Câu chuyện người chỉ huy dàn nhạc đi khắp nơi để giải cứu mẹ
Những người dân ở vùng Vịnh San Francisco thường nhìn thấy một đoàn nhạc mặc trang phục Trung Hoa cổ xưa trong một số cuộc diễn hành cộng đồng. Họ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, ăn vận quần áo đẹp đẽ chỉnh tề, trên môi luôn nở nụ cười ấm áp giữa những điệu nhạc du dương khiến cư dân thuộc nhiều dân tộc ở vùng vịnh cảm thấy mới mẻ.
Đi phía trước dàn nhạc là một người chỉ huy dàn nhạc trẻ tuổi tên là Lưu Chỉ Đồng (Liu Zhitong). Cô vẫy gậy chỉ huy một cách duyên dáng với nụ cười trong sáng và khuôn mặt rạng rỡ, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người. Tuy nhiên, khán giả không hề biết rằng mẹ cô đang bị giam trong nhà tù của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Để giải cứu mẹ, suốt những năm qua, cô Lưu Chỉ Đồng đã đi khắp nơi kêu gọi, nhưng cô vẫn chưa đạt được ý nguyện.
Dưới đây là nội dung được biên soạn dựa trên lời kể của cô Lưu Chỉ Đồng.
Sự thay đổi của người mẹ khiến cả gia đình hiểu rõ sự thật về cuộc bức hại
Trong ký ức tuổi thơ của cô Lưu, cô và chị gái đặc biệt thân thiết. Hồi nhỏ, nhiều buổi chiều lúc còn chưa đi học, cô sẽ chạy xa tắp đến cây cầu đầu làng để chờ đón chị gái đi học về. Sau đó cô ngồi lên sau xe đạp của chị và hai chị em cùng nhau về nhà. Mẹ cô tên là Khổng Khánh Bình (Kong Qingping). Bà thường xuyên cãi nhau với chồng vì những chuyện vụn vặt trong cuộc sống nên suốt ngày mặt ủ mày chau. Hai chị em cô cũng đều rất sợ mẹ.
Bà Khổng bị rất nhiều căn bệnh, như chứng đau nửa đầu, chức năng gan hoạt động bất thường, bệnh phụ khoa, ho và thở khò khè, mất ngủ trầm trọng, v.v. Quanh năm suốt tháng bà cứ phải uống thuốc. Sau đó, bà lại bị chẩn đoán mắc bệnh nhiễm trùng máu và đã thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau nhưng đều không có tác dụng.
Năm 2004, sau khi được một người bạn giới thiệu, bà Khổng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công với một tia hy vọng. Trong vòng chưa đầy một tháng, bệnh nhiễm trùng máu và hơn mười căn bệnh khác đều được chữa khỏi mà không cần dùng thuốc.
Cô Lưu kể lại: “Sau khi tu luyện, cha mẹ tôi ngày càng ít cãi nhau hơn. Mối quan hệ của tôi với mẹ trở thành như hai người bạn. Hai mẹ con tâm sự với nhau đủ mọi chuyện. Mẹ tràn đầy sinh lực, sắc mặt hồng hào, vết ban hình con bướm làm mẹ phiền muộn bao năm cũng không thấy đâu nữa. [Tôi thấy] mẹ vui vẻ cả ngày.”
Từng có một lần, cha cô bị lừa 100,000 nhân dân tệ trong một thương vụ. Thay vì trách cứ, bà Khổng lại an ủi người chồng đang tức giận và trằn trọc không ngủ được. Sau khi bà tu luyện Pháp Luân Công, cả nhà ai nấy đều nhận thấy bà đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Tất cả mọi người đều khâm phục Pháp Luân Công.
Vào thời điểm đó, có rất nhiều tin đồn và vu khống về Pháp Luân Công trong trường học và trên các hãng truyền thông. Lúc đầu cô Lưu cũng tin theo những tuyên truyền đó. Nhưng vì mẹ cô đã thay đổi rất nhiều trước và sau khi tu luyện Pháp Luân Công nên cô nhận ra rằng ĐCSTQ đang đưa ra những cáo buộc sai trái và Pháp Luân Công đã bị vu khống. Cả nhà cô đều ủng hộ bà Khổng tu luyện.
Bước vào tu luyện, chuyển biến tốt đẹp về tính cách lẫn việc học
Khi còn nhỏ, cô Lưu đã tu luyện cùng mẹ nhưng hiểu biết của cô về tu luyện rất hời hợt. Mãi cho đến khi vào đại học, sau khi đọc hết các tác phẩm của Đại Sư Lý Hồng Chí, cuối cùng cô đã minh bạch ý nghĩa của tu luyện và chính thức bước vào con đường tu luyện.
Cô Lưu hiểu ra rằng điều quan trọng nhất khi tu luyện Pháp Luân Công là làm theo tiêu chuẩn “chân, thiện, và nhẫn” để tu tâm dưỡng tính, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần làm một người tốt, thậm chí là một người tốt hơn nữa. Cô cũng hiểu rằng nghĩa vụ của học sinh là học tập cho tốt, rèn luyện trở thành một người tốt trong xã hội.
Trường đại học của cô Lưu có cách quản lý khá lỏng lẻo, sinh viên trong trường thường xuyên trốn học và làm bài tập về nhà qua loa. Tuy nhiên, cô Lưu chưa bao giờ trốn học cúp tiết, cô cũng chăm chỉ làm bài tập về nhà. Cô Lưu kể: “Khi tôi còn là sinh viên năm nhất, một người bạn cùng lớp đã chỉ vào tôi và nói với mọi người: ‘Giờ thì nhìn bạn này xem, liệu đến năm thứ ba bạn này còn có thể [chăm chỉ] như thế này hay không!?’ Họ không tin rằng tôi có thể trước sau duy trì phong độ học tập tốt, nhưng tôi thực sự chưa hề thay đổi [thái độ học tập].” Vì rất coi trọng việc học nên trong suốt những năm học đại học, năm nào cô cũng đều được nhận học bổng.
Cô Lưu cũng chia sẻ: “Các bạn cùng lớp thời đại học của tôi thỉnh thoảng sẽ đùa giỡn, nói những câu không mấy nghiêm túc. Nhưng thấy tôi ở bên cạnh thì họ lại không nói nữa. Thậm chí họ còn nói đùa rằng ‘đừng làm ô nhiễm tâm hồn thuần khiết duy nhất còn lại của chúng ta.’”
Tuy nhiên, khoảng thời gian đó cũng trùng hợp là thời kỳ ĐCSTQ bức hại các học viên Pháp Luân Công một cách điên cuồng nhất. Cô sinh viên trẻ tuổi này là người duy nhất tu luyện trong một ngôi trường nằm dưới sự cai trị của ĐCSTQ, nên cha mẹ cô luôn lo lắng cho sự an toàn của cô. Bản thân Chỉ Đồng cũng rất thận trọng. Cô ra luyện công ở ban công ký túc xá vào mỗi buổi sáng trước bình minh, hoặc luyện công ở trong một phòng học trống vào giờ nghỉ trưa, đồng thời chú ý xem ngoài hành lang có tiếng bước chân nào không.
Mặt khác, việc tu luyện Pháp Luân Công khiến cô Lưu cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái về thể chất và tinh thần hơn bao giờ hết. Niềm hạnh phúc đó xuất phát từ nội tâm và cô mong muốn chia sẻ vẻ đẹp của Pháp Luân Công với nhiều người hơn. Vì vậy, cô Lưu bắt đầu nói sự thật về Pháp Luân Công với những người bạn thân cùng lớp. Hầu hết bạn bè của cô đều có thể tiếp nhận. “Bởi vì họ biết tôi là người như thế nào,” cô Lưu giải thích.
Xuất ngoại và tham gia Thiên quốc Nhạc đoàn
Vào tháng 10/2015, cha mẹ cô Lưu đã gửi cô ra ngoại quốc. Cô kể rằng cô đã đến Los Angeles để tham gia hội giao lưu tâm đắc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Cô Lưu rất phấn chấn khi thấy các học viên Pháp Luân Công có thể tự do luyện công và diễn hành. Khi xem diễn hành, cô đã bật khóc khi nghe thấy tiếng trống của Thiên quốc Nhạc đoàn. Cảnh tượng đó vẫn còn in sâu trong ký ức của cô. Lần đầu nhìn thấy đội hình chỉnh tề và âm nhạc rất dễ chịu của Thiên quốc Nhạc đoàn, trong lòng cô dâng lên những cảm xúc dào dạt.
Cô Lưu hồi tưởng: “Lúc đó tôi bèn nghĩ, nếu mình được tham gia vào dàn nhạc này thì thật tốt biết bao!” Sau đó, cô đã được nhận vào dàn nhạc như tâm nguyện. Ban đầu, cô tập chơi trống lẫy. Hai năm sau, cô giữ vai trò chỉ huy thứ hai của dàn nhạc.
Cô Lưu nói: “Âm nhạc mỹ hảo có thể bồi dưỡng tình cảm và thanh lọc tâm hồn. Ở Trung Quốc cổ đại, công dụng chính của âm nhạc là chữa bệnh. Phần lớn các bản nhạc do Thiên quốc Nhạc đoàn trình diễn là âm nhạc truyền thống do các học viên Pháp Luân Công sáng tác. Chúng tôi muốn thể hiện những mặt tốt đẹp của Pháp Luân Công qua màn trình diễn của đoàn nhạc, để nhiều người hơn nữa hiểu về Pháp Luân Công.”
Ở ngoại quốc, cô Lưu cũng tìm thấy tình yêu của đời mình. Anh Vương Đại Khả (Wang Dake) chồng cô cũng là một học viên Pháp Luân Công và chơi trống lớn ở trong đoàn nhạc. Họ đến với nhau vì có chung tín ngưỡng. Khi gặp phải những xích mích nhỏ nhặt, họ sẽ dùng tiêu chuẩn “chân, thiện, nhẫn” để tìm ra khuyết điểm của bản thân, thông cảm và bao dung cho nhau, vậy nên cả hai rất tâm đầu ý hợp.
Hàng năm, hai vợ chồng cô đều tham gia nhiều cuộc diễn hành khác nhau do cộng đồng địa phương tổ chức. Có khi họ lái xe hơn mười tiếng đồng hồ để tham gia một số buổi diễn hành lễ hội quan trọng ở các tiểu bang khác, như cuộc diễn hành Ngày hội Hoa hồng Portland (Portland Rose Festival), Cuộc diễn hành Ngọn đuốc (The Torchlight Parade) của Seattle, v.v. Mặc dù việc lái xe đường dài rất vất vả, nhưng khi nhìn thấy khán giả cổ vũ và vỗ tay dọc theo đoàn diễn hành, đôi bạn trẻ này lại cảm thấy nỗ lực của họ là xứng đáng.
Mẹ bị bức hại, áp đặt tội danh
Cô Lưu đã đến Hoa Kỳ, nhưng cha mẹ cô vẫn ở Trung Quốc. Hai mẹ con cách nhau nửa vòng trái đất nhưng điều đó không ngăn cản được tình mẫu tử sâu sắc của họ. Cô Lưu thường gọi điện cho mẹ và trò chuyện rất lâu. Mẹ cô cũng từng sang Mỹ thăm cô hai lần.
“Tôi trân trọng từng ngày được ở bên mẹ, vậy nên tôi nóng lòng muốn quay về nhà sau giờ làm việc. Mẹ sẽ chuẩn bị rất nhiều món ăn mà tôi yêu thích, sau đó đứng trước cửa đợi tôi về. Không khí vui vẻ đó khiến tôi như được quay về thời thơ ấu. Lần thứ hai mẹ đến thăm, mẹ đã làm cho tôi rất nhiều bánh bao trước khi về nước, đủ cho tôi ăn rất lâu. Mỗi lần ăn bánh bao, tôi liền cảm thấy như có mẹ ở bên cạnh,” cô Lưu nhớ lại.
Sau khi trở về Trung Quốc không lâu, vào ngày 25/02/2021, bà Khổng Khánh Bình đã bị cảnh sát của Sở Cảnh sát phố Lý Gia, quận Sa Hà Khẩu, thành phố Đại Liên bắt bớ vô cớ. Bà bị giam giữ phi pháp trong 24 tiếng mới được trở về nhà.
Sau đó, chính quyền đã theo dõi và quấy rối liên tục buộc bà Khổng phải bỏ nhà đi. Một năm rưỡi sau, vào ngày 22/10/2022, cảnh sát từ sở cảnh sát phố Lý Gia đã theo dõi người nhà của bà Khổng và đến căn nhà bà thuê ở thành phố Trang Hà. Họ tắt công tắc điện, nhân lúc người nhà của bà mở cửa kiểm tra, họ đột nhiên xông vào phòng và bắt cóc bà Khổng. Cho đến nay, bà vẫn đang bị giam giữ tại trại tạm giam Diêu Gia ở thành phố Đại Liên.
Trong thời gian này, Tòa án quận Cam Tỉnh Tử của thành phố Đại Liên đã tiến hành ba phiên tòa xét xử phi pháp đối với bà Khổng. Gia đình bà Khổng đã thuê hai luật sư để biện hộ cho sự vô tội của bà.
Tuy nhiên, do không có đủ chứng cứ nên ngày 25/03/2024, Tòa án Trung cấp Đại Liên đã giữ nguyên phán quyết sơ thẩm của Tòa án quận Cam Tỉnh Tử, kết án phi pháp bà Khổng 7 năm tù giam và phạt 30,000 nhân dân tệ. Bà Khổng và gia đình không chấp nhận phán quyết của Tòa án Nhân dân Trung cấp, họ đã gửi đơn khiếu nại.
Cô Lưu đã nhiều lần nghẹn lời khi nhắc đến những gì mẹ cô trải qua trong trại tạm giam: “Mẹ tôi trước khi bị bắt cóc nặng hơn 75 kg, nhưng giờ chỉ còn khoảng 60 kg. Thật khó tưởng tượng bà phải đối mặt với hoàn cảnh khắc nghiệt như thế nào. Vì trại giam không cho phép người nhà vào thăm nên chúng tôi cũng không biết tình hình cụ thể.”
Bà Khổng Khánh Bình nói trong phòng xử án tại phiên tòa thứ ba rằng: “Huyết áp cao của tôi hiện tại là 190, huyết áp thấp là 130. Tôi bị chóng mặt, sốt cao, ho, thân thể rất khó chịu. Trước khi bị giam, sức khỏe của tôi rất tốt. Tôi tu luyện Pháp Luân Công để chữa bệnh và giữ gìn sức khỏe. Tôi không có suy nghĩ nào khác ngoài việc trở thành một người tốt. Tôi không trộm cắp, tôi không phạm tội gì, tôi yêu cầu được về nhà ngay.” Luật sư của bà Khổng yêu cầu bà được tại ngoại chờ xét xử, nhưng tòa án không cho phép cũng không đưa ra lời giải thích hợp lý nào.
Trong khi đó, cha của cô Lưu ăn không ngon, ngủ không yên. Ông đã sụt 7.5 kg trong ba tháng, tóc ông cũng bạc đi nhiều. Chị cô Lưu ngày nào cũng khóc, người gầy mòn thấy rõ. Đứa con 7 tuổi của chị cô không biết chuyện gì xảy ra, cháu thường hỏi: “Bà đi đâu rồi? Con nhớ bà quá.”
Vào ngày 29/09/2023, bà Barbara Lee, Dân biểu Quốc hội tại địa hạt mà cô Lưu sinh sống, đã viết thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken, thúc giục ông dùng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để yêu cầu ĐCSTQ trả tự do ngay lập tức cho bà Khổng. Sự việc này đã được The Epoch Times đưa tin.
Những câu chuyện giống nhau
Anh Vương Đại Khả, chồng của cô Lưu, và cả gia đình anh đều tu luyện Pháp Luân Công. Khi anh Vương 17 tuổi, anh đã bị giam 10 ngày vì viết thư cho chính quyền ĐCSTQ để kiến nghị chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ông Vương Liên Tô (Wang Liansu), cha của anh Vương, bị bắt vì in ấn tài liệu nói rõ sự thật về cuộc bức hại, và bị kết án 13 năm tù. Ông bị tra tấn trong tù, rất nhiều lần đầu bị trùm bao nhựa che kín mặt đến mức gần như không cách nào thở nổi. Vì từ chối cung cấp số điện thoại liên lạc của các học viên khác hoặc những người ủng hộ mà ông đều bị chích điện cao áp khắp người. Vào cuối tháng 12/2013, ông Vương cuối cùng cũng được phóng thích sau 12 năm bị giam cầm.
Vào năm 2015, cha mẹ của anh Vương đã đến được Mỹ để đoàn tụ với con trai. Họ không còn phải sống trong sợ hãi nữa.
Dì của anh Vương là bà Vương Khả Phi đã bị bức hại đến tử vong vào năm 2001. Khi người nhà được nhìn mặt bà lần cuối, họ thấy thi thể của bà đầy những vết sẹo và máu me. Trại lao động ban đầu muốn hỏa táng bà để tiêu hủy bằng chứng, nhưng gia đình bà cực lực ngăn chặn nên họ không thể thực hiện được. Anh Vương nói thi thể của dì anh vẫn đang được bảo quản tử tế trong phòng lạnh. Một ngày nào đó, dì anh nhất định sẽ được khám nghiệm tử thi để tìm ra nguyên nhân tử vong và minh oan.
Câu chuyện về cha, dì, và gia đình của anh Vương Đại Khả đã được Swoop Films chuyển thể thành bộ phim tài liệu “Đi Tìm Dũng Khí” (Finding Courage). Bộ phim đã nhận được giải thưởng tại nhiều liên hoan phim, bao gồm Liên hoan phim Quốc tế Houston.
Hầu như ai trong đoàn nhạc nhỏ gồm mấy chục người này cũng là người từng bị ĐCSTQ bức hại hoặc có người thân bị bức hại giống như cô Lưu và anh Vương. Thứ mà họ phải chịu đựng là nước mắt và đau khổ nhưng lúc nào họ cũng nở những nụ cười ấm áp. Họ mang đến cho mọi người vẻ đẹp và niềm hy vọng.
Trước khi bị ĐCSTQ bức hại vào năm 1999, Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) đã có 100 triệu người theo tập. Sau đó ĐCSTQ đã ngăn cấm và đặt Pháp Luân Công ngoài vòng pháp luật. Các biện pháp mà họ thực thi để bức hại Pháp Luân Công bao gồm chiến dịch tuyên truyền nhiều mặt và cưỡng chế cải tạo. Một số ý kiến cho rằng cuộc bức hại này còn bao gồm nhiều biện pháp cưỡng chế gây tranh cãi về mặt pháp lý. Trong đó có các vụ bắt giữ tùy tiện để sách nhiễu, lao động cưỡng bức, và tra tấn. Một số học viên do vậy đã tử vong. Tổ chức Ân xá Quốc tế chỉ ra rằng mục đích của chính quyền ĐCSTQ là thông qua tuyên truyền chính trị, giam giữ, cưỡng bức chuyển hóa tư tưởng và các biện pháp khác để “diệt chủng, trừ tận gốc” nhóm Pháp Luân Công, khiến một số học viên Pháp Luân Công thiệt mạng. Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, một tổ chức cố vấn tại Hoa Kỳ, đã nêu bật rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ là tội ác diệt chủng.
Trong khi phản bức hại, các học viên Pháp Luân Công đã phơi bày rất nhiều tội ác dã man và vô nhân đạo của ĐCSTQ, nhưng họ chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ người dân Trung Quốc. ĐCSTQ còn dựa vào những lời ngụy biện như “việc xấu trong nhà đừng mang ra ngoài, Pháp Luân Công không yêu nước” để cô lập và bài xích các học viên Pháp Luân Công. Tuy nhiên, tội ác vô nhân đạo của ĐCSTQ không chỉ dừng lại ở các học viên Pháp Luân Công. Việc tra tấn và giam giữ trên diện rộng đang được họ sử dụng để bức hại người dân ở Tân Cương và Tây Tạng, cũng như những người bảo vệ nhân quyền và những người bất đồng chính kiến ở Hoa lục. Việc thu hoạch nội tạng sống cũng ngày càng trở nên phổ biến, ngẫu nhiên nhắm vào những người vô tội.