Chân dung của họa sĩ được mệnh danh là người đàn ông của gia đình
Danh họa người Thụy Điển, Carl Larsson (1853-1919), một người đàn ông của gia đình, đã để lại nhiều tác phẩm chân dung tự họa được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Nhiều nghệ sĩ vẽ chân dung tự họa trong suốt sự nghiệp sáng tác của họ. Chúng ta có thể ngắm nhìn họ theo cách mà người nghệ sĩ mong muốn truyền tải đến công chúng, nổi bật trong xã hội, trang phục phong phú, và cũng có thể là thông qua tranh tự họa họ lưu giữ những hình ảnh mang tính biểu tượng quan trọng của mình.
Trong một trong những bức chân dung tự họa của ông Carl Larsson (1853-1919), “Brita và Tôi” (Brita and Me), vẽ năm 1895, nghệ sĩ người Thụy Điển đang đứng trên sàn gỗ nhẵn bóng, chân giang ngang. Ông mặc một bộ đồ màu xanh với lớp lót đỏ thẫm bên dưới lớp áo, miệng ông cười tươi, một tay đang giữ một biểu tượng quan trọng đối với chính ông trên vai – con của ông.
Người thưởng tranh thậm chí như thể nghe thấy con gái của nghệ sĩ – cô bé Brita, đang cười qua những biểu hiện vui thích của cô bé, như hầu hết những đứa trẻ khác khi ở trên vai của cha mình. Cô bé vô tư chơi đùa với những ngón tay, điều này cho thấy bé Brita hoàn toàn không màng đến sự chông chênh trên cao và tin chắc rằng người cha sẽ giữ cho bé khỏi ngã. Trong khi giữ con gái bằng một tay, ông Larsson ung dung cầm một chiếc cọ vẽ ở tay còn lại.
Tuổi thơ không yên bình
Ông Larsson không được nuôi dưỡng trong tình yêu thương và sự quan tâm chu đáo của gia đình. Ông sống trong nghèo đói và bị người cha lạm dụng. Cha ông thậm chí đã đuổi ông cùng người anh và mẹ ông ra khỏi nhà. Và thế là, người mẹ đã đưa hai con trai nhỏ của bà đến sống trong một căn phòng nhỏ cùng với hai gia đình khác.
Trong cuốn tiểu thuyết tự truyện của mình mang tên “Jag”, ông Larsson đã viết rằng: “Tại đó, sự nghèo đói, sự bẩn thỉu, sự độc ác lên ngôi, chúng từ từ gậm nhấm thể xác và tâm hồn chúng tôi.”
Tuy nhiên, khả năng nghệ thuật của ông đã sớm được công nhận, và ông từ sớm đã được truyền thụ những bài học về nghệ thuật. Khi lớn hơn, ông chuyển đến Paris để học hỏi, mài giũa kỹ năng hội họa của mình. Ở đó, ông đã gặp vợ ông, bà Karin, một nhà thiết kế nội thất. Sau khi họ kết hôn, cặp đôi trở về sinh sống tại Thụy Điển.
Gia đình – nguồn cảm hứng sáng tác
May mắn thay, kỹ năng vẽ tranh của ông Larsson đã giúp chu cấp đầy đủ cho gia đình tám người. Con của ông thường xuyên là những hình mẫu yêu thích trong việc sáng tác. Ông vẽ chúng khi chúng đang làm những công việc thường nhật và cũng vẽ chúng vào những dịp đặc biệt trong năm.
Ông thường họa chân dung từng người con. Tác phẩm “Esbjorn làm bài tập về nhà” (Esbjorn Doing His Homework), vẽ năm 1910, đã cho thấy sự tương phản giữa nhan đề và nội dung của bức tranh: Esbjorn không chú tâm vào làm bài tập về nhà của mình mà thay vào đó, em đang nghĩ ngợi thẫn thơ về những thứ khác, và cùng lúc đó, có một làn gió thổi vào từ cửa sổ đang mở. Cậu nhóc mộng mơ nhìn ra. Đằng sau, có một chiếc gương phản chiếu hình ảnh người cha đang vẽ tranh. Chân dung của Esbjorn khi còn là một em bé trong lòng mẹ (năm 1900) cho thấy sự thích thú của nhóc con khi đang chơi đùa cùng ngón chân của chính mình. Nụ cười của em nói lên tất cả. Em bé mân mê ngón chân như thể không muốn rời.
Bức chân dung của con gái Lille Matts (1912) khắc họa một cô bé được bao bọc ấm áp trong lớp áo len màu đỏ từ đầu đến chân. Biểu cảm của em cho thấy sự háo hức vì sắp được ra ngoài; Cô gái nhỏ ấy đã sẵn sàng để cảm nhận sự lạnh giá trên đôi má.
Giáng Sinh là một trong những ngày lễ chính của Thụy Điển, và đó cũng là thời gian hạnh phúc đối với gia đình Larsson. Tác phẩm “Buổi sáng Giáng Sinh”, vẽ năm 1894, bằng chất liệu màu nước, khắc họa các con ông đang chơi với những món quà chúng vừa nhận được. Tại tiền cảnh, người thưởng tranh gần như thể nghe thấy tiếng một bé đang bỏ những viên đá vào ly nước. Có một bé trai lớn hơn ở đằng sau chiếc thuyền buồm Viking bên trái bức tranh, em đang thử giày trượt tuyết. Chắc rằng em sẽ sớm dùng đôi giày này. Cô bé bên phải của tranh đang ngồi trên ghế, nghiêng người về phía trước, đôi tay của em lướt cẩn thận trên những trang mượt mà của một cuốn sách mới em vừa được tặng. Ngay sau đó, “ngôi sao” của tác phẩm đang đứng trên chiếc giường ọp ẹp, khiến cho chiếc khăn trải giường trở nên nhàu nhĩ, tay em như thể đang ra lệnh cho những người lính trong tưởng tượng của mình. Em chơi đùa với niềm vui thích tột cùng. Đằng sau em, công chúng có thể trông thấy một nụ cười mãn nguyện. Và nụ cười của đứa em gái nhỏ đã nói nói lên tất cả: Cô rất yêu thích món quà Giáng Sinh của mình. Thêm vào đó, căn phòng như thể có mùi thơm của các nhánh thông được đặt rải rác. Mỗi đứa trẻ tận hưởng niềm vui mùa Noel theo những cách của riêng chúng.
Chân dung tự họa của người Cha
Trong suốt sự nghiệp, ông Larsson cũng vẽ một số tác phẩm chân dung cho chính mình. Tác phẩm mang tên “Chân dung tự họa cùng Brita” (Self-Portrait With Brita), năm 1898, vẽ ông và một trong những người con của mình. Trong bức vẽ, cô gái nhỏ đang ngồi trong lòng người họa sĩ khi ông vẽ tranh. Những gì chúng ta có thể dễ dàng thấy được là khuôn mặt mơ màng ngáy ngủ của đứa trẻ với một mái tóc rối bù như mới tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngắn. Đứa trẻ lặng lẽ nằm trong lòng cha mình, và ông Larsson xuất hiện trong tranh với biểu cảm vô cùng hạnh phúc. Rõ ràng là bối cảnh gia đình đóng một vai trò quan trọng trong phong cách sáng tác của ông.
Đôi khi ông Larsson vẽ một bức chân dung tự họa, tuy nhiên không tìm thấy ông trong tác phẩm, nhưng người thưởng tranh vẫn có thể hình dung được sự hiện diện của ông vì con gái bé nhỏ như thể đã nhìn thấy ông ở phía bên ngoài bức tranh. Trong tác phẩm màu nước mang tên “Trò chơi ú òa” (Peek-a-boo), vẽ năm 1901, bạn có thể dễ dàng bỏ lỡ chi tiết một bé gái đang nhìn ra từ chiếc ghế dài màu đỏ trong phòng của cha mình. Trong khi đó, chiếc gậy của người cha được đặt dựa vào chiếc ghế đối diện, và chiếc nón của ông nằm trên đống giấy tờ trên bàn. Các cây cọ vẽ của người nghệ sĩ được xếp gọn gàng trong một lọ gốm cao với các hoa văn chạm khắc trên bàn. Trên gương mặt đứa bé, người thưởng tranh có thể nhận ra em bé mong chờ người họa sĩ, cũng là cha em, lại xuất hiện.
Trong một bức chân dung tự họa khác (1906), người nghệ sĩ như siết chặt mọi thứ bao gồm trang phục bằng vải của con búp bê. Ông Larsson đang cho chúng ta biết điều gì là quan trọng đối với ông. Hình ảnh người nghệ sĩ cầm chặt con búp bê ngớ ngẩn biểu đạt điều người nghệ sĩ nhìn [thế giới] với tâm hồn trẻ thơ. Và có lẽ theo ông, hạnh phúc đến chính từ việc tạo ra một thế giới mà trẻ em có thể hạnh phúc tận hưởng.
Những tác phẩm màu nước sống động
Mặc dù nghệ sĩ Larsson chế tác tranh sơn dầu, dòng chảy sáng tạo của ông đến từ cách ông dùng màu nước, và với chất liệu này, ông đã đạt được những thành công lớn nhất trong sự nghiệp hội họa của mình. Chất liệu màu nước tươi sáng thật sự phù hợp với những chi tiết trên tường và trên cửa được thực hiện bởi người vợ. Nhà xuất bản người Đức – Karl Robert Langerwiesche đã xuất bản các tác phẩm màu nước của ông Larsson trong cuốn sách mang tên “Das Haus ở Der Sonne” (tạm dịch: Ngôi nhà dưới ánh dương) vào năm 1909. Cuốn sách đã trở thành ấn phẩm bán chạy nhất với 40,000 bản được bán trong ba tháng kể từ ngày phát hành; và từ đó, cuốn sách này đã được tái bản hơn 40 lần.
Cuốn tiểu thuyết tự truyện của ông “Jag”, đã không đạt được tiếng tăm như các tác phẩm văn học khác, chẳng hạn như tác phẩm “Chân dung một người nghệ sĩ trẻ” (Portrait of the Artist as a Young Man) của nghệ sĩ James Joyce. Tuy nhiên, cuốn hồi ký này đã miêu tả chính xác vai trò quan trọng của gia đình đối với phong cách sáng tác của ông. Gia đình và căn nhà của tôi “đã trở thành một phần thiết yếu và là niềm cảm hứng kéo dài trong các tác phẩm nghệ thuật mà tôi sáng tác. Bởi vì những bức tranh này chính là thể hiện chân thực nhất về cá tính của riêng tôi, về những cảm xúc sâu lắng nhất, bao gồm cả tình yêu bao la mà tôi dành cho vợ và các con.”
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times