Câu chuyện Thần Tiên: Bất ngờ rơi vào hang động, may mắn gặp Tiên nhân
Lý Cầu là người nước Yên. Vào năm Đường Văn Tông thứ 2, ông cùng bằng hữu là Lưu Sinh du ngoạn đến núi Ngũ Đài. Núi Ngũ Đài có một cái hang gió, chỉ cần du khách phát ra vài tiếng động hoặc ném đồ vật xuống thì sẽ gây ra gió lớn thổi bạt nhà cửa và cây cối, tạo thành phá hoại. Vậy nên lúc mọi người lên núi, thường dặn dò nhau phải cẩn thận, không nên phát ra tiếng động.
Lý Cầu đến cửa hang, tinh nghịch ném một hòn đá vào trong hang. Một lúc sau, quả nhiên có cơn gió lớn tựa như voi ngựa giày xéo lên nhau chạy thổi ra từ trong động, có một gốc cây lớn như cột trụ theo gió thổi bay đến. Tính tình Lý Cầu ngang tàng dũng mãnh, không có ý tránh né, dùng sức đỡ lấy gốc cây lớn kia, nhưng lại bị rơi vào trong hang. Lý Cầu bị gốc cây đè xuống, không thể ra được, một thời gian lâu phải nằm dưới mặt đất như vậy. Bỗng ông nhìn thấy có một người to lớn như con sư tử nhưng nói tiếng người tiến đến, dẫn Lý Cầu vào trai phòng ở trong hang.
Ở trong phòng có hai vị đạo sĩ đang chơi cờ, đạo sĩ nhìn thấy Lý Cầu thì rất vui, hỏi anh về việc tu Đạo. Lý Cầu không hiểu gì về tu hành nên im lặng không nói, không biết nên đáp lại như thế nào. Hai vị tiên nhân quở trách người dẫn Lý Cầu vào, nói: “Điểm trọng yếu trong Đạo của ta, chỉ có thể trao cho người có cốt tướng, là người học Đạo. Ngươi sao lại hồ đồ dẫn một kẻ phàm phu tục tử vào tiên phủ của ta? Mau dẫn ông ta đi thôi”.
Nói rồi, vị đạo sĩ rót một ly nước đưa cho Lý Cầu bảo ông uống, còn nói: “Ngươi tuy là kẻ phàm tục, nhưng có thể thấy được động phủ của ta, đi lại trong chân cảnh của ta cũng là có chút duyên phận rồi. Chỉ tiếc ngày thường không học đạo, nên không thể nói cho ngươi yếu lĩnh tu hành được. Bất quá, nếu ngươi xác thực có lòng hy sinh, có chí xuất thế, thì ngày sau còn có thể quay lại. Uống chén nước thần này, cũng có thể thọ ích lâu dài”.
Lý Cầu uống nước xong, bái tạ hai vị tiên nhân.
Người kia dẫn Lý Cầu ra một bên hang động, chỉ cho ông con đường bên ngoài và nói:
“Núi này là động Tử Phủ của Đạo gia, dựa vào các bảo vật quý hiếm khắp bốn bể được thu thập về trấn đỉnh núi. Giống như động Mao Sơn, dùng bảo vật ở thành Toàn Dung của An Tức quốc để trấn giữ nó. Mùa xuân núi sắc như ngọc biếc, nước chảy quanh co tỏa hương thơm mát, chính là nơi ở kiên cố của các thượng tiên. Đỉnh phía đông của núi này có quả cầu lửa rời khỏi núi, đỉnh phía tây có nhà cửa đẹp đẽ của nông dân, đỉnh phía nam có cây quý rạng chiếu, đỉnh phía bắc có cây thơm suối ngọc, đỉnh ở chính giữa có vàng tự chiếu sáng, có vách tỏa hào quang. Mỗi khi âm khí tích tụ sắp tiêu tan, nắng lâu rồi sẽ có mưa rơi, các bảo vật cùng nhau phát ra ánh sáng, chói chang khắp đỉnh núi. Sáng sớm hai mùa xuân thu, có khí cửu sắc khắp trời, ánh sáng lấp lánh đến tận ráng mây xanh. Thái Đế lệnh cho Hàn Ti Thiếu Khanh, Đông Phương Quân và Tử Phủ tiên sinh, suất lĩnh Thần Vương lực sĩ cùng các vị tiên khác trấn giữ ở đây, cho nên gọi là phủ của thần tiên. Động này có ba cửa: một cửa phía tây thông với núi Côn Luân, một cửa đi ra phía dưới núi đá, một cửa là hướng đến hang gió, hướng đến hang gió là cửa chính, các cửa đều có rồng rắn canh giữ.
Tiên sinh có lệnh rằng: “Có đá lớn ném vào cửa động, trúng vào cột trụ của ta, là người thế gian muốn đắc Đạo, đến nơi này tiếp nhận điểm trọng yếu trong tu Đạo. Nếu quả như thế thì dẫn đến gặp ta”.
Ta cũng tu đạo rất lâu rồi, nên đạt đến phẩm hạng tiên nhân. Tuy có công lực nhất định, nhưng khẩu nghiệp còn chưa tiêu trừ. Vì có thành tích từ trước nên mới có thể giữ cửa hang động này. Qua ba trăm năm, cũng nên siêu thăng rồi. Bởi vì nguyên cớ tạo khẩu nghiệp, nên phải mượn dùng hình dạng sư tử như thế này. Ta tuân thủ mệnh lệnh của tiên sinh, vừa hay có người ném đá trúng vào cột trụ, liền theo lời giáo huấn của tiên sinh mà dẫn ông vào, xác thực không biết ông chỉ là ném đá vui đùa. Tuy nhiên đã mấy trăm năm nay, người ném đá rất ít, nếu có cũng không trúng cột trụ. Chỗ ở của Thần Tiên không dễ đến được, ông tương lai cũng sẽ có cơ hội được đắc Đạo huyền diệu. Ở đây có con đường nhỏ đến núi phía bắc, có thể giúp ông rất nhanh hồi về đến nhân gian”.
Nói xong người kia liền mở thắt lưng lấy ra ba viên thuốc, đặt vào cành cây khô, lại nói với Lý Cầu: “Nếu bên vệ đường nhìn thấy vật lạ, dùng thuốc này chỉ vào nó thì sẽ không bị hại. Uống xong thuốc này, sẽ không có bệnh tật gì”.
Lý Cầu cầm thuốc này trong tay, lúc đi trong động mờ tối, thuốc liền phát sáng giống như lửa vậy; Trên đường, ngẫu nhiên thấy vài con rắn lớn, há miệng hướng đến Lý Cầu, ông dùng thuốc chỉ vào chúng, con rắn lớn liền nằm trên đất không dám động đậy. Lý Cầu cuối cùng đã ra được cửa động, cây cổ thụ ngoài cửa đã mục gần một nửa, động cũng sắp bị che kín. Lý Cầu đẩy chỗ đất và phần cây mục phong kín động, rất lâu mới chui ra được.
Trước đó, Lưu Sinh lạc mất Lý Cầu, con Lý Cầu đang lúc chuẩn bị tố cáo Lưu Sinh, nghi ngờ Lưu Sinh đã hại chết cha mình, muốn kiện lên quan phủ. Bỗng hay Lý Cầu quay về, cả nhà vui mừng khôn xiết. Lý Cầu kể lại việc kỳ lạ mà ông vừa trải qua, rồi lấy ba viên thuốc chia cho Lưu Sinh và con trai, mỗi người một viên.
Giữa những năm Càn Phù thời Hoàng đế Đường Hy Tông, Tiến sĩ Tư Đồ Thiết gặp lại Lý Cầu sau 30 năm cách biệt. Ba mươi năm trước lúc họ từ biệt, Lý Cầu 60 tuổi, râu đã bạc trắng, rủ xuống trước ngực. Nay Tư Đồ Thiết nhìn thấy Lý Cầu, lúc này đã hơn 90 tuổi rồi, nhưng thân hình dung mạo vẫn chỉ như người ngoài 30 tuổi.
Lý Cầu kể về kỳ sự mà mình gặp, nói rằng: “Từ khi dùng thuốc đến nay, thân già trở nên tráng kiện, không thích ăn thứ gì”. Con trai của ông cũng giống như người trên dưới 30 tuổi, dốc chí tu Đạo. Ông cùng con trai sau đó đã cùng nhau vào trong núi Vương Ốc tu Đạo.
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ