Lạm phát giá thực phẩm chạm mức cao nhất kể từ năm 1980
Theo dữ liệu mới của chính phủ, giá thực phẩm ở Hoa Kỳ đã tăng vọt vào tháng Năm với tốc độ hàng năm nhanh nhất trong 42 năm, đồng thời một số nhà sản xuất lương thực cảnh báo các gia đình Mỹ sẽ phải đối mặt tình cảnh khốn khó vì lạm phát trong thời gian sắp tới, vì một số chi phí đầu vào vẫn chưa được phản ánh trong giá sản phẩm tại cửa hàng tạp hóa.
Thành phần thực phẩm trong chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), được Bộ Thương mại công bố hôm 30/06 (pdf), cho thấy giá thực phẩm tăng ở mức 11.0% hàng năm vào tháng Năm, mức cao nhất kể từ năm 1980.
Mức ghi nhận cao nhất trong nhiều thập niên đánh dấu tháng thứ 11 liên tiếp giá lương thực tăng tại Hoa Kỳ. Nó cũng tăng gấp đôi tốc độ lạm phát giá thực phẩm 5.5% được ghi nhận hồi tháng 11/2021.
Một số nông dân Hoa Kỳ được The Epoch Times phỏng vấn đã nói rằng chi phí nhiên liệu và phân bón tăng cao vẫn chưa thể hoàn toàn làm cho [chi phí trong] chuỗi sản xuất lương thực giảm xuống.
Ông John Chester, một nông dân trồng bắp, lúa mì, và đậu tương ở Tennessee cho biết: “Thông thường, những gì chúng ta đang nhìn thấy ở trang trại này, thì người tiêu dùng sẽ không nhìn thấy trong 18 tháng nữa.”
“Mọi người không nhận ra điều gì đang cố gắng tấn công họ,” nông dân Texas Lynn “Bugsy” Allen nói. “Họ nghĩ rằng giờ đang là lúc khó khăn; nhưng đến tháng Mười quý vị mới cảm nhận được nó. Giá thực phẩm đang chuẩn bị tăng gấp đôi.”
Dự báo nghiệt ngã trên được đưa ra khi Liên đoàn Cục Nông trại Mỹ cho biết trong một bài báo gần đây rằng người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ trả thêm 17% cho tiệc ngoài trời vào ngày 04/07 sắp tới so với Ngày Độc Lập năm ngoái.
Theo bài báo này, chi phí trung bình cho một bữa ăn mùa hè dành cho 10 người sẽ là 69.68 USD, tăng khoảng 10 USD so với năm 2021.
Trong khi đó, cái gọi là chỉ số giá PCE cốt lõi, không bao gồm các loại thực phẩm và năng lượng hay biến động giá và là thước đo ưu tiên của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để đo lạm phát, đã tăng 4.7% trong năm tính đến tháng Năm, dữ liệu của Bộ Thương mại cho thấy.
Mặc dù đó là mức giảm nhẹ so với tốc độ tăng trưởng 4.9% của tháng trước và gần như phù hợp với ước tính của các nhà phân tích, nhưng nó cao hơn gấp đôi so với mục tiêu lạm phát 2% mà ngân hàng trung ương Hoa Kỳ hướng tới khi đặt ra chính sách tiền tệ, chủ yếu là lãi suất.
Và mặc dù thước đo lạm phát PCE cốt lõi trong năm đã nhích xuống, nhưng số liệu hàng tháng vẫn giữ nguyên ở mức 0.3% vào tháng Năm trong tháng thứ tư liên tiếp, cho thấy áp lực lạm phát vẫn bị mắc kẹt ở mức cao, và cuộc chiến chống lạm phát của Fed để giảm tốc độ tăng giá vẫn còn là một chặng đường dài.
“Lạm phát dường như đang hạ nhiệt, nhưng nó có thể là một ảo ảnh, bởi vì sức tác động tuần tự vẫn còn rất mạnh,” ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại EY-Parthenon, cho biết trong một bài đăng trên Twitter, đồng thời đề cập đến chỉ số lạm phát hàng tháng tăng cao.
Fed đã thay đổi cách nhìn nhận của mình về lạm phát, ban đầu coi đây là một đợt tăng đột biến tạm thời sẽ sớm qua đi nhưng giờ đây mô tả nó là sự dai dẳng và có vấn đề.
Ngân hàng trung ương đã bắt đầu một chu kỳ tăng lãi suất tích cực trong nỗ lực khống chế giá cả tăng vọt, trong đó một số nhà phân tích đang nhận thấy một mối nguy đè nặng, đó là nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’