Cắt giảm xuất cảng khí đốt của Nga sang Âu Châu sẽ có lợi cho xuất cảng của Hoa Kỳ
Nguồn cung năng lượng của Âu Châu bị Nga kìm hãm để trả đũa việc Âu Châu hỗ trợ Ukraine
Ông Vladimir Putin đang cắt giảm xuất cảng khí đốt sang Âu Châu, hành động này đe dọa mọi thứ từ lò nướng của cụ bà ở Đức cho đến các nhà máy điện ở Anh.
Mất điện vào cuối mùa đông có thể là một thực tế mà nhiều người Âu Châu phải đối mặt chỉ trong vài tháng tới. Xuất cảng khí đốt tự nhiên (LNG) của Hoa Kỳ có thể giúp ích cho bạn bè của chúng ta, đồng thời tạo ra công ăn việc làm và lợi nhuận cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Nếu không, người Âu Châu có thể rất lạnh vào mùa đông này. Theo các nhà phân tích năng lượng được BBC trích dẫn, “tình trạng mất điện kéo dài sẽ làm dấy lên lo ngại về khả năng gây dựng đủ dự trữ của EU trong mùa sưởi ấm tới.”
Hôm 17/06, khí đốt của Nga chảy qua Nord Stream, với đường ống dẫn chính của nó đến Âu Châu, đã chậm lại trong ngày thứ tư liên tiếp, chỉ còn 55% so với tốc độ hồi đầu tuần.
Pháp đã không nhận được khí đốt của Nga kể từ hôm 15/06. Công ty Uniper SE của Đức chỉ nhận được 40% lượng khí đốt được yêu cầu từ Gazprom của Nga. Eni của Ý đã nhận được một nửa yêu cầu của mình. Slovakia đã nhận được ít hơn một nửa yêu cầu của mình qua Nord Stream. Áo đã báo cáo sự thiếu hụt lớn trong việc tiếp nhận khí đốt của Nga.
Một số quốc gia từ chối thanh toán khí đốt của họ bằng đồng rúp Nga — bao gồm Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, và Ba Lan — đã hoàn toàn bị ngừng cung cấp khí đốt từ Nga.
Nguồn cung cấp 40% khí đốt tự nhiên và 27% dầu của Liên minh Âu Châu là từ Nga. Âu Châu trả khoảng 430 tỷ USD cho hàng nhập cảng.
Để đối phó với cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin, Liên minh Âu Châu đã cấm tất cả các hoạt động nhập cảng dầu từ Nga vào năm 2022.
Theo The Wall Street Journal: “Nga đang chống lại các lệnh trừng phạt của Âu Châu cũng như sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nhắm vào khả năng phát triển nền kinh tế của Âu Châu.”
Báo cáo cho biết: “Châu lục này từ lâu đã phụ thuộc vào khí đốt của Nga để tạo ra điện, cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy và sưởi ấm cho các ngôi nhà — một rủi ro mà Điện Kremlin đang khai thác.”
Cũng có thể có động cơ kinh tế. Đức cáo buộc Gazprom cố gắng tăng giá một cách bất thường thông qua việc giảm nguồn cung chưa từng có.
Các gia đình và doanh nghiệp ở Âu Châu đang phải trả giá, theo nghĩa đen, lạm phát cao ngất trời do năng lượng gây ra. Âu Châu không thể nhanh chóng thay thế việc mất nguồn cung đột ngột, sự thay thế này đe dọa việc cắt đứt hoàn toàn mà sẽ gây ra thảm họa, nếu không muốn nói là đe dọa tính mạng, trong suốt mùa đông.
LNG ở Âu Châu hiện xấp xỉ 131 USD mỗi megawatt giờ, gấp hơn bốn lần so với giá vào mùa hè năm 2021. Chỉ hơn một tuần trước, giá của nó đã tăng 50%.
Theo các nguồn tin chính phủ của Reuters, Ý đang xem xét tuyên bố “tình trạng báo động” về việc thiếu khí đốt nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung. Điều đó sẽ dẫn đến các biện pháp pháp lý làm giảm tiêu thụ, chẳng hạn như phân phối khí đốt cho một số nhà sử dụng công nghiệp, tăng sản xuất năng lượng tại các nhà máy điện than, và tìm kiếm nhập cảng khí đốt từ các nhà cung cấp thay thế.
Hoa Kỳ có thể là một trong những nhà cung cấp đó, sẽ là một lợi ích cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Nhưng cuối cùng, vì lợi ích của chính họ, người Âu Châu nên đạt được sự độc lập về năng lượng. Họ có thể làm điều đó với sự kết hợp của các nguồn năng lượng xanh, bao gồm phong năng, quang năng, thủy điện, và hạt nhân. Nhưng cho đến lúc đó, Âu Châu sẽ cần phải chuyển việc nhập cảng dầu và khí đốt của mình từ một nước Nga không đáng tin cậy và hiếu chiến sang các nguồn thân thiện và đáng tin cậy hơn, như Hoa Kỳ.
Đối với LNG, điều đó cũng sẽ đòi hỏi phải xây dựng các bến cảng và kho chứa mới.
Chính sách đối ngoại của Âu Châu không bao giờ nên dễ bị tổn thương trước những mối đe dọa từ Moscow, vốn có thể đe dọa tính mạng người dân khi mất điện, hoặc khiến nền kinh tế Âu Châu với chi phí năng lượng cao ngất ngưởng.
Các đề nghị phản thị trường gần đây của Hoa Kỳ về việc cấm xuất cảng LNG, dầu thô, và dầu diesel để giảm giá cho người tiêu dùng Hoa Kỳ nên bị bác bỏ. Về lâu dài, các biện pháp này sẽ không có tác dụng vì thị trường năng lượng là toàn cầu. Các biện pháp này cũng sẽ làm nản lòng khoản đầu tư mà chúng ta cần hiện nay để mở rộng năng lực khoan và lọc dầu khí của Hoa Kỳ.
Khoản đầu tư đó sẽ mang lại công ăn việc làm và thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta, vốn cần thiết để cạnh tranh với những kẻ thù của nền dân chủ ở Moscow và Bắc Kinh. Và chúng ta nên là bạn tốt hơn với các đồng minh dân chủ của chúng ta ở Âu Châu bằng cách xuất cảng năng lượng cho họ trong thời gian họ cần.
Nhưng chúng ta cũng nên yêu cầu Âu Châu phải làm nhiều hơn nữa trong dài hạn trước những mối đe dọa dai dẳng từ Moscow và Bắc Kinh. Ví dụ, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã gánh vác phần lớn gánh nặng trong việc giúp đỡ Ukraine và Đài Loan. Đặc biệt, Đức nên làm nhiều hơn nữa, bao gồm bằng cách tăng chi tiêu quốc phòng của họ lên mức 2% GDP cần thiết cho NATO.
Một nền phòng thủ Âu Châu mạnh mẽ hơn sẽ răn đe Nga tốt hơn và cho phép Hoa Kỳ tập trung vào mối hiểm họa đang gia tăng từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.