CEO JPMorgan: Có một nỗi lo lớn hơn nhiều so với suy thoái
Hôm 25/10, CEO của JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon cho biết viễn cảnh suy thoái không phải là vấn đề lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt và ông lo lắng “nhiều hơn” về xung đột địa chính trị như xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng Mỹ-Trung.
Ông Dimon đã đưa ra nhận xét trên tại một hội nghị đầu tư hàng đầu ở Riyadh, Ả Rập Xê Út, hôm 25/10, cùng với các chủ ngân hàng hàng đầu khác của Wall Street, những người đã thảo luận về các vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm, bao gồm lạm phát cao và việc ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh mẽ để khắc phục lạm phát.
Lạm phát phi mã và sự cố hữu cứng đầu của lạm phát khiến nhiều nhà hoạch định chính sách mất cảnh giác. Trong nỗ lực khôi phục sự ổn định giá cả khi đối mặt với những sự bất ngờ như cuộc chiến ở Ukraine, Cục Dự trữ Liên bang và nhiều ngân hàng trung ương khác đã vội vã rút lại các chính sách nới lỏng tiền tệ, bắt tay vào các đợt tăng lãi suất quyết liệt đang làm hạ nhiệt nhu cầu. Một số nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường lo ngại việc tăng lãi suất này có thể là xúc tác cho một cuộc suy thoái.
Trong khi giải quyết viễn cảnh suy thoái của Hoa Kỳ, ông Dimon cho biết có một số yếu tố có thể khiến nền kinh tế suy thoái — nhưng đó không phải là nỗi lo lớn nhất của ông.
Ông nói: “Có rất nhiều điều tồi tệ đang ở phía trước và có thể xảy ra — không nhất thiết — nhưng có thể khiến Hoa Kỳ rơi vào tình trạng suy thoái.”
Ông Dimon tiếp tục: “Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất đối với những gì chúng tôi nghĩ đến. Chúng ta sẽ tìm cách vượt qua ngay vấn đề đó. Tôi sẽ lo lắng nhiều hơn về địa chính trị trên thế giới ngày nay.”
Giám đốc JPMorgan nói rằng “điều quan trọng nhất là địa chính trị xung quanh Nga và Ukraine, Hoa Kỳ và Trung Quốc, các mối quan hệ của thế giới phương Tây.”
Ông nói thêm, “Điều đó đối với tôi sẽ đáng lo ngại hơn nhiều so với việc liệu có một cuộc suy thoái nhẹ hay nghiêm trọng.”
Khó khăn suy thoái
Lo ngại rằng nền kinh tế Hoa Kỳ — và nền kinh tế toàn cầu nói chung — đang tiến tới một cuộc suy thoái hiện lan rộng giữa các nhà đầu tư, trong khi các biện pháp giảm rủi ro đã khiến cổ phiếu rơi vào một thị trường giá xuống. Chẳng hạn, chỉ số S&P 500 tiêu chuẩn đã mất hơn 20% giá trị trong năm nay.
Nhà đầu tư nổi tiếng Jeremy Grantham, người tin rằng chứng khoán Hoa Kỳ đang ở trong tình trạng “siêu bong bóng” sắp bùng nổ, gần đây đã khuyên các nhà đầu tư nên “chuẩn bị cho một màn kết hoành tráng”. Ông dự đoán trong một bài báo gần đây rằng “điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.”
Tại hội nghị đầu tư ở Ả Rập Xê Út, Giám đốc điều hành của Goldman Sachs, ông David Solomon, người từng là một giám đốc điều hành hàng đầu khác của Wall Street nói rằng Fed đã làm rõ ràng họ có kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất để chống lại lạm phát cao và các điều kiện kinh tế sẽ “thắt chặt mạnh mẽ từ đây.”
“Khi có một kịch bản kinh tế trong đó có bao hàm lạm phát, rất khó để thoát khỏi nó mà không có suy giảm kinh tế thực sự,” ông nói và cho biết thêm rằng ông nghĩ Fed sẽ tăng lãi suất vượt quá phạm vi 4.5-4.75% nếu ngân hàng trung ương không thấy những thay đổi thực sự trong hành vi của người tiêu dùng.
Ông Solomon cho biết ông nghĩ rằng có khả năng Hoa Kỳ sẽ rơi vào tình trạng suy thoái.
Nền kinh tế Hoa Kỳ đã thu hẹp trong hai quý liên tiếp trong năm nay, đáp ứng định nghĩa không chính thức về suy thoái, mặc dù vẫn chưa được các trọng tài chính thức về suy thoái tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ tuyên bố.
Trong khi Tổng thống Joe Biden và các quan chức khác trong chính phủ của ông liên tục khẳng định họ không tin rằng Hoa Kỳ đã rơi vào suy thoái, họ thừa nhận rằng một sự suy giảm là có thể xảy ra.
Tuy nhiên, họ lập luận rằng một cuộc suy thoái tiềm năng sẽ ngắn và nông, đó là quan điểm không nhận được sự đồng thuận của một số nhà kinh tế nổi tiếng, trong đó có ông Nouriel Roubini, người gọi những kỳ vọng về một cuộc suy thoái nhẹ là “ảo tưởng.”
Ông Roubini, người có biệt danh “Tiến sĩ Tận Thế” sau khi dự đoán sự sụp đổ của thị trường vào năm 2008, nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn ngày 15/08 rằng nếu tiền lệ lịch sử là một hướng dẫn, thì các chỉ số kinh tế chính cho thấy Cục Dự trữ Liên bang sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ — và một cuộc suy thoái lớn.
“Tại Hoa Kỳ, bất cứ khi nào quý vị có lạm phát trên 5% và tỷ lệ thất nghiệp dưới 5%, thì sự thắt chặt tiền tệ của Fed đều đã dẫn đến một cuộc hạ cánh cứng,” ông Roubini nói.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times