Khủng hoảng năng lượng tồi tệ hơn biến động dầu mỏ trong những năm 1970
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay “lớn hơn nhiều” và có thể tồn tại lâu hơn so với các biến động dầu mỏ trong những năm 1970.
Trong những năm 1970, có hai biến động dầu mỏ đáng kể khiến lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát ở Hoa Kỳ.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Der Spiegel của Đức: “Hồi đó, chỉ là vấn đề về dầu mỏ. Bây giờ cùng lúc chúng ta có một cuộc khủng hoảng dầu mỏ, một cuộc khủng hoảng khí đốt, và một cuộc khủng hoảng điện.”
Việc Nga xâm lược Ukraine đã khiến vấn đề năng lượng vốn đã tồn tại của thế giới thêm phần bế tắc.
Do hậu quả của cuộc chiến, các nước phương Tây đang áp đặt các biện pháp trừng phạt ngày càng nghiêm khắc đối với Moscow, mà theo ông Birol, sẽ gây ra hạn chế lớn hơn về nguồn cung vào mùa hè này.
Ông nói: “Khi kỳ nghỉ lễ chính bắt đầu ở Châu Âu và Hoa Kỳ, nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng lên, sau đó có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt: ví dụ như dầu diesel, xăng hoặc dầu hỏa, đặc biệt là ở Châu Âu.
Nga, nhà cung cấp hàng đầu về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, và than đá, chiếm gần 36% lượng dầu nhập cảng của Liên minh Âu Châu.
Hôm 31/05, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý cấm một phần nhập cảng dầu mỏ của Nga vào cuối năm 2022 như một phần của gói trừng phạt thứ sáu nhắm vào Điện Kremlin. Với kế hoạch mới, EU sẽ cấm gần 90% lượng dầu mỏ nhập cảng của Nga vào khối này.
Giá dầu mỏ đã tăng vọt kể từ khi thông báo này được công bố, do thế giới tranh giành để thay thế sản lượng của Nga.
Tại Hoa Kỳ, giá xăng đã đạt mức kỷ lục mới hôm 31/05. Theo AAA, giá tại trạm xăng đã tăng lên mức trung bình toàn quốc là 4.622 USD mỗi gallon, tăng từ mức 4.598 USD một tuần trước.
Ông Birol nói, “Trong 50 năm qua, nguồn dự trữ chiến lược chỉ được sử dụng 5 lần, trong vài tháng gần đây nguồn này đã được sử dụng 2 lần. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng này sâu sắc đến mức nào.”
Ông cũng dự đoán rằng thời tiết mùa đông khắc nghiệt sẽ buộc các quốc gia Âu Châu phải phân phối (hạn chế) khí đốt tự nhiên.
Trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973–74, các quốc gia phát triển nhận ra rằng họ đã không được chuẩn bị để đối phó với lệnh cấm vận dầu mỏ do các nhà sản xuất dầu mỏ lớn thực thi, khiến giá dầu tăng cao kỷ lục. IEA đã được thành lập để hỗ trợ các thành viên của mình ứng phó với những sự gián đoạn về nguồn cung dầu mỏ lớn.
Ông Birol nói, hồi tháng Ba, IEA đã trình bày với các nền kinh tế tân tiến một kế hoạch gồm 10 điểm để giảm việc sử dụng dầu mỏ của họ trong một thời gian ngắn.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Spiegel, ông cũng chỉ trích chính phủ Đức vì sự phụ thuộc kéo dài hàng thập niên vào năng lượng của Nga.
Ông Birol nói: “Ngay từ năm 2004, chúng tôi đã cảnh báo chính phủ rằng Đức đang trở nên quá phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga. Và chúng tôi cũng đã chỉ ra vấn đề này trong những năm cầm quyền của bà Merkel. Nhưng tỷ trọng nhập cảng khí đốt của Nga tiếp tục tăng.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hồi tháng trước, nhà sử học dầu mỏ Daniel Yergin cũng nói rằng cuộc khủng hoảng năng lượng ngày nay “có khả năng tồi tệ hơn” so với những năm 1970, với hậu quả không chỉ trong lĩnh vực dầu mỏ mà còn đối với các ngành khí đốt tự nhiên và than.
Hai biến động dầu mỏ lớn trong những năm 1970 là do Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973 và Cách mạng Iran năm 1979 gây ra. Những biến động này khiến nguồn cung năng lượng bị cắt giảm đáng kể.
Lạm phát ở Hoa Kỳ đã ở mức cao vào thời điểm đó, nhưng hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã đẩy lạm phát lên mức hai con số. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã giúp Hoa Kỳ rút ra nhiều bài học, một trong số đó là việc chú trọng hơn đến việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào dầu mỏ của ngoại quốc.
Một số nhà phân tích cảnh báo trước Chiến tranh Ukraine rằng giá xăng tăng cao gợi nhớ đến những gì đã xảy ra với dầu mỏ vào đầu những năm 1970.
Nhà phân tích Henry Allen của Deutsche Bank đã viết trong một báo cáo hồi mùa thu năm ngoái: “Khi toàn cầu cố gắng cai nghiện nhiên liệu hóa thạch hơn nữa, thì chúng ta có thể gặp nhiều sự biến động về năng lượng hơn trong suốt thập niên này.”
Theo ông Phil Flynn, một nhà phân tích năng lượng của Price Futures Group, lệnh cấm gần đây của EU có thể khiến giá xăng tiếp tục tăng ở Hoa Kỳ.
Ông viết trong một báo cáo: “Giá dầu mỏ tiếp tục tăng mạnh nhất trong hơn một thập niên vì chúng ta không có đủ bất kỳ thứ [nhiên liệu gì] và chúng ta sẽ có ít hơn.”
“Chúng ta đang thiếu công suất lọc dầu và bây giờ Châu Âu sẽ khan hiếm dầu thô khi họ tiến tới lệnh cấm dầu của Nga.”
Theo một nghiên cứu gần đây từ Tập đoàn Độ tin cậy Điện Bắc Mỹ (NERC), nhiều vùng ở Bắc Mỹ có nguy cơ mất điện vào mùa hè này.
Dự kiến sẽ xảy ra tình trạng mất điện trên diện rộng vào mùa hè do các cơ sở cung cấp điện không hoạt động, các vấn đề về chuỗi cung ứng, và nhiệt độ khắc nghiệt. Báo cáo này cảnh báo rằng nhu cầu gia tăng sẽ làm căng thẳng nguồn cung cấp điện trên một khu vực rộng lớn của Hoa Kỳ và Canada, từ Hồ Lớn đến Trung Tây.
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.