Cảnh sát Liên bang Úc: Quầy dịch vụ công an của Bắc Kinh ở Sydney ‘không hoạt động’
Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc: Họ là ‘những người ngây thơ và đơn giản là không biết gì’
Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) nói rằng họ không tin là công an Trung Quốc đang điều hành một “đầu mối liên lạc” đang hoạt động ở Sydney.
Tháng trước có thông tin tiết lộ rằng các quan chức Trung Quốc đã và đang điều hành một quầy dịch vụ công an ở hải ngoại tại Sydney kể từ năm 2018.
Theo đài truyền hình Úc (ABC) đưa tin, “đầu mối liên lạc” này do Sở Công an Thành phố Ôn Châu, Trung Quốc thành lập.
Tiết lộ này được đưa ra sau báo cáo tháng Chín của tổ chức nhân quyền quốc tế Safeguard Defenders, có nhan đề “110 Hải Ngoại: Kiểm Soát Xuyên Quốc Gia Của Trung Quốc Đã Trở Nên Điên Cuồng” (pdf), trong đó cảnh báo ĐCSTQ đã thiết lập tối thiểu 54 ‘trung tâm dịch vụ công an hải ngoại’ do cảnh sát điều hành rải rác khắp năm châu lục.”
Theo như báo cáo trên, mặc dù bề ngoài các quầy dịch vụ này phục vụ cho mục đích hành chính, chẳng hạn như gia hạn giấy phép lái xe Trung Quốc và giải quyết các tài liệu chính thức, nhưng ẩn sâu bên trong thì họ có “mục tiêu thâm độc hơn” là giúp công an Trung Quốc hoạt động tại các quốc gia khác, bao gồm cả việc “thuyết phục” Hoa kiều ở hải ngoại về Trung Quốc để đối mặt với các cáo buộc hình sự.
Phó Ủy viên AFP: ‘Tôi không tin là đầu mối đó đang hoạt động’
Ông James Paterson, Bộ trưởng về Chống Can thiệp Ngoại quốc thuộc đảng đối lập, đã hỏi các sĩ quan của Lực lượng Cảnh sát Liên bang Úc về quầy dịch vụ công an hải ngoại tại Sydney trong phiên điều trần phỏng định của Thượng viện hôm 08/11 tại Canberra.
Ông Ian McCartney, Phó Ủy viên của AFP, nói với ủy ban rằng ông đã biết về báo cáo trên, nhưng ông không có bất kỳ mối lo ngại nào về đầu mối liên lạc ở Sydney.
Ông Paterson hỏi, “Không biết có phải vì sự hiện diện này đã được cho phép, một thỏa thuận hợp tác với AFP, hay là bởi vì quý vị không lo lắng vì quý vị không tin trạm dịch vụ đó đang hoạt động?”
“Tôi không tin là đầu mối đó đang hoạt động,” ông McCartney đáp, từ chối cho biết thêm liệu đầu mối đó đã hoạt động trước đó hay chưa.
“Về công việc chúng tôi làm trong phạm vi chống lại sự can thiệp của ngoại quốc, công việc này sẽ không dừng lại. Chuyện này vẫn đang tiếp diễn, và tôi không chuẩn bị cho một phiên điều trần công khai để trình bày chi tiết về những vấn đề trên.”
Phát ngôn viên của AFP đã nói với The Epoch Times hồi tháng trước rằng cơ quan này không có bình luận gì về vấn đề trên.
Các sĩ quan cao cấp của AFP đã đồng ý rằng nếu công an Trung Quốc vận hành đầu mối liên lạc này mà không thông báo cho AFP, thì chính là vi phạm thỏa thuận song phương.
Ủy viên AFP Reece Kershaw trình bày tại phiên điều trần, “Chúng tôi có một MoU (biên bản ghi nhớ) với MPS (Bộ Công An), và nếu một trong hai bên vượt ra ngoài giới hạn thì Biên bản ghi nhớ đó xem như hủy, và sau đó chúng tôi sẽ ngừng hợp tác.”
“Khi gặp gỡ với MPS ở Ấn Độ tại Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế), chúng tôi đã biết các quy tắc này, và phía MPS cũng vậy.”
Chuyên gia quốc phòng: Đã đến lúc cần đánh giá sự hợp tác của AFP với Bắc Kinh
AFP từ lâu đã có mối quan hệ mật thiết với đối tác Trung Quốc.
Trong khi hiệp ước dẫn độ của Úc với Trung Quốc bị hoãn vào năm 2017 vì những lo ngại về nhân quyền, nhưng cùng năm đó, AFP đã ký một số thỏa thuận với Bộ Công An Trung Quốc về việc nhắm mục tiêu đến tội phạm xuyên quốc gia và hợp tác song phương.
Vào năm 2018, AFP đã ký một biên bản ghi nhớ với Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc về “việc hợp tác giữa lực lượng chấp pháp về chống tham nhũng.”
Vào năm 2019, AFP tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác với công an Bắc Kinh.
Ông Michael Shoebridge, giám đốc kiêm Giám đốc điều hành chương trình An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc, cho biết việc AFP “không quan tâm” đến các quầy dịch vụ công an hải ngoại của Bắc Kinh tại Úc khiến ông không yên tâm.
Ông Shoebridge cho biết trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times, “Việc những đồn cảnh sát như vậy đang được công an Trung Quốc vận hành tại Úc cũng như các trung tâm này có tác dụng đe dọa và giám sát công dân Trung Quốc ở đây cùng với công dân Úc rất có thể là sự thật.”
“Có một nguy cơ đó là AFP đang quá xem trọng mối quan hệ giữa cảnh sát-với-cảnh sát mà họ đang có với Bộ Công an Trung Quốc, cho nên mới miễn cưỡng hành động hoặc phát ngôn theo những cách có thể gây rủi ro cho sự hợp tác đó.”
“Đã đến lúc cần đánh giá lại sự hợp tác trong việc trị an này vì Bộ Công an là cánh tay chủ chốt để trấn áp nội bộ bên trong Trung Quốc và giờ đây rõ ràng đã được chứng minh là cũng có một vai trò cưỡng chế trên trường quốc tế.”
Phó Ủy viên McCartney cho biết AFP sẽ tham khảo ý kiến của các bộ phận khác trước khi đưa ra quyết định khi ông Paterson hỏi liệu Biên bản ghi nhớ với Bắc Kinh có được gia hạn khi được thẩm định vào năm 2023 hay không, cân nhắc tới mối bang giao Úc-Trung đã xấu đi kể từ đại dịch COVID-19.
Ông McCartney cho biết, “Như quý vị nói, bây giờ môi trường đã khác rồi.”
Các nhà chức trách đang điều tra quầy dịch vụ công an hải ngoại của Bắc Kinh tại quốc gia của mình, bao gồm Đức, Ireland, Tây Ban Nha, Canada, và Hà Lan, nơi mà một nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc 20 tuổi bị đe dọa bởi một nhà ngoại giao Trung Quốc bị tình nghi đã cầm một con dao đột nhập vào nhà của anh ấy.
Chuyên gia Trung Quốc: ‘Những người ngây thơ và đơn giản là không biết gì’
Tuy nhiên, lời bình luận của ông McCartney rằng “đầu mối liên lạc” ở Sydney đã không hoạt động đã vấp phải những lời chỉ trích gay gắt từ những người am tường về Trung Quốc.
Tiến sĩ Tần Tấn (Chin Jin), Chủ tịch Liên đoàn Vì một Trung Quốc Dân Chủ (hay Mặt trận Dân chủ Trung Quốc) có trụ sở tại Sydney, đã nói với The Epoch Times trong một thư điện tử, “Phó Ủy viên Úc này chỉ biết về cảnh sát Úc, chẳng biết gì về cảnh sát Trung Quốc, chẳng biết gì về Trung Quốc, chứ đừng nói đến chính trị.”
“Phó ủy viên sẽ không nhìn thấy được bản chất thật của tình trạng hoạt động đó đâu. Những gì mà ông ấy có thể nhìn chỉ là giả tướng nhạt nhòa.”
Ông Tần cho biết điều này là do sự khác biệt giữa những người sống dưới các chế độ chính trị khác nhau ở phương Đông và phương Tây. “Những người sống ở các quốc gia tự do phương Tây đang trở nên rất thiếu cảnh giác do cuộc sống đầy đặc quyền của họ.”
Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra trước đó đã phủ nhận sự tồn tại của “đầu mối liên lạc” tại Sydney nói trên.
“Tất cả những người đang giúp đỡ đều là tình nguyện viên không cần trả tiền,” một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc nói với đài ABC. “Họ không phải là sĩ quan cảnh sát Trung Quốc, cũng không phải là nhân viên do các quan chức của lực lượng cảnh sát Trung Quốc cử đến. Họ chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ, tham gia vào các hoạt động điều tra tội phạm hoặc các hoạt động chấp pháp khác.”
Ông Tần, Tiến sĩ Khoa học Xã Hội tại Đại học Sydney, chỉ trích AFP vì tin vào tuyên bố đó của đại sứ quán.
“[Họ] đúng là những người ngây thơ. Đơn giản là không biết gì,” ông cho biết. “Bắc Kinh đã thâm nhập vào phương Tây một cách âm thầm.”
“Các Viện Khổng Tử, phương tiện truyền thông Trung Quốc và các cộng đồng người Trung Quốc, doanh nghiệp, học viện, truyền thông, và thậm chí cả chính trường ở Úc đều là mục tiêu xâm nhập của ĐCSTQ.”
Ông cho rằng AFP đã tin vào tuyên bố trên một cách ngây thơ.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times