý vị thấy có rất nhiều dự luật bầu cử như vậy.”
Đầu tiên là phản ứng của Đảng Cộng Hòa đối với kết quả đầy bất ngờ và gây nhiều tranh cãi của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
“Tôi đã làm việc về tính liêm chính trong bầu cử được 20 năm rồi, và trong 20 năm đó, tôi đã đề xướng tất cả các biện pháp cải tổ có thể khắc phục các điểm yếu trong hệ thống hiện tại của chúng ta,” ông von Spakovsky nói với The Epoch Times. “Nhưng phải đến cuộc bầu cử năm 2020, thì các nhà lập pháp ở các tiểu bang đỏ mới nhận ra rằng có một vấn đề và cần phải hành động để giải quyết. Đó là lý do tại sao quý vị chứng kiến một loạt các dự luật ở những nơi như Georgia, Florida, và Texas đưa ra các biện pháp cải thiện quá trình bầu cử theo nhận thức chung.”
Lý do thứ hai khiến ông von Spakovsky tin rằng rất nhiều dự luật liên quan đến bầu cử đang được thông qua tại các cơ quan lập pháp tiểu bang là do những nỗ lực của phe cấp tiến nhằm mở rộng những lợi thế mà họ đã đạt được trong cuộc bầu cử năm 2020 thông qua nỗi sợ hãi về COVID-19, và “để thúc đẩy những nỗ lực cho những điều mà họ muốn, nói thẳng ra là, khiến dễ gian lận hơn.”
‘Hoàn toàn vô lý’
Khi mô tả tác động của các dự luật ở Florida, Arkansas, và North Carolina, Voting Rights Lab cho biết những dự luật này hạn chế quyền tiếp cận của cử tri. Những dự luật ở Michigan, Maine, và Oregon được cho là cải thiện khả năng tiếp cận của cử tri.
Trong bản phân tích hôm 24/07 về báo cáo của Voting Rights Lab, tổ chức FiveThirtyEight nhận thấy rằng 16 tiểu bang khiến cho việc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn, trong khi 26 tiểu bang làm cho việc bỏ phiếu trở nên dễ dàng hơn.
Ông von Spakovsky nhận định rằng “hoàn toàn vô lý” khi cho rằng việc sử dụng những nhóm từ như “hạn chế quyền tiếp cận của cử tri” và “khó bỏ phiếu hơn” để ám chỉ rằng các luật nhằm thắt chặt an ninh bầu cử sẽ khiến một số người khó bỏ phiếu hơn.
“Lấy thí dụ,” ông von Spakovsky giải thích, “Trong những biện pháp cải tổ được thông qua sau cuộc bầu cử năm 2020, Texas và Georgia đã mở rộng các luật của họ về thẻ căn cước của cử tri nhưng những luật này chỉ áp dụng cho việc bỏ phiếu trực tiếp. Nhưng điều đó không khiến việc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn. Trên thực tế, cuộc bầu cử ở Georgia có tỷ lệ cử tri đi bầu cao hơn New York và California, những nơi không có yêu cầu về thẻ căn cước dưới bất kỳ hình thức nào.”
Văn phòng của Đổng lý Tiểu bang Georgia Brad Raffensperger cho biết cử tri Georgia “đã đi bầu rất đông trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, phá vỡ kỷ lục cử tri đi bầu giữa nhiệm kỳ.” Trong khi đó, ở New York và California, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đã giảm.
Ông von Spakovsky khẳng định: “Ý kiến cho rằng các luật này đang khiến việc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn là không đúng.”
Tầm quan trọng của thẻ căn cước có ảnh
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quản lý Hạ viện của Hạ viện hôm 27/04, ông von Spakovsky đã tiết lộ kết quả của Phiếu chấm điểm Liêm chính trong Bầu cử của Quỹ Di sản.
Ông von Spakovsky nêu trong lời chứng của mình: “Một trong những thủ tục quan trọng và hay nhất có trong Phiếu chấm điểm của Quỹ Di sản là yêu cầu một thẻ căn cước có ảnh khi bỏ phiếu trực tiếp lẫn bỏ phiếu khiếm diện.”
Theo Quỹ Di sản, 10 tiểu bang hàng đầu được Quỹ Di sản xếp hạng là có các thủ tục bầu cử tốt nhất tính đến tháng 03/2023 đều do Đảng Cộng Hòa kiểm soát, trong khi 8 trong số 10 tiểu bang có các quy tắc kém hiệu quả nhất để bảo đảm tính liêm chính của cử tri là do Đảng Dân Chủ kiểm soát.
Ông von Spakovsky cũng nhắc nhở các nhà lập pháp rằng “Chính Quốc hội đã áp đặt yêu cầu về thẻ căn cước của cử tri” trong “Đạo Luật Trợ Giúp Bầu Cử Hoa Kỳ” (Help America Vote Act) (pdf) năm 2002, quy định rằng tất cả những người ghi danh bỏ phiếu qua đường bưu điện lần đầu tiên trong một cuộc bầu cử liên bang phải cung cấp thẻ căn cước có ảnh hiện tại và hợp lệ hoặc một số giấy tờ khác của chính phủ có ghi tên và địa chỉ của cử tri.
Ông von Spakovsky làm chứng rằng: “Tuy nhiên, Quốc hội đã nói rõ yêu cầu về thẻ căn cước này là một yêu cầu ‘tối thiểu’ và ‘không có gì trong đề mục này được hiểu là ngăn cản một Tiểu bang thiết lập … các yêu cầu nghiêm ngặt hơn.’”
Ông đưa ra thêm lời khuyên rằng “dữ liệu về cử tri đi bỏ phiếu và các bằng chứng khác cho thấy rất rõ ràng là các tuyên bố cho rằng các yêu cầu về thẻ căn cước của cử tri ngăn cản những người đủ điều kiện được bỏ phiếu hoàn toàn là sai sự thật.”
Nghiên cứu và khảo sát
Bất chấp những cáo buộc ngày càng nhiều tiểu bang ban hành luật nghiêm ngặt về thẻ căn cước cử tri vào năm 2020 đã làm giảm tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, Cục điều tra Dân số Hoa Kỳ đã báo cáo cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 có tổng số cử tri đi bỏ phiếu cao nhất trong thế kỷ 21.
Ông von Spakovsky lưu ý ngay cả những nghiên cứu gần đây nhất cũng cho thấy các yêu cầu về thẻ căn cước không hạn chế mọi người đi bỏ phiếu.
Một nghiên cứu được Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia công bố hôm 06/02/2023 cho thấy “những tác động trung bình không đáng kể” liên quan đến luật về thẻ căn cước cử tri. Hơn nữa nghiên cứu này còn cho biết “các luật đầu tiên được thực thi đã tạo ra một lợi thế cho Đảng Dân Chủ, mà sau năm 2012 lợi thế này đã suy yếu xuống gần bằng 0.”
Cuối cùng, nghiên cứu đã kết luận rằng “các yêu cầu về thẻ căn cước cử tri thúc đẩy và điều động được những người ủng hộ của cả hai đảng, rốt cuộc giảm thiểu các tác động như được dự đoán đối với kết quả bầu cử.”
Một nghiên cứu được ông Enrico Cantoni của Đại học Bologna và ông Vincent Pons của Trường Kinh doanh Harvard công bố hồi năm 2019 cũng tiết lộ luật về thẻ căn cước cử tri không làm giảm tổng số cử tri đi bỏ phiếu, ngay cả trong số các cử tri thuộc khối thiểu số.
Các kết quả từ một nghiên cứu của Poverty Action Lab hồi năm 2012 cho thấy các yêu cầu về thẻ căn cước không có ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, và một số thông điệp có trong bưu thiếp thông tin gửi cho các cử tri “thực sự đã làm tăng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu.”
Ông von Spakovsky cũng cho biết việc thăm dò ý kiến cho thấy cử tri Mỹ không đồng ý với ý kiến cho rằng luật về thẻ căn cước cử tri là có tính hạn chế.
“Người Mỹ hoàn toàn ủng hộ luật về thẻ căn cước cử tri, và đó là đại đa số tất cả mọi người; người da trắng, người Mỹ gốc Phi Châu, những người ủng hộ Đảng Cộng Hòa, những người ủng hộ Đảng Dân Chủ, và người Mỹ gốc Tây Ban Nha,” ông von Spakovsky khẳng định. “Tuy nhiên, người ta lại nói rằng luật này hạn chế việc bỏ phiếu. Thế nhưng, người Mỹ không hề nói vậy.”
Một cuộc thăm dò ý kiến của Đại học Monmouth năm 2021 (pdf) đã xác nhận mọi nhóm dân số được khảo sát đa phần ủng hộ luật về thẻ căn cước cử tri. Một cuộc khảo sát của Rasmussen cũng cho kết quả tương tự.
Một cuộc khảo sát của tổ chức Dự án Bầu cử Trung thực (Honest Elections Project) (pdf) cũng cho kết quả tương tự. Ngoài ra, cuộc khảo sát này cho thấy 64% cử tri “muốn việc cải tổ bầu cử tập trung vào việc xây dựng niềm tin bằng cách bổ sung các biện pháp bảo vệ cho các cuộc bầu cử.” Chỉ có 22% cử tri cho biết họ muốn loại bỏ các biện pháp bảo vệ lá phiếu.
Ông Jason Snead, Giám đốc Điều hành tổ chức Honest Elections Project, kết luận rằng “sự đồng thuận của công chúng về cải tổ bỏ phiếu hoàn toàn trái ngược với những yêu cầu đổi mới của phe cấp tiến để Quốc hội loại bỏ các biện pháp bảo vệ như luật về thẻ căn cước cử tri và bảo vệ các lá phiếu gửi qua đường bưu điện trên toàn quốc.”
Một cuộc thăm dò năm 2022 của Gallup cho thấy cứ 10 người Mỹ thì có 8 người ủng hộ luật thẻ căn cước cử tri có ảnh.
‘Một lời mời dẫn đến hành vi gian lận’
Mặc dù nhấn mạnh rằng các biện pháp bảo mật lá phiếu chặt chẽ hơn sẽ cải thiện tính liêm chính của cuộc bầu cử, nhưng ông von Spakovsky gợi ý các sáng kiến thiên tả — chẳng hạn như loại bỏ thẻ căn cước cử tri và xác thực chữ ký, đồng thời gửi các lá phiếu không được yêu cầu tới tất cả các cử tri — “là một lời mời dẫn đến hành vi gian lận.”
Ông viện dẫn sự hỗn loạn đầy tốn kém xảy ra ở Hoa Thịnh Đốn trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020 sau khi Hội đồng Bầu cử Thủ đô Hoa Thịnh Đốn quyết định gửi các lá phiếu không được yêu cầu qua đường bưu điện cho mọi cử tri.
Như đã nêu trong báo cáo ngày 16/11/2021 của Cơ quan Quản lý Bầu cử Thủ đô Hoa Thịnh Đốn (pdf), hàng ngàn lá phiếu không được yêu cầu gửi qua đường bưu điện đó đã bị trả lại do không gửi được và hàng ngàn cử tri đã nhận được những lá phiếu gửi đến cho những người không còn sinh sống tại địa chỉ của họ.
Tổng cộng, 11% trong số những lá phiếu không được yêu cầu đó đã bị trả lại vì không gửi được, cao hơn tám lần so với mức trung bình toàn quốc, mà theo ước tính trong phân tích của NPR là khoảng 1%.
“Vì tiểu bang không có luật thẻ căn cước cử tri nên không có gì để ngăn cản ai đó chỉ cần lấy tất cả các lá phiếu đã được gửi đến cho những người không còn sống ở đó, ký vào những lá phiếu này bằng chữ ký giả và gửi đi,” ông von Spakovsky nói. “Tôi đoán chắc với quý vị, những lá phiếu đó được các quan chức ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn kiểm đếm vì họ làm việc quá cẩu thả.”
‘Điều khoản bảo mật tối thiểu’
Trong khi theo dõi luật liên quan đến luật bầu cử, Voting Rights Lab mô tả tác động của bất kỳ biện pháp nào làm tăng tính bảo mật của lá phiếu như luật “hạn chế quyền tiếp cận của cử tri.” Các dự luật loại bỏ các biện pháp bảo mật được cho là cải thiện khả năng tiếp cận của cử tri.
Mặc dù Voting Rights Lab tự mô tả họ là “một trung tâm chiến dịch tranh cử với mục đích thúc đẩy cuộc chiến chống lại sự đàn áp cử tri,” thì trang Influence Watch cho biết sáng kiến này do các nhà tài trợ và đối tác thiên tả với các nhóm chính sách thiên tả hậu thuẫn nhằm nỗ lực thay đổi luật bỏ phiếu và giảm các biện pháp bảo mật lá phiếu ở cấp tiểu bang.
Dự luật do ông DeSantis ký ở Florida đã lập tức bị một loạt các tổ chức thiên tả phản đối bằng các vụ kiện vì họ cho rằng dự luật này là vi hiến.
Tờ Arkansas Times đã gán cho lệnh cấm của tiểu bang Florida về các thùng phiếu là một biện pháp “đàn áp cử tri.”
Tại North Carolina, một nhà lập pháp tiểu bang thuộc Đảng Dân Chủ khẳng định dự luật được thông qua tại Thượng viện North Carolina sẽ làm suy yếu nền dân chủ.
Ông von Spakovsky cho rằng những nỗ lực này nhằm làm xói mòn niềm tin của người Mỹ vào tính liêm chính trong bầu cử. Dữ liệu thăm dò chứng minh cho tuyên bố này của ông.
Một cuộc khảo sát hồi tháng 12/2021 do Schoen Cooperman Research (pdf) thực hiện cho thấy một con số đáng kinh ngạc là 85% người Mỹ được hỏi lo ngại về chủ nghĩa cực đoan chính trị.
Trong khi 46% người được hỏi lo ngại về chủ nghĩa cực đoan ở lưỡng đảng chính trị, thì nhiều người (23%) bày tỏ lo ngại về “chủ nghĩa cực đoan cánh tả” hơn là “chủ nghĩa cực đoan cánh hữu” (21%). Đa số (51%) tin rằng “nền dân chủ Hoa Kỳ có nguy cơ bị diệt vong.” Trong khi một số người ủng hộ Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ (49%) có cùng quan điểm, thì 54% những người độc lập được hỏi lo sợ cho sự tồn vong của nền dân chủ Hoa Kỳ.
“Đó là lý do tại sao họ tấn công luật về thẻ căn cước cử tri và cố gắng loại bỏ những thứ như yêu cầu chữ ký của nhân chứng trên các lá phiếu khiếm diện,” ông von Spakovsky kết luận. “Đó là lý do tại sao quý vị thấy có quá nhiều dự luật như vậy. Những gì quý vị đang nhìn thấy ở các tiểu bang xanh về cơ bản là họ đang cố gắng loại bỏ các điều khoản bảo mật tối thiểu để làm cho quá trình được mở rộng nên hầu như là không có sự bảo mật.”
Thanh Nhã và Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times