Các doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ đau khổ vì lạm phát
Các doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ đã trở nên khốn đốn bởi tình trạng lạm phát cao kéo dài liên tục, với việc các chuyên gia dự đoán giá cả tăng cao chỉ có chút giảm nhẹ trong thời gian tới trong một bối cảnh kinh tế ngày càng trở nên tồi tệ cùng suy thoái và những mối lo ngại về lạm phát đình trệ đang gia tăng.
Theo một báo cáo mới từ Phòng Thương mại Hoa Kỳ (pdf), gần 9/10 chủ doanh nghiệp nhỏ (88%) lo lắng về tác động của lạm phát trong quý thứ hai, một vấn đề đã trở thành vấn đề hàng đầu trong danh sách những mối quan tâm liên quan đến kinh doanh của họ. Con số này tăng từ 85% trong quý đầu tiên và 75% trong quý cuối cùng của năm 2021.
Gần một nửa (49%) cho biết họ rất lo ngại về lạm phát, con số này tăng từ 44% trong quý đầu tiên và 31% trong quý IV năm ngoái (2021).
Tỷ lệ chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ, những người cho hay lạm phát đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của họ, cũng tăng lên. Theo báo cáo, con số này tăng từ 74% trong quý đầu tiên lên 80% trong quý thứ hai.
‘Khốn đốn bởi giá cả tăng cao’
Báo cáo trên của Phòng Thương mại phù hợp với dữ liệu gần đây từ Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NFIB).
Phó Chủ tịch Quan hệ Chính phủ Liên bang của NFIB Kevin Kuhlman cho biết trong một tuyên bố: “Với lạm phát đạt mức cao nhất gần 40 năm, các doanh nghiệp nhỏ tiếp tục khốn đốn bởi giá cả tăng cao với rất ít hy vọng có sự hạ nhiệt trong thời gian trước mắt. Như dữ liệu gần đây cho thấy, lạm phát vẫn là vấn đề hàng đầu đối với một phần ba số chủ doanh nghiệp nhỏ, có tác động trực tiếp đến sự lạc quan của doanh nghiệp nhỏ, vốn đang ở mức thấp nhất trong gần 50 năm, và tiếp tục gây hại cho sự phục hồi của doanh nghiệp nhỏ.”
Ông Kuhlman trích dẫn dữ liệu cho thấy 62% chủ doanh nghiệp nhỏ cho biết lạm phát đang có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của họ.
Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát gần đây từ mạng lưới doanh nghiệp nhỏ Alignable cho biết rằng hơn một phần ba doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ không thể trang trải tiền thuê nhà trong tháng Sáu, với hầu hết trong số họ đều cho nguyên nhân là do lạm phát.
‘Mọi thứ sẽ tồi tệ hơn nhiều trước khi chúng trở nên khởi sắc hơn’
Mặc dù câu chuyện đang thịnh hành hiện nay đã chuyển hướng phần nào từ lạm phát sang khả năng tiềm tàng cho một cuộc suy thoái kinh tế, nhưng các chuyên gia cho rằng áp lực giá cả có thể sẽ dai dẳng hơn trong thời kỳ lạm phát đình trệ tồi tệ.
Ông Darius Dale, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của 42 Macro, đã viết trên Twitter rằng các mô hình kinh tế lượng từ công ty của ông dự đoán lạm phát “cố định” trong 2 đến 3 quý tới. Ông Dale đã chia sẻ một biểu đồ dự đoán rằng tốc độ lạm phát qua từng năm, được phản ánh qua Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ duy trì ở mức cao hơn 8% cho đến tháng 12 và cao hơn 7% cho đến tháng Ba năm 2023.
Theo cách nói tương tự, nhưng lạc quan hơn một chút, ông Jim Bianco, chủ tịch Bianco Research, đã viết trong một loạt các bài đăng trên Twitter rằng tốc độ lạm phát CPI hàng năm có thể “kéo dài đến tận tới mùa giải chính thức của NFL” ở mức cao hơn 8%. Mùa giải chính thức này kéo dài tới tháng 01/2023.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy CPI đã tăng ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ là 8.6% vào tháng Năm, với lạm phát “dự báo” của Cục Dự trữ Liên bang Cleveland, cung cấp ước tính lạm phát theo thời gian thực, dự báo giá sẽ tăng với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn là 8.7% vào tháng Sáu khi dữ liệu chính thức được công bố vào cuối tháng này.
Nhà kinh tế học nổi tiếng Nouriel Roubini đã viết trong một bài xã luận gần đây trên tờ The Guardian rằng cuộc tranh luận về lạm phát dai dẳng với lạm phát nhất thời hiện phần lớn đã ngã ngũ.
Ông nói: “‘Phe dai dẳng” (‘Team Persist’) đã thắng và ‘Phe tạm thời’ (‘Team Transitory’) — trước đây bao gồm hầu hết các ngân hàng trung ương và cơ quan tài chính — phải thừa nhận là đã nhầm lẫn.
Ông Roubini đưa ra dự đoán về điều mà ông gọi là một “cuộc khủng hoảng nợ lạm phát đình trệ,” vì lạm phát cao liên tục buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt các thiết lập tiền tệ bất chấp các dấu hiệu của nền kinh tế đang xoay chuyển, “do đó làm tăng xác suất của một cuộc suy thoái toàn cầu đồng bộ.”
Ông nói, “Nhưng bởi vì cuộc suy thoái tiếp theo sẽ là lạm phát đình trệ và kèm theo khủng hoảng tài chính, nên sự sụp đổ của thị trường chứng khoán có thể lên tới gần 50%. Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều trước khi chúng trở nên khởi sắc hơn.”
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’