Triển vọng ‘hạ cánh mềm’ của nền kinh tế Hoa Kỳ đang mờ mịt dần
Cơ hội “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Hoa Kỳ đã giảm xuống kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tháng này. Nỗi lo về suy thoái đang tăng lên và dữ liệu của Google Trends cho thấy nhiều người Mỹ đang tìm kiếm cụm từ “suy thoái” hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ năm 2004.
Do sự thất bại của cả chính sách tài khóa và tiền tệ, ngày càng nhiều nhà kinh tế cho rằng một mình Fed không thể giải quyết các nguyên nhân căn bản của lạm phát. Tuy nhiên, họ cho biết chiến dịch muộn màng để kiềm chế giá cả tăng cao này gần như chắc chắn sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái, họ nói.
Nhà kinh tế Steve Moore nói với The Epoch Times: “Chúng ta đang trượt băng ngay bên bờ vực suy thoái.”
Ông cho rằng trong thời gian này, chính phủ TT Biden nên ưu tiên các biện pháp mở rộng nền kinh tế như đầu tư vào phát triển dầu khí và than, tạo công ăn việc làm, giảm bớt các quy định kinh doanh, và khuyến khích người dân đi làm trở lại.
Ông Moore nói, “Với ông Joe Biden ở Tòa Bạch Ốc, chúng ta sẽ thấy rất nhiều sai lầm về chính sách mà sắp có thể gây ra suy thoái.” “Và hy vọng, đó sẽ là một cuộc suy thoái nhẹ, chứ không phải là một cuộc suy thoái nặng nề. Nhưng thưa quý vị, ngoài kia trông thật tệ. ”
Ông viện dẫn rằng sự suy giảm đáng kể trong lĩnh vực sản xuất và thị trường nhà ở đang hạ nhiệt là những dấu hiệu cảnh báo.
“Tất cả đều là vết thương tự mình gây ra.”
Sự suy giảm kinh tế vừa phải xảy ra sau một thời gian mở rộng được gọi là “hạ cánh mềm”. Ngân hàng trung ương tìm cách tăng lãi suất vừa đủ để tránh hạ cánh cứng hoặc tỷ lệ thất nghiệp gia tăng nghiêm trọng trong khi ngăn nền kinh tế phát triển quá nóng.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn gần đây là “không phải là không thể tránh khỏi” một cuộc suy thoái, đồng thời nói thêm rằng “chúng ta đang ở vị thế hùng mạnh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới để vượt qua cuộc lạm phát này ”.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh chậm lại sẽ là chất xúc tác suy thoái trong những tháng tới do lãi suất cao hơn gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.
Theo Morgan Stanley , “hạ cánh mềm” vẫn có thể xảy ra, “nhưng khả năng này hiện tại có lẽ rất thấp.” Ngân hàng đầu tư này cho biết trong một ghi chú gần đây rằng hầu hết các mô hình kinh tế lượng hiện dự đoán một cuộc suy thoái với xác suất 60%, tăng từ xác suất 30% trước đó.
Chưa có dấu hiệu suy thoái thị trường lao động vì số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp vẫn phù hợp với mức độ trước đại dịch. Tuy nhiên, ông Moore chỉ ra rằng cuộc chiến để giảm lạm phát có thể gây ra “sự suy giảm tạm thời” trong lực lượng lao động. Sức mua đã bắt đầu suy yếu do mức tăng tiền lương không theo kịp với lạm phát.
‘Hạ cánh cứng’
Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất chuẩn lên 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng Sáu của họ và kỳ vọng trung bình của các nhà hoạch định chính sách là lãi suất vào cuối năm nay ở mức 3.4% .
Theo ông Desmond Lachman, nhà kinh tế học và là thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, thì lịch sử sẽ không đánh giá Fed tử tế vì họ có khả năng đưa nền kinh tế vào một cuộc hạ cánh khó khăn bằng cách hãm chính sách tiền tệ quá đột ngột.
Ông Lachman nói với The Epoch Times, sự sụt giảm đồng thời của thị trường chứng khoán, trái phiếu và mã kim kể từ đầu năm đã dẫn đến việc bốc hơi gần 15 ngàn tỷ USD, tương đương 70% GDP của Hoa Kỳ, trong tài sản hộ gia đình.
Đây là một lý do khác khiến người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu mạnh mẽ. Theo ông Lachman, quy tắc tính toán phỏng đoán của Fed đề xuất các gia đình cắt giảm chi tiêu 4 xu cho mỗi dollar tài sản bị mất.
Trong một bài xã luận gần đây, ông dự đoán rằng giá trị tài sản sụt giảm có thể khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu của họ 3 điểm phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Ông Jim Glassman, nhà kinh tế trưởng về ngân hàng thương mại tại JPMorgan Chase, cũng nói rằng việc tăng lãi suất sẽ không giải quyết được vấn đề lạm phát “mà không gây hại cho nền kinh tế rộng lớn hơn”.
Tuy nhiên, ông có cách tiếp cận vấn đề lạm phát khác với nhiều nhà kinh tế học, những người quy kết rằng cung tiền quá mức và kích thích của chính phủ là nguyên nhân chính gây ra lạm phát. Theo ông Glassman, áp lực giá cả hiện nay chủ yếu là kết quả của các vấn đề từ phía cung hơn là phía cầu, và chúng sẽ giảm dần theo thời gian.
Ông nói trong một podcast gần đây: “Chúng ta đang chi tiêu nhiều hơn một chút cho hàng hóa và ít hơn một chút cho dịch vụ so với trước đại dịch. Và đó có lẽ là lý do tại sao chúng ta đang thấy áp lực lên chuỗi cung ứng và hệ thống vận chuyển.”
Sau quyết định về lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell liên tục phát đi tín hiệu rằng việc tạo ra một “cuộc hạ cánh mềm” ngày càng trở nên khó khăn.
Ông Powell nói với các phóng viên: “Điều đang trở nên rõ ràng hơn là nhiều yếu tố mà chúng tôi không kiểm soát sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc khiến điều đó có thể xảy ra hay không.”
Ông dự đoán tăng trưởng kinh tế “khá mạnh” trong nửa cuối năm nay bất chấp những dấu hiệu cho thấy thị trường nhà ở đang thoái trào và đầu tư doanh nghiệp chậm chạp.
Trong tháng Sáu, hoạt động của nhà máy ghi nhận mức tăng trưởng yếu nhất trong gần hai năm. Chỉ số PMI sản xuất Hoa Kỳ của S&P Global, đo lường hiệu quả hoạt động của lĩnh vực sản xuất, đã giảm xuống 52.4 trong tháng Sáu từ mức 57.0 trong tháng Năm, thấp hơn nhiều so với dự báo của thị trường.
Dữ liệu thấp hơn dự kiến cho thấy lạm phát tăng cao, thiếu hụt nguyên liệu, và sự chậm trễ của nguồn cung đang bắt đầu ảnh hưởng nặng nề hơn đến hoạt động kinh tế.
Một sự thất vọng khác là chỉ số PMI dịch vụ Hoa Kỳ của S&P Global, đo lường các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, bao gồm cả tiêu dùng, truyền thông, tài chính và bất động sản, giảm mạnh. Chỉ số này đã giảm xuống 51.6 trong tháng Sáu từ mức 53.4 trong tháng Năm, do lượng đơn đặt hàng mới và doanh số bán hàng giảm.
Mặc dù các nhà phân tích khẳng định rằng nền kinh tế tiếp tục hoạt động tốt, nhưng họ đang cắt giảm các dự báo tăng trưởng để giải thích cho sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động sản xuất và dịch vụ. Họ cũng dự báo chi tiêu của người tiêu dùng, niềm tin và đầu tư kinh doanh sẽ giảm mạnh khi các điều kiện tài chính thắt chặt.
Trong khi đó, lợi nhuận của công ty vẫn ổn định. Họ vẫn chưa bị ảnh hưởng, gây nghi ngờ về độ tin cậy của các dự báo suy thoái sắp xảy ra.
Ông Moore nói: “Tôi nghĩ, quý vị sẽ thấy lợi nhuận đột ngột giảm, trong những tháng tới.”
Theo ông Moore, hàng ngàn tỷ dollar bị mất trong giá trị cổ phiếu, đã biểu hiện cho một đòn giáng sắp tới lên lợi nhuận của các công ty.
Ông nói thêm, việc bán tháo trên thị trường chứng khoán chính là đang “đè bẹp các khoản tiết kiệm của người Mỹ. Đó là một lý do khác khiến tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn, bởi vì mọi người đang hết tiền.”
Bà Emel Akan viết về kinh doanh và kinh tế. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.