6 phát hiện khoa học đến từ những giấc mơ
Mỗi người đều mơ từ 3 đến 6 lần trong một đêm, mỗi giấc mơ kéo dài từ 5 phút đến 20 phút. Người ta có thể không nhớ đã mơ vì khoảng 95% giấc mơ bị lãng quên sau khi rời khỏi giường. Mặc dù vẫn còn nhiều điều bí ẩn về giấc mơ, nhưng từ bằng chứng và phương pháp nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã suy đoán rằng một trong những chức năng của giấc mơ là giúp phát triển khả năng nhận thức. Dưới đây là 6 ví dụ về những khám phá hoặc phát minh mà các nhà khoa học đã có được trong giấc mơ của họ.
1. Thiên tài Albert Einstein và tốc độ ánh sáng
Mục sư John W. Price giải thích trong một cuộc phỏng vấn với ông John H. Lienhard, giáo sư danh dự về kỹ thuật cơ khí và lịch sử tại Đại học Houston, trên chương trình radio Engines of Our Ingenuity như sau: “Thiên tài Einstein nói rằng toàn bộ sự nghiệp của ông là một cuộc thiền định kéo dài trong giấc mơ mà ông có được khi còn là một thiếu niên.”
“Ông ấy mơ thấy trượt xuống một con dốc cao đầy tuyết bằng xe trượt tuyết, và khi ông ấy tiến gần đến tốc độ ánh sáng trong giấc mơ của mình, tất cả các màu sắc đều hòa thành một. Được truyền cảm hứng từ giấc mơ này, ông đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để nghiên cứu về các hiện tượng xảy ra với tốc độ ánh sáng.”
2. Nhà hóa học Dmitri Mendeleev và Bảng tuần hoàn
Nhà hóa học người Nga Dmitri Mendeleev (1834-1907) muốn sắp xếp 65 nguyên tố đã biết theo một quy luật nào đó. Ông hiểu rằng cần có một mô hình để nhận biết, và nó có liên quan đến khối lượng nguyên tử, nhưng mô hình đó rất khó nắm bắt. Sau đó, ông Mendeleev đã kể lại rằng, “Trong một giấc mơ, tôi nhìn thấy một cái bàn, ở đó tất cả các nguyên tố đã được sắp xếp vào đúng vị trí theo yêu cầu. Khi tôi tỉnh dậy, ngay lập tức tôi viết điều này ra một mảnh giấy.” Những lời của ông D. Mendeleev đã được trích dẫn trong “Câu hỏi về sự sáng tạo của khoa học” (On the Question of Scientific Creativity) của nhà hóa học người Nga B.M. Kedrov.
Đây là cách mà Bảng tuần hoàn [hóa học] được ra đời. Sự sắp xếp mà ông thấy trong giấc mơ chính xác đến mức điều này thậm chí còn tiết lộ rằng một số yếu tố đã bị đo không chính xác; chúng được đặt trong bảng tuần hoàn dựa trên khối lượng nguyên tử của chúng, thậm chí có những nguyên tử còn chưa được biết đến.
3. Nhà vật lý Niels Bohr và mô hình nguyên tử
“Nhà vật lý Niels Bohr (1885-1962) kể rằng ông đã phát triển mô hình nguyên tử dựa trên một giấc mơ, lúc đó ông đang ngồi trên mặt trời với tất cả các hành tinh đang quay xung quanh trên những sợi dây nhỏ,” theo một bài báo có tiêu đề “Pillow-Talk: Giao diện liền mạch để nhớ lại và phát lại giấc mơ,” của Tiến sĩ Edwina Portocarrero tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và các đồng tác giả.
4. Nhà phát minh Elias Howe và chiếc máy khâu
Ông Elias Howe (1819-1867) được ghi nhận là người phát minh ra máy khâu, mặc dù trên thực tế, ông đã cải tiến rất nhiều các mẫu trước đó và ông đạt được bằng sáng chế đầu tiên của Hoa Kỳ cho máy khâu dùng kỹ thuật mũi khóa. Đây là một bước phát triển lớn trong việc tạo ra máy khâu hiện đại. Tuy nhiên, ông đã bối rối không biết nên đặt lỗ của cây kim ở đâu cho đến khi ông có một giấc mơ.
Giấc mơ của ông được ghi lại trong một câu chuyện gia đình có tên “Lịch sử và Gia phả Bemis,” phần lớn các câu chuyện là do hậu duệ của Joseph Bemis ở Watertown, Massachusetts thực hiện.
“Ông ấy gần như phá sản trước khi phát hiện ra lỗ kim của chiếc máy khâu nên nằm ở đâu … Ý tưởng ban đầu của ông là làm theo mô hình của chiếc kim thông thường, và có một cái lỗ ở phía cuối. Ông không bao giờ nghĩ rằng nó nên được đặt gần đầu nhọn, và ông ấy có thể đã thất bại hoàn toàn nếu không mơ thấy mình đang chế tạo một chiếc máy khâu cho một vị vua man rợ ở một xứ sở xa lạ.”
“Y hệt như trong hoàn cảnh thực tế của mình, ông bối rối về vị trí của lỗ cây kim. Ông nghĩ rằng nhà vua đã cho ông hai mươi bốn giờ để hoàn thành chiếc máy và vận hành nó. Nếu không hoàn thành trong thời gian đã định, hình phạt ông phải nhận là tử hình. Ông Howe đã làm việc và làm việc, và phân vân, cuối cùng đã bỏ cuộc. Sau đó ông ấy bị đưa đi xử tử.”
“Ông phát hiện ra rằng những người lính mang theo những cây giáo bị xuyên lỗ ở phía mũi giáo. Ngay lập tức giải pháp cho vấn đề của ông liền đến, và trong khi nhà phát minh đang cầu xin thêm thời gian, thì ông tỉnh dậy. Lúc đó là 4 giờ sáng.”
“Ông nhảy ra khỏi giường, chạy đến xưởng của mình và đến 9 giờ sáng, một chiếc kim có lỗ ở vị trí đầu nhọn đã được định hình gần như hoàn chỉnh. Sau đó, mọi việc diễn ra suôn sẻ.”
5. Nhà hóa học Friedrich August Kekulé và cấu trúc phân tử của benzen
Nhà hóa học Friedrich August Kekulé (1829-1896) đã phát triển một lý thuyết cấu trúc trong hóa học (liên quan đến trật tự liên kết của các nguyên tử trong phân tử) gắn liền với sự phát triển của ngành hóa học hữu cơ. Khi đang ngủ gật trên xe buýt, một ý tưởng chợt đến và được coi là điểm khởi đầu cho lý thuyết này, sự kiện này như được ghi lại trong “Sự tình cờ, những phát hiện vô tình trong khoa học” của tác giả Royston M. Roberts:
“Tôi đang trở về trên chuyến xe buýt cuối cùng, bên ngoài như thường lệ là những con đường vắng vẻ của thành phố … Tôi rơi vào trạng thái mơ màng, và kìa, các nguyên tử đang chơi đùa trước mắt tôi. Bất cứ khi nào, cho đến bây giờ, những sinh linh nhỏ bé này xuất hiện với tôi, chúng luôn chuyển động. Tuy nhiên, bây giờ tôi đã thấy, một cách thường xuyên hơn, hai nguyên tử nhỏ hơn liên kết với nhau để tạo thành một cặp; làm thế nào một nguyên tử lớn hơn giữ lấy hai nguyên tử nhỏ hơn; làm thế nào những nguyên tử lớn hơn vẫn giữ được ba hoặc thậm chí bốn trong số những nguyên tử nhỏ hơn, trong khi toàn bộ tiếp tục quay cuồng trong một vũ điệu chóng mặt. Tôi đã thấy cách những nguyên tử lớn hơn tạo thành một chuỗi, kéo những nguyên tử nhỏ hơn theo sau chúng nhưng chỉ ở phần cuối chuỗi. … Và giọng nói của người soát vé vang lên, ‘đường Clapham,’ đã đánh thức tôi khỏi giấc mơ; nhưng tôi đã dành cả đêm để viết lên giấy ít nhất là những bản phác thảo về những hình dạng đẹp như mơ này.”
6. Tiến sĩ Otto Loewi và khoa học thần kinh
Tiến sĩ Otto Loewi, được xem là “cha đẻ của khoa học thần kinh,” đã đưa ra giả thuyết rằng có thể có sự truyền dẫn hóa học của xung thần kinh. Nhưng ông không thể hình dung ra cách để chứng minh điều đó.
Theo BBC đăng tải, vào năm 1920, ông Loewi có hai giấc mơ trong suốt hai đêm liên tiếp, trong đó một thiết kế thí nghiệm để chứng minh lý thuyết của ông đã xuất hiện. Điều này đã dẫn dắt ông đến với cuộc nghiên cứu mà ông đã giành được giải Nobel Y học vào năm 1936.
Ngọc Quỳnh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times ấn bản Pháp ngữ
Xem thêm: