Cảnh sát Liên bang Úc mời công an Trung Quốc dự cuộc họp hợp tác trong khi chấm dứt thỏa thuận với Bắc Kinh
Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) đã mời công an Trung Quốc đến Úc để tham dự một cuộc họp hợp tác thực thi pháp luật đồng thời xác nhận rằng họ sẽ chấm dứt một thỏa thuận với Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền.
“Nhận lời mời của Cảnh sát Liên bang Úc, từ ngày 25 đến ngày 28/04/2023, Bộ Công an Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cử một phái đoàn đến thăm Úc để tổ chức cuộc họp thường niên lần thứ 10 về Nhóm Làm việc Hợp tác Thực thi Pháp luật Trung Quốc-Úc với Cảnh sát Liên bang Úc,” một tuyên bố bằng tiếng Trung trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc cho biết.
“Trong bầu không khí nồng ấm và thiết thực, hai bên đã xem xét và tóm tắt tình hình hợp tác thực thi pháp luật Trung Quốc-Úc kể từ cuộc họp lần trước, phân tích sâu sắc tình hình tội phạm xuyên quốc gia, và đạt được sự đồng thuận rộng rãi về hợp tác thực thi pháp luật song phương cho năm tới. ”
Theo tuyên bố trên, hai bên đã thực hiện thành công một số chiến dịch đặc biệt chống tội phạm xuyên quốc gia và trấn áp các băng nhóm tội phạm. Hai bên cũng đồng ý hợp tác trong các lĩnh vực sau:
- Duy trì liên lạc ở cấp cao và cấp nhóm làm việc.
- Tăng cường hợp tác thực thi pháp luật trong chống tội phạm kinh tế.
- Tăng cường hợp tác trong trấn áp gian lận mạng và gian lận viễn thông.
- Tăng cường hợp tác thực thi pháp luật an ninh mạng.
- Tăng cường hợp tác trong chống tội phạm ma túy.
.
Trong thời gian ở Úc, phái đoàn Trung Quốc cũng đã liên lạc với Cảnh sát New South Wales về “chống gian lận viễn thông, lừa đảo bắt cóc qua mạng (virtual kidnapping), và bảo vệ an toàn cá nhân và tài sản của Hoa kiều và các tổ chức do Trung Quốc tài trợ.”
Cảnh sát Liên bang Úc sắp chấm dứt thỏa thuận với Trung Quốc
Điều này xảy ra chỉ một tháng trước khi AFP xác nhận sẽ không gia hạn một thỏa thuận đã ký với Trung Quốc trong bối cảnh các nhóm nhân quyền quốc tế lo ngại về vấn đề nhân quyền.
Các quan chức AFP nói với Thượng viện hôm 25/05 rằng cơ quan này sẽ không gia hạn biên bản ghi nhớ (MOU) đã ký với Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc (NCS) hồi tháng 12/2018. Biên bản này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Khi được Thượng nghị sĩ James Paterson hỏi về quyết định của AFP, ông Ian McCartney, Phó Ủy viên AFP, cho biết đã có sự thay đổi trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc.
“Trên thực tế, chúng tôi không thấy cần phải tiếp tục bản ghi nhớ đó,” ông McCartney nói. “Liên quan đến công việc mà chúng tôi đang làm, có sự trao đổi tối thiểu với cơ quan đó.”
Biên bản ghi nhớ của Úc với Trung Quốc từ lâu đã khiến các nhóm nhân quyền lo ngại. Các nhóm này cáo buộc rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng thiết lập tính hợp pháp của cơ quan giám sát quốc gia của mình nhờ vào tư cách là một đối tác pháp lý toàn cầu thông qua các thỏa thuận hợp tác như vậy.
.
Theo Safeguard Defenders, một nhóm nhân quyền quốc tế, ở Trung Quốc, NCS chịu trách nhiệm về “chiến dịch Săn Cáo” (FoxHunt operation) gây phẫn nộ của ông Tập Cận Bình trên 120 quốc gia và khu vực, vi phạm chủ quyền quốc gia và tư pháp của các quốc gia trên toàn thế giới, đồng thời phạm tội ác phản nhân loại thông qua hệ thống Liuzhi (giam giữ biệt lập) của họ để thực hiện các vụ mất tích cưỡng bức.
Dựa trên một báo cáo có nhan đề “Đàn áp xuyên quốc gia là một mối đe dọa ngày càng tăng đối với nền dân chủ toàn cầu”, do Freedom House công bố hồi tháng 02/2021, ĐCSTQ đang tìm cách thay đổi các chuẩn mực quốc tế dưới danh nghĩa “chiến dịch Săn Cáo”, mở rộng mục tiêu nhắm vào các đối thủ chính trị và những người bất đồng chính kiến trên toàn thế giới.
Năm 2014, ông Dong Feng, cư dân Melbourne, một học viên Pháp Luân Công 一 một môn tu luyện tinh thần bị bức hại ở Trung Quốc 一 đã bị cảnh sát Trung Quốc “thuyết phục” trở về Trung Quốc để đối mặt với tòa án.
Các quan chức Úc đã không được thông báo trước về vấn đề này, điều đó đã buộc chính phủ của cựu Thủ tướng Abbott phải triệu tập các nhà ngoại giao Trung Quốc để gặp gỡ và để các quan chức bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc” của họ về chiến dịch bí mật “không thể chấp nhận được” này.
Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc đào tẩu sang Úc vào năm 2005, đã hoan nghênh sự thay đổi này.
“NCS thực sự là một tên gọi khác của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) … làm việc với AFP với tư cách là một cơ quan của đảng,” ông nói với The Epoch Times hôm 29/05. “Chiến dịch săn Cáo của ĐCSTQ không chỉ để bắt các quan chức tham nhũng, mà quan trọng hơn là nhắm vào những người chỉ trích.”
“Mặc dù Biên bản ghi nhớ là về hợp tác chống tham nhũng, nhưng các quan chức Trung Quốc rất giỏi tham nhũng trong quá trình hợp tác.”
Chuyên gia quốc phòng lo ngại về sự thân mật của AFP với Bắc Kinh
Mối quan hệ thân mật của AFP với công an Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích của chuyên gia quốc phòng Michael Shoebridge.
.
“Mối quan hệ giữa AFP và các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc hiện không còn phù hợp với những thay đổi trong hành vi và sự chỉ thị của nhà nước Trung Quốc trong 5 năm qua,” ông Shoebridge, người điều hành Phân tích Chiến lược Úc, trước đây đã nói với The Epoch Times. “Đó là một mối quan hệ ngành công an phải được đánh giá lại.”
“Điều đó được thể hiện qua sự hiện diện mới được phát hiện gần đây của các hoạt động ‘tiếp cận cộng đồng cảnh sát ngoại quốc’ của Trung Quốc tại hơn 80 thành phố trên khắp thế giới, trong đó có Úc,” ông nói, đề cập đến báo cáo năm 2022 của Safeguard Defenders mang tên “110 đồn công an ở hải ngoại: Hoạt động của lực lượng công an xuyên quốc gia của Trung Quốc đã trở nên mất kiểm soát.”
Mặc dù bề ngoài các cơ sở này phục vụ các mục đích hành chính, chẳng hạn như gia hạn giấy phép lái xe của Trung Quốc và giải quyết các tài liệu chính thức, nhưng họ có một “mục tiêu thâm độc hơn, vì những đồn này góp phần ‘kiên quyết trấn áp mọi loại hoạt động phạm pháp và tội phạm liên quan đến người Hoa ở hải ngoại,’” báo cáo của Safeguard Defenders cho biết.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times