Chi phiếu ‘cứu trợ lạm phát’: Đổ thêm dầu vào lửa?
Khi một số tiểu bang cân nhắc hoặc khai triển “cứu trợ lạm phát” dưới hình thức chi phiếu hoặc hoàn thuế nhằm giúp các gia đình chống chọi với giá cả tăng cao, các nhà phê bình cho rằng các biện pháp như vậy bằng như kích thích tài khóa và sẽ giữ cho lạm phát cao hơn trong thời gian dài hơn.
Các gia đình Mỹ phải đối mặt với lạm phát đè bẹp sức mua và khiến các nhu yếu phẩm căn bản trở đắt đỏ hơn.
Một số tiểu bang đã phản ứng bằng cách cung cấp các khoản cứu trợ để bù đắp cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
‘Trúng thưởng!’
Trong một nỗ lực như vậy, khoảng 23 triệu người dân California sẽ nhận được các tấm chi phiếu lên đến 1,050 USD như một phần của gói “cứu trợ lạm phát” trị giá 17 tỷ USD, cũng bao gồm việc đình chỉ thuế bán hàng của tiểu bang đối với dầu diesel, hỗ trợ tiền thuê nhà, và tiền để trang trải các hóa đơn tiện ích quá hạn.
“Trúng thưởng! Quý vị vừa nhận được một khoản tiền gửi vào,” Văn phòng Thống đốc California Gavin Newsom viết trong một tuyên bố hôm 30/06, tán tụng thực tế rằng nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ này vừa ký một gói ngân sách tiểu bang trị giá 308 tỷ USD bao gồm 9.5 tỷ USD tiền hoàn thuế “để giúp giải quyết lạm phát.”
Các tiểu bang khác cũng đã thực hiện các bước đi tương tự trong nỗ lực giảm giá cao.
Các quan chức Colorado hồi cuối tháng Sáu đã công bố khoản hoàn thuế 750 USD, với Thống đốc Jared Polis mô tả biện pháp này là “sự cứu trợ thực sự khi người dân Colorado cần được cứu trợ nhất” trong khi trích dẫn “tác động của chi phí gia tăng.”
Indiana có kế hoạch trả lại tổng cộng 1 tỷ USD cho những người đóng thuế ở Hoosier dưới hình thức hoàn thuế 350 USD cho mỗi cá nhân, với Thống đốc Eric Holcomb cho biết hồi đầu tháng Sáu rằng cư dân của tiểu bang có “nhu cầu thực sự ngay bây giờ trong thời kỳ lạm phát cao này.”
Theo văn phòng của Thống đốc Maine, bà Janet MillsMaine có kế hoạch chi ra 850 USD “chi phiếu cứu trợ” vì cư dân “đang vật lộn với chi phí gia tăng vì lạm phát gây ra bởi đại dịch, từ chi phí năng lượng cao hơn đến giá hàng hóa hàng ngày tăng.”
Các tiểu bang khác đã đưa ra các kế hoạch tương tự để bù đắp giá tăng bao gồm Delaware, Georgia, và New Mexico.
‘Điều này sẽ chỉ gây thêm thiệt hại’
Mặc dù các khoản thanh toán chắc chắn sẽ được các gia đình đang phải vật lộn để đối phó với giá cả tăng cao đón nhận, nhưng các nhà phê bình cho rằng việc rót tiền mặt vào vấn đề này giống như đổ thêm dầu vào lửa và sẽ chỉ làm tăng thêm áp lực lạm phát bằng cách thúc đẩy nhu cầu.
Ông John Anthony Castro, giám đốc điều hành của AiTax, một nền tảng phần mềm khai thuế dựa trên AI, cho biết trong một tuyên bố trên Twitter rằng rót tiền mặt vào vấn đề lạm phát chắc chắn sẽ đẩy giá lên cao hơn.
Ông viết, “Hãy dành một phút để tưởng tượng rằng tất cả mọi người thức dậy vào sáng nay với 1 triệu USD trong tài khoản ngân hàng của họ. Các cửa hàng sẽ phải điều chỉnh giá để phản ánh điều đó; nếu không, một người có thể chỉ đơn giản là mua hết tất cả. Sữa sẽ là 500 USD; ngũ cốc 300 USD. Đó là kiến thức cơ bản về lạm phát.”
Ông Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis, đã phản ứng với sáng kiến của California trong một tuyên bố trên Twitter: “Các khoản thanh toán ‘cứu trợ lạm phát’ được thực hiện bằng nợ cao hơn và in nhiều tiền hơn. Quý vị không thể bịa ra điều này.”
Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) cho biết trong một bài đăng trên Twitter khi bình luận về các chi phiếu “cứu trợ lạm phát” của California: “Điều này sẽ chỉ gây thêm thiệt hại.”
‘Các gia đình lao động cần được cứu trợ’
Không phải ai cũng đồng ý rằng chi phiếu cứu trợ lạm phát là một ý tưởng tồi.
Ông H.D. Palmer, Phó giám đốc đặc trách đối ngoại của Sở Ngân khố California, nói với TIME trong một cuộc phỏng vấn là ông không ủng hộ lập luận rằng các chi phiếu sẽ có tác động đáng kể đến lạm phát.
Ông nói với hãng thông tấn này: “Theo quan điểm của chúng tôi, gói này sẽ có tác động tối thiểu đến lạm phát — vì đó là cứu trợ một lần và không liên tục — và chỉ là ‘muỗi’ khi so sánh với quy mô của sự hỗ trợ liên bang được cung cấp trong đại dịch.”
Một số người, như cựu Thượng nghị sĩ tiểu bang Ohio Nina Turner, một thành viên Đảng Dân Chủ, cho rằng ý tưởng về chi phiếu cứu trợ lạm phát nên được khai triển rộng rãi hơn.
Bà nói trong một bài đăng trên Twitter: “Điều này nên được thực hiện ở cấp độ liên bang để chống lại lạm phát. Các gia đình lao động cần được cứu trợ.”
‘Quý vị sẽ có lạm phát’
Theo ông Stephen Moore, cựu cố vấn kinh tế của chính phủ ông Trump, chính sách kích cầu của liên bang là lý do chính khiến lạm phát tăng cao.
Ông Moore nói với chương trình “Fresh Look America” của EpochTV trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng nhiều những hành động như vậy sẽ giống như cố gắng chữa cháy bằng cách đổ thêm dầu vào lửa.
Ông lập luận rằng 3 ngàn tỷ USD viện trợ đại dịch đã được chi cho đến nay là “nguyên nhân gây ra lạm phát lớn, khi quý vị chỉ đổ tiền vào nền kinh tế, và quý vị đi vay và quý vị in tiền để trả cho tất cả những thứ đó.”
Ông tiếp tục: “Điều này là rõ ràng như mặt trời mọc vậy, mặt trời mọc đằng đông lặn đằng tây, rồi quý vị sẽ có lạm phát.”
“Tôi chỉ ngạc nhiên là đã có những nhà kinh tế thấy bất ngờ về kết quả đó. Và vì vậy những gì chúng ta cần làm bây giờ thực sự là cắt giảm chi tiêu chính phủ, chúng ta phải có các khoản cắt giảm đáng kể và chi tiêu chính phủ để sửa chữa nền kinh tế.”
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’