Số liệu sau rà soát: Chi tiêu của người tiêu dùng Hoa Kỳ quý 1/2022 giảm mạnh
Theo số liệu điều chỉnh của Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ (BEA) hôm 29/06, chi tiêu của người tiêu dùng Hoa Kỳ đã giảm trong quý đầu tiên của năm 2022, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang có dấu hiệu suy yếu tăng trưởng.
Khi được điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu của người tiêu dùng tăng 0.5% trong quý đầu tiên, thấp hơn nhiều so với ước tính trước đó là tăng trưởng 0.8%, và chậm lại so với mức tăng 0.6% trong quý 4/2021.
Chính phủ đổ lỗi một phần cho sự suy giảm bất ngờ trong hoạt động kinh tế do biến thể Omicron và giảm các khoản hỗ trợ của chính phủ cho các cá nhân, cũng như việc giảm các khoản cho vay có thể được miễn trả cho các doanh nghiệp.
Tổng sản phẩm quốc nội thực tế, giảm 0.4% khi được điều chỉnh theo lạm phát, tương đương với tốc độ giảm 1.6% hàng năm trong quý đầu tiên của năm 2022, theo ước tính mới nhất của cơ quan này.
Sự sụt giảm trên diện rộng trong xuất cảng của Hoa Kỳ và chi tiêu của chính phủ, sự dư thừa trong hàng tồn kho của các doanh nghiệp, cùng với sự gia tăng nhập cảng, đã được trừ vào tính toán cuối cùng về GDP thực tế trong báo cáo.
Chi tiêu của người tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế, vẫn ổn định, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ trong quý đầu tiên, nhưng tăng với tốc độ ít hơn đáng kể so với dự kiến, trong khi chi tiêu cho hàng hóa bán lẻ giảm.
Điều này hoàn toàn trái ngược với trong quý 4/2021, vốn chứng kiến GDP thực tế tăng 6.9% — mức tăng nhanh nhất trong 40 năm, do xuất cảng tăng vọt.
Chi tiêu vẫn ổn định trong quý trước, mặc dù lạm phát tăng nhanh nhất trong 40 năm, nhưng các rà soát mới nhất đã xoay các kết quả này sang một hướng khác.
Thu nhập cá nhân khả dụng thực tế đã giảm 7.8% trong quý đầu tiên, so với mức giảm 4.5% trong quý 4.
Tiết kiệm cá nhân của người Mỹ đã giảm xuống 1.02 ngàn tỷ USD từ 1.45 ngàn tỷ USD trong quý đầu tiên và quý thứ tư tương ứng.
Dự báo
Một số nhà kinh tế trong những tuần gần đây đã hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2022 và hiện đang thừa nhận khả năng nền kinh tế sẽ tiếp tục suy thoái trong quý thứ hai liên tiếp – một dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái đang diễn ra.
Tuần trước (20-26/06), IHS Markit đã giảm ước tính đầu tháng Sáu của mình về tăng trưởng GDP trong quý 2 từ tốc độ tăng trưởng hàng năm 2.4% xuống còn 0.1%.
Cho đến nay, nhiều nhà kinh tế học tin rằng Hoa Kỳ nằm ngoài phạm vi có thể được coi là suy thoái, nhưng nhiều người tiêu dùng đã cảm thấy dấu hiệu của lạm phát đình trệ ở các khu vực khác nhau của đất nước, khi lạm phát tiếp tục tăng.
Trong khi đó, ngày càng nhiều nhà kinh tế tin rằng một cuộc suy thoái có khả năng xảy ra vào năm tới.
Báo cáo xếp hạng toàn cầu của S&P hôm 27/06, dự báo tỷ lệ suy thoái vào năm 2023 là 40%, vì các chính sách lãi suất mới của Cục Dự trữ Liên bang để chống lạm phát làm tăng khả năng tăng trưởng kinh tế thấp và nguy cơ suy thoái.
Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.