Câu chuyện Thần Tiên: Hứa Tinh Dương tích được công đức to lớn gì mà cả nhà được bay lên trời?
Tinh Dương Lệnh Hứa Tốn, tự là Kính Chi, ở đất Thục đắc Đạo thăng thiên. Ông sống vào thời triều Tấn, nguyên quán ở Nhữ Nam. Mọi người tôn kính gọi ông là Hứa Tinh Dương. Ông nội của ông là Hứa Diễm, cha của ông là Hứa Túc, nhiều thế hệ đều tôn sùng và mộ Đạo. Thượng thư lang Hứa Mại và Tán kỵ Thường thị – Hộ quân Trưởng sử Hứa Mục của triều Đông Tấn, đều là người trong dòng họ của Hứa Tinh Dương.
Một lòng hiếu đạo
Năm Hứa Tinh Dương mới bảy tuổi đã mồ côi cha. Ông phải tự mình làm ruộng, gánh củi thuê để kiếm chút tiền phụng dưỡng mẹ, một lòng thực hiện hiếu đạo. Nhà ông và nhà người chị dâu góa chồng cùng trồng dâu, ông luôn nhường mảnh ruộng tốt cho người chị, còn mình thì trồng trọt trên những mảnh ruộng cằn cỗi. Mẹ ông thường trách mắng ông: “Nếu cứ tiếp tục như vậy, thì cuối cùng chúng ta sẽ không còn gì để ăn.” Ông thở dài, rồi trả lời mẹ rằng: “Con chỉ mong mẹ khỏe mạnh sống lâu thôi!”
Hứa Tinh Dương mất cha từ thuở nhỏ, nên không biết mộ ông nội ở đâu. Từ khi còn bé, ông luôn mang tâm kính ngưỡng đối với tổ tiên. Có một hôm, ông đột nhiên nghe thấy giọng nói của ông nội nói với mình rằng: “Ta đã qua đời hơn ba mươi năm rồi, bây giờ rốt cuộc ta cũng có thể chính thức được an táng. Đây là nhờ lòng hiếu thảo của cháu mang đến cho ta.” Vì vậy, ông nội đã hiển thị cho Hứa Tinh Dương nhìn thấy một tấm bảng gỗ có viết chữ trên đó, nói rằng có thể tìm thấy ông ở dưới tấm bảng gỗ. Hứa Tinh Dương cuối cùng đã an táng cho ông nội của mình. Người thực hiện mộ táng lúc đó cho biết: Dòng họ của người trong mộ này hẳn sẽ có một được phong tước hầu và một Huyện lệnh nhỏ.
Giải ưu, cứu nạn giúp dân
Năm Hứa Tinh Dương 20 tuổi, ông bái Đại Động Chân Quân Ngô Mãnh làm sư, được truyền thừa “Tam Thanh Pháp Yếu” của Đạo gia. Ông được địa phương tiến cử làm Hiếu liêm, được bổ nhiệm làm Tinh Dương Lệnh ở đất Thục. Tương truyền rằng, ông có phép thuật “Điểm thạch thành kim” (biến đá thành vàng). Trong thời gian ông nhận chức Tinh Dương Lệnh ở Tứ Xuyên, mỗi khi thu thuế không đủ, ông bèn biến những cục đá thông thường thành tiền đồng, để bù vào khoản thu thuế thiếu hụt.
Hứa Tinh Dương còn giải trừ nạn ôn dịch cho dân. Huyện Tinh Dương và huyện Nam Xương được nối với nhau bằng sông Thục. Đầu nguồn của sông Thục nằm ở phía đông núi Tiểu Giới, chảy theo hướng đông vào huyện Nam Xương và hợp lại với sông Chương. Theo những chuyện thần kỳ được người cao tuổi trong vùng khẩu truyền lại rằng: vào những năm cuối triều Tấn, người dân phải đối mặt với nhiều chứng ôn dịch. Dân chúng nghe nói rằng Tinh Dương Lệnh có phép thuật thần kỳ, vì vậy vội vàng đi đến cầu xin Hứa Tinh Dương cứu giúp. Sau khi Hứa Tinh Dương mang một thùng nước lên đổ vào thượng nguồn sông Thục, những người bệnh trong vùng sau khi uống nước sông, thì không còn ai bị bệnh nữa. Vì vậy, người dân rất kính trọng ông. Họ gọi con sông này là sông Thục để tưởng nhớ Tinh Dương Lệnh.
Vào năm đầu niên hiệu Nguyên Khang phát sinh cuộc nổi loạn của Bát vương. Hứa Tinh Dương quyết định từ quan, trở về vùng Dự Chương, bắt đầu truyền bá, xiển dương hiếu đạo trong nhân dân. Trong những năm ông trở về phía đông, vùng hồ Bành Lễ (hồ Bà Dương ngày nay) nhiều năm liên tục chịu nạn lũ lụt hoành hành. Ông đã dẫn dắt người dân địa phương tích cực tập trung vào việc trị thủy, không chỉ cải thiện tình hình lũ lụt ở Dự Chương, mà còn giúp các vùng Hồ Quảng, Phúc Kiến giải quyết vấn đề lũ lụt. Vì vậy, Hứa Tinh Dương nhận được sự kính trọng và biết ơn của rất nhiều người dân.
Tấm lòng muốn cứu giúp dân chúng, tìm cách ngăn cản hành vi tàn bạo
Năm Thái Ninh thứ hai thời Tấn Minh Đế (năm 324), ông và Ngô Mãnh cùng vân du về Giang Nam. Năm đó, Vương Đôn khởi binh chống lại triều đình Đông Tấn. Vì để ngăn cản sự tàn bạo của Vương Đôn, cứu vương thất nhà Tấn, nên Hứa Tinh Dương đã làm giả một ấn phù bí mật. Ông cùng với đại sư Phương Thuật, đại học giả Quách Phác đến thỉnh cầu được yết kiến Vương Đôn.
Vương Đôn mang theo sự tức giận ra tiếp kiến họ, nói với Hứa Tinh Dương rằng: “Hôm qua Cô [1] đã có một giấc mộng, muốn mời tiên sinh giải mộng giúp được không?”
Hứa Tinh Dương trả lời: “Mời đại tướng quân kể rõ chi tiết.”
Vương Đôn nói: “Cô mộng thấy một cột gỗ, vươn thẳng lên đến mây xanh. Cô ngồi ở bên trên giống như một vị Đế vương vậy, cảm thấy vô cùng sung sướng. Xin hỏi Hứa quân, giấc mộng này là điềm lành phải không?”
Hứa Tinh Dương nói: “Giấc mộng này cũng không được tốt lành lắm.”
Vương Đôn nói: “Xin hỏi vì sao?”
Hứa Tinh Dương giải thích rằng: “Một cây cột gỗ xông thẳng lên bầu trời, có hàm ý là chữ ‘vị’ (未: chưa), biểu thị thời cơ chưa tới, đại tướng quân không nên liều lĩnh hành động thiếu cân nhắc. Vận số của triều Tấn vẫn chưa tận.”
Lúc này Vương Đôn nén giận, lại lệnh cho Quách Phác gieo cho ông một quẻ. Quẻ tượng gieo xong, Quách Phác nói: “Sẽ không thành.”
Vương Đôn lại hỏi về thọ mệnh của mình, Quách Phác trả lời: “Nếu đại tướng quân phát động phiến loạn, họa hoạn sẽ giáng xuống sớm thôi. Nếu như dừng lại ở Vũ Xương, thì thọ mệnh sẽ không thể đo lường được.”
Vương Đôn vừa nghe nói vậy thì nổi cơn giận dữ, hỏi rằng: “Vậy thọ mệnh của chính ông được bao nhiêu?”
Quách Phác nói: “Thọ mệnh của tôi sẽ kết thúc vào hôm nay.”
Vương Đôn nổi giận đùng đùng, sai binh sĩ bắt lấy Quách Phác lôi ra ngoài, muốn đưa đến pháp trường để trừng trị. Chính vào lúc này, Hứa Tinh Dương ném chén rượu đang cầm trên tay lên xà nhà, chén rượu lượn vòng, bay tới bay lui trên xà nhà. Vương Đôn và mọi người ngửa đầu nhìn theo chén rượu, Hứa Tinh Dương bèn ẩn tàng thân mình, biến mất không thấy đâu nữa.
Trở thành người đứng đầu chư Tiên
Các câu chuyện truyền thuyết về Hứa Tinh Dương được lưu truyền rộng rãi ở vùng Dự Chương và các vùng lân cận. Tương truyền rằng ông đã dùng những cột sắt để trấn áp tà ác, trảm thuồng luồng, giúp nhân dân địa phương diệt trừ thuồng luồng chuyên gây họa loạn, bảo vệ bình an cho đời sống của người dân trong vùng. Từ những truyền thuyết này cho thấy, trong dân gian rất tôn sùng Hứa Tinh Dương. Người ta tôn xưng ông là “Ông tổ truyền hiếu đạo,” “Người đứng đầu chư Tiên”.
Theo truyền thuyết về Hứa Tinh Dương lưu truyền rằng, vào ngày 15 tháng Tám, năm Ninh Khang thứ hai triều Đông Tấn, “Các gia phi thăng, kê khuyển tất khứ”, có nghĩa là toàn bộ người trong gia đình của ông, ngay cả nhà cửa phòng ốc nơi ông ở cũng được bay lên trời giữa ban ngày sáng tỏ. Vào ngày ông bay lên trời đó, người dân khắp nơi trong các vùng lân cận đã tập trung về Đạo quán, lập đàn và tổ chức một nghi lễ long trọng bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với ông. Họ mời những người tu Đạo tham gia, dâng phẩm vật tế lễ, đốt hương dâng hoa, nghi lễ diễn ra liên tục suốt ba ngày ba đêm. Truyền thuyết cũng nói rằng, Hứa Tinh Dương là người đứng đầu chư Tiên ở Thiên Quốc của Ngọc Hoàng.
Theo truyền thuyết, thời khắc khi cả nhà Hứa Tinh Dương thăng thiên, có một hộp đá, một cối thuốc và một bánh xe, cùng với một cái màn gấm đã từ trên mây rơi lại xuống mặt đất nơi ở cũ của họ. Người dân trong vùng dựng lều trướng ngay tại chỗ đó để người khác đến chiêm ngưỡng, về sau bèn xây dựng đền thờ ngay tại chỗ này. Ngôi đền được nhiều thế hệ trùng tu, trở nên bề thế nguy nga, đã trở thành đình tổ của phái Tịnh Minh Đạo. Đây chính là Vạn Thọ Cung ở Tây Sơn, Nam Xương ngày nay. Hứa Tinh Dương còn được người dân tôn kính gọi là Hứa Chân Quân.
Chú thích: [1] Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Quân vương của các nước chư hầu có thực lực yếu tự xưng mình là ‘Cô’, Quân vương của các nước chư hầu có thực lực mạnh thì tự xưng mình là ‘Quả nhân’. Ở đây, Vương Đôn là một đại tướng, nhưng ông dấy binh nổi loạn muốn lên làm Vua, tự cho mình là một vị Vua nên tự xưng là ‘Cô’.
Nguồn tư liệu tham khảo: “Thái Bình quảng ký – Thần Tiên thập tứ,” ‘Thái Bình ngự lãm,” “Hứa Tinh Dương biệt truyện,” “Dung thành tập tiên lục – Quyển thứ năm anh mẫu.”