Giá dầu mỏ tăng vọt: Một tác động không cần thiết đối với một nền kinh tế dễ bị tổn thương
Giá dầu mỏ tăng vọt không chỉ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với du khách, giá nhiên liệu cao điên cuồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, nền kinh tế. Giá dầu mỏ thậm chí còn thúc đẩy các cuộc chiến tranh.
Có một số nguyên nhân khiến giá dầu tăng cao như hiện nay. Chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang chịu trách nhiệm chính về sự gia tăng chung của tất cả các mức giá. Nếu như không có cơn lũ [tăng cung] tiền cực đoan do Fed tạo ra, thì lạm phát đã không thể gia tăng liên tục.
Tuy nhiên, trong khi các thước đo lạm phát thông thường tăng 6% đến 8% trong năm qua, thì giá dầu mỏ đã tăng 60% so với một năm trước. Giá dầu mỏ và giá năng lượng khác tăng vọt so với các mức giá khác thể hiện một vấn đề riêng của nền kinh tế, một vấn đề làm trầm trọng thêm các vấn đề từ những sai lầm chính sách khác. Giá năng lượng tăng cao vụt có tác động lan tỏa đến nền kinh tế; bằng cách tăng chi phí vận chuyển, chúng ảnh hưởng đến chi phí của hầu hết mọi thứ chúng ta mua.
Yếu tố chiến tranh
Chi phí nhiên liệu hóa thạch tăng cũng gây nguy hiểm cho sự ổn định toàn cầu. Mỗi lần trong số ba lần gần nhất giá dầu tăng lên 100 USD đều trùng hợp với hành động gây hấn của Nga. Năm 2008, Nga tấn công Gruzia, vào năm 2014 tấn công Crimea, và vào tháng 02/2022 là tấn công Ukraine.
Có hai lý do khiến ông Putin trở nên hiếu chiến hơn khi giá dầu tăng cao. Nga là một nền kinh tế dựa vào dầu mỏ và tài nguyên; Nga đang có sức mạnh nhất khi giá dầu cao. Giá dầu cao hơn cũng làm nền kinh tế Hoa Kỳ dễ bị tổn thương và ít có khả năng thể hiện bất kỳ sự phản kháng có ý nghĩa nào đối với sự xâm lược của Nga. Diễn biến này đặc biệt đúng khi chính phủ của chúng ta hạn chế sản xuất dầu của chính chúng ta, như họ đang làm hiện nay.
Trong khi giá dầu là do thị trường toàn cầu xác định, thì Hoa Kỳ là nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới với gần 20% sản lượng toàn cầu. Nga đứng thứ hai với 12%. Là nước sản xuất dầu hàng đầu, chính sách năng lượng của Hoa Kỳ có tác động lớn đến giá dầu toàn cầu.
Kiểm soát giá
Trong lịch sử, giá dầu và khí đốt của Hoa Kỳ thường được điều tiết rất cao. Trong những năm 1950 và đầu những năm 1980, các quy định dưới hình thức kiểm soát giá cả được thiết kế để cung cấp năng lượng rẻ cho quốc gia. Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của quốc gia được coi là dồi dào đến mức vào giữa những năm 1950, Ủy ban Điện lực Liên bang đã ấn định giá ngay tại giếng dầu, làm giảm các động lực cho việc thăm dò và phát triển. Đến những năm 1970, lượng khí đốt tự nhiên dư thừa trở thành thiếu hụt. Cũng trong những năm 1970, sự kiểm soát của liên bang đối với giá dầu đã dẫn đến sự sụt giảm sản lượng dầu trong nước và ngày càng phụ thuộc vào dầu nhập cảng.
Lịch sử của giá dầu mỏ và khí đốt trong những năm 1970 là chỉ dẫn cho những gì đang xảy ra ngày nay. Biểu đồ sau đây cho thấy sản lượng dầu mỏ trong nước sụt giảm từ 9.7 triệu thùng/ngày năm 1971 xuống mức thấp 8.1 triệu năm 1977 như thế nào. Sự sụt giảm này khiến Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều hơn vào nhập cảng. OPEC đã phản ứng với việc sản lượng giảm của Hoa Kỳ bằng cách tăng giá dầu mỏ, từ 4 USD/thùng lên 10 USD vào năm 1974. Các biện pháp kiểm soát giá đối với cả dầu mỏ và khí đốt tiếp tục hạn chế nguồn cung năng lượng của Hoa Kỳ trong suốt những năm 1970. Vào cuối thập niên này, trong một nỗ lực vô ích để giữ giá dầu ở mức thấp, việc kiểm soát giá trở nên gay gắt hơn và tình trạng thiếu hụt năng lượng càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Các biện pháp kiểm soát của chính phủ đối với giá năng lượng không những không kiềm chế được giá do gây ra tình trạng thiếu hụt, mà sự kiểm soát này còn là nguyên nhân chính khiến giá tăng đột biến. Sau khi lên nắm quyền vào năm 1981, Tổng thống Ronald Reagan ngay lập tức loại bỏ các biện pháp kiểm soát giá xăng dầu. Kết quả là, sản lượng dầu bắt đầu tăng và giá dầu bắt đầu giảm.
Biểu đồ tiếp theo cho thấy giá và sản lượng dầu kể từ năm 2000. Tương tự như tình hình hiện tại của chúng ta, trong năm 2008 Fed đã tạo ra quá nhiều tiền và nền kinh tế cũng như lạm phát đã ngày càng tăng. Nhu cầu gia tăng đồng nghĩa với giá dầu mỏ lạm phát cao hơn. Cũng như ngày nay, sự gián đoạn quốc tế đối với sản xuất dầu mỏ đã thúc đẩy thêm vào sự tăng giá. Giá dầu tăng từ 60 USD vào đầu năm 2008 lên hơn 125 USD vào đầu năm 2009. Giá dầu tăng hơn gấp đôi trùng với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Biểu đồ này cũng cho thấy giá dầu tương đối cao từ năm 2011 đến 2015 đã tạo ra động lực như thế nào để tăng sản lượng dầu. Không có nhiều sự kiểm soát hoặc kiềm chế của liên bang, sản lượng dầu trong nước đã tăng từ năm 2012 đến năm 2016. Việc tăng gấp đôi sản lượng lên gần 10 triệu thùng/ngày đủ để hạ giá dầu xuống mức trung bình gần 50 USD. Các phương pháp khai thác công nghệ mới đã tăng sản lượng dầu của Hoa Kỳ lên mức đỉnh hơn 13 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2019.
Sự thay đổi hiện tại của giá dầu gần ấn tượng như đã diễn ra trong những năm 1970. Sự gia tăng sản lượng dầu và khí đốt vào năm 2019, tiếp theo là sự sụp đổ của nền kinh tế do phong tỏa vì COVID, đã dẫn đến sự suy giảm giá dầu xuống mức trung bình hàng tháng dưới 20 USD vào tháng Tư năm 2020. Sự phục hồi kinh tế sau đó đã làm tăng nhu cầu đối với dầu mỏ và giá cả đã tăng vọt.
Lịch sử cho thấy rằng khi các thị trường được phép hoạt động, nhu cầu tăng mạnh sẽ làm tăng giá dầu, dẫn đến tăng sản lượng. Việc gia tăng sản lượng này [quay lại] sẽ giúp tiết chế và kìm hãm đà tăng của giá dầu.
Như biểu đồ cho thấy, Hoa Kỳ có khả năng sản xuất hơn 13 triệu thùng/ngày. Bất chấp giá đang tăng vọt, sản lượng của Hoa Kỳ vẫn giảm hơn một triệu thùng/ngày so với mức đỉnh trước đó. Hơn nữa, mức sản lượng từng đạt đỉnh cao ấy khi giá dầu [khi ấy] chỉ bằng khoảng một nửa so với hiện nay. [Như vậy], với mức giá cao hơn hiện nay, sản lượng dầu lẽ ra phải tăng cao hơn nhiều so với mức đỉnh trước đó – nhưng diễn biến lại không phải vậy.
Cuộc chiến chống lại nhiên liệu hóa thạch
Trong những năm 1970, kiểm soát giá cả của chính phủ đã hạn chế sản lượng dầu. Ngày nay, sản xuất bị hạn chế bởi chính sách năng lượng của chính phủ ông Biden. Trong các cuộc tranh luận của tổng thống, ông Joe Biden đã hứa sẽ “chấm dứt nhiên liệu hóa thạch”. Ngay từ ngày đầu nắm quyền, các chính sách của ông Biden đã được thiết kế để thực hiện lời hứa loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Tổng thống và tổ chức vận động hành lang Xanh đang làm mọi cách có thể để ngăn chặn các công ty nhiên liệu hóa thạch sản xuất nhiều năng lượng hơn. Thay vì sử dụng biện pháp kiểm soát giá, các chiến thuật của họ bao gồm không cấp giấy phép và cho thuê để phát triển dầu mỏ và khí đốt, áp đặt giới hạn về sản xuất trên các vùng đất liên bang, chặn đường ống, và làm nản lòng việc tài trợ cho các công ty nhiên liệu hóa thạch. Những chiến thuật này tất cả đều đã gây hiệu ứng giống như sự kiểm soát giá cả trong việc kìm hãm tiềm năng của Hoa Kỳ để đáp ứng với các mức giá cao hơn hiện nay thông qua việc sản xuất nhiều năng lượng hơn.
Tin tốt là Hoa Kỳ có công suất năng lượng cần thiết để tăng sản lượng dầu và các nhiên liệu hóa thạch khác. Các chính sách hiện tại áp đặt những thiệt hại tự gây ra cho một nền kinh tế vốn đã dễ bị tổn thương. Đó là một chính sách có lợi cho Nga bằng cách ngăn thị trường hạ giá năng lượng theo cách hiệu quả nhất có thể—bằng cách sản xuất nhiều năng lượng hơn.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Robert J. Genetski là một diễn giả, tác giả, nhà bình luận chuyên mục, và là một trong những nhà kinh tế hàng đầu Hoa Kỳ. Ông đã giảng dạy môn kinh tế học tại Trường Kinh doanh Sau Đại học thuộc Đại học Chicago và NYU. Cuốn sách gần đây nhất của ông có nhan đề “Rich Nation, Poor Nation: Why Some Nations Prosper While Others Fail” (Quốc Gia Giàu, Quốc Gia Nghèo: Tại Sao Một Số Quốc Gia Thịnh Vượng Trong Khi Một Số Quốc Gia Khác Lại Thất Bại). Trang web của ông là: ClassicalPrinciples.com.