Câu chuyện về nhà phát minh chiếc túi giấy màu nâu Margaret Knight
Nhà phát minh Margaret Knight đã nhận được nhiều bằng sáng chế khi khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả những chiếc túi giấy mua sắm màu nâu mộc mạc này.
Nếu bạn từng dùng chiếc túi giấy màu nâu để mang đồ từ cửa hàng bách hóa về nhà, bạn có thể cảm ơn bà Margaret E. Knight. Có thể bạn gần như chưa nghe qua cái tên này, cái tên gắn liền với một phát minh tưởng chừng quá đỗi tầm thường, không đáng chú ý. Ấy vậy mà chiếc túi giấy nâu này lại là một trong những phát minh hiện đại hữu ích, hiện nay mà xét thì có vẻ rất nhỏ nhặt, nhưng lại không hề đơn giản trước khi được phát minh. Mồ hôi nước mắt của nhà phát minh ra chiếc túi giấy để đưa chiếc túi giấy vào cuộc sống đáng để chúng ta ngưỡng mộ.
Sự hiếu kỳ và một bộ dụng cụ
Một thời gian sau khi Margaret E. Knight được sinh ra vào năm 1838 thì cha bà qua đời, để lại cả nhà trong cảnh túng thiếu. Tuy vậy, ông cũng để lại một thứ: bộ dụng cụ đồ nghề của ông. Và từ bộ dụng cụ mà năng khiếu bẩm sinh của “Mattie” bé nhỏ bắt đầu nảy nở. Bà sử dụng nó để làm đồ chơi cho anh em và các bạn láng giềng. Sau này bà kể lại, “Điều làm tôi rất nổi tiếng, còn các bạn nam trong thị trấn thì ghen tị và ngưỡng mộ là chiếc xe trượt tuyết của tôi.” Bà bắt đầu thói quen suốt đời là vẽ lại những ý tưởng của mình trong một quyển sổ được đặt tên là “Những phát minh của tôi.”
Năm 12 tuổi, bà nghỉ học để làm việc trong nhà máy dệt kim có điều kiện làm việc và thời gian khắc nghiệt. Một ngày nọ, một sợi chỉ mắc vào một chiếc máy gần đó, làm cho một con thoi bằng thép (bộ phận của khung cửi dùng để dệt chỉ) bắn ra. Một cô gái sống cạnh Mattie đã bị con thoi văng vào đầu và bị thương nặng – đây là chuyện quá phổ biến ở các nhà máy dệt kim vào thời điểm đó.
Mattie đã phác thảo một giải pháp cho vấn đề trong sổ tay của bà, liên quan đến việc thêm một tấm bảo vệ bằng kim loại vào tấm hộp để ngăn con thoi bay khỏi đường ray của nó. Bà đưa bản vẽ cho một công nhân trong một cửa hàng máy địa phương, người đã chuyển ý tưởng này lên cấp trên. Chẳng bao lâu, “bộ phận kiềm chế con thoi” này đã trở thành một tiêu chuẩn cho khung dệt trên toàn quốc. Tuy nhiên, Mattie không nhận được chút lợi nhuận nào cho phát minh cứu người của mình, vì bà còn quá trẻ để đăng ký bằng sáng chế.
Bà tiếp tục làm việc trong nhà máy đến năm 18 tuổi, sau đó bắt tay vào nhiều ngành nghề khác nhau trong mười năm sau đó – vẽ tranh, nhiếp ảnh, chạm khắc, sửa chữa nội thất và nhà cửa, v.v. Nhưng chính sau Nội chiến, bà đã có một công việc mà sau này đã thay đổi cuộc đời mình: thợ máy tại Công ty Túi giấy Columbia ở Springfield, Massachusetts. Khi ở đó, bà chỉ nhận được ⅔ tiền lương so với những công nhân nam làm cùng công việc; thời đó, người ta không chỉ cho rằng phụ nữ làm việc với máy móc kém hơn nam giới mà còn mặc quần áo “phản cảm”, chiếm quá nhiều diện tích và gây nguy hiểm cho nơi làm việc (theo lời một người quản lý).
Trong thời gian làm việc với công ty, bà quan sát các thiết bị ở nhà máy và ghi chú những hạn chế về năng suất cùng những vấn đề của chiếc túi giấy khi ấy. Túi giấy khi đó có hình dạng như chiếc phong bì ngày nay và không thể đứng thẳng cũng như chứa được khối lượng lớn không bị rách. Trong hai năm tiếp theo, bà bắt đầu phác thảo các cải tiến và tạo ra các mô hình cơ bản cho thiết kế của mình.
Khi đến lúc để tạo ra một khuôn gỗ, bà Knight mở hộp dụng cụ cũ của bà. Bà đã giữ nó bên mình suốt ngần ấy năm, mang nó đi khắp nơi, giữ cho ký ức của cha bà luôn sống động. Chỉ với những công cụ gỉ sét trong món đồ gia truyền trân quý đang mục nát này, bà đã chế tạo thành công một thiết bị có thể cắt, gấp và dán giấy để tạo nên những chiếc túi màu nâu có đáy phẳng mà chúng ta biết đến ngày nay. Thiết bị này có thể thực hiện công việc của ba mươi công nhân nhà máy trong khoảng thời gian ngắn hơn. Những chiếc túi mới này có thể đứng thẳng và chứa được nhiều trọng lượng hơn những chiếc túi đang được sản xuất, có khả năng cách mạng hóa ngành công nghiệp – nếu mà bà có được các quyền cần thiết để bán chiếc máy này.
Chống lại sự phân biệt đối xử
Để có được bằng sáng chế, bà đến một xưởng máy móc ở Boston và đặt một thiết bị bằng sắt dựa trên khuôn gỗ của mình. Sau khi thiết bị ra đời, bà mang nó đến văn phòng sáng chế, chỉ để phát hiện rằng mới vài ngày trước, một người khác đã nộp mẫu thiết kế cho một phát minh giống hệt của bà. Bà bối rối, rồi trở nên phẫn nộ. Bà được hay tin rằng một người tên Charles F. Annan đã thường xuyên đến xưởng máy móc của bà để nghiên cứu khuôn mẫu của bà rồi giả mạo làm của mình.
Bà Knight dùng hết tiền tiết kiệm của mình để thuê một luật sư và đưa đơn kiện ông Annan. Trong suốt phiên tòa kéo dài hơn hai tuần, bà phải chi hơn 100 đô la mỗi ngày (theo mệnh giá năm 1870) khi các nhân chứng được đưa ra để làm chứng cho quyền ưu tiên phát minh của bà. Bên bị đơn cố gắng xây dựng phiên tòa chống lại bà dựa trên lý do là phụ nữ kém cỏi hơn. Ông Annan tuyên thệ trước tòa rằng, “Bà Knight không thể nào hiểu được các nguyên lý cơ học phức tạp của cỗ máy này.” Để phản bác lại lời buộc tội này, bà tuyên thệ rằng, “Từ nhỏ tôi đã có mối liên hệ với máy móc.” Bà tường thuật lại lịch sử làm việc trong lĩnh vực sản xuất rồi trưng bày các bản thiết kế, các nguyên mẫu ban đầu của thiết bị, và các mục nhật ký ghi lại tiến trình của mình trong khoảng thời gian hai năm.
Đối mặt với bằng chứng rằng một người phụ nữ thực sự đã phát minh ra thiết bị này, luật sư bào chữa đã cố gắng xoay chuyển vụ án theo hướng có lợi cho Annan bằng cách lập luận rằng từ lúc bà Knight lên ý tưởng tạo ra thiết bị cho tới lúc bà nộp đơn xin cấp bằng sáng chế là một khoảng thời gian quá dài. Quá trình này lẽ ra phải kéo dài vài tháng chứ không phải vài năm. Tuy nhiên, các giám định viên của Văn phòng Sáng chế đã cân nhắc đến trở ngại trong hoàn cảnh và giới tính của bà, nói thêm là trong suốt dự án, bà Knight đã thể hiện nỗ lực phi thường. Thẩm phán tuyên bố bà thắng vụ án, sau đó còn tuyên bố, “Ông Annan sẽ mãi mãi chịu sự ô nhục này trong lịch sử.”
Sau vụ án, bà nổi tiếng khắp thế giới. Bà từ chối bán bằng sáng chế của mình với giá 50,000 đô la và hợp tác với một nhà đầu tư để thành lập Công ty Túi giấy Đông phương. Trong hợp đồng thương mại, bà được trả trước, cùng với tiền hoa hồng kèm theo mỗi túi giấy bán được, kèm theo đó là cổ phần trong công ty.
Phát minh sau này và di sản
Trong suốt bốn thập kỷ sau, bà mở rộng sang ngành công nghiệp giày dép, cao su, và ô tô. Trong những bằng sáng chế mà bà nhận được có bao gồm máy cắt đế giày, lốp xe “không thể trượt,” động cơ đốt trong, và một động cơ quay được mệnh danh là “Động cơ Im lặng của Knight.” Những phát minh khác bao gồm một máy đánh số, máy làm rèm cửa, và phụ kiện bảo vệ váy và đầm. Vào năm 1914 khi bà qua đời, bà đã sở hữu 22 bằng sáng chế và được ghi nhận có thêm 65 phát minh nữa dưới bằng sáng chế mà các nhà đầu tư và chủ lao động của bà đứng tên. Khi bà qua đời năm 76 tuổi, một lời cáo phó ở địa phương mệnh danh bà là “Nữ Edison.”
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1872 với “Tạp chí Phụ nữ”, bà được hỏi làm sao một người phụ nữ không được đào tạo bài bản lại có thể chế tạo được thiết bị sản xuất túi giấy như vậy. Bà dẫn chứng khả năng thiên bẩm của mình trong câu trả lời:
“Tôi chỉ thuận theo tự nhiên thôi. Từ nhỏ, tôi chưa bao giờ quan tâm những thứ mà các bé gái thích; búp bê chưa bao giờ quyến rũ tôi. … Tôi chỉ muốn một con dao bỏ túi, một mũi khoan, và gỗ. Các bạn của tôi đều kinh hãi.”
Bà kết luận, “Tôi không ngạc nhiên bởi những gì tôi đã làm; tôi chỉ lấy làm tiếc tôi không có nhiều cơ hội như đàn ông.” Vào thời điểm mà vai trò của phụ nữ không được gắn liền với kinh doanh và trong những số ít phụ nữ đăng ký bằng sáng chế thì đa số đăng ký trong lĩnh vực gia dụng (dù vậy vẫn phải giấu đi giới tính thật trên hồ sơ đăng ký), thì bà Knight đã đóng góp cho ngành công nghiệp sản xuất với tên thật của mình. Câu chuyện thành công của bà Knight khiến cho bà trở thành một trong những người phụ nữ đầu tiên là hiện thân của giấc mơ Mỹ – đạt được sự thịnh vượng về vật chất nhờ sáng tạo và siêng năng.
Các bậc phụ huynh nào muốn giới thiệu cho con mình về nhà phát minh này có một số tài liệu sẵn có, bao gồm hai quyển sách xuất sắc, “In the Bag!: Margaret Knight Wraps it Up,” (Bên trong túi giấy: Margaret Knight gói nó lại) và “Marvelous Mattie: How Margaret E. Knight Became an Inventor” (Mattie phi thường: Margaret E. Knight đã trở thành nhà phát minh như thế nào). Quyển sách thứ hai, được minh họa bởi Emily Arnold McCully, người được nhận Huân chương Caldecott, kể lại câu chuyện của Knight bằng màu nước và những ô truyện theo phong cách da Vinci, giống với những tác phẩm trong quyển sổ nổi tiếng của mình.
Từ khi bà Knight đăng ký bằng sáng chế, thiết kế của chiếc túi giấy cho đến nay đã trải qua một vài lần cải tiến. Đáng chú ý nhất là phiên bản chiếc túi giấy ngày nay có nếp gấp giúp chiếc túi được gấp lại gọn gàng hơn. Tuy nhiên, về cơ bản thì chúng vẫn như nhau, và bà vẫn sẽ có thể thấy rằng phát minh của mình được dùng mọi nơi, kể cả sau 150 năm. Vì thế, lần tới bạn đi mua sắm, hãy nhớ về nhà phát minh Margaret Knight.
Hoàng Lan biên dich
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times