Câu chuyện về Philo Farnsworth, nhà phát minh tivi bị quên lãng
Câu chuyện ít người biết về cuộc đời thăng trầm của nhà phát minh tivi, Philo Farnsworth. Mặc dù tivi đã được phổ biến trên toàn thế giới, nhưng Farnsworth hoàn toàn không nhận được lợi ích tài chính từ phát minh của mình, bởi lẽ phát minh này của ông đã bị đánh cắp.
Vào một chiều mùa hè năm 1920, cậu bé 14 tuổi Philo Taylor Farnsworth đang cày trên cánh đồng khoai tây của trang trại gia đình tại tiểu bang Idaho. Chú ngựa đang kéo bừa dĩa và cậu bé theo sau.
Cậu bé Farnsworth, chú ngựa, và cái bừa cày một hàng, quay lại, cày hàng khác, và quay lại lần nữa cho đến khi xong việc.
Vào lúc đó, cậu bé yêu khoa học này tự dưng nảy sinh một ý tưởng. Nếu cậu có thể huấn luyện nguyên tử với cùng phương pháp này – đi đến cuối hàng, quay lại, rồi đi một hàng khác – cậu bé có thể gửi hình ảnh qua không khí. Cảm hứng sáng tạo chiếc tivi đã ra đời từ một chú ngựa như thế.
Bước tiếp theo
Mùa thu sau đó, Farnsworth bước vào trung học. Vào cuối năm học, cậu bé mang ý tưởng này đến trình bày với giáo viên khoa học của mình, Justin Tolman, và chép toàn bộ trên bảng cách truyền hình ảnh như thế nào.
Thầy giáo Tolman hơi khó khăn để nắm bắt những gì cậu học sinh lớp 9 trình bày. Cuối buổi trò chuyện, Farnsworth vẽ trong quyển vở bức phác họa về cách hoạt động bên trong của camera tivi. Cậu xé trang giấy và nộp cho thầy Tolman. 30 năm sau, bản vẽ thô này được chứng minh là bằng chứng quan trọng trong một vụ kiện.
Sau đó, Farnsworth nghỉ học để đi làm nuôi sống gia đình, và khi cha cậu, ông Lewis, qua đời, cậu đã không trở lại trường học nữa. Năm 19 tuổi, Farnsworth kết hôn với cô hàng xóm, Elma Garner, có biệt danh là Pem. Hai nhà phát minh, Les Gorrell và George Everson, đã thành lập phòng thí nghiệm ở California với vốn đầu tư 6,000 đô la cho hai vợ chồng cậu. Farnsworth biết rằng mình sẽ dành phần lớn thời gian để nghiên cứu, nên anh đề nghị Pem cùng làm việc với mình và cô đã đồng ý.
Theo ghi chép hàng ngày trong quyển sổ của Farnsworth, truyền thanh tivi thành công lần đầu tiên được thực hiện vào ngày 07/09/1927. Everson đã gửi bức điện tín tới Gorrell với chỉ một câu, “Hệ thống này đã hoạt động!”
Sự cạnh tranh
Mỗi nhà doanh nghiệp cuối cùng sẽ thu hút sự cạnh tranh. Trong trường hợp của Farnsworth, đối tượng cạnh tranh là Tổng công ty Phát thanh Hoa Kỳ (RCA) được điều hành bởi David Sarnoff vào thời bấy giờ. RCA là công ty điện tử Mỹ, được thành lập vào năm 1919. Về cơ bản, RCA là công ty độc quyền trong ngành công nghiệp điện tử. Không thể sản xuất hoặc bán thiết bị vô tuyến mà không trả phí bản quyền cho RCA.
Vào tháng Tư năm 1930, một trong những cộng sự của Farnsworth sắp xếp chuyến thăm cho một người bạn đồng hành trong lĩnh vực điện tử đến phòng thí nghiệm của Farnsworth ở San Francisco. Farnsworth biết Tiến sĩ Vladimir Zworykin, người có kiến thức làm việc trong lĩnh vực điện tử. Zworykin nói rằng mình làm việc tại Westinghouse (một công ty đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện tử ở Hoa Kỳ) và đã đặt câu hỏi về thí nghiệm của Farnsworth. Là một người luôn tin tưởng người khác, Farnsworth cho Zworykin thấy những gì ông và đội ngũ của mình đã phát minh, cũng như giải thích cách thức hoạt động của tivi. Zworykin ở đó ba ngày, và thậm chí Pem đã sửa soạn bữa tối mời ông ta.
Zworykin đã không làm việc cho Westinghouse vào thời điểm đó (mặc dù trước đây ông ấy đã từng làm một thời gian ngắn cho công ty này). Ông là gián điệp cho Sarnoff và RCA. Zworykin gửi bức điện tín 700 từ cho đồng phạm của mình ở RCA, giải thích chính xác cách hoạt động của tivi. Zworykin và Sarnoff đã đánh cắp phát minh của Farnsworth và sản xuất phiên bản tivi của riêng họ.
Thế chiến thứ 2 ngăn cản sự phát triển xa hơn của tivi. Vào cuối Thế chiến, bằng sáng chế của Farnsworth hết hạn, và phát minh của ông trở thành kiến thức chung cho cộng đồng.
Một vụ kiện liên quan đến phát minh tivi diễn ra sau đó. RCA phản bác rằng một người quá trẻ như Farnsworth không thể nào sáng chế ra phát minh như vậy được. Nhưng khi thầy giáo Tolman ra Tòa làm chứng, với trang giấy từ quyển tập của cậu bé Farnsworth thời đi học có bức phác họa về cách hoạt động bên trong của camera tivi để chứng thực, Văn phòng sáng chế Hoa Kỳ đã ra phán quyết rằng chính Farnsworth là nhà phát minh ra tivi. Tuy nhiên, RCA – chứ không phải Farnsworth – đã kiếm được toàn bộ lợi nhuận từ phát minh này.
Đặt chân lên mặt trăng
Đến thập niên 60, Farnsworth cảm thấy chán ghét những gì được tạo ra từ phát minh của ông. Farnsworth có tầm nhìn về việc tivi trở thành Điều Thống Nhất Vĩ Đại, cho thấy tất cả con người chúng ta tương đồng như thế nào và từ đó có thể chấm dứt chiến tranh. Nhưng tivi được gọi là “một vùng đất hoang có trí tuệ, rộng lớn” và “chiếc hộp ngớ ngẩn”, nên ông không muốn làm thêm bất kỳ điều gì với phát minh đó của mình nữa. Thậm chí, ông còn nghiêm cấm bốn người con trai của mình xem tivi.
Khi NASA sẵn sàng cho chuyến thám hiểm lên mặt trăng, họ biết rằng cần truyền hình sự kiện mang tính thế kỷ này từ không gian. Chắc chắn cần có máy quay để thực hiện việc này. Trong số những thiết kế máy quay mà NASA xem xét, máy của Farnsworth đáng tin nhất.
Vào ngày 20 tháng 7 năm 1969, lần đầu tiên sau nhiều năm, Philo và Pem bật tivi xem cảnh các phi hành gia đặt chân lên mặt trăng. Khi họ xem thấy cảnh khoa học viễn tưởng trở thành khoa học trên thực tế và sở dĩ mọi người có thể xem được cảnh tượng này là nhờ phát minh của Farnsworth. Khi đó, Philo quay sang Pem và nói, “Điều này làm cho phát minh của anh trở nên có ích.”
“Trước đó, ông ấy cũng không chắc lắm,” Pem chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn không lâu trước khi bà qua đời vào năm 2006 ở tuổi 98. Trong một đêm, tầm nhìn của Philo đã trở thành sự thật, và thế giới cùng đoàn kết sử dụng phát minh của ông.
Không có điều nào trong những điều kể ở trên là bí mật cả. Có nhiều cuốn sách viết về câu chuyện của Farnsworth và phát minh tivi của ông. Nhưng với vài lý do, Philo Taylor Farnsworth không được dân chúng trên toàn thế giới, những người sử dụng phát minh của ông mỗi ngày, biết đến rộng rãi. Câu chuyện về ông không được giảng dạy ở lớp lịch sử tại trường tiểu học, ngoài những người tìm hiểu lịch sử về ông, không ai biết Philo Farnsworth là ai.
Paul Schatzkin, tác giả cuốn sách, “Cậu bé phát minh tivi”, nêu ra ba lý do để giải thích việc ít người biết đến Philo Farnsworth. “Lý do đầu tiên là Farnsworth đã không nói nhiều về phát minh của mình. Thứ hai là có nhiều kẻ giả danh đến ngai vàng.” Schatzkin nói trong buổi phỏng vấn, nhắc đến Sarnoff và Zworykin. “Nhưng nguyên nhân chính vì sao chúng ta không biết đến tên tuổi của Philo Farnsworth là vì ông không nổi tiếng bằng công ty riêng của mình. Nhìn chung, những nhà phát minh mà chúng ta biết đến nổi tiếng bởi những công ty họ lập nên.”
Phát minh thiết bị phản ứng nhiệt hạch
Tivi không phải là phát minh duy nhất của Farnsworth. Vào năm 1953, ông lại tìm được nguồn cảm hứng phát minh mạnh mẽ như “sét đánh”. Ông nảy ra ý tưởng cung cấp nguồn năng lượng hạt nhân vô tận, hiệu quả, sạch cho nhà ở và xe hơi. Ông hình dung ra một thiết bị được gọi là “thiết bị phản ứng nhiệt hạch,” về bản chất là lò phản ứng hạt nhân cá nhân.
Mục tiêu của ông là thiết kế một thiết bị phản ứng nhiệt hạch tạo ra nhiều năng lượng hơn mức mà nó tiêu thụ trong khi vẫn đủ ổn định để không phá hủy hộp chứa. Điều này được làm bằng cách giải phóng năng lượng nguyên tử và sử dụng nước làm nguồn nhiên liệu. Đến năm 1966, Farnsworth đã tạo ra thiết bị phản ứng nhiệt hạch hoạt động được, vừa đủ nhỏ để cầm trên tay. Về mặt lý thuyết, công nghệ này sẽ thay thế nhiên liệu hóa thạch mãi mãi.
Thiết bị phản ứng nhiệt hạch được phát triển trong phòng thí nghiệm của Farnsworth tại Trung tâm Điện tín và điện thoại quốc tế (ITT). Thật không may, ITT cũng không đáng tin cậy như RCA. Sau khi Farnsworth bị đánh cắp phát minh tivi, ông không muốn mất phát minh thiết bị phản ứng nhiệt hạch. Do đó, ông tháo dỡ phòng thí nghiệm và rời đi, với hy vọng tự tìm nguồn tài chính. Nhưng ông đã không làm.
Farnsworth biết những phát minh của mình không phải thật sự là thành quả của cá nhân ông và tin rằng mình chỉ đóng vai trò là đường dẫn cho những phát minh này. Trong cuốn sách “Cậu bé phát minh tivi”, tác giả cuốn sách đã trích dẫn lời của Farnsworth như sau, “Tôi biết Đấng Tối Cao tồn tại. Tôi biết tôi chưa bao giờ phát minh ra cái gì cả. Tôi chỉ là trung gian để những phát minh được mang đến nền văn hóa của chúng ta một cách nhanh nhất để nền văn hóa có thể hưởng lợi từ đó. Tất cả đều do Đấng Tối Cao tạo ra.”
Lưu giữ kỷ vật
Phil Savenick có sự nghiệp 40 năm làm việc trong lĩnh vực truyền hình với tư cách là nhà viết kịch bản, đạo diễn và nhà sản xuất. Ông biết rằng mình cần cảm ơn Farnsworth vì điều đó. Vào năm 2004, ông thấy bài đăng trên eBay về một cái ống đã từng là phát minh của Farnsworth. “Tôi viết cho người đăng bán và nói, “Vì cậu bán cái này, cậu chắc hẳn là con của nhà phát minh Farnsworth,” Savenick nhớ lại. Quả thực như vậy. Người bán hàng là Kent Farnsworth, và cậu ấy còn có nhiều thứ hơn ngoài chiếc ống. Dường như Philo và Pem không bao giờ vứt đi thứ gì. Kent thật sự có 500,000 mô hình, mẫu vật, thiết bị, ghi chép liên quan đến những phát minh của Farnsworth mà cha mẹ cậu để lại. Kent và vợ mình, Linda, đang thiếu thốn về mặt tài chính, nhà họ bị tịch biên, và họ cần tiền gấp. “Cho nên tôi bắt đầu sắp xếp để mua những mô hình, mẫu vật, ghi chép gắn bó nhất liên quan đến phát minh tivi từ người con trai của Farnsworth.” Savenick chia sẻ.
Những kỷ vật này bao gồm máy quay truyền hình đầu tiên để chụp hình một người (người đó là Pem), những ống thí nghiệm, một cái dĩa từ cái bừa có ngựa kéo, và hai thiết bị phản ứng tổng hợp hạt nhân. Trong đó bao gồm quyển sổ mà Farnsworth ghi chép lại tiến triển mỗi ngày trong quá trình ông phát minh tivi, cũng như một quyển sổ tương tự dành cho phát minh thiết bị phản ứng nhiệt hạch.
Mặc dù bản vẽ thiết bị phản ứng nhiệt hạch đã được cấp bằng sáng chế, nhưng không có đủ chi tiết để những người sau tái tạo lại thiết bị có thể hoạt động ngày nay. “Không một ai có kiến thức đó trừ Farnsworth,” Schatzkin nói.
Savenick còn lưu giữ quyển sổ có thể chứa bí mật. Nhãn trên bìa quyển sổ ghi là, “Chú ý, tuyệt mật cấp độ cao, Philo T. Farnsworth.” Có một manh mối. Đó là dòng ghi chú của Pem viết ở trang 7, đề năm 1970, nói rằng, “Farnsworth cho rằng ý tưởng cuối cùng của mình quá tuyệt mật để ghi chép lại. Anh ấy cảm thấy thế giới nhân loại chưa sẵn sàng cho món quà cuối cùng này – và có thể không xứng đáng để nhận món quà này.” Sáu trang đầu tiên của quyển sổ bị xé và có lẽ đã bị hủy. Farnsworth đã ra đi và mang theo bí mật này.
Người giữ lửa
Trong khi Schatzkin nhắc đến Farnsworth như là “nỗi ám ảnh khôn nguôi,” và Savenick nhắc tới ông như “mối bận tâm chính trong cuộc sống trưởng thành của tôi,” có nhiều người con cháu của Farnsworth cũng lưu giữ ký ức sống động về ông.
Russel “Skee” Farnsworth là người con duy nhất còn sống của Philo. Ông đã 86 tuổi và sống ở New York. Cháu trai Philo Krishna Farnsworth và chắt gái Jessica Moulton của nhà phát minh Farnsworth đã kể lại câu chuyện qua đoạn video 10 phút đăng trên Youtube với tựa đề “Philo Farnsworth, người đàn ông nổi tiếng nhất mà bạn chưa bao giờ biết đến”, được viết và sản xuất bởi Savenick. Anh trai của Jessica, Jonathan Moulton, quản lý bất động sản của ông cố.
Schatzkin và cộng sự kinh doanh của ông, cùng làm việc trong ngành công nghiệp truyền hình ở Los Angeles, nỗ lực để sản xuất một bộ phim chiếu rạp hoặc phim truyền hình về cuộc đời của Farnsworth bắt đầu từ năm 1975, nhưng đến nay họ vẫn chưa thành công.
“Tôi nhận nhiều lời từ chối,” Schatzkin nói. “Tôi nhận được lá thư từ chối từ Jeffrey Katzenberg, đang làm việc ở Disney vào thời gian đó.” (Katzenberg và Schatzkin là bạn thân tại trại hè năm 1962.) “Câu chuyện đã được gửi đến Ron Howard. Nhưng ông ấy cũng khước từ.”
Savenick và giám đốc của ông, Kevin Lee Miller, hiện đang cố gắng tìm một ai đó có thoả thuận phát triển với phòng thu hay mạng lưới để phát hành thành công bộ phim truyền hình có tám phần về Farnsworth. Lễ kỷ niệm lần thứ 100 phát minh tivi sẽ diễn ra vào năm 2027, nên ông hy vọng bộ phim sẽ sẵn sàng ra mắt thông qua dịch vụ phát trực tuyến vào dịp lễ kỷ niệm này.
Trong khi đó, các kỷ vật Savenick đã lưu giữ được hiện đang trưng bày (cùng với những món đồ khác liên quan đến lịch sử phát minh tivi) ở tầng trệt trong ngôi nhà của ông tại phía Tây Los Angeles. Một vài món đồ trong đó đã được bán cho bảo tàng Tivi MZTV ở Toronto, Canada.
Di sản của Philo T. Farnsworth
Vào năm 1971, Farnsworth qua đời ở tuổi 64. “Ông mất đi trong hoàn cảnh không một xu dính túi, trong đau khổ, chết do say rượu,” Savenick nói.
Vào năm 2013, sau khi Farnsworth qua đời, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Truyền hình đã giới thiệu ông ở Sảnh Danh vọng Truyền hình. Tại bữa ăn tối, cả Schatzkin và Savenick đều tham dự. Savenick đã sản xuất một video về tiểu sử của Farnsworth để trình chiếu cho những người tham dự tại buổi lễ giới thiệu.
Từ năm 2003, Viện Hàn lâm đã trao Giải thưởng Thành tựu Doanh nghiệp mang tên Philo T. Farnsworth cho những công ty có ảnh hưởng quan trọng đến tình trạng kỹ thuật truyền hình và phát sóng.
“Sự ra đời của cái mà ngày nay chúng ta biết đến là tivi không phải một điểm nhỏ trong sự tiến hoá của nhân loại; nó là một trong những điểm trọng yếu trong quá trình tiến triển ấy,” Schatzkin nói trong một buổi phỏng vấn. “Đó không chỉ là một phát minh khác trên con đường của những phát minh khoa học hiện đại. Đó là bước ngoặt trong lịch sử nhân loại. [Farnsworth] ở vị trí ngay bước ngoặt chuyển từ thời đại cơ khí sang thời đại điện tử. Ông đã đưa khoa học về thuyết tương đối vào một thiết bị mà từ đó mọi màn hình chúng ta đang xem đều tìm thấy nguồn gốc của nó.
Vậy đám mây đen xuất hiện trong suốt cuộc đời Farnsworth và sau đó nữa là gì? Schatzkin có câu trả lời rất triết lý cho câu hỏi đó: “Tôi muốn nói đến điều cao cả hơn. Đó là Farnsworth đã đại diện cho tiềm năng tiếp cận lĩnh vực kiến thức mà con người chưa sẵn sàng.”
Xin hãy yên nghỉ, nhà phát minh Philo Taylor Farnsworth.
Ngọc Thuần và Bảo Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times